Cựu Học Sinh Lê Quý Đôn - Long An

Cựu Học Sinh Lê Quý Đôn - Long An (http://www.lqdlongan.com/forum/index.php)
-   ..:: Thảo luận nghiêm túc ::.. (http://www.lqdlongan.com/forum/forumdisplay.php?f=155)
-   -   Lên Lương Sơn (http://www.lqdlongan.com/forum/showthread.php?t=14349)

nobipotter 09-01-2012 08:01 PM

Lên Lương Sơn
 
[Only registered and activated users can see links. Click Here To Register...]

Đời ai muốn làm giặc bao giờ!
Bị lừa dối, bị đàn áp, bị cưỡng bức... cùng đường lên Lương Sơn làm giặc.

Đằng sau câu chuyện mìn nổ súng nổ là gì?
Là bản chất côn đồ, hung hãn???
Là nỗi uất hận bị lừa dối, bị cướp đoạt công sức mấy mươi năm đã đẩy những người nông dân phải cầm súng?

Cần phân biệt rõ đây là hành vi côn đồ cần trừng trị...
hay nỗi bức xúc khiến những người nông dân phải nổi dậy?

Đừng để ai phải lên Lương Sơn làm giặc nữa!!!!

phanphuong 09-01-2012 08:31 PM

Re: Lên Lương Sơn
 
Ngày xưa có chuyện lấy của người giàu chia cho người nghèo, ngày nay có chuyện ngược lại, lấy của người nghèo chia cho người giàu.
Đất đai ông bà khai khẩn để lại, con cháu đang chí thú làm ăn thì đùng một cái, giải tỏa thu hồi. Đền bù rẻ mạt để cho giao cho những "cường hào" san lấp, phân lô. Chỉ san có cái nền bán lại với giá gấp trăm lần. Hỏi sao không xót xa!
Dân hiền thì ngậm tăm, oán hận trong lòng.
Dân dữ thì la lối, cố chút sức tàn mà ngăn cản.
Có người còn bị bọn phản động lợi dụng để làm điều xằng bậy...
Mong mấy bác có ăn, nhưng cũng dành chút sức mà bảo vệ người dân. Dù là trên hình thức cũng được!

TheDeath 09-01-2012 09:24 PM

Ðề: Lên Lương Sơn
 
Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan!

duonghoanghiep 09-01-2012 11:20 PM

Ðề: Lên Lương Sơn
 
Cái này thì ở LA mình cũng nhiều lắm. Đất nông nghiệp đang xanh tươi bỗng dưng bị đo đạc thu hồi đền vài trăm ngàn đồng/m2 sau đó san lấp, phân lô bán vài triệu/m2. Rồi những khu công nghiệp "đẻ non" san lấp vội vàng rồi để cỏ mọc um tùm và nuôi bò. Thấy rõ nhất là dọc sông Vàm Cỏ, khu Đức Hòa, Bến Lức...Rồi chuyện làm sân golf một thời cũng gây bao nhiêu là bức xúc. Cũng may cuộc khủng hoảng kinh tế bắt đầu từ 2008 đã đánh bại vô số những cái vòi bạch tuộc kiểu này.

phanphuong 11-01-2012 06:59 PM

Re: Lên Lương Sơn
 
Cường hào ác bá hội tụ đủ mặt. Dốc toàn lực lượng để triệt hạ.
[Only registered and activated users can see links. Click Here To Register...]
[Only registered and activated users can see links. Click Here To Register...]

Vinh Loc 90A 11-01-2012 07:11 PM

Re: Lên Lương Sơn
 
dân đen thấp cổ bé họng mà. Thiệt thòi nhiều nhất.

Lai Quoc Dat 11-01-2012 07:13 PM

Ðề: Lên Lương Sơn
 
Bữa nay có dịp cà phê với 1 bác ở ngay vùng đương sự đang học bên này, hỏi bác về việc này, bác nói thế này: Sự việc này ngay từ đầu lúc giao đất, 2 bên đã có nhiều sai sót và ko thể dàn xếp được. Hỏi thế báo nó viết thế thì sao, bác này bảo: đọc đến giờ chỉ có cái tin là đúng, còn bình bàn thì thấy...chả đâu vào đâu! Và bác ấy còn nói: ở cái vùng này, ko dùng súng thì chẳng có luật nào có tác dụng cả, và nhà ai cũng có hàng để...phòng thân. Còn công an mà được phân về đây thì còn tệ hơn cho đi....Trường Sa. Cuối cùng, chẳng biết tin ai!

