View Single Post
Old 23-11-2010, 09:41 PM   #2
Hồ sơ
duonghoanghiep
Hội CHS
 
duonghoanghiep's Avatar
 
Tham gia ngày: Oct 2004
Tuổi: 45
Số bài viết: 1,656
Tiền: 25
Thanks: 277
Thanked 3,020 Times in 679 Posts
duonghoanghiep is an unknown quantity at this point
Default Ðề: Học cách sống sót

'Nhiều người chết oan vì bỏ quên văn hóa an toàn'

Cái chết của một trong hai bé trai ở Khánh Hòa sau vụ lở núi hôm 2/1 khiến nhiều bạn đọc VnExpress.net băn khoăn: "Cháu bé có thể sống nếu trang thiết bị cấp cứu hiện đại hơn; cha mẹ cháu chuyển đến nơi an toàn hơn?".

Như lệ thường, sẽ chẳng có gì để nói nếu chúng ta đóng sự việc này lại bằng câu kết luận rất phổ biến: đó là sự không may, hoặc khác đi thì đó là số phận, như bài viết “mưa lũ vẫn bám riết lấy số phận của hai em”. Sống trong một xã hội có quá nhiều rủi ro cộng thêm số phận “hẩm hiu”, thì việc cầm chắc cái chết trong một hoàn cảnh nào đó có lẽ chẳng cần phải bàn thêm nữa.
Tôi đọc 5 lời bình luận của độc giả xung quanh sự việc này, thấy hầu hết mọi người đều cho rằng cái chết của bé Nhất là do sự yếu kém, lạc hậu của hệ thống cấp cứu, cứu nạn.
Theo tôi, ý kiến này nên được đưa ra để thảo luận nhưng không thể kết luận đó là nguyên nhân dẫn đến cái chết của bé Nhất. Cả hai bé Nhất và Huy đều quá nhỏ để có thể nhận thức được sự nguy hiểm. Các bé đều hoàn toàn không có khả năng tự bảo vệ mình. Vả lại hơn một tiếng đồng hồ bị vùi trong đống đổ nát thì sống sót được là một điều may mắn.
Có thể có ai đó sẽ cho rằng lúc được đưa ra khỏi đống đổ nát đó bé Nhất bất tỉnh nhưng vẫn còn những dấu hiệu của sự sống thì bé phải được cứu sống. Suy nghĩ này đầy tình người nhưng không hoàn toàn đúng. Đã có bao nhiêu trường hợp các bác sĩ đã phải bất lực nhìn tử thần cướp đi mạng sống bệnh nhân của mình tại bệnh viện, trong điều kiện trang, thiết bị y tế hiện đại nhưng vì tai nạn hoặc bệnh quá hiểm nghèo vượt quá khả năng hiện tại của ngành y tế.
Nói như vậy, không phải để bao biện cho những yếu kém của ngành y tế, của hệ thống cứu hộ cứu nạn, mà để cho chúng ta có cái nhìn khách quan hơn, công bằng hơn.
Người dân khẩn cấp đào đất để cứu hai cháu bé bị vùi trong đất lở ở Khánh Hòa hôm 2/11. Ảnh: Quang ĐứcTuy vậy, có những cái chết mà chúng ta không còn gì phải ân hận vì đã làm hết sức và bằng tất cả những gì mình có. Nhưng cũng có cái chết để lại cho người còn sống, người trong cuộc nhiều trăn trở với những câu hỏi chưa có lời giải đáp. Liệu có thật sự chúng ta “bó tay” trước số phận của người không may, hay chúng ta đã chưa có sự chuẩn bị tốt nhất và chưa làm hết sức để chiến thắng số phận không may dành cho họ?
Trong trường hợp này, tôi tin chắc rằng bạn đọc sẽ được an ủi hơn nếu họ biết được rằng bé Nhất tử vong là do chấn thương quá nặng, mặc dù được cấp cứu kịp thời ngay trên xe cứu thương bằng những trang, thiết bị tốt nhất. Đã từng có bài báo trước đây viết về những chiếc xe cứu thương ngoài chiếc còi hú ưu tiên và chiếc cáng thì không có gì khác. Có bạn đọc bình luận bài viết này nói rằng bạn sống ở Mỹ và chỉ cần gọi 911 thì máy bay trực thăng sẽ đến để tham gia cứu hộ, cứu nạn và đưa nạn nhân đi cấp cứu.
Có lẽ chẳng cần phải sang Mỹ hoặc sống ở Mỹ, các bạn chỉ cần xem những bộ phim của phương Tây về tai nạn, thảm họa thì hình ảnh nhân viên y tế có mặt tại hiện trường để đón nạn nhân và ngay sau khi chạm được vào người nạn nhân, họ lập tức choàng lên người nạn nhân một tấm chăn đặc biệt để chống mất nhiệt và chụp vào mũi nạn nhân mặt nạ ôxy. Đó là hình ảnh của trang, thiết bị hay của sự chuyên nghiệp.
