View Single Post
Old 29-01-2007, 11:30 PM   #10
Hồ sơ
duonghoanghiep
Hội CHS
 
duonghoanghiep's Avatar
 
Tham gia ngày: Oct 2004
Tuổi: 45
Số bài viết: 1,656
Tiền: 25
Thanks: 277
Thanked 3,020 Times in 679 Posts
duonghoanghiep is an unknown quantity at this point
Default Ðề: Thị trường cổ phiếu ????? Sàn giao dịch chứng khoán??

Thị trường chứng khoán
Các nhà đầu tư tại sàn chứng khoán Sài Gòn. Ảnh: Thanh Đạm
Lúc nóng, lúc lạnh, lúc trồi, lúc sụt, lúc gây thất vọng ê chề, lúc tràn trề hy vọng… Đó là bức tranh đa màu của thị trường chứng khoán (TTCK) ở khắp nơi trên thế giới. Chỉ có một điều chung: Việc tồn tại TTCK là tất yếu, là bộ phận hữu cơ của mọi nền kinh tế.
Chỉ riêng trong năm 2006 đã có 120 công ty niêm yết trên sàn giao dịch TP.HCM và Hà Nội. Nguồn vốn nước ngoài đổ vào thị trường tăng gấp năm lần so với năm trước. Đến hết năm 2006, TTCK Việt Nam đã đạt 17% GDP, nghĩa là đã vượt mục tiêu từ 10 – 15% Chính phủ đặt ra cho năm 2010. Đây là diễn biến đầy bất ngờ của TTCK với sự tăng trưởng ngoài dự tính của không chỉ các nhà quản lý, mà của cả các nhà đầu tư.
Thị trường chứng khoán là gì?
Lần giở lại lịch sử, khái niệm “chứng khoán” ngôn ngữ gốc la-tinh là “bursa”, nghĩa là “ví đựng tiền”. Thời “tiền sử” của chứng khoán khởi đầu tại một số thành phố của Italy từ thế kỷ 12, tiếp đó lan sang Bỉ. Tuy nhiên mãi đến năm 1631, với việc hình thành TTCK Amsterdam (Hà Lan), trao đổi chứng khoán mới lan rộng ra khắp Tây Âu.
Cùng với sự ra đời của các phương tiện giao dịch hiện đại hơn, hàng hóa của thị trường cũng phong phú hơn, bao gồm các chứng chỉ có giá, cổ phiếu, hối phiếu và trái phiếu. Ở TTCK Amsterdam người ta đã tạo lập được cơ cấu phức tạp và đã hợp nhất cả TTCK, thị trường tiền tệ và thị trường ngoại hối. Trong khi đó, ở Mỹ, Anh thị trường vốn được tách ra khỏi thị trường hàng hoá.
Cuộc cách mạng kỹ thuật trong thế kỷ 19 đã mở ra những tiềm năng mới cho phát triển kinh tế và thúc đẩy sự gia tăng đột biến của TTCK và trong những năm 1920, TTCK bắt đầu sôi động ở Mỹ.
Tuy nhiên do thiếu sự quản lý nhà nước, do phát hành CK bừa bãi và nạn đầu cơ đã dẫn đến sự đổ vỡ của TTCK New York. Đó cũng là nguyên nhân làm bùng nổ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 1929 – 1933.
Tại châu Á, TTCK đầu tiên xuất hiện ở Nhật Bản, Trung Quốc. Tuy nhiên, TTCK ở Trung Quốc bị thủ tiêu vào năm 1952 và được mở lại 35 năm sau đó. Tương tự, ở Nga, TTCK được phát triển mạnh mẽ từ thời vua Peter Đệ nhất, bị đóng cửa năm 1917, sau đó được phục hồi khi Lênin thực hiện chính sách kinh tế mới, rồi lại bị giải thể vào đầu năm 1930 với lý do “những phần tử phi XHCN” và được thành lập lại vào năm 1988.
Chức năng của TTCK
Chức năng quan trọng nhất của TTCK là huy động vốn. Trong nền kinh tế thị trường, hệ thống ngân hàng, tín dụng không thể đáp ứng đủ nhu cầu về vốn. Trong khi đó, TTCK ở nhiều nước lo được khoảng 50% nhu cầu vốn cho toàn xã hội.
Chức năng thứ hai là điều tiết nền kinh tế thị trường thông qua hoạt động phân phối và phân phối lại các nguồn vốn đầu tư. Toàn bộ quá trình này được thể hiện thông qua chỉ số chứng khoán trên thị trường tài chính, bởi chỉ số này phản ánh động thái và là hàn thử biểu để đo “nóng” – “lạnh” của nền kinh tế thị trường.