TheDeath 11-01-2012 07:57 PM

Ðề: Lên Lương Sơn
 
Trích:

Nguyên văn bởi Lai Quoc Dat (Post 92419)
Bữa nay có dịp cà phê với 1 bác ở ngay vùng đương sự đang học bên này, hỏi bác về việc này, bác nói thế này: Sự việc này ngay từ đầu lúc giao đất, 2 bên đã có nhiều sai sót và ko thể dàn xếp được. Hỏi thế báo nó viết thế thì sao, bác này bảo: đọc đến giờ chỉ có cái tin là đúng, còn bình bàn thì thấy...chả đâu vào đâu! Và bác ấy còn nói: ở cái vùng này, ko dùng súng thì chẳng có luật nào có tác dụng cả, và nhà ai cũng có hàng để...phòng thân. Còn công an mà được phân về đây thì còn tệ hơn cho đi....Trường Sa. Cuối cùng, chẳng biết tin ai!

Hải Phòng nổi tiếng rồi, còn phải nói nữa! Ở đâu mà hoạt động náo nhiệt như ở Đồ Sơn?

Vinh Loc 90A 11-01-2012 08:33 PM

Re: Lên Lương Sơn
 
không giao đất thì ở tù vì chống đối. Giao đất thì cũng ở tù vì nợ. Thà làm vậy may ra.

duonghoanghiep 12-01-2012 03:58 PM

Ðề: Lên Lương Sơn
 
Theo bài viết về vụ này

Vụ cưỡng chế Tiên Lãng – đỉnh điểm xung đột về đất đai

Tác giả: TÂN DÂN
Bài đã được xuất bản.: 11/01/2012 14:50 GMT+7
Vụ việc ở Tiên Lãng (Hải Phòng) đã làm xôn xao dư luận mấy ngày qua. Đây là phản ứng tiêu cực nhất của người dân trước việc thu hồi đất tuỳ tiện ở các địa phương.

