Cựu Học Sinh Lê Quý Đôn - Long An

Cựu Học Sinh Lê Quý Đôn - Long An (http://www.lqdlongan.com/forum/index.php)
-   Bóng Đá (http://www.lqdlongan.com/forum/forumdisplay.php?f=213)
-   -   Hậu Seagames 23 (http://www.lqdlongan.com/forum/showthread.php?t=1020)

Vinh Loc 90A 01-01-1970 07:00 AM

Hơn tuần nay người ta đang xem xét tại sao bóng đá nam VN yêu quý không thắng Thái Lan trong trận chung kết vừa qua?

Sau đây là một trong những lý do: (nguồn từ báo Thanh Niên, Người Lao Động, Lao Động,VNexpress...)


Trích:

Thứ hai, 12/12/2005, 09:33 GMT+7

Một số tuyển thủ U23 bị tố cáo bán độ tại SEA Games 23

Cơ quan điều tra đang thu thập thêm những chứng cứ về việc 4 cầu thủ tuyển U23 nhận tiền của đường dây cá độ bóng đá quốc tế trong trận bán kết gặp Malaysia.

Từ những lời tố cáo ban đầu, cơ quan điều tra nhận định, trong thời gian diễn ra các trận đấu bóng đá nam tại SEA Games 23 có ít nhất 4 cầu thủ của đội tuyển bị nghi đã bán mình cho các ông trùm của một số đường dây cá độ bóng đá trong nước và quốc tế. Các tài liệu thể hiện, họ giao ước U23 Việt Nam sẽ chỉ thắng tuyển Myanmar với tỷ số sít sao 1-0; và hoà U23 Malaysia trong 90 phút thi đấu chính thức.

Vụ dàn xếp tỷ số trong trận đấu với đội Malaysia được phát hiện ngay trước giờ bóng lăn. Nhờ tin báo của một học trò cũng là thành viên đội tuyển, nhà cầm quân Alfred Riedl đã kịp thay đổi chiến thuật. Âm mưu trên bị phá sản.

Theo một nguồn tin, do hoàn thành đúng "kịch bản" thắng 1-0 trước tuyển Myanmar, đường dây cá độ bóng đá quốc tế đã chia tiền cho những tuyển thủ này. Tuy nhiên, danh tính của họ chưa được tiết lộ.


Tuyển U23 Việt Nam. Ảnh: M.H.

Cơ quan điều tra cũng có chứng cứ về việc một số cầu thủ Việt Nam đã nhận tiền, để đội nhà thua trong một trận đấu bóng quốc tế, cách đây vài năm. Khoản này là 6 tỷ đồng.

Theo Ban chuyên án, cùng với chiến dịch làm rõ các hành vi mờ ám, "bán mình" của các trọng tài trong làng bóng đá Việt Nam, cơ quan điều tra sẽ ráo riết điều tra về nghi án "bán mình cho quỷ" của một số cầu thủ U23.

Ý kiến của bạn?

L.T.





Vinh Loc 90A 01-01-1970 07:00 AM

Từ báo NLĐ...

Trích:

4 cầu thủ bị nghi ngờ bán độ

12-12-2005 00:50:47 GMT +7


Văn Quyến (áo sậm) trong trận gặp Malaysia ở SEA Games 23Ảnh: HẢI ANH
Hải Lâm, Bật Hiếu, Văn Trương và Văn Quyến bị nghi ngờ có những biểu hiện bất thường trong trận gặp Myanmar và Malaysia

Theo một nguồn tin, cơ quan điều tra đã thu thập được tài liệu về một số cầu thủ U 23 VN bị nghi ngờ bán độ trong các trận đấu tại SEA Games 23. Theo đó, có 4 cầu thủ và 1 phóng viên thể thao lọt vào tầm ngắm: bị nghi ngờ bán độ trong trận VN thắng Myanmar 1-0 tại vòng bảng và trận VN thắng Malaysia 2-1 ở bán kết.

Giới cá độ vào cuộc

Trong trận gặp Myanmar vào ngày 24-11, đội U23 VN thắng chật vật với tỉ số 1-0. Trước trận, giới cá độ trong nước đã tự tin đoán trước tỉ số này. Trước trận bán kết gặp Malaysia vào ngày 2-12 (U23 VN thắng 2-1), giới cá độ cũng đoán trước hai đội sẽ hòa trong 90 phút chính thức. Đến phút 40, tỉ số là 1-1 và nếu tỉ số này được giữ nguyên đến hết 90 phút, có lẽ dân cá độ đã thắng lớn! Tuy nhiên, theo những gì giới chuyên môn nghi ngờ thì chính tiền vệ đội trưởng Phan Văn Tài Em, tiền vệ Quốc Anh và tiền đạo Công Vinh (vì không nằm trong “guồng bán độ” này) đã phá vỡ “kịch bản” hòa. Trong hiệp 2, Quốc Anh đi bóng bên cánh trái rồi chuyền cho Tài Em để tiền vệ này tạt vào cho Công Vinh đệm bóng ấn định chiến thắng 2-1.

“Nhóm 4 người” gồm những ai?

