View Single Post
Old 01-01-2011, 05:33 PM   #5
Hồ sơ
duonghoanghiep
Hội CHS
 
duonghoanghiep's Avatar
 
Tham gia ngày: Oct 2004
Tuổi: 45
Số bài viết: 1,656
Tiền: 25
Thanks: 277
Thanked 3,020 Times in 679 Posts
duonghoanghiep is an unknown quantity at this point
Default Ðề: Phát ngôn và hành động: "Đỉnh" và "Đáy" của năm 2010

Đỉnh bi thương, bất trắc gặp đáy của bất tín, bất nghi

Năm 2010 rồi sẽ qua, nhưng trong lịch sử bão lũ, chắc chắn cơn lũ dữ miền Trung sẽ được nhắc nhớ đến như một cái đỉnh của bi thương và bất trắc mà con người phải đối mặt, phải chịu đựng, trả giá và cuối cùng phải gắng vượt lên.
Bi thương, vì không dưng, bỗng nhiên hơn 100 con người vô tội một đêm tỉnh dậy, thấy 3 bên 4 bề là lũ, lũ và lũ... Để rồi chỉ sơ sểnh một chút họ đã về thế giới bên kia. Bi thương, vì không dưng bỗng nhiên có rất nhiều con người bất đắc dĩ phải thực hành bài học lịch sử- làm người nguyên thủy, sống trong hang đá, ăn thịt con vật đã chết, để tìm sự sống. Sự sống vốn bao dung, mà sự sống sao cũng quá khắc nghiệt.
Bất trắc, chỉ vì chủ quan, phiêu lưu và ngông cuồng, mà Trần Văn Trường, kẻ lái xe coi mạng hành khách "nhẹ ngàn cân" đã bất lực để lũ cuốn trôi chiếc xe xuống sông Lam (Nghi Xuân- Hà Tĩnh) để lũ cuốn theo 20 con người vô tội. Khi Trường nhận ra sự ngông cuồng của mình thì đã quá muộn. Cái chết tức tưởi của 20 hành khách để lại trong lòng người thân của họ, đồng bào cả nước, nỗi xót thương và sự bất bình căm phẫn. Có lẽ, giờ đến lượt nỗi ân hận ở lương tâm Trường mới là lúc "ngông cuồng".

Trục vớt xe bị nước lũ cuốn trôi.
Nhưng sự ghê gớm và nghiệt ngã của cơn lũ dữ 2010 còn ở chỗ này: Nó thách thức cao nhất phẩm cách, bổn phận người cán bộ với đồng bào mình. Thử thách cao nhất sự nhân ái, sự tín nghĩa của con người với con người. Trong cuộc thử thách bất ngờ của thiên tai ấy, có những cán bộ thuộc bài, có cán bộ bị điểm liệt (điểm 0). Có những con người lao động mang tấm lòng vàng 10, và ngược lại, có không ít kẻ đại gia mang tấm lòng vàng... mỹ ký.
Cơn lũ dữ vô tình lại như một hình ảnh đối nghịch oái oăm, thử thách cái tầm, cái tâm của Hà Nội, đúng lúc Thủ đô chuẩn bị kỷ niệm Đại lễ. Khỏi nói, trên mạng Internet, trên các blog cá nhân, sự tranh cãi phân cực về Đại lễ, không xuất phát từ túi tiền của Thủ đô, mà xuất phát từ cảnh ngộ thương tâm của người dân miền Trung.
"Chờ đợi mãi, cuối cùng anh cũng....nói" (ý thơ Hoàng Nhuận Cầm). Bí thư Thành ủy HN Phạm Quang Nghị trong cuộc trả lời phỏng vấn với báo giới cho biết Thủ đô quyết định dừng bắn pháo hoa tối 10-10 (trừ 1 điểm tại Mỹ Đình), lấy tiền- 5 tỷ đồng- ủng hộ đồng bào miền Trung. Mọi sự tranh luận của mạng ảo như chùng hẳn xuống, giải tỏa.
Cũng tiếc thay, trong cuộc thử thách của thiên tai, có cán bộ đã bị điểm liệt. Đó là trường hợp ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch xã Đức Lạc (Đức Thọ- Hà Tĩnh). Mặc dù ca nô của lực lượng công an đến tận nhà đón ông đi cùng để cứu dân, nhưng ông đã từ chối, với một câu nói hồn nhiên: "Anh thông cảm, mẹ tôi đau nặng, nhà ngập và nước vào sâu, mong anh xem xét". Có thể ông Tuấn là một người con thật sự có hiếu với mẹ. Nhưng lại là người cán bộ "bất hiếu" khi thật sự vô tình với dân. Ông đã bỏ mặc dân trong thời khắc người dân cần đến cán bộ hơn lúc nào hết.
Dù vậy, việc bỏ rơi dân vì lợi ích riêng, như trường hợp cán bộ Tuấn không khiến người dân sốc và ngạc nhiên. Bởi trong đời sống xã hội hiện đại này, hình như có không ít cán bộ đã hành xử như vậy. Ở góc độ nào đó, cán bộ Tuấn còn đáng được ghi điểm thật thà. Bởi có những cán bộ không bỏ dân công khai như ông Tuấn, mà bỏ dân... bí mật, vì lợi ích riêng mình. Thế mới có câu nói trở thành thành ngữ hiện đại: "Nói vậy, mà không phải vậy".
Nhưng vẫn có rất nhiều những người dân, người cán bộ nói vậy, và làm vậy. Họ là cụ bà Trần Thị Quyên đã 81 tuổi, lụm cụm đến tòa soạn một tờ báo để góp 1 triệu đồng- số tiền lương hưu cụ vừa lĩnh. Cụ bảo đọc báo không cầm được nước mắt trước cảnh tang thương của đồng bào nên vừa lĩnh lương hưu xong là bắt xe ôm từ Thủ Đức (TP. HCM) đến ngay.
Có hàng triệu triệu lượt con người, cán bộ, sĩ quan, cựu chiến binh, nhà giáo... trong cả nước có tấm lòng giàu có như cụ Quyên, với mức độ đóng góp khác nhau. Có hàng nghìn doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong cả nước có tấm lòng giàu có như cụ Quyên. Đó là những tấm lòng vàng 10, và đồng tiền của họ cũng thấm đẫm mồ hôi lao động. Điều đó, hẳn cũng làm ấm lòng, cũng an ủi được ít nhiều những khổ đau mà người dân miền Trung đang phải gánh chịu.
Đỉnh điểm của bi thương dẫn đến đỉnh điểm của sự từ thiện. Có điều, cuộc sống không bao giờ hiểu hết chữ Ngờ. "Đêm hội Hoa hậu Trái đất và doanh nhân hướng về miền Trung" được tổ chức và được Đài truyền hình VN phát trực tiếp tối 11-11, khi vỡ lở sự thật, lại cho thấy cái đáy rỗng của sự bất tín, bất nghì.
Bất tín, bất nghì, vì kết quả đấu giá bán tại chỗ 4 vật phẩm được quảng cáo là cực kỳ quý giá- lên tới 74 tỷ đồng, thực ra chỉ là kết quả ảo. Ban Tổ chức thu được duy nhất ...100 triệu đồng của một công ty TNHH và vài triệu đồng của các cá nhân.
Duy nhất bộ "Tứ linh hội tụ" bằng gỗ lũa hóa thạch có người mua thật. Tuy nhiên thay vì số tiền 47,9 tỷ đồng, phía mua chỉ đồng ý quyên góp số tiền 1 tỷ đồng với lý do lãng xẹt- chủ nhân của vật phẩm trên đã tự ý di chuyển sản phẩm ra khỏi vị trí bán đấu giá. Hay họ cũng đã ngửi thấy cái trò "kẻ cắp", nên lập tức giở mẹo "bà già"?
Bất tín, bất nghì, vì hóa ra, không chỉ có các đại gia đấu giá ảo như một trò đùa độc ác, bất nhẫn, mà ngay cả Ban Tổ chức, sau những điều tra cặn kẽ, cụ thể của báo giới, cũng phơi bầy một sự thật khó tưởng tượng.
Ông Võ Ngọc Hà (SN 1978) - chủ nhân bộ "Tứ linh hội tụ" được đem ra đấu giá tới 47,9 tỷ đồng, (người tự cho mình là nạn nhân của vụ đấu giá ảo) vẽ hươu vẽ vượn khi kể lại hành trình ly kỳ ròng rã suốt 5 năm trời đi tìm bốn tứ linh "long, lân, quy, phụng", vẽ hươu vẽ vượn về duyên trời, lộc trời của bộ tứ linh. "Vì thế món quà này sẽ càng có ý nghĩa hơn khi cứu giúp những người bất hạnh".