Xung đột đã lên tới đỉnh điểm khi mà bạo lực đã đối chọi cuồng nộ vào công lực. Đây cũng là một hồi chuông để cho chúng ta thấy một thực tế đầy gai góc trong việc xây dựng và thực thi pháp luật đất đai. Gần 20 năm qua, kể từ luật Đất đai 1993, người nông dân vẫn tin rằng sau khi hết thời hạn giao đất, họ sẽ tiếp tục được quyền sử dụng đất đó và tài sản trên đất là tài sản thuộc quyền sở hữu của riêng mình được pháp luật bảo vệ… Sài Gòn Tiếp Thị giới thiệu những phân tích và nhận định về vụ việc từ khía cạnh chính sách đất đai và thực thi pháp luật.
Trong khoảnh khắc tiếng súng hoa cải loạn xạ ở vùng đầm hồ Vinh Quang huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, những người nông dân nhất quyết bảo vệ tài sản của mình đã trở thành tội phạm. Trước đó những người này đã cho nổ cả mìn tự tạo để ngăn cản lực lượng cưỡng chế đến thu hồi đất đầm nhà họ.
Sáu nhân viên công lực bị trọng thương.
Vì thế, sáu người thân của gia đình họ Đoàn đã sa vào lao lý.
Luật pháp, trong trường hợp này quá rõ ràng, phải đặt dấu chấm nghiêm minh cho những hành động bạo lực nguy hiểm như vậy trong xã hội.
Nhưng tiếng súng ấy có thể đã không phải vang lên.
Ít nhất là trong hình dung của đại tá Đỗ Hữu Ca, giám đốc Công an thành phố Hải Phòng, "lẽ ra trong vụ cưỡng chế ngày 5.1 ở Tiên Lãng, khi mìn phát nổ, tổ công tác của huyện phải cho rút quân ngay để xin ý kiến chỉ đạo". Vị đại tá này cho rằng, "trong các vụ giải toả đất đai, lấy lại mặt bằng phải xác định chủ đất hoặc đang thuê đất họ không phải là tội phạm".
Cái "ý kiến chỉ đạo" sáng suốt đó đã không được huyện "xin". Có thể vì như ông giám đốc Công an TP Hải Phòng lý giải: "Từ sau hoà bình đến nay, người dân Tiên Lãng khá thuần nên huyện nghĩ rằng không có việc chống đối như thế".
Cái tập tính thuần lương ấy được ghi nhận có cả ở những anh em họ Đoàn trước khi vụ việc xảy ra. Bao nhiêu năm trời, họ chỉ biết rửa mồ hôi khó nhọc thành gia sản. Họ đinh ninh luật pháp sẽ bảo vệ sự thuần lương của họ. Nên khi ao đầm mà họ khai phá bị chính quyền địa phương thu hồi, họ đã phải cậy đến toà án. Khi bản án sơ thẩm tuyên bất lợi cho họ, họ vẫn kiên trì các biện pháp hợp pháp, kháng cáo lên toà cấp trên, để bảo vệ quyền lợi của mình.
Rời chốn công đường ấy, họ tin vào biên bản hoà giải có dấu đỏ của TAND thành phố Hải Phòng với tiêu đề "Biên bản tạo điều kiện để các đương sự thoả thuận với nhau về việc giải quyết vụ án". Theo đó, đại diện UBND huyện đã thoả thuận: nếu nguyên đơn rút kháng cáo, UBND huyện sẽ tạo điều kiện cho người dân được tiếp tục thuê đất để nuôi trồng thuỷ sản.
Ngay sau khi họ rút đơn kháng cáo, thẩm phán ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Nhờ vậy, UBND huyện liên tục hối thúc chấp hành việc thu hồi đất với lý do bản án sơ thẩm của TAND huyện Tiên Lãng vẫn có hiệu lực. Rồi huyện quyết định cưỡng chế. Đạn hoa cải lên nòng.
Vụ việc lên đến đỉnh điểm của xung đột, một phần, ở trong quá trình chấp pháp ấy. Điều băn khoăn của ông giám đốc Công an Hải Phòng: "Trong các vụ cưỡng chế, việc chuẩn bị lực lượng cũng như máy móc khá cần thiết. Tuy nhiên từ xưa đến nay các vụ cưỡng chế phải xác định quan điểm giáo dục là chính..." đã không xuất hiện bằng thực tế hiện trường. Cái cơ hội "trước khi cưỡng chế cần giải thích cụ thể để họ tự nguyện bàn giao" thật đáng tiếc chỉ là giả định.
Thực ra thì với những người nông dân bình thường, những ao đầm nuôi trồng thuỷ sản ấy là sinh mệnh của họ. Ở đó, ý chí, mồ hôi và cả nợ nần đã kết tinh vào đất đai thành ý niệm về quyền sở hữu tài sản của họ. Với họ, một nền tảng luật pháp tiến bộ, một đường lối chính trị đúng đắn là phải thừa nhận và bảo hộ cho cái quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm ấy.
Gần 20 năm qua, kể từ luật Đất đai 1993, người nông dân tin tưởng vào công cuộc đổi mới bởi họ nhất quyết rằng, sau khi hết thời hạn giao đất, họ sẽ tiếp tục được quyền sử dụng đất đó làm tư liệu sản xuất nông nghiệp nếu có nhu cầu, tài sản trên đất là tài sản thuộc quyền sở hữu của riêng họ được pháp luật bảo vệ. Đó là cơ sở chính trị để người dân tiếp tục tin Đảng, theo Đảng.
Khu đất của ông Vươn ở vùng bãi bồi, xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng. Ảnh: VnMedia