Thật ra, ngay khi đội U23 VN trú quân tại Bacolod, dư luận đã nghi ngờ về “nhóm 4 người” này, đặc biệt là sau trận thắng khó nhọc trước U23 Myanmar. Trao đổi với một quan chức đội U23 VN ngay tại Bacolod, phóng viên Báo Người Lao Động được biết ngoài các tiền vệ gồm Quốc Anh, Quốc Vượng, Tài Em, Tấn Tài được tuyệt đối tin tưởng, ở hàng tấn công và phòng ngự đều có những vị trí bị nghi ngờ. Ở hàng tiền đạo, chỉ có Công Vinh được đánh giá là “ngoan ngoãn” nhất, trong khi hàng phòng ngự chỉ có thủ môn Quang Huy, trung vệ Minh Đức là có thể tin 100%.

Do vậy, không khó nhận ra 4 vị trí bị nghi ngờ gồm Hải Lâm, Bật Hiếu, Văn Trương và Văn Quyến. Cả 4 cầu thủ này đều có biểu hiện khác thường trong trận gặp U23 Myanmar, trong đó Văn Quyến chơi như người mất hồn trên hàng công và bị thay ra ở hiệp 2, còn Hải Lâm, Bật Hiếu, Văn Trương liên tiếp mắc lỗi ở hàng thủ. HLV Riedl cũng bán tín bán nghi về 4 cầu thủ này, đó là lý do ông công khai thừa nhận nếu Văn Quyến không thay đổi tính cách thì cầu thủ này sẽ “hỏng”.

Những rắc rối liên quan đến cuộc bầu chọn danh hiệu “Cầu thủ U23 VN xuất sắc nhất SEA Games 23” cũng bắt nguồn từ đây. Ban đầu, Văn Quyến nhận được nhiều phiếu nhất, nhưng sau khi cơ quan điều tra thẩm tra tư cách cầu thủ, Công Vinh lại là người lên ngôi. Có chi tiết thú vị: Lá phiếu duy nhất bầu cho Văn Quyến là của ông Lê Thế Thọ, nhưng hiện tại ông Thọ đang công tác nước ngoài nên có thể lá phiếu ấy không thể điều chỉnh cho “hợp thời cuộc” (?!).

Ngoài ra, những biểu hiện bất thường ở một trận đấu trong năm 2004 của đội tuyển VN cũng vừa lọt vào tầm ngắm của cơ quan điều tra. Có thông tin cho rằng trong trận này, một số cầu thủ đã bán độ với giá 6 tỉ đồng.

A.Phương - Y.Nhi





Vinh Loc 90A 01-01-1970 07:00 AM

Trích:

LĐ số 343 Ngày 12.12.2005 Cập nhật: 08:13:07 - 12.12.2005

Đội tuyển U.23 Việt Nam tại SEA Games:
Có dấu hiệu một phóng viên môi giới bán độ

* Lê Công Vinh là cầu thủ xuất sắc nhất SEA Games 23 của U.23 VN.

Theo một nguồn tin riêng của Lao Động, Cơ quan điều tra đã nhận được đơn tố cáo một số cầu thủ U.23 bán độ ở ít nhất 2 trận đấu tại SEA Games 23. Trong đó, có một số cầu thủ có biểu hiện bán độ tại trận bán kết gặp Malaysia. Rất may, vụ việc này đã bị phát hiện trước khi trận đấu diễn ra.


Văn Quyến trong trận U.23 VN
gặp Malaysia tại Sea Games 23

Theo đó, "hợp đồng" của trận này là hoà trong 90 phút thi đấu chính thức. Tuy nhiên, những phút đầu của hiệp hai, "hợp đồng" trên bị phá vỡ khi Công Vinh đưa U.23 VN vượt lên với tỉ số 2 -1. Đây cũng là tỉ số chung cuộc của trận bán kết.
Kết quả này có được là do Cơ quan điều tra đã kịp thời phát hiện. Bước đầu, Cơ quan điều tra đã có bằng chứng một số cầu thủ ở cả 3 tuyến của đội tuyển U.23 có biểu hiện bắt tay nhau để cùng bán độ. Điều đáng chú ý nhất trong vụ việc này là vai trò "môi giới" của một phóng viên thể thao.

Trong trận gặp Myanmar ở vòng bảng, tuy được đánh giá "trên cơ", song một số cầu thủ VN đã vào cuộc với một lối đá thiếu lửa, khiến đội Myanmar giành quyền kiểm soát thế trận. Sau trận đấu, dù thắng Myanmar với tỉ số 1-0 và đứng đầu bảng, song HLV A.Riedl không thể vui trước lối chơi của các học trò.

Hiện Cơ quan điều tra đã nắm trong tay một số tài liệu cho thấy, một số tuyển thủ U.23 đã có biểu hiện "bán độ" trong trận đấu quan trọng này với kết quả 1-0; đó chính là tỉ số mà một số kẻ tổ chức cá độ trong nước đưa ra để mua các cầu thủ VN.

Trước đó, Cơ quan điều tra cũng có thông tin về một vụ bán độ khác của U.23 VN tại đấu trường Đông Nam Á vài năm trước. Chỉ biết rằng, trong trận thua 0-2 tại sân khách này, một số tuyển thủ đã bán độ với giá lên đến... 6 tỉ đồng.

