View Single Post
Old 11-07-2007, 11:07 PM   #8
Hồ sơ
LeGiang
Banned
 
Tham gia ngày: Jan 2005
Số bài viết: 473
Tiền: 25
Thanks: 41
Thanked 593 Times in 241 Posts
LeGiang is an unknown quantity at this point
Default Tập Dừng Các Ham Muốn.

Mục Thứ Bẩy: Tập Dừng Các Ham Muốn.

Muốn tập dừng các ham muốn, điểm đầu tiên là cần phải hiểu rõ toàn bộ quá trình có liên quan đến ham muốn như 6 mục vừa trình bày ở trên. Phải biết hết và biết rất rõ những vấn đề đó. Biết cái gì ham muốn, thân thể hay đầu óc? Biết những loại ham muốn nào phá hủy cuộc đời của con người và vẻ đẹp của xã hội. Biết nguyên nhân hay nguồn gốc của ham muốn từ đâu? Biết động cơ của ham muốn là gì? Biết sự nguy hiểm, hậu quả của ham muốn. Biết thực sự có một cuộc sống không cần ham muốn.

Điểm thứ hai là cần phải quan sát ham muốn và dùng ý chí dừng lại ngay. Vấn đề này khác một chút so với việc quan sát ý nghĩ để làm ý nghĩ dừng lại, tan biến và tạo kẽ hở cho Chân Tâm phát quang đã đề cập ở bài Bát Nhã Chiếu Soi ở chỗ, với ý nghĩ chỉ cần quan sát là dừng được nhưng ham muốn thì không vậy. Khi quan sát, biết được ham muốn đang diễn ra trong đầu óc thì còn phải cần dùng ý chí để dập tắt. Ví dụ đối với một người ham muốn uống bia, khi ham muốn này nổi lên mà quan sát được nó thì tự nhủ với lòng rằng, cái sự ham muốn uống bia đang nổi lên, mình cần phải vượt qua và tìm thứ khác thay thế sự ham muốn đó như uống một cốc nước lạnh, nước chanh hay chuyển hướng hoạt động sang một hướng tích cực, cụ thể khác để quên, vượt qua ham muốn uống bia.

Đối với nhu cầu dục tính tự nhiên của cơ thể, nhất là những người còn trẻ trung thì năng lượng dục tính rất mạnh mẽ luôn trỗi dậy theo chu kì, nhưng ham muốn trỗi dậy hàng ngày, hàng giờ. Nhu cầu của cơ thể về mặt vật lí, theo tính tự nhiên của tạo hóa chỉ trỗi dậy theo chu kì trong một thời gian nhất định còn ham muốn của ý nghĩ thì thường xuyên mỗi ngày mỗi giờ và là điều đáng sợ nhất trong vấn đề này.Do đó phải dùng ý chí để vượt qua bằng cách thay đổi môi trường, kiếm việc khác làm hay đi gặp gỡ người khác nói chuyện để quên nó đi. Nghĩa là vừa thiền quán vừa dùng ý chí để thay đổi tình huống trong tâm. Đặc biệt, những vị tu sĩ trẻ vấp phải thử thách rất lớn của vấn đề này, cam go và mãnh liệt vì đã thọ giới thì không được quan hệ chăn gối với người khác, kể cả người đồng giới nên cần phải tinh tấn và dùng ý chí cương quyết, kiên định mới có thể vượt qua được.

Có một số vị tu sĩ trẻ tâm sự về kinh nghiệm vượt qua nhu cầu đó của cơ thể rằng, khi nhu cầu tính dục tự nhiên của cơ thể cao quá, không thể chịu nổi thì khống chế bằng cách nhảy vào thùng nước lạnh tắm hay ngồi thiền hoặc nhập thất nhưng vẫn có vị không chịu nổi vì đòi hỏi quá mạnh. Thậm chí, có vị buộc phải thủ dâm, chuyện này là rất thực tế và bình thường, không có gì đáng xấu hổ khi thổ lộ nó cả. Có vị khống chế được trong khi thức nhưng lúc ngủ vấn đề đó lại diễn ra trong giấc mơ.

