View Single Post
Old 19-12-2006, 06:29 AM   #1
Hồ sơ
lantim_1988
Member
 
Tham gia ngày: Oct 2006
Số bài viết: 42
Tiền: 25
Thanks: 0
Thanked 4 Times in 4 Posts
lantim_1988 is on a distinguished road
Default Tuyển Nhóm Tình Nguyện Viên

Những lớp học ở “chùa Thầy Út”

Chúng tôi dừng xe trên con lộ dẫn vào thị trấn Thủ Thừa, Long An để hỏi một phụ nữ đường đến chùa Long Thạnh. Chị nhanh nhảu chỉ: "Chú đi thẳng, tới trụ ăng ten của bưu điện hỏi chùa Thầy Út thì ai cũng biết”...

Thêm một lần hỏi thăm nữa trước bưu điện huyện là chúng tôi có thể tìm đến đúng cái cổng gạch ở đầu một con hẻm nhỏ dẫn vào chùa Long Thạnh - ngôi chùa nhỏ do thầy Quảng An xây dựng từ năm 1960, nay là nơi trụ trì của Đại đức Thích Quảng Tâm. Nhiều năm qua, chùa Long Thạnh đã được người dân Thủ Thừa gọi là chùa Thầy Út (theo ngôi thứ trong gia đình của Đại đức Thích Quảng Tâm)...

Người đi trước rước người đi sau

Dù số lượt người vào, ra khá đông song chùa Long Thạnh vẫn giữ được sự yên tĩnh thường gặp ở nơi thanh tu. Đây đang là tổ ấm của 40 em từ các xã vùng xa được thầy Út nuôi ăn và cho theo học tại các trường trong thị trấn. Đêm xuống, chùa Long Thạnh trở thành nơi mà những người không có cơ hội đến trường tìm tới để dự các lớp phổ cập và bổ túc văn hóa do ba giáo viên của Trung tâm Giáo dục thường xuyên Thủ Thừa và hai giáo viên tình nguyện đảm trách.

Chùa có hai phòng nhỏ cạnh hậu liêu với 16 máy cũ để dạy tin học không chỉ cho lũ trẻ đang tá túc tại chùa mà còn mở cửa dạy cả cho con em của dân trong thị trấn lẫn những người muốn biết tin học căn bản. Vào thời điểm này, chùa Long Thạnh đang có bốn lớp xóa mù tin học chia thành hai nhóm học xen kẽ theo các ngày chẵn và lẻ của tuần. Ngoài hai lớp dạy tin học căn bản (từ 16 giờ đến 18 giờ và từ 18 giờ đến 20 giờ) mỗi ngày, phòng máy tính của chùa vẫn là nơi lũ trẻ trong thị trấn tìm đến thực hành những gì đã học. Sau mỗi khoá học, thầy Út lại lên Tân An (thị xã của tỉnh Long An) mời Trung tâm Đào tạo Tin học của tỉnh cử người về Thủ Thừa tổ chức thi và cấp chứng chỉ A Tin học cho học viên. Trừ số học viên là cán bộ - nhân viên Nhà nước có thể tự lo lệ phí thi (140.000 đồng/người), chùa đứng ra gánh thay cho lũ trẻ nghèo khoản lệ phí phải nộp cho trung tâm.

Lớp xóa mù tin học đầu tiên được tổ chức vào năm 2002, sau khi trường THCS Long Thạnh và ba trường tiểu học Long Thuận, Tân Thành A, Tân Thành B được trang bị máy tính. Có máy ai cũng mừng song tất cả giáo viên mù tịt về tin học. Biết chuyện, Đại đức Thích Quảng Tâm ngồi lại bàn bạc với một số phật tử rồi bắt đầu vận động, quyên góp máy tính cũ để mở lớp xóa mù tin học miễn phí. Hồi đó, chỉ có hai nhà sư là thầy Út và thầy Thích Quảng Minh thay nhau đứng lớp. Sau này, tiếng lành đồn xa, thêm nhiều người khác tìm đến góp sức như: thầy Thích Minh Hiếu (chùa Tân Khánh, thị xã Tân An), cô Thư (Công ty Bảo Minh), thầy Diệu (UBDSKH tỉnh Long An)... Họ đều ở Tân An, thay phiên nhau về Thủ Thừa dạy cho tới tối mới quay về. Những người tham gia phổ cập tin học với tinh thần thiện nguyện như thế càng ngày càng đông. Khi có thiết bị nào đó hư hỏng, chỉ cần nhà chùa gọi điện báo tin là có người từ TPHCM về tận nơi để sửa chữa miễn phí.

