View Single Post
Old 25-09-2009, 03:55 PM   #4
Hồ sơ
Độc Cô Cầu Bại
Senior Member
 
Tham gia ngày: Jul 2008
Số bài viết: 1,648
Tiền: 25
Thanks: 169
Thanked 551 Times in 334 Posts
Độc Cô Cầu Bại is on a distinguished road
Default NSND Diệp Lang: Người vun bồi những tài năng trẻ

Sau thời gian hưng thịnh, đoàn Sài Gòn 2 có lúc suy sụp, một số nghệ sĩ tài danh rời khỏi đoàn, ban phụ trách đoàn, trong đó có Diệp Lang, tìm mọi cách để xây dựng lại đoàn . Vậy là một số diễn viên trẻ được chú ý để lăng-xê. Tuấn Thanh xuất hiện trên sân khấu Sài Gòn 2, trong hoàn cảnh như thế, vở Tiếng hò sông Hậu được ê-kíp chuyên môn thực hiện, người vất vả nhất, đứng mũi chịu sào vẫn là Diệp Lang, chính từ vai Chơn trong Tiếng hò sông Hậu được sự uốn nắn của Diệp Lang, Tuấn Thanh từ trong bóng tối bước ra trở thành một ngôi sao sáng, đó chính là nền tảng đầu tiên để sau này anh về hát chánh đoàn Văn công Thành Phố. Trước Tuấn Thanh phải kể đến Giang Châu. Trước đây Giang Châu ở đoàn Việt Nam – Minh Vương, đoàn Xuân Liên Hoa, khi đoàn Sài Gòn 2 có đợt thay đổi diễn viên lần thứ 2, Giang Châu được tác giả Thành Phát giới thiệu về đoàn ra mắt trong vai Biện Hảo vở ánh lửa rừng khuya, kết hợp với Thanh Tuấn tạo thành một bộ đôi cống hiến cho khán giả những câu vọng cổ nghe đã lỗ tai, cho tới vở Tìm lại cuộc đời, Giang Châu đã có vai Trần Hùng để đời, rồi vai Thiếu úy Ngọc trong Khách sạn hào hoa và nhất là vai Thừa trong Tiếng hò sông Hậu cũng là vai mẫu mực để đời của Giang Châu. Dĩ nhiên, sự đóng của nhiều người từ tác giả đạo diễn... nhưng người trực tiếp hướng dẫn, chăm sóc chính là Diệp Lang. Rồi tới Tuấn An, một giọng ca phong trào ở Bến Cầu - Tây Ninh về gia nhập Sài Gòn 2 cũng được Diệp Lang chú ý rèn luyện trở thành kép chánh sau này thay thế những nghệ sĩ gạo cội của đoàn ra đi, vai.Thầy Ba Năng trong Tiếng hò sông Hậu cũng là vai hay nhất của Tuấn An chưa có người hát hơn anh vai này. Tuấn Kiệt (Châu Thanh bây giờ), một chàng nông dân nghèo ở Phước Chỉ đến Sài Gòn 2 xin học hát, phát hiện ra Châu Thanh có giọng ca hay, Diệp Lang đã "khai quan điểm nhãn" trang bị cho Châu Thanh những nền tảng căn bản để sau này trở thành một nam nghệ sĩ chính. Ngoài ra, ông còn được một số bạn bè đàn em cùng thời kính nể bởi những đóng góp xây dựng cho họ hoàn thành vai diễn, ông không giấu nghề, trải lòng chân thật, có lẽ vì vậy mà Diệp Lang luôn được sự tôn trọng, yêu mến của đồng nghiệp. Giang Châu, Tuấn An, Châu Thanh, và nhiều nghệ sĩ trẻ khác đã từng được ông dìu dắt, chỉ dẫn vẫn gọi ông là anh Hai, chú Hai, bác Hai... nhưng trong thâm tâm họ có người đã bộc bạch ra Diệp Lang chính là thầy của họ. Nhưng với Diệp Lang thì khác, ông vẫn cho rằng mình chỉ là người đi trước có kinh nghiệm phải có trách nhiệm với các nghệ sĩ đàn em, ông không dám nhận danh hiệu làm thầy của ai cả. Chính ông cũng học
rất nhiều ở các nghệ sĩ trẻ khi cùng làm việc với họ, với ông nghệ thuật là sự sáng tạo riêng của từng người, không ai giống ai thì làm sao làm thầy nhau được, có chăng người đi trước có kinh nghiệm gợi ý lại cho người đi sau để có những kết quả tốt nhất cho sân khấu mà thôi.

