View Single Post
Old 11-07-2007, 10:55 PM   #6
Hồ sơ
LeGiang
Banned
 
Tham gia ngày: Jan 2005
Số bài viết: 473
Tiền: 25
Thanks: 41
Thanked 593 Times in 241 Posts
LeGiang is an unknown quantity at this point
Default Sự Nguy Hiểm Hay Hậu Quả Của Ham Muốn Là Gì?

Mục Thứ Năm: Sự Nguy Hiểm Hay Hậu Quả Của Ham Muốn Là Gì?

Điều này chắc quý thiện hữu đã biết nhiều rồi. Một trong những hậu quả tất nhiên của ham muốn là khổ đau triền miên vì những ham muốn ấy sẽ mãi mãi không bao giờ hài lòng, điều này đã quá rõ ràng bởi ham muốn không bao giờ có chỗ dừng. Vì vậy, không bao giờ việc thực hiện và đạt được kết quả của một ham muốn bất kì mà lại có thể làm cho người ham muốn dừng lại, không ham muốn nữa. Khi đã đạt được một ham muốn nào đó thì lập tức ham muốn khác phát triển ngay. Ham muốn đẻ ra ham muốn, một ham muốn ban đầu sinh ra hàng ngàn ham muốn khác tiếp sau. Ham muốn không có giới hạn, không có chỗ dừng. Kết quả của việc thực hiện lòng ham muốn cũng không có độ dừng. Do đó, chỉ đau khổ triền miên mà thôi.

Vấn đề tiếp là, ham muốn thường đem lại sự lo lắng vì ham muốn thì phải tính toán, phải ưu tư, mưu đồ…làm đủ thứ để thực hiện cho kì được ham muốn. Do vậy, ham muốn đi liền với sự lo lắng, sợ hãi. Sợ không làm được và sợ cả khi làm được việc gì đó rồi thì lại bị cạnh tranh, bị mất. Có những người vì ham muốn làm giầu mà lo chạy chọt để được quen biết, bám víu vào những người có thế lực chính trị. Từ đó, tạo mối quan hệ với ngân hàng rồi tìm mọi cách moi tiền ngân hàng và dùng tiền đó tạo áp lực với mọi thế lực để vơ vét tài sản hay độc quyền những cái mình có hòng thu vén quyền lợi cho cá nhân. Muốn được vậy thì phải lo lắng, suy nghĩ kế sách…rồi rình rập, gặp gỡ, móc ngoặc, hối lộ … người này người kia làm sao để thỏa mãn ham muốn của những người đó. Nghĩa là, để thực hiện ham muốn của mình thì phải tìm hiểu và thỏa mãn ham muốn của kẻ có quyền lực mà mình cần dựa vào. Phải tìm mọi cách để thỏa mãn những sự ham muốn của người ta thì họ mới cho dựa dẫm, thành ra y như một con rối tội nghiệp. Phải luồn cúi, nịnh hót, bợ đỡ, tìm kiếm, phục vụ những mục đích, kể cả trò chơi mà người ta thí và phải lo phục dịch hết, lấy tiền ngân hàng ra thì phải chia chác nhiều ít cho người ta và lỡ cảnh sát hoặc báo chí biết, rờ tới thì cũng phải lo xu nịnh và tiếp tục hối lộ tiền bạc hay quà cáp.

Tôi biết rõ và quý vị cũng biết rõ qua báo chí nói đến. Trong đời tôi, tôi biết rõ có ít nhất có sáu người “triệu phú” đã làm như vậy. Cuối cùng thì một hai người bị tử hình, hai người bị tù chung thân, một người âm thầm bằng lòng bàn giao tài sản cho nhà cầm quyền, người còn lại phải chuyển hướng công việc để lấy công chuộc tội. Cấp tiền, cấp gái mà cũng không thoát được tội nên tìm cách cầu thánh, cầu thần, lập chùa cúng tế. Nhưng rốt cuộc cả người có quyền và cả thánh thần, bồ tát cũng bó tay..Thật bi đát! Không biết, làm giàu như vậy để làm gì? Thật đau buồn! Nhiều vấn đề trong sự ham muốn kiểu này thật buồn cười, lố bịch, nhố nhăng, bẩn thỉu…không còn nhân cách con người nữa nhưng họ cứ muốn làm vì muốn thực hiện cho được ham muốn, muốn trở thành triệu, tỉ phú. Nếu là người tài giỏi thì cứ sáng tạo ra một điều gì đó mới mẻ, đáp ứng nhu cầu của nhiều người để từ đấy trở thành người giầu có mà không cần phải năn nỉ ai hết.

