View Single Post
Old 29-06-2009, 10:51 PM   #29
Hồ sơ
DeMen
Administrators
 
DeMen's Avatar
 
Tham gia ngày: Feb 2005
Cư ngụ: Noitacol
Tuổi: 38
Số bài viết: 2,266
Tiền: 25
Thanks: 370
Thanked 912 Times in 460 Posts
DeMen is an unknown quantity at this point
Default Ðề: Về trường cũ: lãng nhách?

Đương lẩn thẩn nghĩ về đề tài thầy cô cho ngày truyền thống, đọc lại 1 entry cũ của gần 2 năm về trước. Post lên đây, để dành ...

*******

Entry muộn cho một ngày Nhà giáo khác mọi năm


20/11 năm nào cũng bận rộn, vì lịch chạy show kín mít. Thích được về thăm thầy cô cũ, chuyện trò huyên thuyên, nghe lại những lời nói đùa quen thuộc từ thủa còn cắp sách đến trường ở cái thị xã nhỏ bé bình yên này. Có khi gặp những đứa em khoá sau, với tất cả những rụt rè, những nói cười tươi rói. Như được nhìn lại chính mình của những ngày xa xăm ấy.


20/11 năm nay, không hẹn hò, không tụ tập, cũng không đi đủ cả 4 cô như thường lệ. Chỉ ghé 2 cô, vào 2 ngày thứ bảy trước và sau lễ. Tối qua ghé về thăm cô Nên, trong một buổi tối thứ bảy vắng lặng, cô cho nghỉ một lớp học thêm vì quá mệt. Lần đầu tiên, kể từ khi đến nhà cô học thêm vào năm lớp 6, nghe cô than mệt. Và lại thấy cô gầy ....


Trở về nhà, một mình trên con đường xưa vắng lặng, gió thổi buốt lạnh từng cơn, nhớ đến bài viết của thầy Uyển … (cố hiệu phó trường LQĐ LA)


Khi các bạn hoàn tất học trình hay bỏ dở để đi vào cuộc sống, thì sự giáp mặt với đời đem lại nhiều kinh nghiệm khác nhau, nhưng có một điều chắc chắn là hầu hết mọi người đều phải mang mặt nạ tuỳ theo chỗ đứng của mình. Sự khôn ngoan phải có với đời tạo ra nhiều ngột ngạt. Và từ đó, ước mơ có lần tháo bỏ để tìm lại chút thơ ngây đã mất dù trong phút giây thôi. Có một nơi …. Đó là mái trường xưa và các bạn trở về.


Bây giờ bạn đang mang mặt nạ của đời … bạn đã lắm công phu và tìm thấy lối đi? … bạn đang ngụp lặn … bạn có nhiều u uất … Lấy ai san sẻ những thành công hay thất bại? Ở đâu có thể tìm lại được tình thương? – Đó là mái trường xưa và các bạn trở về.


Chúng ta thật sự muốn gì trong cuộc sống? Hạnh phúc và yêu thương? Nhưng chúng ta đã giơ tay nhận lấy những sữa và mật ong giả hiệu. Và đổi lại, người khôn ngoan phải biết gian dối một cách chân thành. Đời sỏi đá làm bước đi hụt hẫng. Trong trạng thái lao đao, bạn nghĩ đến một vùng đất “sạch” và không dấu chông gai … Đó là mái trường xưa và các bạn trở về …


Thời gian qua đi, những thầy giáo, cô giáo ngày xưa nay đã chuẩn bị về hưu cả. Trường đón thêm bao nhiêu lớp giáo viên mới. Còn lại với người học trò xưa là bàn ghế, là hành lang, là cánh cửa chi chít những lời nhắn gửi. Là hương bàng chín nồng nàn trong nắng, là mùi ẩm mốc của mái ngói rêu phong mấy chục năm trời. Và thời gian lại qua đi, người ta xây trường mới, sẽ chẳng còn gì trên nền gạch để người trò cũ ghé về thăm. Có chăng chỉ còn lại những cái tên.... Cô ngày xưa cũng là học trò Nhựt Tảo, nhưng Nhựt Tảo thời cô cách Nhựt Tảo thời nay một con đường, và bây giờ người ta lại đang xây một Nhựt Tảo mới ở một nơi khác, thay thế cho ngôi trường cũ đã mục nát qua nhiều chục năm dạn dày sương gió. Lê Quý Đôn cũng đang rục rịch đón chờ một hình hài mới. Sân trường lấm lem cỏ ướt khi xưa đã không còn ...