Chức năng thứ ba của TTCK là thúc đẩy quá trình toàn cầu hoá thị trường tài chính và nền kinh tế thế giới nói chung. Từ những năm 1970, sự phát triển của TTCK ở những nước có nền kinh tế phát triển nhất đã thúc đẩy sự ra đời các trung tâm tài chính chi phối thị trường tài chính toàn cầu như New York, Tokyo và London.
Lưu thông chứng khoán đang từng bước trở thành một kênh thống nhất trên toàn bộ hành tinh. Một chức năng cực kỳ quan trọng của TTCK đối với các nền kinh tế chuyển đổi là việc thúc đẩy cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước.
Có thể nói, chứng khoán và TTCK là sản phẩm trực tiếp và tất yếu của sản xuất và trao đổi hàng hoá. Chứng khoán là hình thái biểu hiện cao nhất của giá trị, còn TTCK là biểu tượng của sự phát triển các quan hệ kinh tế, quan hệ sản xuất trong các nền kinh tế thị trường. TTCK là bộ phận tất yếu của thị trường tài chính và là bộ phận quan trọng nhất của thị trường vốn.
TTCK lúc đầu xuất hiện tự phát, nhưng từ khi chủ nghĩa tư bản bước sang giai đoạn độc quyền nhà nước, TTCK đã phát triển tự giác dưới sự điều khiển của nhà nước
TTCK trong các nền kinh tế chuyển đổi
Mặc dù TTCK là sản phẩm hợp quy luật của sự phát triển kinh tế hàng hóa, đồng thời đã thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế thị trường, nhưng quá trình phục hồi của nó trong các nền kinh tế chuyển đổi mang một số đặc điểm cơ bản khác với TTCK ở các nước phát triển.
Thứ nhất, việc thiết lập lại TTCK ở các nước XHCN cũ đã được các Chính phủ chủ động tiến hành. Nếu như việc hình thành TTCK ở các nước khác phải trải qua một giai đoạn phát triển lâu dài của “thị trường hè phố”, thì ở các nền kinh tế chuyển đổi quá trình này diễn ra trong thời gian rất ngắn và có sự quản lý của chính phủ.
Hai là, sự hình thành TTCK liên quan trực tiếp tới quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Các công ty cổ phần ở các nước Liên Xô và Đông Âu cũ được hình thành thông qua việc phát hành các chứng chỉ tư nhân hóa rồi sau đó chuyển thành cổ phiếu. Chỉ riêng ở Nga tính đến 1996 đã tạo ra được hơn 40.000 CTCP.
Thứ ba, việc thiết lập TTCK phải gắn liền với việc áp dụng kỹ thuật cao, công nghệ mới nhất.
Thứ tư, cùng với việc hình thành TTCK quốc gia phải có sự liên kết với TTCK thế giới.
Ngoài các đặc điểm trên, TTCK ở các nền kinh tế chuyển đổi còn mang lại rủi ro tương đồng. Đó là tình trạng kém thanh khoản của các cổ phiếu do các CTCP hình thành từ những DNNN kém hiệu quả.
Bên cạnh đó, do trái phiếu của chính phủ có thu nhập quá cao đã kích thích đầu cơ và cuối cùng dẫn đến khủng hoảng năm 1997. Nhiều kẻ hưởng lợi nhuận siêu ngạch đã nổi lên do ưu thế về kinh tế và chính trị, kể cả việc độc quyền thông tin về nội bộ doanh nghiệp và sự thiếu hiểu biết của các nhà quản lý. Đó cũng là một trong những lý do giải thích tại sao có nhiều nhà tỷ phú mới xuất hiện tại các nền kinh tế chuyển đổi.
Ở châu Á
Điểm lại 30 năm hoạt động của TTCK các nước đang phát triện châu Á, người ta cũng không khó gì để nêu ra một số đặc điểm rất đáng quan tâm. Từ Hàn Quốc đến Hồng Kông…, qua Thái Lan, nét chung nhất vẫn là các chính phủ trực tiếp chỉ đạo TTCK ngay khi vừa thành lập, trước hết là sử dụng những biện pháp kích thích phát hành CK. Những doanh nghiệp nào có đủ điều kiện mà không phát hành CK thì sẽ gặp khó khăn trong huy động vốn từ ngân hàng.