Vì vậy, song song với vụ tiêu cực liên quan đến trọng tài, Cơ quan điều tra quyết định tiến hành củng cố hồ sơ tiêu cực của một số cầu thủ, các cá nhân, tổ chức cá độ ở các giải đấu quốc gia cũng như khu vực mà VN tham gia. V.H

Lê Công Vinh là cầu thủ xuất sắc nhất SEA Games 23 của U.23 VN

Hôm qua (11.12), LĐBĐVN đã công bố kết quả bầu chọn danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất của đội tuyển U.23 VN tại SEA Games 23. Theo đó, với 11 phiếu được phát ra, Công Vinh giành được 4 phiếu và giành được danh hiệu này, vượt qua các đàn anh Văn Quyến, Quốc Vượng, Minh Đức.

Như vậy, chiếc xe Toyota Vios - phần thưởng mà nhà tài trợ - siêu thị Nguyễn Kim - dành cho cầu thủ xuất sắc nhất U.23 VN đã thuộc về Công Vinh. Giá một chiếc Toyota Vios hiện nay là 27.800USD. Tuy nhiên, theo thông lệ, Công Vinh chỉ được nhận một phần nhỏ (20%) tổng giá trị chiếc xe (khoảng 5.800USD), phần còn lại được chia đều cho các thành viên khác của ĐT.

Tuy nhiên, việc danh hiệu này về tay Công Vinh là một bất ngờ... bí ẩn. Theo nguồn tin của LĐ, cho đến tận chiều 10.12, người dẫn đầu danh sách còn là Văn Quyến với 4 phiếu bình chọn. Nhưng đến hôm qua, khi LĐBĐVN công bố kết quả, thì chiến thắng lại thuộc về Công Vinh, cùng với 4 phiếu giành được, trong khi Văn Quyến chỉ về... thứ ba.

Việc Văn Quyến không có tên, được biết có thể là do anh đã dính vào một nghi án tiêu cực từ JVC Cup 2003 (khi đó, cả Văn Quyến, Như Thành, Huy Hoàng đều có tên trong nghi án, nhưng cuối cùng chỉ có mỗi Vũ Như Thành bị "chấm").

Thành phần tham gia cuộc bầu chọn này - ngoài các nhà báo - còn có 4 chuyên gia hàng đầu của LĐBĐVN là PCT Lê Thế Thọ, TTK Trần Quốc Tuấn, HLV Riedl và trợ lý Lê Thụy Hải. Q.M




Hay là vào đây nè!!!!!!

[Only registered and activated users can see links. Click Here To Register...]

[Only registered and activated users can see links. Click Here To Register...]

[Only registered and activated users can see links. Click Here To Register...]

[Only registered and activated users can see links. Click Here To Register...]


Sưu tầm

Reporter 01-01-1970 07:00 AM

Trước giờ vẫn thương Quyến (ko hỉu vì sao :wub: ). Giờ đọc báo, nhìn hình, chỉ muốn đập cho 1 trận :angry: :D

An Nhiên 01-01-1970 07:00 AM

Trích:

Từ nghi án bán độ, nhớ lại những chuyện tại Bacolod
Chuyện Văn Quyến, Bật Hiếu, Văn Trương, Hải Lâm bị triệu tập vì nghi vấn bán độ làm người hâm mộ cả nước sững sờ. Nhưng với báo chí, đó là việc dường như phải đến sau những gì đã được tận mắt chứng kiến tại Philippines.

Kết thúc trận đấu với Myanmar tại vòng bảng trên sân Paglaum, trong vô số khuôn mặt giận dữ và thất vọng, ông Lê Thế Thọ - Phó Chủ tịch VFF, đã có nhận xét gây choáng váng ''Có ít nhất 4 thằng không đá trận này''.

Thực ra, không cần đợi ông Thọ nói ra những người có mặt trên sân mới biết có cầu thủ không ''chịu'' đá. Nhưng tiếng nói từ một người như ông Thọ, cộng thêm những quan sát từng ngày trong sinh hoạt và tập luyện của các cầu thủ, đưa giới báo chí đến một kết luận thống nhất: Trong nội bộ U-23 Việt Nam có một nhóm cầu thủ ''có vấn đề'', gồm 4 người: Văn Quyến, Văn Trương, Bật Hiếu, Hải Lâm.

''Đoàn kết'' trong sinh hoạt

Người viết tin chắc trong sổ tay của các PV có mặt tại Bacolod cùng đội U-23 Việt Nam không thể thiếu thông tin riêng về ''bộ tứ'' này. Và họ cũng chẳng cần chờ lâu để có cơ hội kiểm chứng sự mật thiết của nhóm này.


Họ thường tách ra sinh hoạt riêng.


23h đêm ngày 24/11 (giờ Bacolod), tức là ngay sau trận Việt Nam - Myanmar, Văn Trương, Hải Lâm lững thừng đi bộ từ ngoài đường vào... cổng KS Circle Inn. Theo sau 1 đoạn là Văn Quyến, rồi Bật Hiếu. Họ làm gì vào giờ đó ở ngoài đường trong khi BHL đã quy định tất cả các cầu thủ phải đi ngủ vào 22h?

Khi 1 PV có mặt tại sảnh KS hỏi 1 cầu thủ trong nhóm là ''sao lại ra ngoài muộn thế?'' thì nhận được câu trả lời ''Em đi mua thẻ điện thoại ngoài phố nhưng lúc về quên đường nên muộn''.

