PDA

View Full Version : Có một ông Thầy @


Ngo Tuan Hiep
01-01-1970, 07:00 AM
Bốn trong số các nhân vật mà e-CHÍP quyết định trao biểu tượng “Hiệp sĩ CNTT” năm nay là tu sĩ của một số tôn giáo. Đó là Đại đức Thích Quảng Tâm - trụ trì chùa Long Thạnh ở thị trấn Thủ Thừa, Long An. Nhiều năm nay, ngôi chùa này đã trở thành tổ ấm của những đứa trẻ mồ côi hay cha mẹ quá nghèo. Đã có nhiều đứa trẻ rời ngôi chùa này để vào các giảng đường đại học rồi ra đời làm bác sĩ, kỹ sư.Nguồn: http://www.vnn.vn/xahoi/doisong/2004/08/231540/


Trích: Bài dự cuộc thi viết về “Tinh thần Hiệp sĩ Công nghệ thông tin:

Những lớp học ở “chùa Thầy Út”
Chúng tôi dừng xe trên con lộ dẫn vào thị trấn Thủ Thừa, Long An để hỏi một phụ nữ đường đến chùa Long Thạnh. Chị nhanh nhảu chỉ: "Chú đi thẳng, tới trụ ăng ten của bưu điện hỏi chùa Thầy Út thì ai cũng biết”...

Thêm một lần hỏi thăm nữa trước bưu điện huyện là chúng tôi có thể tìm đến đúng cái cổng gạch ở đầu một con hẻm nhỏ dẫn vào chùa Long Thạnh - ngôi chùa nhỏ do thầy Quảng An xây dựng từ năm 1960, nay là nơi trụ trì của Đại đức Thích Quảng Tâm. Nhiều năm qua, chùa Long Thạnh đã được người dân Thủ Thừa gọi là chùa Thầy Út (theo ngôi thứ trong gia đình của Đại đức Thích Quảng Tâm)...


Người đi trước rước người đi sau

Dù số lượt người vào, ra khá đông song chùa Long Thạnh vẫn giữ được sự yên tĩnh thường gặp ở nơi thanh tu. Đây đang là tổ ấm của 40 em từ các xã vùng xa được thầy Út nuôi ăn và cho theo học tại các trường trong thị trấn. Đêm xuống, chùa Long Thạnh trở thành nơi mà những người không có cơ hội đến trường tìm tới để dự các lớp phổ cập và bổ túc văn hóa do ba giáo viên của Trung tâm Giáo dục thường xuyên Thủ Thừa và hai giáo viên tình nguyện đảm trách. http://www.echip.com.vn/echiproot/images/2004/so82/coinguoita1.jpg

Chùa có hai phòng nhỏ cạnh hậu liêu với 16 máy cũ để dạy tin học không chỉ cho lũ trẻ đang tá túc tại chùa mà còn mở cửa dạy cả cho con em của dân trong thị trấn lẫn những người muốn biết tin học căn bản. Vào thời điểm này, chùa Long Thạnh đang có bốn lớp xóa mù tin học chia thành hai nhóm học xen kẽ theo các ngày chẵn và lẻ của tuần. Ngoài hai lớp dạy tin học căn bản (từ 16 giờ đến 18 giờ và từ 18 giờ đến 20 giờ) mỗi ngày, phòng máy tính của chùa vẫn là nơi lũ trẻ trong thị trấn tìm đến thực hành những gì đã học. Sau mỗi khoá học, thầy Út lại lên Tân An (thị xã của tỉnh Long An) mời Trung tâm Đào tạo Tin học của tỉnh cử người về Thủ Thừa tổ chức thi và cấp chứng chỉ A Tin học cho học viên. Trừ số học viên là cán bộ - nhân viên Nhà nước có thể tự lo lệ phí thi (140.000 đồng/người), chùa đứng ra gánh thay cho lũ trẻ nghèo khoản lệ phí phải nộp cho trung tâm.