Hai là thúc đẩy thị trường tiền tệ làm tiền đề cho việc lập TTCK. Ba là tìm cách thu hút vốn nước ngoài để kích thích TTCK trong nước. Bốn là cổ phần hóa DNNN. Đặc điểm thứ năm là do thiếu kinh nghiệm tổ chức – quản lý nên hầu hết các TTCK đều không kiểm soát được các hoạt động đầu cơ. Hoạt động đầu cơ đã thúc đẩy sự sụp đổ của TTCK ở Hàn Quốc năm 1962, rồi ở Hồng Kông cuối năm 1974 – vốn được gọi là “casino lớn nhất châu Á”.
Thứ sáu là TTCK ở khu vực này bất chấp thăng trầm vẫn phát triển với tốc độ cực lớn. Ngay từ năm 1985, nhiều sở giao dịch CK ở châu Á đã giữ được vị trí then chốt trên TTCK thế giới, đó là SGD Bangkok đạt vị trí thứ 7, SGD Hồng Kông thứ 16, SGD Singapore thứ 18 về dung lượng giao dịch. Có được những thành tựu trên chính là nhờ việc áp dụng kinh nghiệm của phương Tây và Nhật Bản và nhờ tốc độ tăng trưởng cao ở các nền kinh tế khu vực này
Còn TTCK Trung Quốc, vừa mang đặc điểm của một nền kinh tế chuyển đổi, lại vừa có những nét chung của một nền kinh tế đang phát triển của châu Á, vừa có cái riêng mang màu sắc Trung Quốc.
Năm 1085, TTCK đầu tiên được hình thành ở Thẩm Dương, sau đó là Thượng hải, Thẩm Quyến, Tân An… do chính quyền đại phương thiết lập mang tính thử nghiệm. Trung Quốc chọn việc phát hành trái phiếu là tiền đề cho việc tái thiết TTCK.
Mãi đến năm 1989, UBCKNN Trung Quốc mới được thành lập, là tổ chức trực thuộc chính phủ. Cuối những năm 1990 quy mô của TTCK Trung Quốc đã lên đến 42,7 tỷ USD. Việc quản lý thị trường này được thực hiện tương tự như ở Mỹ, hệ thống giao dịch chứng khoán tự động được thiết lập ngay từ năm 1990 ở Bắc Kinh.
Ngay từ đầu những năm 1980, Trung Quốc đã thực hiện phát hành trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp trên các TTCK phương Tây và Nhật Bản. Sau nhiều năm phát triển bình thường, trong nửa cuối năm 2006, TTCK ở Trung Quốc bùng nổ.
Chỉ số Shanghai Composite đạt kỷ lục 2.675 điểm vào phiên giao dịch cuối cùng của năm, tăng 130%. Một trong những lý do khiến TTCK TQ bùng nổ là Chính phủ cho phép chuyển đổi những cổ phiếu thuộc sở hữu nhà nước (vốn không được mua bán) thành CP phổ thông và bán ra thị trường.
Về đại thể, có thể nhận thấy rằng: cái khác so với TTCK ở các nền kinh tế chuyển đổi châu Âu là ở chỗ sự hình thành và phát triển TTCK ở TQ được thực hiện một cách tuần tự, được diễn ra trên cơ sở ổn định chính trị và kinh tế vĩ mô. Trong lúc châu Á chìm trong khủng hoảng tài chính (1997 – 1998) thì TTCK ở TQ vẫn phát triển khá ổn định và hiệu quả.
TTCK ở Việt Nam
Không nằm ngoài quy luật khách quan, TTCK ở Việt Nam đã được hình thành và phát triển với việc thành lập UBCKNN ngày 28/11/1996. Từ tháng 3/2004, UBCKNN là một bộ phận của Bộ Tài chính. Phải mất 10 năm thăm dò, thử nghiệm, TTCK Việt Nam đã bùng nổ vào năm 2006 song hành cùng với những kỷ lục mới xuất hiện trong nền kinh tế nước nhà.
Khác biệt đầu tiên của TTCK Việt Nam năm qua so với trước là sự góp mặt đông đảo của các tổ chức tài chính nước ngoài có tiềm lực mạnh, thậm chí của các định chế tài chính xuyên quốc gia. Điểm nổi trội của TTCK năm 2006 là sự nở rộ các hình thức kinh doanh CK như các quỹ đầu tư, công ty quản lý quỹ, công ty CK.
Cùng với đó là sự xuất hiện một tầng lớp đông đảo có nhu cầu giao tiền cho các định chế chuyên nghiệp quản lý, đầu tư. Bên cạnh đó, như thường lệ là những người chơi chứng khoán theo tâm lý “phong trào”. Tuy nhiên, thị trường bây giờ không còn dễ bị thao túng bởi một số ít các nhà đầu tư như trước.
TTCK Việt Nam năm 2007 sẽ ra sao?
Sau khi luật CK và các văn bản luật khác có hiệu lực từ 1/1/2007, theo ý kiến của các chuyên gia, TTCK Việt Nam năm nay có nhiều hứa hẹn chuyển biến tích cực. Dòng vốn đầu tư gián tiếp từ nước ngoài sẽ rất thuận lợi vào Việt Nam chủ yếu là của các quỹ đầu tư, tập đoàn tài chính với chiến lược đầu tư dài hạn.
Tỷ lệ vốn đầu tư gián tiếp ngắn hạn hiện nay chỉ chiếm khoảng 1% nên khó có khả năng rút vốn ồ ạt chuyển ra nước ngoài một khi có sự cố nào đó xảy ra. Tuy nhiên, nguồn đầu tư vào CK sẽ bị tác động không nhỏ bởi quy định cấm không cho vay không có bảo đảm đối với các khoản vay nhằm đầu tư, kinh doanh CK. Trên thực tế, mấy năm qua đã có nhiều nhà đầu tư phá sản do vay tiền ngân hàng để kinh doanh chứng khoán.
Năm 2007 sẽ chứng kiến một nguồn cung lớn gồm cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư, trái phiếu chuyển đổi sẽ bước lên sàn giao dịch do việc Thủ tướng đã phê duyệt danh sách 53 tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước sẽ thực hiện CPH trong giai đoạn 2007 – 2010.
Chắc chắn năm nay TTCK Việt Nam lại ghi nhận những kỷ lục mới khi xuất hiện cổ phiếu của các “đại gia” như bốn ngân hàng thương mại quốc doanh, các cổ phiếu bia rượu và của các công ty điện thoại di động.
Trên thị trường trái phiếu, ngoài trái phiếu chính phủ, sẽ có số lượng trái phiếu lớn của các tập đoàn phát hành như Điện lực, Dầu khí, Công nghiệp tàu thủy… Theo nhận định của các chuyên gia, tổng giá trị niêm yết cổ phiếu vào cuối năm 2007 sẽ tăng khoảng 3 lần và đến cuối năm 2008 sẽ tăng gấp 5 lần hiện nay.
TTCK Việt Nam đang tăng trưởng quá nóng cả về chất lượng hàng hoá và giá cả CK. Tuy nhiên nếu quản lý tốt, thông tin công khai, minh bạch, chất lượng cổ phiếu tốt thì TTCK sẽ tăng trưởng ổn định. Từ nay cung – cầu đều tăng trưởng tốt giúp thị trường không bị sốc mạnh.
Tuy nhiên theo ông Lê Xuân Nghĩa, Vụ trưởng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, điều đáng lo ngại là ở Việt Nam cả thị trường tự do và chính thức đều có dấu hiệu cho thấy có hoạt động kinh doanh nội gián.
Các thông tin chính thức từ doanh nghiệp niêm yết chưa hẳn là trung thực, trong khi đó các nhà môi giới lại có những thông tin trung thực từ công ty. Theo ông, các công ty kiểm toán độc lập của Việt Nam gần như không chịu sự kiểm soát nào của cơ quan cấp trên. Vì thế, cách hữu hiệu là Quốc hội có cơ quan giám sát thực sự, giám sát lại các cơ quan giám sát của thị trường.
Cạnh đó, mô hình quản lý nhà nước đối với TTCK Việt Nam còn chưa thật rõ ràng: theo mô thức ngân hàng hay hỗn hợp? Phương tiện kỹ thuật phục vụ giao dịch CK khi nào sẽ đáp ứng nổi tốc độ tăng trưởng phi mã của thị trường này? Các chuyên gia còn nhất trí, chưa bao giờ Việt Nam thiếu nhân sự tài chính – ngân hàng trầm trọng như hiện nay.
Theo Nguyễn Xuân – Thế giới & Việt Nam (Đăng lại trên báo Tuổi Trẻ 29 /1/ 2007)
__________________
Mọi lý thuyết đều là màu xám. Chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi...
duonghoanghiep is offline   Trả Lời Với Trích Dẫn
Đã có 2 thành viên gửi lời cám ơn đến duonghoanghiep vì bạn đã đăng bài:
rapedGaw (21-01-2017), zapedGaw (18-04-2017)