Xin không bình luận về tính chính xác của câu trả lời mà chỉ xin nhắc lại: để đảm bảo an ninh cho các đoàn thể thao, bất cứ VĐV, quan chức nào khi đi ra phố đều phải có cán bộ an ninh Philippines đi cùng, hay ít nhất là tình nguyện viên. Bởi thế, lạc đường là chuyện không thể. Chưa kể, ngay trong khuôn viên KS Circle Inn cũng có 1 siêu thị nhỏ mở 24/24h bán thẻ điện thoại.

Sự việc trên một lần nữa tái diễn vào tối ngày 29/11, sau khi toàn đội ra sân Panaad xem trận Philippines - Malaysia. Lần này, người ''dẫn đường'' là TNV Benje, sau khi 1 cầu thủ trong nhóm này bất thành trong việc nhờ vả 1 PV dẫn đi ''xả hơi''.

Người viết không có ý quy kết điều gì cho nhóm 4 cầu thủ này dù chuyện họ đi chơi muộn rõ ràng là vi phạm kỷ luật. Chỉ để khẳng định một điều: trong sinh hoạt, nhóm 4 cầu thủ này gần như tách hẳn khỏi tập thể U-23 Việt Nam và cũng không quá nếu nói đó chính là tình trạng bè phái mà BHL U-23 không hiểu không biết hay cố tình làm ngơ.

...Và ''đoàn kết'' trên sân bóng (!?)

Niềm tin của các quan chức VFF và của báo chí theo đội sang Bacolod bị giáng đòn chí tử sau trận Việt Nam - Myanmar. Đó là trận đấu của quá nhiều sai lầm thô thiển đến nỗi sau trận đấu ông Riedl đã không dám nhận đó là ''đội bóng của tôi''.





Rất nhiều vị trí trên sân xuống sức một cách rõ rệt, trong đó ''nổi bật'' nhất là 3/4 cầu thủ ở hàng phòng ngự: Hải Lâm, Bật Hiếu và Văn Trương. 3 cầu thủ này khiến các đồng đội trên sân như phát rồ khi liên tục bỏ vị trí hoặc chuyền sai địa chỉ.

Trong khoảng 20 phút cuối trận, khi Việt Nam đang dẫn Myanmar 1-0, bóng được dồn nhiều sang cánh phải của Hải Lâm. Có ít nhất 3 tình huống phản công nhanh Hải Lâm dắt bóng 1 mạch lên gần khung thành đối phương nhưng thay vì phối hợp với đồng đội thì lại chững lại, chuyền ngang hoặc trả bóng về.

Nếu bóng đến chân Văn Quyến thì cũng lại là động tác tương tự: giữ bóng thật lâu, giả vờ ngã hoặc chuyền về chứ không lao lên phối hợp với Công Vinh hay Quốc Anh.

Ở phía dưới, Bật Hiếu và Văn Trương liên tục mắc lỗi khiến Phước Vĩnh, người đá thay Minh Đức, phải nhiều lần lao mình phá bỏng theo kiểu 5 ăn - 5 thua. Quá bức xúc vì thái độ vô trách nhiệm của đồng đội, ngay khi rời sân Tài Em và Phước Vĩnh đã kêu lên ''Chúng nó đá thế thì làm sao bọn em đá được''.

May là Việt Nam đã không thua Myanmar bởi tuy không tấn công nhưng Hải Lâm, Văn Trương cũng chưa đến nỗi không phòng ngự. Theo nhận xét của TTK Trần Quốc Tuấn sau trận đấu thì ''có những tình huống mà nếu Hải Lâm và Văn Trương rút chân về thì Việt Nam có thể thua nhưng họ lại không làm thế''.

Vào thời điểm đó, ít người nghĩ đến kịch bản của một trận độ mà chỉ đặt nghi vấn theo hướng các cầu thủ gây sức ép về tiền thưởng. Bản thân các quan chức VFF dường như cũng cố gạt bỏ suy nghĩ rằng không có ''mùi tiêu cực'' bằng cách rút ví đưa cho đội 3.000 USD thưởng nóng. Nhưng ngay sau khi đưa tiền, vài cầu thủ đã được gọi lên nhắc nhở về thái độ thi đấu.

Sau ngày 24/11, U-23 Việt Nam được nghỉ đến cả tuần (trận đấu với Indonesia chỉ có ý nghĩa thủ tục) và quãng thời gian đó vô tình làm dịu đi sự căng thẳng trước khi nó bùng phát trở lại dữ dội hơn trong trận đấu với Malaysia tại bán kết.

''Tiêu diệt'' đồng đội


Trận đấu với Malaysia như giọt nước làm tràn ly khiến các thành viên trong đội như nổi khùng trước thái độ của nhóm ''4 người'', đỉnh điểm là bên cánh phải của Hải Lâm và Tấn Tài. Những PV có mặt trên sân, ngồi ngay trên đường piste sân Panaad không ai không nghe thấy những lời chửi rủa mà Hải Lâm nhắm vào Tấn Tài.

Những câu nói có tính nhục mạ của Hải Lâm (người viết không tiện liệt kê) khiến Tấn Tài bị ức chế nặng. Trong 1 tình huống phải về bọc lót cho Hải Lâm do cầu thủ này bỏ vị trí lên tham gia tấn công, Tấn Tài đã nổi sung và suýt nữa hành hung cầu thủ Malaysia sau khi bị phạm lỗi.