Lớp xóa mù tin học đầu tiên được tổ chức vào năm 2002, sau khi trường THCS Long Thạnh và ba trường tiểu học Long Thuận, Tân Thành A, Tân Thành B được trang bị máy tính. Có máy ai cũng mừng song tất cả giáo viên mù tịt về tin học. Biết chuyện, Đại đức Thích Quảng Tâm ngồi lại bàn bạc với một số phật tử rồi bắt đầu vận động, quyên góp máy tính cũ để mở lớp xóa mù tin học miễn phí. Hồi đó, chỉ có hai nhà sư là thầy Út và thầy Thích Quảng Minh thay nhau đứng lớp. Sau này, tiếng lành đồn xa, thêm nhiều người khác tìm đến góp sức như: thầy Thích Minh Hiếu (chùa Tân Khánh, thị xã Tân An), cô Thư (Công ty Bảo Minh), thầy Diệu (UBDSKH tỉnh Long An)... Họ đều ở Tân An, thay phiên nhau về Thủ Thừa dạy cho tới tối mới quay về. Những người tham gia phổ cập tin học với tinh thần thiện nguyện như thế càng ngày càng đông. Khi có thiết bị nào đó hư hỏng, chỉ cần nhà chùa gọi điện báo tin là có người từ TPHCM về tận nơi để sửa chữa miễn phí.


http://www.echip.com.vn/echiproot/images/2004/so82/coinguoita2.jpg"
Lớp xóa mù tin học ở chùa Long Thạnh là một mô hình vừa thiết thực, vừa hữu ích. Hàng trăm cán bộ - nhân viên Nhà nước ở Thủ Thừa (từ giáo viên ở các xã vùng xa, y - bác sĩ ở bệnh viện, cơ quan bảo vệ thực vật, cấp nước, bưu điện đến cán bộ UBND huyện, thị trấn, các xã) biết dùng máy tính phục vụ công việc là nhờ những lớp học này” - ông Trần Hồng Long, Phó Chủ tịch UBMTTQ huyện Thủ Thừa cho biết như thế. Ông tâm sự: Nếu không có những lớp học đó ngay cả tôi cũng đành chịu mù vi tính vì về thị xã Tân An học thì xa quá còn ra ngoài học thì không có tiền. Dự các lớp này, người học không ngại chuyện tuổi tác đã lớn, theo không kịp chương trình vì ai cũng vậy....


Câu chuyện về người tu sĩ vừa rất đạo vừa rất đời này gợi cho tôi nhiều suy nghĩ về những họat động của Hội CHS chúng ta. Điều quan trọng nhất trong họat động của Hội đó là tính hiệu quả và tính thíêt thực. Trong một buổi nói chuyện tôi đã nghe một cựu học sinh bày tỏ rằng có ý muốn xây dựng một phòng Internet để các em có thể truy cập Internet miễn phí. Một ý kiến thật tuyệt vời, sao lại không nhỉ? Tôi đã tham quan phòng máy của Thầy Tâm, rất đơn sơ, những chiếc máy tuy cũ nhưng họat động rất hiệu quả, đó là nhờ sự nhiệt tình của rất nhiều người mà chúng ta gọi là "đi làm công quả"... Chúng ta có một đội ngũ hùng mạnh, đa dạng về ngành nghề, giỏi về chuyên môn, sao không tận dụng được lực lượng mới để đem về trường mình một hơi thở mang tính thời sự một chút. Có thể tôi rất mơ mộng, nhưng cách đây vài năm Thầy Tâm cũng mơ mộng như thế... và Thầy đã làm được. Tôi tự hỏi: liệu cựu học sinh chúng ta có thể mang những kiến thức của mình trở về trường để đóng góp cho nhà trường được hay không, liệu chúng ta có thể mở một lớp học tin học tại trường được hay không, mỗi tuần sẽ có một bạn về hướng dẫn một bài, liệu có thể mở một câu lạc bộ anh ngữ được hay không vào mỗi ngày chủ nhật....Tôi có rất nhiều ước mơ, có rất nhiều điều có vẻ như không tưởng, nhưng tôi tin sẽ có ngày chúng ta sẽ làm được như thế...Có ai đang mơ như tôi không?

meohoang
01-01-1970, 07:00 AM
Meohoang cũng từng nghĩ rằng :kiến thức tin học đối với một số học sinh phổ thông không có điều kiện tiếp cận là rất yếu, nếu làm được đều này thì quả tuyệt vô cùng !
meohoang cũng nghĩ rằng : hiện nay không phải website này chưa giới thiệu với các em, nhưng hiện tượng các học sinh đăng kí vào website là rất hiếm , lí do này có thể giải thích là : học sinh LQĐ tiếp cận internet rất yếu, một phần là còn lạ lẫm, phần nữa do hệ thống mạng ở Long An còn ít phát triễn . Lúc meohoang còn học phổ thông, thực sự mà nói , internet là một khái niệm còn quá xa lạ. Vậy làm sao cho các em có thể nhanh chóng tiếp cận công nghệ này đây, làm sao cho các em có thể dễ dàng tham gia website , tham gia các hoạt động diễn đàn , và xa hơn nữa là làm sao cho các em nhanh chóng làm quen với xa lộ công nghệ thông tin mà tốc độ phát triễn của nó có thể tính theo phần ngàn giây !
Meohoang nghĩ, chúng ta phải mở một khoá phổ cập internet và tin học căn bản cho học sinh LQĐ. Nhưng hệ thống phòng máy của trường thì còn sơ sài, chỉ có máy tính trong phòng thầy Hiệu trưởng mới có kết nối internet , việc này quả khó khăn vô cùng .
Một cách khác, meohoang rất muốn lập một nhóm chuyên đề tin học căn bản và internet để giúp các em hiểu một số khái niệm cơ bản cũng như các kĩ năng cần thiết nhất . không biết các anh chị nghĩ sao ?