DẤU ẤN NGHỆ THUẬT Ở ĐÒAN VĂN CÔNG TP

Chính giai đoạn đoàn Sài Gòn 2 suy sụp, lần lượt các ngôi sao ra đi là giai đoạn ông vất vả nhất, không phải đoàn thiếu tình nhưng cơ chế thời ấy bó tay, đoàn không thể trả lương cao vượt bậc, các nghệ sĩ tìm sân khấu khác có đời sống cao hơn. ở đoàn, ông là người chịu trách nhiệm chuyên môn nhưng quyền hạn để giải quyết mọi vấn đề thì thuộc về người khác. Đào tạo lớp này đến lớp khác mà đoàn vẫn mất người, nhiều nỗi buồn cộng lại vời sự làm việc quá sức, bệnh mắt ông tái phát lại, không thấy đường, ông phải vào bệnh viện để cứu đôi mắt của mình, đó là lần thứ hai ông phải giải phẫu mắt (1980). Đôi mắt ông đã phải mổ lần thứ nhất vào năm 1960 ở đoàn Kim Chưởng. Rời đoàn Sài Gòn 2 để trị bệnh, thời gian đó ông quyết định không làm phụ trách đoàn nữa, muốn làm một diễn viên bình thường cho yên thân. ông được ông Thành Nghĩa mời về đoàn Văn Công Thành Phố, từ chối mọi chức vụ , chỉ tham gia trong Hội đồng nghệ thuật của đoàn. Vở Tiếng sóng Rạch Gầm của tác giả Ngọc Linh, ông vào vai tham mưu Lê Xuân Giác. Biết Ngọc Linh đã lâu nhưng ở đoàn Văn Công Thành Phố ông mới có dịp gần gũi Ngọc Linh nhiều, ông rất biết ơn nhà văn Ngọc Linh đã có nhiều ý kiến sắc sảo, mới, gợi mở cho ông rất nhiều trong công việc biểu diễn cũng như dàn dựng kịch bản. Tiếp đến là vở Tâm sự Ngọc Hân của tác giả Lê Duy Hạnh, ở vở này lần đầu tiên được hợp tác với một đạo diễn lớn, ông rất vui coi đó là cơ hội để mình được rèn luyện học tập thêm. Theo ông, đạo diễn Chi Lăng là một người rất dễ mến, rất tài năng, sau khi vở công diễn, ông Chi Lăng có lời khen: "Em xứng đáng là đạo diễn chung với anh", câu nói đó với ông là một kỷ niệm sâu sắc, danh dự người làm nghề tay ngang như ông được một đạo diễn bậc thầy tin tưởng. Sau đó dựng tiếp vở Đòng sông đầm lầy với đạo diễn Thành Trí. ông được tác giả Lê Duy Hạnh trao đổi rất nhiều, thể hiện một cách dàn dựng mới, cách suy nghĩ về những chuyển biến xã hội hiện tại. Lê Duy Hạnh là một người bạn mà ông rất quý mến, ông học hỏi được rất nhiều về cái nhìn của người nghệ sĩ với sân khấu mới. ở Văn Công Thành Phố được 4 năm, đầu năm 1984, ông được lệnh của Sở Văn hóa tuyển chọn 1 1 nghệ sĩ thành phố đi diễn tại các nước Tây âu gồm có: Bạch Tuyết, Lệ Thủy, Ngọc Giàu, Thành Được, Minh Vương, Thanh Tòng, Diệp Lang, Bảy Bá, Ba Tu, Thanh Hải và họa sĩ Lương Đống. Vở Đời cô Lựu đã thành công ở các nước Tây âu, quy tụ những nghệ sĩ tài năng lớn của cải lương Việt Nam. Một chuyến đi thành công và cũng nhiều sóng gió, một kỷ niệm sâu sắc khó phai trong đời ông. Về nước, ông Sáu Thảo (lúc đó làm Giám đốc Sở VHTT TPHCM) giữ lại đoàn lấy tên là 2-84. Là đoàn cải lương mạnh nhất, chuẩn mực về nghệ thuật, đoàn 2-84 giải tán là nỗi buồn lớn trong đời ông, cả đời làm nghệ thuật của ông chưa có đoàn hát nào có lực lượng nghệ sĩ tài năng, sân khấu nghiêm túc, chỉnh chu như vậy, sẽ không bao giờ có một đoàn 2- 84 thứ hai. Tiếc thay, đoàn đã giải tán sau sáu năm hoạt động không có giấy phép, vừa có giấy phép chính thức thì đoàn đã ngưng diễn mãi mãi. Dấu ấn đậm nhất của ông ở đoàn 2-84 là dàn dựng vở TÔ ánh Nguyệt. Lúc ấy trưởng đoàn là ông Thoại Sĩ sau đó là ông Sáu Chí, vở TÔ ánh Nguyệt ông được chọn làm đạo diễn chính thức, khi tiến hành gặp rất nhiều khó khăn, tưởng chừng không qua nổi, nhờ sự động viên của tập thể đoàn, của ông Sáu Thảo, ông Lê Duy Hạnh. ông đã cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của mình. Diễn viên xáo trộn, biến động, kịch bản tình cảm khó ra với hội đồng nghệ thuật. ông Sáu Thảo phải mời ông Phạm Hùng xem, được khen vở mới được ra đời. Trước đó, ông đã làm đạo diễn vở Pha lê và cát bụi phục vụ Đại hội Đảng lần thứ Vị, đi phục vụ ở mặt trận 479 ở Campuchia, khắp các nẻo đường lưu diễn, trong nước cũng như ngoài nước, đi tới đâu, đoàn 2-84 được khán giả thương mến, ủng hộ nhiệt liệt. Quy luật muôn đời của sân khấu hết suy rồi thịnh, đoàn 2- 84 không tránh khỏi quy luật đó. Năm 1990, với cương vị trưởng đoàn, sau khi hoàn thành vở áo cưới cổng chùa, Chuyện tình hai thế hệ, Diệp Lang phải vào mổ mắt một lần nữa, trong đó, có thêm ca mổ chân lấy ra một khối u nặng mấy kí lô từ lâu nằm trong đùi của ông. ông giao lại cho nhạc sĩ Thanh Hải làm trưởng đoàn, cho tới khi đoàn 2-84 giải thể. Mới đây, trong tháng 7 năm 2009, Diệp Lang lại một lần nữa vào bệnh viện mổ mắt, tính ra, ông đã trên 10 lần mổ tim. Trung tâm chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Chợ Rẫy, Viện Tim, chuyên khoa mắt là những nơi gần như quen mặt Diệp Lang. Là một nghệ sĩ nổi tiếng nhưng lần nào nhập viện ông đều không có... đủ tiền trị bệnh cho mình, phải nhờ các nhà mạnh thường quân, những y bác sĩ, những đồng nghiệp, những khán giả, lãnh đạo Sở Văn hóa và Hội Sân Khấu giúp thêm tiền chạy chữa, đối với ông và gia đình đó là thâm ân suốt đời ông luôn ghi nhớ. Đó là niềm an ủi duy nhất để ông tin tường trong cuộc đời còn có nhiều điều tốt đẹp để ông và gia đình vui sống trong những ngày còn lại của đời mình.