Đó là hành động không ai ngờ tới ở 1 cầu thủ có tiếng là lành như Tấn Tài. Khi trở về KS sau trận đấu, Tài tâm sự ''Em nhịn hết nổi rồi. Nếu nó còn thế thì em bất chấp''. Không bằng mặt và cũng chẳng bằng lòng, mối quan hệ của bộ đôi bên cánh phải gần như chỉ tồn tại trên lý thuyết và trong mỗi trận bóng, Hải Lâm vẫn lao lên tấn công mà gần như không bao giờ phối hợp cùng Tấn Tài.

Văn Trương lại khiến các đồng đội bên cánh trái ức chế theo cách khác. Thể lực yếu ớt 1 cách đáng ngạc nhiên khiến cầu thủ Huế chỉ còn là cái bóng trên sân. Trong trận đấu với Malaysia, số lần đá lỗi của Văn Trương lên đến gần...hai chục chỉ trong hiệp đầu tiên.

Cảnh thường thấy nhất là ông Riedl chạy ra sát đường biên gào lên ''Trương, come back, come back'' (Trương, về đi, về đi) mỗi khi cầu thủ này dâng lên tấn công. Nhưng hầu hết phản ứng của cầu thủ này là ... đi bộ, mặc cho Quốc Anh hoặc Văn Biển phải lao về trối chết.

Chi tiết đáng nhớ nhất về Văn Trương tại SEA Games 23 có lẽ là cảnh cầu thủ này lững thững quanh khu vực cấm địa của U-23 Thái Lan vào thời điểm Teerathep đệm bóng ấn định chiến thắng 3-0 cho Thái Lan.

Bật Hiếu lại đẩy Minh Đức vào thế khó bằng những... quả đánh đầu. Gần cuối trận đấu với Malaysia, khi U-23 Việt Nam dẫn 2-1, Bật Hiếu khiến cả sân Panaad ồ lên khi có một cú đánh đầu trả ngược về phía sau cho tiền đạo Malaysia dù đó là tình huống không có đối thủ tranh chấp và phía sau lưng là cả khoảng trống. Minh Đức đã phải lao vào phá bóng rất mạo hiểm trong tình huống đó dù chấn thương chưa lành hẳn.

Với những gì thể hiện trên sân và trong cách sinh hoạt, 4 cầu thủ này tạo nên một bức tường vô hình ngăn cách với các đồng đội. Họ không mấy khi tiếp xúc với những cầu thủ khác và ngược lại, các thành viên còn lại của ĐT cũng đều lảng tránh mọi câu hỏi của báo chí về ''bộ tứ'' này.

Mất đoàn kết, chắc chắn! Còn điều gì nghiêm trọng hơn thì phải chờ xem...

Vietnamnet


An Nhiên 01-01-1970 07:00 AM

Có hay không âm mưu loại bỏ HLV Riedl?

Thất bại của U.23 VN tại SEA Games 23 là chuyện hai năm rõ mười, trách nhiệm chính tất nhiên thuộc về HLV Riedl, nhưng cao nhất vẫn là LĐBĐVN. Vậy mà có người trong LĐ theo dõi đội tuyển suốt từ đầu đến cuối muốn đổ hết lỗi và loại vị HLV người Áo để xem như mình không có trách nhiệm gì trong thất bại này.

Trong những ngày ở Bacolod, không khó khi nhận ra HLV Riedl thường ngồi âu sầu một mình bên ly bia ở sảnh khách sạn Circle Inn. Ông trầm ngâm không nói với ai một lời nào và khi ai đến gần để bắt chuyện thì ông luôn nhún vai miễn cưỡng nói chuyện. Ai hiểu tính cách của Riedl đều biết ông không phải là người quá khó tính, nhưng sở dĩ ông chẳng thể vui vì ông biết nhiệm vụ đạt thành tích cao ở SEA Games rất quan trọng, có ảnh hưởng đến tương lai của ông và dường như ông đã cảm nhận được đang có một chiến dịch chờ ông sẩy chân ở SEA Games lần này là ra tay đẩy ông đi khỏi VN.



Thế nên HLV Riedl gần như không tìm được sự hợp tác từ các trợ lý vốn phần lớn là người của Phó chủ tịch LĐBĐVN Lê Thế Thọ đưa vào. Giữa ông Riedl và ông Thọ vốn đã bằng mặt không bằng lòng từ lâu.

Còn nhớ năm 2000, trước khi đội tuyển lên đường dự Tiger Cup tại Songkhla, chính ông Riedl khi đưa đội vào tập huấn ở Trung tâm TDTT Công an TP.HCM đã từng phản ứng gay gắt chuyện can thiệp vào chuyên môn của ông Thọ và nhất là khi ông Thọ phát biểu trên một tờ báo thể thao là: "Phải giành lại chủ quyền cho VN trong chuyện dẫn dắt đội tuyển" thì ông Riedl đã rất cáu gắt cho rằng ông Thọ muốn hất cẳng mình.

Vì vậy, sau Tiger Cup, ông Riedl đã không kèn không trống ra đi nhưng ông Thọ sau đó cũng chẳng tồn tại được lâu ở nhiệm kỳ 3 LĐBĐVN.