duonghoanghiep
01-01-1970, 07:00 AM
Một ý kiến hay nếu thực hiện được thì quả là đều tuyệt vời. Tất nhiên để làm được việc này thì cần phải có sự hiệp lực ở rất nhiều người. Ở đây tôi muốn nói về việc nuôi dưỡng những ước mơ.
Thuở bé mỗi người chúng ta hẳn ai cũng có rất nhiều mơ ước. Khi lớn lên cuộc đời có rất nhiều thay đổi nên những ước mơ đó đôi khi không thành hiện thực. Nhưng không vì thế mà chúng ta nhụt chí. Nếu không đạt được thì ít ra trên bước đường đi tìm những mơ ước đó chúng ta cũng đạt được vô vàng những điều thú vị khác. Tôi rất thích một câu chuyện đã đọc trên báo Tuổi Trẻ kể về hai đứa bé với những ước mơ có nội dung như sau:
Một ngày nọ, hai anh em đứa bé quyết định đào một cái hố sau nhà. Khi đang đào thì có người đi qua hỏi chúng đang làm gì. Đứa anh hào hứng trả lời là chúng đang định đào một cái hố xuyên qua trái đất. Người khách cười ngặt ngẻo bảo với chúng rằng đào xuyên qua trái đất là điều không tưởng. Hai đứa bé sau một hồi im lặng bỗng nhặt lên một chiếc lọ chứa đầy giun, dế và nhiều loại côn trùng khác. Đứa anh đưa chiếc lọ về phía người khách và nói bằng một giọng tự tin, hoan hỉ: "Cho dù không thể đào xuyên qua mặt đất nhưng hãy nhìn những thứ mà chúng cháu tìm được trong lúc đào này".Vì vậy, nếu chúng ta có ý tưởng thì cứ theo đuổi đừng sợ bị cho là viễn vông. Vì đôi khi chính sự viễn vông khác thường mới đưa chúng ta đến thành công. Tôi muốn cổ vũ cho anh Hiệp và Meohoang nếu như có thể làm được thì cố gắng làm, đừng ngại. Tôi rất thích một câu nói của một triết gia đại ý là tôi biết là tôi không làm được nhưng nếu mọi người làm theo tôi ắt sẽ thành công.

Thân mến

Hoàng Hiệp-93D

Ngo Tuan Hiep
01-01-1970, 07:00 AM
Mấy hôm nay mình thấy hơi mỏi mệt, công việc khá nhiều mà kết quả chưa khả quan lắm... Vạn sự khởi đầu nan, vẫn biết là như vậy nhưng vẫn cứ buồn, lại nghe những lời than vãn khác lại buồn thêm.
Ngồi đọc lại từng bài viết cũ của các mem, cảm thấy an ủi rất nhiều...thì ra có rất nhiều bạn cũng đang cố gắng để giúp cho diễn đàn cho Hội thành công. Cảm ơn các bạn, mình cũng tin rằng ngày mai trời lại sáng...Đừng tuyệt vọng tôi ơi đừng tuyệt vọng..

Vinh Loc 90A
09-05-2007, 02:15 PM
Mấy hôm nay mình thấy hơi mỏi mệt, công việc khá nhiều mà kết quả chưa khả quan lắm... Vạn sự khởi đầu nan, vẫn biết là như vậy nhưng vẫn cứ buồn, lại nghe những lời than vãn khác lại buồn thêm.
Ngồi đọc lại từng bài viết cũ của các mem, cảm thấy an ủi rất nhiều...thì ra có rất nhiều bạn cũng đang cố gắng để giúp cho diễn đàn cho Hội thành công. Cảm ơn các bạn, mình cũng tin rằng ngày mai trời lại sáng...Đừng tuyệt vọng tôi ơi đừng tuyệt vọng..

Vẫn câu nói cũ nhưng thấy mọi việc "vũ như cẩn"! :w00t: