View Single Post
Old 22-04-2008, 12:59 PM   #2
Hồ sơ
YourFriend
Senior Member
 
Tham gia ngày: Mar 2008
Số bài viết: 249
Tiền: 25
Thanks: 1,062
Thanked 243 Times in 107 Posts
YourFriend is on a distinguished road
Default Ðề: Thiền chữa trị thân tâm

Công thức Bốn chân lý cao cả được đặt cơ sở trên truyền thống y học. Chân lý thứ nhất (bệnh khổ) chỉ ra những triệu chứng hiện bày của một phiền não ẩn tàng. Sự có mặt của già và chết, lo sầu, khổ sở và tuyệt vọng cho thấy tất cả chúng đều thoát thai từ cùng một hoàn cảnh nền tảng: dukkha, khổ đau hay sự bất toại nguyện của thân phận con người. Một người chữa bệnh cũng như một người bệnh, không thể bắt đầu tiến trình chữa lành nếu không chẩn đoán căn bệnh. Chân lý thứ hai (những nguyên nhân của bệnh khổ) gợi ý vai trò của y sĩ như là người chẩn đoán. Chỉ khi hiểu nguyên nhân gây bệnh mới có thể chạy chữa. Phân tích của Phật pháp về tâm và thân cho thấy nguyên nhân là do tham muốn (tanhà). Chân lý thứ ba (hết bệnh khổ) là một tiên lượng đầy hy vọng: loại bỏ khao khát sẽ thành loại bỏ khổ, như sự lành bệnh thân tâm của Đức Phật dưới cội bồ đề, năng lực khỏe mạnh của Ngài hơn bốn mươi lăm năm sau đó của công cuộc thuyết pháp và cứu độ.
Chế độ chữa trị được trình bày trong chân lý thứ tư của Phật [con đường tám ngành (dẫn đến khỏe mạnh)] kèm theo đơn thuốc của nhiều loại điều trị. Có những khác biệt lớn trong những triệu chứng cá nhân của chỉ một loại bệnh: mỗi người bệnh biểu hiện những triệu chứng khác nhau trên tiến trình chữa trị, mạnh yếu khác nhau, có những thái độ khác nhau và ở trong những môi trường khác nhau. Y sĩ giỏi sẽ cảm nhận những tình huống riêng biệt và điều chỉnh chiến thuật một cách sáng tạo, dù ông ta vẫn rút ra từ những nguyên lý đã được chứng nghiệm và áp dụng một cách mềm dẻo. Suốt 2.500 năm, Phật giáo có sự đồng thuận chung về ba chân lý đầu (bệnh, nguyên nhân của bệnh, hết bệnh), nhưng có sự đóng góp và cách tân nhiều cách khác nhau vào sự thực hành chân lý thứ tư - nghệ thuật chữa lành chính mình.
Một cuộc bàn luận được kể lại trong kinh Màgandiya (Trường Bộ kinh) giữa Đức Phật và du sĩ Màgandiya về bản chất của sức khỏe. Có một người bị bệnh cùi, sự thống khổ cực độ của anh chỉ dịu bớt khi đốt tay chân bằng than đỏ. Anh tiếp tục cào gãi và đốt thân để có được sự nhẹ bớt tạm thời, dù hành động ấy làm cho hoàn cảnh anh tệ hơn, trầm trọng hơn. Dù mọi người khác đều cho lửa là gây đau đớn, chỉ có người bệnh cùi cho rằng lửa là nguồn thoát khổ. Thời gian sau, anh được chữa lành nhờ một y sĩ cho thuốc, lúc đó anh không còn thích đưa tay chân vào lửa nữa. Nếu những người mạnh nắm lấy anh và đưa anh đến gần lửa, anh sẽ chống cự dữ dội, vì bây giờ anh kinh nghiệm rằng lửa gây đau đớn.
Câu chuyện này được trình bày trong bối cảnh một đời trước của Đức Phật, khi Ngài là một hoàng tử, Ngài đã tìm sự nhẹ bớt khỏi những rắc rối trong cuộc sống bằng cách theo đuổi dục lạc. Từ sự thức tỉnh và cuộc đời từ bỏ sau đó, Ngài thấu hiểu rằng những theo đuổi như thế không bao giờ đem lại sự nhẹ bớt mà còn làm cho tình cảnh chúng ta xấu thêm. Một trong những bài học quan trọng từ những sự việc này là một sự hiểu biết tinh tế hơn về cái gọi là “sức khỏe”, và nó thích hợp với sự bàn luận của chúng ta về những viễn cảnh áp dụng Phật giáo vào lĩnh vực y học hiện đại.
Lời khuyên cho Màgandiya tập trung vào câu kệ sau đây: “Cái lớn nhất trong mọi sở đắc là sức khỏe, Niết bàn (sự chấm dứt khổ) là lạc phúc lớn nhất”. Du sĩ Màgandiya ca ngợi bài kệ này là có ý nghĩa vi diệu, nhưng Đức Phật tiếp tục hỏi Màgandiya nghĩ gì khi ông dùng chữ “sức khỏe”. Du sĩ bấy giờ “dùng tay xoa tứ chi mình và nói: “Sức khỏe là thế này… vì bây giờ tôi khỏe khoắn và hạnh phúc và không có gì làm phiền não tôi”. Bằng những loạt chuyện và những ẩn dụ khác trong đó có chuyện một người mù được một y sĩ chữa hết mù lòa, Đức Phật cẩn thận dắt dẫn Màgandiya đến một thấu hiểu sâu xa hơn về sức khỏe là gì. Nó không chỉ là không có khổ sở trong thân vào lúc đặc biệt nào đó, mà hơn nữa đó là một kinh nghiệm an lạc sâu xa khi tâm không còn bám víu vào vui hay khổ.