Lần này, khi ông Thọ trở lại cương vị cũ, mối quan hệ giữa đôi bên không những không được cải thiện mà còn nghiêm trọng hơn. Chính ông Thọ từng lên VTV phát biểu trong chương trình 360 độ thể thao là: "Nếu ông Riedl không thành công ở SEA Games 23 thì tôi nghĩ tốt nhất ông nên ra đi", chính điều đó đã làm HLV Riedl cảm thấy "khó thở".

Sau chuyến tập huấn ở Áo về, trong khi ông Riedl bảo thủ bảo vệ các học trò và không muốn gọi thêm bất cứ cầu thủ nào khác thì ông Thọ phát biểu trên báo cho rằng hậu vệ phải của đội tuyển quá kém và khi ông khẳng định LĐ sẽ phải gọi bổ sung thêm 1, 2 vị trí khác, trong đó có Phùng Văn Nhiên của Nam Định thì ông Riedl thật sự nổi cáu.

Có thể nhận định của ông Thọ không sai nhưng thay vì bàn bạc góp ý với ông Riedl bằng trách nhiệm của mình thì ông lại "công kích" ông Riedl bằng việc quay lưng không hợp tác và chỉ trích đằng sau. Nhiều người cho rằng nếu như ông Thọ có góp ý mà ông Riedl không nghe thì sau này ông Riedl không có lý do gì trách được ông, nhưng việc làm của ông Thọ càng khiến cho quan hệ giữa đôi bên thêm rạn nứt.

Tình thế càng xấu hơn khi trợ lý HLV Lê Thụy Hải được bổ sung vào đội U.23 thay ông Nguyễn Thành Vinh. Trong giới ai cũng biết, vị HLV nổi tiếng bôn ba qua nhiều đội Hải "lơ" vốn là đệ tử ruột của ông Thọ nên ông Riedl không hài lòng.

Có lần, chính ông đã đề nghị với Chủ tịch LĐBĐVN Nguyễn Trọng Hỷ là ông không cần thêm trợ lý nhưng ông Hỷ không can đảm bỏ ông Hải ra vì thực chất khi đó BHL người Việt chỉ với 2 HLV Hoàng Gia và Trần Văn Khánh cùng với trợ lý ngôn ngữ Trần Hùng Cường bị coi là quá yếu. Ở vào tình thế không thể không nhận, cái khoảng cách giữa ông Riedl và ông Hải lớn dần theo ngày tháng. Sự thật là ở Bacolod, hầu như hai ông không hợp tác với nhau.

Ông Hải cũng dở vì ông để cá tính của mình lấn át công việc còn ông Riedl cũng dở khi ông coi như không có ông Hải trong đội tuyển, cũng có nghĩa ông không thèm để ý đến sự có mặt cũng như vai trò phó đoàn kiêm phụ trách đội U.23 của ông Thọ. Có lần, chính ông Riedl đã cáu gắt khi "dập" lại một phóng viên khi đến phỏng vấn ông: "Ở đây chỉ có tôi là người chịu trách nhiệm cao nhất về chuyên môn đội U.23 và chẳng có ai khác được quyền can dự vào”.

Từ đó, ông Thọ gần như không thể sâu sát đến việc chỉ đạo chuyên môn của U.23 và chỉ còn cách thông qua các "đệ tử" để nắm tình hình. Và cũng chính điều này khiến ông Thọ bực tức ông Riedl ra mặt và nhiều phóng viên có mặt ở Bacolod không ít lần nghe ông chỉ trích lối đá của ông Riedl.

Ngoài ra, ông Thọ vẫn muốn can dự vào chuyện chuyên môn bằng việc rỉ tai một số cầu thủ, truyền đạt ý kiến đến BHL người Việt, hết hiệp một rời hàng ghế trên khán đài để lẳng lặng đi vào phòng họp kỹ thuật của đội để nghe ngóng và chỉ đạo chiến thuật cho một vài trụ cột. Dù ông Thọ tỏ ra tế nhị khi không xuất hiện ở khu kỹ thuật của đội sau trận đấu nhưng từ xa, ông cũng có vài lần đưa ra những nhận xét làm "phật lòng" ông Riedl.

Sau khi xảy ra chuyện cầu thủ đòi tiền thưởng, ông Riedl từng thổ lộ với một số quan chức LĐBĐVN cho rằng lẽ ra với trách nhiệm quản lý chung ở Bacolod, ông Thọ phải giải quyết êm thắm vụ này, không để tư tưởng cầu thủ xuất hiện những vết rạn cũng như không nên để cầu thủ kéo đến phòng ông để đề nghị ông can thiệp chuyện tiền nong.

Ông Riedl buộc phải làm vui lòng cầu thủ bằng việc yêu cầu LĐ nên giải quyết rạch ròi và sớm nhất chứ trong thâm tâm thừa hiểu đó không phải là nhiệm vụ của mình. Khi nghe được tin này, ông Thọ đã cáu lên khi nói rằng vấn đề ông Riedl trước sau gì cũng phải xem lại, và ông đã nói riêng với một số người để vận động nên thay ông Riedl. Bằng chứng rõ nhất là trong cuộc làm việc giữa LĐ với ông Riedl cuối tuần qua, ông Thọ đã vắng mặt hợp pháp vì bận đi nước ngoài!