Theo tôi, đó là hình ảnh của sự quan tâm đến quyền của người dân: quyền được bảo vệ và quyền được sống khỏe. Mà nếu nói rộng thêm nữa thì đó là văn hóa - văn hóa an toàn tồn tại trong xã hội. Chúng ta không thiếu nhân lực, chúng ta không thiếu tình người trong lúc hoạn nạn, khó khăn, vì đó là phẩm chất của người Việt. Bằng chứng là trên chiếc xe cứu thương đưa hai bé Nhất và Huy, nhân viên y tế đi cùng là một bác sĩ - Bác sĩ Lê Hữu Hải.
Ở nước ngoài, nhân viên y tế trên những chiếc xe cứu thương thường không phải là bác sĩ, họ là những nhân viên được đào tạo chuyên nghiệp về cứu nạn, cứu hộ và cấp cứu (tiếng Anh gọi là Medic hoặc Paramedic). Nhưng cái họ hơn chúng ta đó là trang, thiết bị cấp cứu và tính chuyên nghiệp trong công tác cứu nạn, cứu hộ. Mà xét cho cùng, những cái thiếu này của chúng ta không hoàn toàn nằm ở khía cạnh tài chính mà ở suy nghĩ của những nhà quản lý các cấp.
Cho phép tôi được khép lại những suy nghĩ của mình trong bài viết này bằng một kỷ niệm khó quên của tôi ở một tập đoàn nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam. Cách đây 2 năm, ban lãnh đạo công ty đưa ra ý kiến là cần trang bị một xe cứu thương chuyên dụng tại nhà máy trong khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi và thống nhất là sẽ thuê xe.
Sau khi biết giá thuê của chiếc xe hơn 30 triệu đồng một tháng, tôi đã tròn mắt ngạc nhiên nhìn người sếp của mình vì cho rằng đó là lãng phí, và hơn nữa nhà máy chỉ cách Bệnh viện Củ Chi không tới 10 phút đi lại. Vị sếp nhìn tôi và nói: “Chúng ta đang xây dựng văn hóa an toàn, và cái này là một phần của văn hóa. Văn hóa an toàn được xây dựng trước hết bằng cái tâm của người quản lý, và cái tâm đó được thể hiện bằng hành động: làm tất cả những gì có thể làm được vì sự an toàn cao nhất cho người lao động”.
Sau hơn 2 năm, chiếc xe cứu thương hiện đại đó vẫn ngày đêm túc trực tại nhà máy công ty dù số lần sử dụng đếm không hết trên đầu ngón tay. Tôi hiểu đó không phải là sự lãng phí, đó cũng không phải là cách chơi của “đại gia” có tiền, mà là sự quan tâm của cấp quản lý, những người luôn mong muốn những điều tốt nhất cho nhân viên của mình. Đó là Văn Hóa An Toàn - một hình thái văn hóa mang đậm nét nhân văn.
Tôi đau lòng khi chợt nhận ra rằng, viết về những cái chết hình như đang trở thành dòng tin thường xuyên trên tất cả báo hàng ngày. Tôi thực sự không dám tin vào những gì mình đang chứng kiến hàng ngày về những cái chết, vì nó cho tôi cảm giác về một xã hội không an toàn, rằng mình có thể chết vì bất kỳ một lý do nào.
Hình như ngày nào cũng đọc, cũng chứng kiến những cái chết như vậy, con người ta sẽ dần trở nên thờ ơ hơn, vô tâm hơn. Vô tình đọc tin tức về một cái chết nào đó, người ta cũng dễ dàng vô tình bỏ qua vì cho rằng đó là điều bình thường thôi. Có lẽ ai đó sẽ phải dóng lên hồi chuông báo động vì những thứ bất thường đang dần trở nên bình thường trong xã hội ngày nay. Người ta trở nên “hồn nhiên” hơn, vô tâm hơn và cũng chẳng có gì đáng phải nghĩ, phải làm sau những cái chết của đồng loại mình nữa.
Bác sĩ Quản Hồng Đức
Giám đốc điều hành The Liner Company Limited

Nguồn: Vnexpress.net
__________________
Mọi lý thuyết đều là màu xám. Chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi...
duonghoanghiep is offline   Trả Lời Với Trích Dẫn