TỔNG KẾT NHỎ TRONG ĐỜI

NS Diệp Lang được phong NSƯT năm 1993, được phong NSND năm 2001 , tổng kết lại cuộc đời mình ông cho rằng, ông được nhiều hơn mất. ông tham gia từ cải lương qua kịch nói, đóng phim... trong lãnh vực nào, ông đều được đón nhận bằng sự trân trọng thương mến. Trên đây là những dòng tâm sự ngắn gọn, chưa thể nói hết ý của mình, ông chỉ xin được tạ ơn khán giả, những đồng nghiệp đã cùng cùng sát cánh hoạt động nghệ thuật suốt mấy năm qua, những nhà quản lý đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho ông đem hết tài năng cống hiến cho sân khấu, những mạnh thường quân, những y bác sĩ của các bệnh viện đã điều trị cho ông, để ông còn giữ được đôi mắt, và sức khỏe cống hiến cho nghệ thuật. Và nếu như trong cuộc sống ông có điều gì làm cho ai chưa vừa lòng, cho ông một lời xin lỗi. Cuộc sống hiện tại của NSND Diệp Lang không biết phải diễn tả như thế nào cho đúng, cả ông và vợ ông đều mang bệnh nặng, người này động viên người kia, vui để sống, không biết ai dựa dẫm vào ai, thôi thì chờ trời kêu ai nấy dạ. Từ một nghệ sĩ biên chế nhà nước, mấy lần được nhà nước điều đi làm nhiệm vụ không hiểu sao cuối cùng thì ông mất hết biên chế, không được chế độ hưu bổng, hoàn toàn phải sống bằng thu nhập cá nhân, những khi khỏe khoắn ông tham gia một số chương trình biểu diễn. Cuộc sống vật chất không khá giả gì nhưng ông không hề kêu ca than vãn bởi ông nghĩ ông đã được quá nhiều, đối với ông như thế là quá đủ. Riêng với tôi, không khỏi bâng khuâng khi chia tay ông, một tượng đài của SK cải lương, một con người bình dị, hiền lành mà sao cuộc đời gặp quá nhiều khó khăn vất vả. Có thật là ông đang vui với cuộc sống hiện tại hay chỉ tự an ủi mình? Ông là người nghệ sĩ tài hoa, lận đận suốt đời an phận với những gì mình có.


Theo Đăng Minh - Báo sân khấu
__________________
Rượu đã say một đời ta du tử
Để quên em và cũng được quên ta ...

...
Độc Cô Cầu Bại is offline   Trả Lời Với Trích Dẫn
Đã có thành viên gửi lời cám ơn đến Độc Cô Cầu Bại vì bạn đã đăng bài:
psydayDrype (29-10-2015)