Trong chuyện lùm xùm cầu thủ bán độ, nhiều người cũng đề nghị làm rõ trách nhiệm của ông phó đoàn thể thao ở Bacolod đến đâu, vì sao lại để xảy ra điều này từ trận gặp Myanmar mà không có biện pháp ngăn chặn?

Theo TNO

dark 01-01-1970 07:00 AM

Cái thua của chúng ta là chính xác vì chúng ta thua người Thái rõ ràng về mọi mặt, không phải chỉ là phong độ nhất thời, họ quá mạnh so với chúng ta nên thắng chúng ta là xứng đáng . Nhưng điều đáng nói ở đây chính là tinh thần, là thái độ thi đấu của các cầu thủ VN, thật đáng thất vọng . Dark tin rằng ai có xem trận chung kết cũng thất vọng như dark !

trongbangpham 01-01-1970 07:00 AM

Nghi án một số cầu thủ bán độ tại SEA Games 23 - Trách nhiệm của ông Phó đoàn Lê Thế Thọ đến đâu ?


Bị nghi vấn tiêu cực vẫn đi SEA Games

Ngay từ khi ông Thọ được lãnh đạo UBTDTT quyết định cử giữ chức Phó đoàn thể thao VN, rất nhiều người đã bày tỏ sự không đồng tình. Thứ nhất, ông là một cán bộ về hưu, không còn chức danh về mặt quản lý nhà nước, trong khi ở Bacolod có rất nhiều môn, không riêng gì bóng đá. Thứ hai, đã có ông Lâm Quang Thành - Hiệu trưởng Trường Đại học TDTT T.Ư II kiêm Giám đốc Trung tâm HLQG 2 - phụ trách với cương vị phó đoàn thì không nhất thiết phải bố trí thêm ông Thọ làm phó đoàn. Thứ ba là hồi SEA Games 22 tổ chức trên sân nhà, ông Trần Duy Ly - khi đó là Phó chủ tịch thường trực LĐBĐVN còn chưa được làm phó đoàn, thì vì sao SEA Games 23, ông Thọ lại được chọn? Phải chăng đã có sự ưu ái ở đây?

Khi những "lùm xùm" kể trên chưa lắng xuống thì ông Thọ lại bị ông Đặng Quang Dương - từng là Phó giám đốc Trung tâm TDTT Công an TP.HCM và là Phó ban thi đua khen thưởng kỷ luật LĐBĐVN khóa 4 - lên tiếng tố cáo là có dính líu đến Thắng "tài dậu". Chính ông Dương đã gửi các thông tin mà ông có được chứng tỏ sự liên quan của ông Thọ như lời khai của Mạnh "bệu", một đàn em của Thắng "tài dậu" cũng như văn bản của cơ quan điều tra... đến ông Vũ Hạng, nguyên Trưởng ban thi đua khen thưởng kỷ luật LĐBĐVN khóa IV từ trước khi Đại hội LĐBĐVN khóa V diễn ra để đề nghị nên xem xét tư cách đại biểu và ứng viên ghế Phó chủ tịch của ông Thọ, nhưng Thường trực LĐBĐVN khi đó đã lờ đi.

Lẽ ra với những tố cáo của ông Dương, dù chưa đủ cơ sở để chứng minh ông Thọ có tiêu cực nhưng ít ra cũng cần phải được các cơ quan chức năng xem xét nghiêm túc và có một kết luận rõ ràng, xem ông Thọ có xứng đáng có chân trong lãnh đạo đoàn đi SEA Games hay không? Mặc dù UBTDTT khi đó cũng có một văn bản gửi cơ quan điều tra đề nghị làm rõ, nhưng thực hư của sự việc này chưa được làm rõ và ông Thọ vẫn đàng hoàng đi Philippines với cương vị Phó đoàn TTVN!

Bỏ mặc đội tuyển

Tại Bacolod, ông Thọ đã ở chung khách sạn Circle Inn với đội tuyển và chứng kiến đủ 3 trận vòng loại đầu tiên của đội U.23 VN với Singapore, Lào và Myanmar. Trong thời gian này, các buổi tập của đội tuyển ông gần như không đi theo, tập ở khuôn viên gần khách sạn thì ông chỉ đứng từ xa nhìn, còn đội tập ở sân trường đại học thì nhiều lúc chẳng thấy ông đâu. Nhưng tình hình đội tuyển thì ông Thọ nắm rất kỹ vì ông có hàng loạt thông tin từ các "đệ tử" là trợ lý HLV luôn báo cáo với ông từng giờ, từng ngày. Nhiều người chứng kiến vai trò của ông Thọ ở Bacolod không hiểu ông hiện diện ở đây để làm gì - chỉ đạo đội tuyển thì không thấy, góp ý cho ông Riedl cũng không, theo dõi giám sát công tác quản lý đội cũng rất qua loa. Thế nhưng khi đội tuyển U.23 thi đấu thì ông thường xuất hiện ở phòng kỹ thuật của đội ở giữa 2 hiệp để nhắc nhở, chỉ đạo một số cầu thủ và trợ lý HLV theo cách của mình. Nói chung, do mối quan hệ không tốt với ông Riedl nên ông Thọ chỉ có thể can thiệp chuyên môn bằng cách đó.