Bộ tứ linh hội tụ.
Linh đâu không thấy, chỉ thấy sự thật là trò dối gian. Hành trình tìm bảo vật của ông Hà đã bị báo chí lôi ra ánh sáng, rằng đó chỉ là bịa đặt. Ông Hà đã bỏ tiền ra mua bốn "linh vật" với giá 20 triệu đồng, và dàn dựng "đấu giá từ thiện". Kết quả, ông cũng được 47,9 tỷ đồng... ảo! Đúng là cao nhân tất có cao nhân trị.
Sau những tài trợ sữa trẻ em quá đát, quần áo xi líp, xu chiêng rách chỉ có thể làm giẻ lau, là màn từ thiện quái chiêu và thất đức, người dân miền Trung sẽ cảm nhận thế nào về nghĩa đồng bào?
Các bậc tiền nhân, cha ông chúng ta xưa còn nghèo, nhưng luôn biết sống theo đạo lý "lá lành đùm lá rách", "bầu ơi thương lấy bí cùng". Vậy mà nay, có những đại gia giầu có bạc tỷ, mà tấm lòng lại là vàng mỹ ký. Chất lượng lượng cuộc sống cao, mà sao đạo lý lại tụt?
Đỉnh của thứ tha và nhân nghĩa...
Có một câu chuyện của một con người bé nhỏ, diễn ra vào thời khắc những tháng cuối năm, đã khiến con tim của những ai được chứng kiến vô cùng xúc động. Xúc động vì vẻ đẹp những giá trị tinh thần nhân văn ở nơi con người ấy, và vì thế người viết bài này xin chọn để làm cái kết cho mục Phát ngôn và hành động năm 2010.
Đó là ông Vũ Minh Tằng, một chiến sĩ cách mạng bị lao tù tại Phú Quốc, vừa có chuyến vi hành trở lại nơi đây, để gặp lại Bảy Nhu, nguyên thượng sĩ, cai ngục tại nhà tù Phú Quốc năm xưa, một cai ngục được mệnh danh là "Ác Quỷ". Bảy Nhu đã từng đích thân bẻ gẫy cả 9 cái răng của ông Tằng, bắt ông nuốt cả răng và máu, đập vỡ đầu gối và dùng đinh sắt dài hàng chục cen ti met đóng vào đó, bắt ông vê cơm lẫn phân và máu để ăn...
Số phận khốc liệt đã cho họ gặp mặt ở cả 2 thì: Quá khứ và Hiện tại. Quá khứ là người tù cộng sản kiên trung và cai ngục tàn ác. Hiện tại là 2 công dân chung sống dưới một bầu trời. Quá khứ là tuổi trẻ đầy niềm tin vào lý tưởng yêu nước, trực diện với tuổi trẻ cuồng ngông của thân phận tay sai. Hiện tại là cả hai con người tóc đã bạc, da đã mồi, đều đứng ở bên kia dốc cuộc đời để ngẫm nghĩ về lẽ nhân sinh của kiếp người.
Quá khứ, người kia là nỗi kinh hoàng của người này. Hiện tại, người này là nỗi kinh hoàng của người kia. Quá khứ, ngục tù là cuộc sồng đầy ải của người này. Hiện tại, cuộc sống tự do giữa đồng loại mới là sự đầy ải của người kia. Người này, thân thể ốm đau. Người kia, tinh thần đau ốm, chết chưa tới mà sống cũng dở...
Sự gặp lại của 2 số phận khốc liệt ấy, có cây cầu nối là những tấm lòng. Có lẽ, trong sâu xa của những tấm lòng ấy, muốn thấy được sự hòa giải, sự thứ tha, để mỗi người trong cuộc gặp gỡ bất đắc dĩ của quá khứ, cuối cùng tìm thấy được sự bình yên trong hiện tại, sau rất nhiều những đêm dài mất ngủ. Người này vì những vết thương cơ thể bị tra tấn tàn khốc, và người kia vì những cơn đau hãi sợ với lương tâm.