Vùng bãi bồi xã Vinh Quang ở huyện Tiên Lãng đã được những người nông dân biến thành vùng ao đầm nuôi trồng thuỷ sản cũng trong niềm tin như vậy.
Nhưng vẫn có một quan niệm khác mà người nông dân tại đây không cho rằng đó là đường lối của Đảng.
Đó là khi chính quyền địa phương hiểu luật Đất đai 1993 rằng, đất đai vốn là tài sản thuộc sở hữu toàn dân giao cho Nhà nước quản lý, Nhà nước có quyền thu hồi khi hết thời hiệu giao đất. Và vì là luật chỉ cho anh canh tác trong thời hạn giao đất, nên khi "lấy lại" đất, chính quyền không cần phải đền bù. Nôm na là, đất đai của nhà nước giao cho anh sử dụng trong 20 năm, tài sản trên đất ấy tính toán thế nào là chuyện của anh, hết hạn thì nhà nước lấy lại đất không cần quan tâm gì đến tài sản hình thành trên ấy. Thậm chí có trường hợp còn rục rịch, nhân dịp hết thời hạn giao đất, đòi chia lại đất đai.
Cách hiểu ấy không phải là không phổ biến, nhất là khi cả các cơ quan hướng dẫn thi hành luật cũng chưa có một tín hiệu xác quyết sẽ xử lý thời hạn giao đất 20 năm (hết hạn vào 2013) như thế nào. Ở diễn đàn Quốc hội, và tại nhiều địa phương, không ít lần mối lo này đã được trình bày gay gắt.
Thêm vào đó, trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế sang cơ chế thị trường, cùng với tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, tốc độ đô thị hoá nhanh chóng, đất đai trở thành thị trường có mức chênh lệch giá cả khủng khiếp. Người dân có đất, găm đất để chờ được đền bù theo giá thị trường. Chính quyền địa phương nhắm tới chênh lệch giá đất như một cứu cánh của ngân sách để thực thi ý chí phát triển bằng mọi giá. Nhiều đại gia giàu lên từ đất. Nhiều cán bộ mập lên trên đất. Cái vòng xoáy ấy, nhiều nơi, nhiều lúc đã bứt hệ thống chính trị ở cơ sở chệch khỏi đường lối cơ bản của Đảng là giao cho người nông dân quyền sử dụng đất ổn định lâu dài, tạo nền tảng căn bản cho mục tiêu ổn định chính trị xã hội.
Có thể ở vùng bãi bồi xã Vinh Quang này, thông tin quy hoạch sân bay Hải Phòng được phê duyệt đã tạo cơ sở cho chính quyền địa phương quan niệm cần sớm thu hồi lại đất nông nghiệp đã giao: đó là cách chuẩn bị tích cực cho quá trình thực hiện quy hoạch giúp cho địa phương đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Có thể, có những vị quan tư lợi, muốn lợi dụng việc thu hồi đất để "chia" lại cho người thân, cánh hẩu của mình, trong khi chờ quy hoạch.
Cũng có thể, những người nông dân cũng chờ đợi một cuộc lên giá chóng mặt sau cái quyết định quy hoạch ấy.
Tất cả những điều có thể ấy phải được tìm hiểu thận trọng, chính xác để xem nó đã tạo ra bao nhiêu phần trăm bạo lực trên những phát đạn nã vào những người thực thi công vụ.
Nhưng những viên đạn hoa cải đã nổ ra sớm hơn năm 2013, thời điểm hết hạn giao đất nuôi trồng thuỷ sản theo luật Đất đai 1993 là một báo động không chỉ dừng lại ở những vướng mắc về pháp lý. Xung đột đã lên tới đỉnh điểm khi mà bạo lực đã đối chọi cuồng nộ vào công lực. Xung đột ấy đưa những khác biệt về quan niệm trong quá trình đổi mới chính sách đất đai lên tới nút thắt không thể thoái thác, rằng phải có định nghĩa rõ ràng về quyền sở hữu với đất đai để tránh sự lạm dụng, tuỳ tiện, bất nhất trong thực tiễn đời sống.
Ở đó, quyền của người dân trên mảnh đất của mình phải được minh định và phải được bảo vệ chặt chẽ.
Ở đó, nguyên tắc nhà nước pháp quyền phải là khung thước cho công vụ, chính quyền trước hết phải bảo đảm các quyền lợi hợp pháp của công dân chứ không chỉ bảo vệ lợi ích của nhà nước.
Theo SGTT
Theo Vietnamnet
Source:[Only registered and activated users can see links. Click Here To Register...]


Múi giờ GMT +7. Hiện tại là 05:40 PM.

Website sử dụng phần mềm vBulletin phiên bản 3.6.8
do Công ty TNHH Jelsoft giữ bản quyền từ 2000 - 2024.
Hội CHS Lê Quý Đôn-Long An giữ bản quyền nội dung của website này