Tôi còn nhớ trước đây, trong một lần nói chuyện vui với nhóm sinh viên, cụ cựu giáo sư Nguyễn Đăng Thục hỏi một vị tăng trẻ: “Ban ngày thầy thức, kiềm chế và kiểm soát được thì giữ được giới luật, không vi phạm vào vấn đề tình ái, tính dục…nhưng tôi hỏi thầy, có lần nào thầy nằm ngủ mà chiêm bao thấy mình có quan hệ chăn gối với người khác không?” Vị tu sĩ nọ cũng trả lời rất thẳng thắn: “Có”. Cụ Thục hỏi tiếp câu thứ hai: “Như vậy, lúc thức thầy giữ được giới luật nhưng khi ngủ mê vấn đề đó lại diễn ra thì cũng y như thật vậy thôi chứ có khác gì đâu? Một bên là thật trong khi thức và một bên là thật trong lúc mơ ngủ. Vậy, theo thầy, sự việc diễn ra trong giấc mơ như thế thì thầy có phạm giới luật hay không?” Vị tu sĩ trẻ không thể trả lời câu hỏi đó của giáo sư Nguyễn Đăng Thục. Đề cập đến câu chuyện này không phải để quý vị trả lời đúng hay sai mà là để thấy được sự đòi hỏi của cơ thể mang tính quy luật và có thể dùng ý chí vượt qua được dù khó khăn và thường thì phụ nữ dễ vượt qua hơn nam giới.

Cứ mỗi lần ham muốn nào nổi lên trong đầu óc thì tìm cách quan sát, nhận biết và dùng ý chí dập tắt, vượt qua ngay, kiên quyết không thỏa thuận, không thực hiện với nó. Nếu không kiên quyết dập tắt mà đồng ý thỏa hiệp hay “kiên quyết” nửa chừng lại thỏa thuận với nó thì chắc chắn thế nào cũng phải tìm cách thực hiện ham muốn đó thôi. Để dừng được ham muốn thì ý chí vô cùng quan trọng. Biết ham muốn đang khởi, quan sát thật rõ, thật kĩ và kiên quyết dùng ý chí dập tắt nó bằng nhiều cách, có thể tìm việc khác thay thế hay trực diện chống cự lại với nó bằng vai trò của một người đối đầu hoàn toàn khác kiên quyết không để nó sai khiến, không để nó biến thành nô lệ. Nghĩa là đóng vai trò một người bình yên có Phật Tâm Danh mà tôi đã tặng để kiên quyết phản đối, chống lại những kinh nghiệm của cuộc sống hoành hành mình.

Điểm thứ ba, cần phải biết về phương diện nhân cách trong các vấn đề đạo đức là để tạo thêm sức ép cho ham muốn dừng lại. Phải nhận thức rõ, tất cả các loại hình thức thực hiện những ham muốn nêu trên của bất kì ai, tự nó tố cáo sự nghèo nàn trong tâm hồn của chính người đó. Người nào thèm muốn người hầu hạ thì cuộc đời họ không ai hầu hạ nên phải kiếm người hầu hạ, chưa có ai ca ngợi nên bỏ tiền ra để thuê người khác ca ngợi, chưa được tôn vinh nên cố bày ra nhiều chuyện, làm nhiều thứ để được tôn vinh, tạo ra những hình thức tự coi bản thân như thánh, như vĩ nhân hay người vô cùng quan trọng để người khác tôn trọng, tâng bốc…hoặc ít ra, quyến thuộc cũng được tiếng thơm lây. Bất kì hình thức thỏa mãn sự ham muốn nào cũng đều tự tố cáo một chuỗi kinh nghiệm thiếu thốn của cuộc đời mỗi cá nhân, dòng họ, tổ tiên, thậm chí cả quê hương, dân tộc và đất nước. Thực sự tố cáo một tâm hồn nhỏ bé, nghèo nàn, tư tưởng hẹp hòi, ích kỉ…thuộc thế giới tầm thường, hạ đẳng luôn luôn thiếu thốn, chưa bao giờ thỏa mãn, chưa bao giờ biết đủ.

Biết như vậy thì đừng bao giờ tự tạo hoặc để người khác tạo cho mình các hình thức khiến mọi người tôn vinh. Nếu đồng lõa, chấp nhận, thuận theo những hình thức đó thì rõ ràng đã tự tố cáo, tự lòi đuôi ra cho thiên hạ thấy sự thiếu thốn và nghèo nàn của mình. Thèm lân la với người có chức tước, quyền uy mà bình thường không thể làm được vì thiếu tiền tài, thiếu trí tuệ…thì dùng thần quyền.

Trước mặt thiên hạ thì ra vẻ ta đây nhưng khi đối mặt với chính mình thì lo sợ. Tôi nghe câu chuyện về một ông quan to đầu tỉnh ban ngày thì thị uy hà hiếp nhiều người, ra oai, hò hét, đe nẹt, hà hiếp những người hiền lành, yếu đuối…nhưng nửa đêm lén đến gõ cửa nhà một người bói quẻ. Khi vào thì rụt rè, hạ thấp tư cách con người xuống tận cùng để tỏ lòng tôn vinh, sùng bài người xem bói đoán quẻ về tương lai cho họ: thưa thầy nhờ thầy xem dùm em một quẻ sắp tới có rủi ro gì không?, đại loại như vậy. Mặt trước là ham muốn thực hiện quyền lực, còn mặt sau là sự thấp hèn tư cách.