Lẽ ra dù đội tuyển đã sớm vào bán kết nhưng với trách nhiệm chính là phụ trách bóng đá nam, ông Thọ cần phải ở lại Bacolod để tiếp tục theo dõi diễn biến trận VN gặp Indonesia cũng như chung vai sát cánh với đội tuyển trong thời gian 5 ngày nghỉ. Thế nhưng, chỉ một ngày sau trận VN thắng Myanmar, ông đã bay đi Manila. Là Phó đoàn TTVN tại Bacolod cần phải nắm sát tình hình đội U.23 - nhất là sau khi chính ông Thọ từng phát biểu rằng một số cầu thủ U.23 thi đấu dưới mức bình thường trong trận thắng Myanmar, thì nhiệm vụ của ông là hết sức quan trọng khi cần ở lại để tìm hiểu dấu hiệu bất thường đó. Hơn thế, lúc đó bóng chuyền, quyền Anh bắt đầu thi đấu thì cũng cần có mặt Phó đoàn TTVN để động viên lắm chứ!

Chưa hết, hôm sau lẽ ra cần quay về sớm với đội U.23 thì ông Thọ lại... đi xem điền kinh ở sân Rizal Memorial, rồi chơi thêm một ngày ở Manila nữa mới quay về Bacolod. Một số tuyển thủ U.23 biết việc này tỏ ra bức xúc vì đội tuyển đã không có được sự chỉ đạo và quản lý chặt chẽ của LĐ và người phụ trách, còn một vài cầu thủ khác như trường hợp 5 cầu thủ nằm trong nghi án bán độ chẳng trách sao đã vô kỷ luật, coi thường nền nếp sinh hoạt trong đội tuyển...

"Chống lưng" cho cầu thủ đòi tiền thưởng


Các ông Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trọng Hỷ, Lê Thế Thọ

Phó chủ tịch LĐBĐVN Lê Hùng Dũng khi trả lời phỏng vấn đã nói rõ ràng: "Một số cầu thủ U.23 đã có những đòi hỏi thái quá khi hoạnh họe LĐ về tiền thưởng. Họ làm vậy vì chắc chắn có người ở phía sau chống lưng". Thực tế hoàn toàn chính xác ở Bacolod. Trước trận bán kết vài giờ, chính một tuyển thủ cho biết: "Anh em bức xúc vụ tiền thưởng quá nên có gặp các chú trong BHL để nhờ có ý kiến với LĐ, nhưng ai cũng từ chối và đùn đẩy". Khi lãnh đạo LĐ gồm Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ, Phó chủ tịch Lê Hùng Dũng, Tổng thư ký Trần Quốc Tuấn... đến thăm động viên đội thì rộ lên chuyện Văn Trương tỏ thái độ xấc xược rồi Quốc Vượng hỏi riêng và sau cùng là Tài Em đại diện đội lên tiếng hỏi về tiền thưởng. Ông Tuấn khi đó bước ra sảnh khách sạn với nét mặt không vui, còn ông Hỷ cũng tỏ ra bực bội: "Tiền thì LĐ sẵn sàng nhưng đâu thể mang hết sang Bacolod được! Đội tuyển đá tốt chắc chắn sẽ được cả nước ghi công với những tưởng thưởng xứng đáng. Cần phải động viên bọn nhỏ đá chứ trước trận sinh tử cứ nghĩ đến chuyện khác thì làm sao đôi chân và cái đầu khỏe được?". Sau trận bán kết thắng Malaysia, LĐ dự định chuyển cho đội 10.000 USD nhưng ngay từ trong nội bộ đội đã ồn ào và bắn tin đến một vài phóng viên về chuyện LĐ chỉ hứa thưởng nóng nhưng chẳng thấy "nóng" gì cả, thậm chí ông Lê Thế Thọ thay vì cần phải có ý kiến với đội để trấn an tư tưởng thì lại yêu cầu Tổng thư ký Trần Quốc Tuấn nên gấp rút giải quyết vụ tiền nong chứ không thì e rằng cầu thủ sẽ không đá hết mình trong trận chung kết (!)

Tóm lại, với cương vị Phó đoàn TTVN, xem ra ông Thọ đã không đóng góp gì được cho tuyển U.23, trái lại còn có những biểu hiện thiếu trách nhiệm. Chẳng lẽ lãnh đạo UBTDTT và LĐBĐVN không nhận ra điều này ?

-----------------
Thượng như vầy thì hạ không tắc loạn cũng uỗng
quan liêu, bè phái...
mấy trân đấu cũa ĐT BĐ VN thấy tức chết đi được, nhưng không hiểu nguyên nhân sâu xa là ở đâu, giờ thì....

talu 01-01-1970 07:00 AM

em mới đọc Tuổi trẻ sáng nay cho biết vụ bán độ này có từ SEaGAMES 21 lận
đến bây giờ mới khui ra 1 cách rầm rộ

magicboy 01-01-1970 07:00 AM

[b] tui tuc oi la tuc
tai sao tai sao tai sao????


Múi giờ GMT +7. Hiện tại là 06:41 PM.

Website sử dụng phần mềm vBulletin phiên bản 3.6.8
do Công ty TNHH Jelsoft giữ bản quyền từ 2000 - 2024.
Hội CHS Lê Quý Đôn-Long An giữ bản quyền nội dung của website này