"Lớp xóa mù tin học ở chùa Long Thạnh là một mô hình vừa thiết thực, vừa hữu ích. Hàng trăm cán bộ - nhân viên Nhà nước ở Thủ Thừa (từ giáo viên ở các xã vùng xa, y - bác sĩ ở bệnh viện, cơ quan bảo vệ thực vật, cấp nước, bưu điện đến cán bộ UBND huyện, thị trấn, các xã) biết dùng máy tính phục vụ công việc là nhờ những lớp học này” - ông Trần Hồng Long, Phó Chủ tịch UBMTTQ huyện Thủ Thừa cho biết như thế. Ông tâm sự: Nếu không có những lớp học đó ngay cả tôi cũng đành chịu mù vi tính vì về thị xã Tân An học thì xa quá còn ra ngoài học thì không có tiền. Dự các lớp này, người học không ngại chuyện tuổi tác đã lớn, theo không kịp chương trình vì ai cũng vậy. Chị Nguyễn Thị Thu Hà - nhân viên Bưu điện huyện Thủ Thừa và con trai đang là hai học viên của chùa kể: "Tuy nhà chùa không thu tiền nhưng thỉnh thoảng tôi và các anh chị học viên vẫn bỏ một chút tiền lẻ vào thùng tiền cúng dường phụ để phụ các thầy trả tiền điện, tiền mua giấy in tài liệu"...


Thị trấn Thủ Thừa từng có hai cơ sở đào tạo về tin học. Trong đó, một cơ sở của tư nhân thu học phí tới 450.000 đồng/người/khóa) - quá cao so với thu nhập của những người chỉ sống bằng lương. Cơ sở còn lại do Trung tâm Giáo dục thường xuyên thuộc Phòng GDĐT huyện tổ chức thì chỉ đào tạo trong giờ hành chính, lúc mà cán bộ - nhân viên trong các cơ quan Nhà nước khác phải làm việc. Cũng vì vậy, các lớp phổ cập tin học ở chùa Thầy Út (vừa miễn phí, vừa dạy ngoài giờ) trở thành giải pháp tối ưu.

Nghe nói, mới đây, một lãnh đạo Phòng GDĐT huyện Thủ Thừa đã yêu cầu nhà chùa làm thủ tục đăng ký thành lập Trung tâm dạy vi tính. Chúng tôi đem việc này hỏi ông Trần Hồng Long, ông cho biết: "MTTQ huyện và Hội Khuyến học ủng hộ các lớp học ở chùa Long Thạnh. Mục đích phục vụ xã hội của các lớp học này rất rõ. Tôi chưa rõ vì sao nhà chùa phải đăng ký thành lập cơ sở kinh doanh ?".

Những tấm lòng cao cả

Hai mươi năm trước, khi chỉ mới 24 tuổi, thầy Út đã biến ngôi chùa nhỏ của mình thành một tổ ấm cho những đứa trẻ hiếu học nhưng có nguy cơ thất học vì mồ côi hoặc cha mẹ tật nguyền, neo đơn... Dù năm nào cũng có một vài đứa trẻ rời chùa để vào đại học hoặc đi làm song số trẻ tìm tới xin tá túc trong chùa cứ thế tăng dần. Đến nay, từ mái chùa này đã có hơn chục đứa trẻ từng nương nhờ mái chùa đã tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định.

Đầu năm nay, nhờ sự tài trợ của một Phật tử, chùa Long Thạnh xây thêm được ba ngôi nhà để làm phòng học, phòng ngủ, phòng tiếp khách, bếp và nhà ăn cho lũ trẻ ăn, ở thoải mái hơn. Tuy chỉ là ở trọ song “khu học xá” ở chùa Long Thạnh rất có nề nếp. Mai Phương Huấn - 12 tuổi, đứa trẻ nhỏ nhất đang tá túc ở chùa Long Thạnh cho biết: “Ba mất năm con bốn tuổi. Trước khi chết, ba dặn má xin cho con vào chùa ăn học". Theo Huấn: "Anh Tư được má con gửi vô chùa trước, còn con tới năm lớp Ba mới được má gửi vào đây. Trước Tết vừa rồi, má với chị Năm bị xe đụng gãy tay, anh Tư phải xin về giúp má dọn hàng (má Huấn bán hàng ở chợ Mỹ An – Thủ Thừa).

Do không có thu nhập ổn định nên đôi khi, thầy Út và đám trẻ của mình lâm vào cảnh... hết gạo. Đó là lúc các am tự khác san sẻ, tiếp sức. Ngoài 40 em trai đang được thầy Út nuôi dưỡng, lo cho ăn học. Các bé gái được thầy Út gửi về chùa Long Hòa (xã Mỹ Thạnh, Thủ Thừa) cho một số ni sư chăm sóc.

Trích Báo Tin Học echip :http://www.echip.com.vn/echiproot/ht...hquangtam.html
Thầy út được Báo Tin Học echip phong tước Hiệp Sĩ Công Nghệ Thông Tin năm 2004.
__________________
Hãy là những điểm tựa cho nhau ! Anh ngã xuống, Ai sẽ đứng lên ?Ai sẽ truyền lửa cho tôi ?Ai thôi thúc tôi? Hãy truyền lửa cho nhau ! Anh ơi !Vòng xoay nào cho rubic?Lửa ở đâu rồi ?

thay đổi nội dung bởi: lantim_1988, 19-12-2006 lúc 10:00 AM.
lantim_1988 is offline   Trả Lời Với Trích Dẫn