Nhưng, đa số người đều làm những chuyện mất nhân cách con người để thực hiện ham muốn. Nhiều hơn cả là ở những nơi còn nghèo nàn, lạc hậu thì người kinh doanh muốn giầu có, muốn thực hiện ham muốn thường phải làm những chuyện bẩn thỉu, bỉ ổi. Những kẻ mạnh thì ức hiếp, hãm hiếp người yếu để thỏa mãn ham muốn của mình. Ở những nơi nghèo thì người kinh doanh nhỏ lẻ, không có ham muốn, những việc làm chỉ để đáp ứng nhu cầu tự nhiên tối thiểu, chính đáng là tồn tại như nhu cầu của cơ thể cần phải ăn vào và thải ra, cần tránh mưa, tránh nắng… cũng phải đi qua những đoạn đường nịnh bợ, giao du bất chính, hối lộ, đút lót để được sống, để được yên thân. Không thể tưởng tượng nổi sự đau khổ, sỉ nhục nhân phẩm của con người bị chà đạp rất thậm tệ. Ở những nơi nghèo, hầu như người nào cũng thiếu thốn đủ thứ nên chụp được cơ hội nào là tận dụng bằng hết cơ hội đó để kiếm chác, trục lợi, vì thế, không ngần ngại chà đạp lên nhân phẩm của người khác. Tội nghiệp cho những con người có nhu cầu hết sức chính đáng cũng phải chấp nhận bán phẩm giá để có cơm ăn, áo mặc, nhà ở, yên thân…Hối lộ, móc ngoặc, nịnh bợ…là một trong các cách bán phẩm giá con người nhưng bắt buộc phải bán, không bán không được.

Kể cả các vị tu sĩ xuất thân từ những nơi nghèo thì cách sống, hành đạo cũng không thể nào tách khỏi ảnh hưởng của kinh nghiệm nghèo nàn, đau thương được, dù họ có nói thêu dệt, tô vẽ cho ra trò hay gì đi chăng nữa cũng không thể tách rời ảnh hưởng của quá khứ kinh nghiệm nghèo khổ từ nhiều đời trước để lại. Ngược lại, những người may mắn xuất thân từ dòng tộc làm quan lại, giầu có thì bị ảnh hưởng tư tưởng bóc lột, vơ vét, chà đạp lên nhân phẩm của người khác.

Có hai loại ảnh hưởng như vậy. Nếu ảnh hưởng từ kinh nghiệm nghèo thì trở thành người bán nhân cách bất đắc dĩ dưới nhiều hình thức, vỏ bọc khác nhau. Nếu trải qua kinh nghiệm giầu có, quyền lực thì lại ảnh hưởng tư tưởng ỷ vào thế lực bóc lột, chà đạp, hà hiếp…Những nơi nghèo khổ thường xảy ra những vấn nạn như thế. Báo chí có nêu, những em gái mới hơn mười tuổi ở vùng châu Phi phải trả tiền học phí bằng cách để cho thầy giáo lạm dụng tình dục. Có cả nhân viên của Liên-Hiệp-Quốc với trình độ tri thức và cuộc sống không phải kém cũng lợi dụng sự khó khăn, nghèo đói của các em để dụ dỗ, hãm hiếp rồi mới phát quà, hàng cứu trợ. Những người này được ăn học tử tế đàng hoàng, cũng có danh giá nhưng ham muốn về dục, sắc dục cũng vẫn rất mạnh mẽ và không thể kìềm chế được nên dụ dỗ, hãmhiếp cả các em, các cháu nhỏ nghèo khổ, rách rưới trước khi trao quà.