Đương nhiên, sự hòa giải và thứ tha không thể đến ngay. Vì nỗi căm hận quả thật khó có gì so sánh, nếu ta biết được, những ngày xưa ấy, người chiến sĩ cách mạng Vũ Minh Tằng, đã từng lén bới phân của chính mình, tìm lại được 8 cái răng, và những chiếc răng ấy cùng ông suốt cuộc sống ngục tù, cho đến khi ông được trao trả sau Hiệp định Paris. Những chiếc răng luôn nhắc ông nỗi đau và nỗi hận thấu tim.
Ông Tằng đã rít lên và đã muốn đập chết kẻ tử thù ngay khi gặp lại. Thế nhưng, trực diện với ông giờ đây, bất ngờ, chỉ là sự thảm hại, sự cô độc, sự già nua và yếm thế. Và cái hình ảnh ấn tượng nhất với ông là kẻ tử thù ấy chìa ra cánh tay nhăn nheo, đầy những vết đồi mồi: "Tôi đây, ông đánh bao nhiêu thì cứ đánh". Cái sự bất lực của Bảy Nhu đã khiến ông Tằng trở nên ...bất lực!
Không biết 2 kẻ thù ấy đã nói với nhau những gì? Có lẽ chỉ những con sóng biển xanh và trời xanh Phú Quốc là nghe được. Chỉ biết cuối cùng, thật bất ngờ, ông Vũ Minh Tằng đột ngột rút ví tặng ông Bảy Nhu một ít tiền (phụ cấp bệnh binh): "Tôi có mấy đồng, để bác mua thêm một chén thuốc dưỡng bệnh. Đời tôi với bác bây giờ có sống được cũng chỉ là nhờ thuốc thang mà thôi".
Chỉ biết, sau câu nói ấy, cả 2 người đàn ông, người này 70, người kia 83 tuổi, đều khóc.
Sau tiếng khóc, tâm hồn họ bình yên...Cho dù, người này, là đỉnh trời, và người kia là đáy vực (mượn ý của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng)
Họ, người này cuối cùng đã thứ tha cho người kia. Tôi bỗng tin, đêm đó, sẽ là đêm bình yên đầu tiên của Bảy Nhu, trong những ngày còn lại của cuộc đời.
Khi tâm hồn con người ta bình yên, ấy là sự góp phần cho xã hội bình yên.
* * *
Năm 2011 đã đến. Cầu mong đó là một năm xã hội bình yên, an lành. Những tổn thương, mất mát niềm tin của con người về những cái Đáy tối tăm, bất tín bất nghì, rồi sẽ kéo da non. Bởi vẫn còn đây, những cái Đỉnh của trí tuệ, của văn hóa Việt, và của lòng nhân nghĩa Việt... rạng ngời và bất biến. Bất biến như câu ca dao của ông cha ta tự ngàn xưa: "Đừng than phận khó ai ơi/ Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây!"

Nguồn: Vietnamnet.vn
Source:http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/201...a-nam-2010-ii-
__________________
Mọi lý thuyết đều là màu xám. Chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi...
duonghoanghiep is offline   Trả Lời Với Trích Dẫn
Đã có thành viên gửi lời cám ơn đến duonghoanghiep vì bạn đã đăng bài:
Do Kim Thanh (02-01-2011)