Bản thân sự đau đớn nơi thân không là yếu tố quyết định duy nhất cho việc có sức khỏe hay không, thậm chí kinh nghiệm vui sướng, do bản chất vô thường, cũng không bảo đảm cho thảnh thơi hạnh phúc. Theo nghĩa đầy đủ nhất, sức khỏe bao trùm một cảm thức toàn thể nguyên vẹn, bao gồm cả vui - khổ và không tùy thuộc vào có hay không khổ hay vui. Vẫn thường thấy có người bị bệnh kinh niên nhưng căn bản là khỏe mạnh và cũng có người theo đuổi thành công lạc thú nhưng căn bản là bệnh hoạn. Một thí dụ cho trường hợp trước là một người hài lòng, biết cách hài hòa, có cuộc sống đầy đủ nhưng có bệnh mãn tính; và trường hợp sau là một người nghiện, có những phút bay bổng nhưng với cái giá kinh khủng cho thân thể và cho phẩm giá làm người. Sự có mặt của đau đớn trong trường hợp đầu tự nó không đủ để xem người bệnh là không có sức khỏe; và kinh nghiệm lạc thú của trường hợp sau không đủ để xem người bệnh này là khỏe mạnh. Chính xác sức khỏe là như Đức Phật đã giúp Màgandiya hiểu ra, đó là một quan niệm rộng hơn chúng ta thường nghĩ. Đức Phật khuyên Màgandiya “thực hành phù hợp với Chánh pháp”, một câu nói bao gồm cả đạo đức, thiền định và thiền quán. Ở trung tâm của phương thức chữa lành không phải là một loại thuốc đặc biệt nào, mà là sự thấu hiểu rằng nhiều thứ dùng để làm nhẹ đi trước kia chỉ là “những trò vô bổ” làm tệ hại thêm khối phiền não. Điều thiết yếu là Màgandiya đã tự thấu hiểu điều này, chỉ khi ấy ông mới có thể tháo gỡ sự bám víu vốn là gốc của khổ đau. Như kinh nói: "Khi thực hành theo Chánh pháp, ông sẽ tự biết và thấy như vầy: Đấy là những trò vô bổ; nhưng ở đây chúng dứt diệt không còn chút dấu vết. Với sự dừng diệt bám víu… buồn phiền, thống khổ, đau đớn, sầu muộn và tuyệt vọng dừng diệt. Đó là sự dừng diệt của toàn bộ khối khổ đau”.
Đức Phật nhận rõ bám víu, nắm giữ là thói quen đáp ứng của chúng ta đối với tham muốn và khao khát, cũng là nguyên nhân bệnh tật của chúng ta. Bám vào sự tiếp tục của lạc thú hay bám vào sự ngừng diệt của đau đớn đều không tránh khỏi dẫn đến khổ đau. Bởi vì những đối tượng của mọi bám luyến trong bản thân chúng đều biến đổi, không thỏa mãn, và rốt ráo không phải là một cái gì chúng ta có thể thực sự sở hữu. Điều đáng chú ý nơi sự phân tích này là nó phát hiện khá chính xác cái điểm nơi đó hoạt động thân tâm tự nhiên của con người chuyển đổi thành bệnh tật. Nội dung của kinh nghiệm chúng ta hoàn toàn lành mạnh - quang cảnh và âm thanh, hương, vị, xúc giác làm nên dữ kiện cho thế giới kinh nghiệm của chúng ta thì tự chúng không bao giờ là những nguyên nhân của khổ đau. Tương tự, những tư tưởng và những tri giác chỉ gởi những thông tin để biết, chúng không vui hay khổ. Tất cả chúng đều bình thường (vâng, thậm chí cả kinh nghiệm đau đớn). Nhưng chúng ta đáp ứng kinh nghiệm như thế nào, chúng ta đầu hàng đến mức độ nào động lực theo đuổi lạc thú và trốn tránh đau đớn bằng cách bám víu theo mọi cách - đấy là điểm cốt tử quyết định hoặc chúng ta khổ đau hoặc được tự do chỉ tỉnh giác với kinh nghiệm đủ loại. Chính trong nghĩa này mà một số các vị thầy hiện đại nói, “Đau đớn thì không thể tránh, nhưng khổ não thì có thể chọn lựa”.
Theo truyền thống, việc người ta đáp ứng như thế nào với kinh nghiệm (đau đớn hay vui thích, mạnh hay yếu) tùy thuộc vào sự có mặt - trong mỗi khoảnh khắc - của những yếu tố vô minh hay trí tuệ. Thực hành Phật giáo là học nhiều cách để vượt qua hoặc né tránh sức mạnh của vô minh tiềm ẩn và dần dần xây dựng những cái thấy và thức tỉnh nhỏ để khai mở trí tuệ. Với sự tiến bộ này, chúng ta càng ngày càng khéo léo hơn trong công việc thách thức là học sống thoát khỏi khổ đau.
YourFriend is offline   Trả Lời Với Trích Dẫn