Điểm thứ tư là đừng bao giờ chạy theo sự hơn thua, tranh đua trong cuộc sống. Có sao sống vậy, đừng để bị hình thức o ép phải thi đua, tranh giành với mọi người vì đua tranh cũng chẳng đi đến đâu cả. Đừng bao giờ cố gắng làm cái gì đó để mình thành ra một con người nào đó khác lạ. Nếu ai giữ được sự bình thường thì dễ phát sinh ra những trí tuệ làm thay đổi cả thế giới, ít ra cũng thay đổi được cuộc đời của mình tốt hơn, có ý nghĩa hơn. Con người nhiều khi không biết tranh đua để làm gì, thấy người khác tranh đua thì cũng tranh đua theo, thấy người khác khoe khoang thì cũng khoe khoang theo…nhưng mục đích để làm gì thì mù tịt. Có một đoạn thơ châm biếm rất buồn cười của tác giả nào đó về sự tranh đua mà người ta hay đọc:
“Thi đua ta quyết tiến lên
Tiến lên ta quyết tiến lên hàng đầu
Hàng đầu chẳng biết đi đâu
Đi đâu không biết cứ lên hàng đầu”
Nghĩ cũng nực cười vì chuyện này quá phổ biến.
Sự tranh đấu, đua giành trong cuộc đời cũng tương tự vậy, không biết sẽ đi đâu, thấy người khác đi thì cũng đi và cố gắng cho được đi hàng đầu.

Điểm thứ năm cũng rất cần thiết là, cố gắng tự vui, tự thỏa mãn, tự bằng lòng với tâm bình yên, với sự thanh tịnh của tâm hồn. Cố gắng khám phá niềm vui, hạnh phúc của tâm bình yên, của tâm hồn thanh tịnh. Cố gắng tìm thấy điều hay cái đẹp, thỏa mãn, hạnh phúc trong tâm bình yên.

Tôn giáo và tín đồ nào cũng vậy, khi cầu nguyện thì cầu nguyện sự bình yên, cụm từ “bình yên” và “an lạc” gần như là câu chúc cửa miệng của hầu hết các tín đồ của các tôn giáo, nhất là trong đạo Phật. Có điều, khám phá hạnh phúc, niềm vui, điều hay, tuyệt vời và giá trị của sự bình yên không biết là có ai dạy chưa nhưng hầu hết các tín đồ không chịu khám phá sự thật ấy ở ngay trong tâm hồn mỗi con người. Dù ít hay nhiều, bất kì người nào cũng có thời kì, phút giây bình yên của tâm hồn trong cuộc sống. Do đó, ai cũng vốn có sẵn sự bình yên này và cũng đã từng trãi nghiệm một cách vô tình nhưng lại không chịu khám phá điều hay và giá trị đó. Chưa trải nghiệm thực sự, chưa thấm thía được sự bình yên thì cầu bình yên để làm gì? Nhưng, người ta cứ nói, cần bình yên.

Dù ngắn hay dài, bất kì người nào cũng có những giây phút bình yên trong suốt cả cuộc đời, có thể chỉ một giây, một phút hay lâu hơn chút nữa. Như vậy, ngay bây giờ, ngay lúc này hãy chịu khó suy tư, tìm lại xem có gì hay, thú vị trong sự bình yên đã từng diễn ra hoặc đang diễn ra trong tâm hồn mà không cần phải cầu, xin, nguyện, phải đổ công sức tu hành, đọc không biết bao nhiêu kinh sách, đốt không biết bao nhiêu cây nhang, tốn không biết bao nhiêu tiền tài, sức lực, thời gian… để quỳ lạy cầu xin sự bình yên. Tại sao lại vậy? Và, tại sao bất kì ai cũng có sự bình yên rồi nhưng lại cứ phải tốn kém đủ thứ, kể cả cuộc đời để cầu xin như thế? Đi cầu xin cái mình đang có! Do vậy, những người đã từng trải nghiệm sự bình yên thì cố nhớ lại, tìm lại điều tuyệt vời trong đó.