Một chú làm cùng văn phòng dạo này hào hứng chăm sóc blog, blog của những người bạn học cùng từ lớp 5. Trường chú học từ nửa thế kỷ trước giờ đã thay mới cả, chỉ có một dãy phòng vẫn được giữ nguyên, để làm kỷ niệm cho các chú ghé về thăm. Thấy thật ganh tị với chú và các bạn của chú ...


Hành lang, ghế đá, sân trường - Ảnh chụp dãy phòng hệ chuyên LQĐ những ngày tháng 8/2007


Ghé nhà cô Hoa vào một chiều cuối tuần vội vã nhá nhem. Cô tranh thủ kết thúc sớm cuộc chuyện trò nơi đám cưới của một người học trò cũ, để dành thời gian cho một đứa học trò cũ khác - là tôi. Rồi lại nhờ cái đứa học trò cũ là tôi ấy, chở đến nhà một người học trò cũ khác, cũng đương sắp sửa lên xe hoa về nhà chồng vào ngày hôm sau. Người trò ấy đã khóc ... em định ra trường công thành danh toại rồi mới về thăm cô, cuối cùng đến giờ lấy chồng rồi vẫn chưa thể một lần ghé lại ....


Lại nhớ tới bài viết nổi tiếng của thầy Uyển ... nhân ngày phát thưởng, tôi viết trong diễn văn thường lệ: "Một dân tộc không có truyền thống vững chắc thì dễ bị tiêu ma. Nhỏ bé hơn, một học đường cũng vậy. Bằng nỗ lực của tuổi trẻ, các em hãy cố gắng đem về những thành tích, tạo cho trường những nét đẹp huy hoàng, một truyền thống để đàn em nối gót.".


….đàng sau những lời kêu gọi đó chừng như có một câu được đọc giữa 2 dòng chữ : Hãy trở về với những chiến công!


…chính những thành kiến ấy ngăn cản bước chân của những người vẫn thương nhớ ngày xưa nhưng bị cuộc đời bạc đãi. Người ta ngại trở về với đôi bàn tay trắng, với tình cảm tự ti nhìn trường cũ mà tự nhiên thấy lạnh ở hai vai ….


Chở cô về, vừa chạy xe vô cửa, đã thấy học trò trong lớp học thêm của thầy cười ồ lên tiếc rẻ: tưởng ai, hoá ra là cô!. Giống chúng tôi ngày xưa, những buổi tối gần 20/11 đi học thêm là vô cùng sung sướng và nhàn hạ, vì thầy cô còn bận tiếp từng lớp trò cũ ghé về thăm. Bọn chúng tôi ngồi trong lớp nhìn các anh chị ồn ào và rộn rã với ánh mắt đầy ngưỡng mộ, tự nhủ sau này mình cũng ghé về thăm cô như thế. Rồi không biết tự bao giờ, cái “tình cảm tự ti nhìn trường cũ mà tự nhiên thấy lạnh ở hai vai” ấy, thấm vào trong suy nghĩ. Không ít lần làm chậm bước chân. Không ít lần xoá tan những háo hức trở về của buổi đầu mới đi xa.....


Hát cho học trò tôi nghe - Ảnh chụp ngày hội truyền thống CHS LQĐ lần 3 - 8/2007


********
25/11/2007
__________________
tặng nhau nhé tim nghe hồn nhiên
DeMen is offline   Trả Lời Với Trích Dẫn
Đã có 3 thành viên gửi lời cám ơn đến DeMen vì bạn đã đăng bài:
January (10-07-2009), stu (29-06-2009), ThùyAn97 (08-07-2009)