Hậu quả tiếp là tâm trí của người có quá nhiều ham muốn luôn luôn bị mờ mịt, mà đã mờ mịt thì dứt khoát sẽ thấy sai, nhìn sai, tập trung tư duy sai…cuối cùng, đương nhiên là sẽ phải làm rất nhiều việc sai. Rất nhiều nhà tù trên thế giới nhốt biết bao nhiêu con người ham muốn về tiền bạc, tình dục. Do ham muốn quá nên tâm trí mờ mịt và lấy tiền bạc của người ta, mà hãm hiếp trẻ em. Minh chứng tại Hoa Kì cho thấy, rất nhiều người, nhà tổ chức lãnh đạo của các tổ chức từ thiện phải vào tù vì họ dùng tiền bạc quyên góp được từ nhiều nơi khác nhau để thỏa mãn những ham muốn cá nhân, tiêu xài, thỏa mãn vô tội vạ số tiền ấy. Còn những người ham muốn quyền lực thì dùng quyền lực để tạo ra tài vật bất chính nên phải vào tù. Hầu như ở bất kì nơi nào trên trái đất đều có các vấn đề tương tự.

Thà làm ăn chân chính nhưng bị phá sản còn không sao, con cháu không bị xấu hổ nhưng vào tù vì kiếm tiền bất chính thì không biết con cháu có còn sĩ diện nữa không?. Đúng ra, con cháu còn trẻ, tâm hồn còn trong sạch thì nên duy trì, nuôi dưỡng sự trong sáng của tâm hồn để phát triển tâm hồn trong sáng đó. Cha mẹ làm ra đồng tiền từ những việc bất chính không thể nào giấu diếm được con, cháu và nếu chúng không được may mắn thì sẽ bắt chước, học theo thói xấu ấy. Cho nên, con người có quá nhiều ham muốn thì sẽ thực hiện ham muốn ấy bằng mọi cách, mà ham muốn chưa cần thực hiện, chỉ mới nổi lên thôi thì lập tức tâm đã tối sầm lại rồi và sẽ thấy biết, nghĩ suy, tư duy, hành động sai.

Hậu quả cuối cùng là hoang phí cả cuộc đời, chẳng đi đến đâu cả dù có thực hiện được một phần ham muốn trong cuộc đời. Kết cục lại, không hề thỏa mãn được gì hết, không còn gì hết. Ham muốn trở thành bóng ma lẩn quẩn trong tâm hổn để rồi dẫn dắt người ham muốn đến địa ngục không lối ra. Trong địa ngục ấy, người xây ngục, ngục tốt và cai ngục cùng từ một con người mà thôi. Ham muốn chỉ luôn luôn nghĩ tới và đòi hỏi sự hưởng thụ, mà hưởng thụ không được thành ra khổ đau nên cuối cùng, kết thúc cuộc đời chẳng được gì cả, không thành gì hết ngoài sự đau buồn, thất vọng, sợ hãi…Được cái này thì thất vọng cái khác. Thất vọng thì luôn luôn nhiều hơn được vì thất vọng ảnh hưởng mạnh hơn, kéo dài hơn sự thỏa mãn trong tâm hồn. Được tiền bạc nhưng thất vọng chuyện khác, và tiền bạc có được dù là bao nhiêu cũng không thể giải quyết sự thất vọng đang phải đối đầu. Thất vọng đang đối đầu cũng xuất phát từ sự ham muốn. Hậu quả to lớn của ham muốn là vậy. Quả thật, con người phải sống rất đau thương dù có học cao hiểu rộng, nhiều tiền của, quyền lực đến đâu đi chăng nữa thì rõ ràng vẫn là người đáng thương, thực sự đau khổ vì mải mê chạy theo thỏa mãn ham muốn và chưa thấy được con người thực sự đẹp, con người thực sự lộng lẫy tiềm ẩn trong tâm hồn. Đó là con người vô minh nhưng nói cho cùng thì cũng đáng thương, đáng được hộ trì, đáng được cứu rỗi. Thực sự đáng thương hơn đáng ghét dù người ta đã gây ra không biết bao nhiêu sự đau lòng cho người khác, bản thân người ta phải sống trong cảnh giới địa ngục bởi chính những ham muốn của họ và cũng khiến nhiều người khác phải sống chung trong cảnh giới đó.
LeGiang is offline   Trả Lời Với Trích Dẫn