Còn người nào có khả năng thì cứ ngồi im một chỗ quan sát sự bình yên của bản thân thay vì đi cầu cúng, xin xỏ, lễ lạy, trì tụng kinh sách, ngồi thiền…làm đủ thứ chuyện trong suốt cuộc đời gây tốn kém tiền tài, thời gian, bỏ bê nhà cửa, gia đình…để cầu sự bình yên, cầu cái mình đang cất giữ trong người. Tắm rửa sạch sẽ, quần áo đàng hoàng, ăn uống đầy đủ, xong kiếm một chỗ yên tĩnh và quan sát sự bình yên đang có, đang diễn ra trong tâm hồn, mà hễ quan sát sẽ thấy liền. Bất kì người nào cũng đang có sự bình yên. Thầy tốn rất nhiều công sức để chỉ hết, chỉ thật rõ như vậy vì thấy con người đau khổ quá. Có rất nhiều người không được phước báu để nghe hay đọc bài thuyết này dù muốn nghe, đọc. Những người đã, đang nghe, đọc bài thuyết này tức là có được phước báu vô lượng. Thầy đã tạo mọi công đức cho quý vị nên quý vị phải biết trân trọng. Biết bao nhiêu người chẳng đổ công, sức giúp mọi người nhưng lại cứ đến đó đổ tiền tài vào để lạy lục, xin xỏ, cầu đạo…giống như kẻ nô lệ, ăn mày ăn xin. Người cố trả cho mình sự làm chủ thì mình vô tình với họ, còn người cố biến mình thành kẻ nô-lệ, kẻ bị mất linh hồn thì lại quỳ lạy họ, cung phụng cho họ, ca ngợi họ, tôn thờ họ. Quả thật Phật không sai khi nói con người quá vô minh nên tự đánh mất mình trong khổ đau.

Quả thật là những ai may mắn lắm, phước báu lắm mới học đạo được với thầy, nói cách khác là những đệ tử của thầy, không phải nô lệ, quỳ lạy, xin xỏ, sợ sệt… ai hết, không phải tốn tiền tài gì cả mà lại thấy được những vấn đề tất thảy con người mong muốn, cầu được thấy, người ta tốn không biết bao nhiêu tiền tài, thời gian, sức lực cả một đời…mà vẫn không được. Như vậy, quý vị là những người phước báu vô cùng, hưởng được phước báu này thì nhớ đền ơn Chư Phật bằng cách giúp đỡ lại người khác, tạo nhiều cơ hội, điều kiện, nhân duyên cho những người khác đến với quý vị hoặc quý vị đến với họ để họ được tiếp xúc, học, thực hành những bài pháp như thế này. Đấy là đền ơn Chư Phật, đền ơn thầy, tổ…tất nhiên, chẳng ai muốn hay cần sự đền ơn cả nhưng coi như một sự tự nguyện trả ơn vì được hưởng sự hạnh phúc mà thôi. Cũng như có một số vị nói với thầy rằng: “Cha mẹ con sinh con ra lần thứ nhất bằng da bằng thịt, còn thầy thì sinh ra linh hồn của con nên cũng là người cha sinh ra con lần thứ hai vì từ ngày gặp thầy tới giờ, tâm hồn con hoàn toàn thay đổi, cuộc sống được thoải mái, không còn đau khổ, khó chịu như trước đây nữa.” Những vị ấy đền ơn Chư Phật bằng cách đóng góp vào việc hoằng pháp, chia sẻ kinh nghiệm cho người khác.

Trong quá trình phát hiện, quan sát, dừng ham muốn sẽ phát hiện được con người kinh nghiệm, từ sự phát hiện này lật ngược vấn đề lại để nhận biết, thấy một con người thật là con người trong suốt, tinh khiết, không hề ô nhiễm bất cứ kinh nghiệm gì trong cuộc sống.

Bài pháp thực hành Tập Dừng Ham Muốn giúp quý vị vừa an lạc nội tâm vừa khám phá con người biến hoá, con người kinh nghiệm để từ đấy khám phá con người chân thật, con người Chân Tâm, khám phá Đạo Tâm của quý vị.

Bài này tới đây là xong.

Tôi thành tâm cầu nguyện cho tất cả quý thiện hữu hiểu sâu sắc và dùng ý chí thực hành thành công bài pháp này, đạt kết quả an lạc nội tâm và từ sự an lạc đó khám phá con người Chân Như, Đạo Tâm của quý vị!
LeGiang is offline   Trả Lời Với Trích Dẫn
Đã có 4 thành viên gửi lời cám ơn đến LeGiang vì bạn đã đăng bài:
angelianc4 (02-02-2023), DerikTog (22-01-2021), psydayDrype (28-10-2015), RidgeSt (10-05-2021)