PDA

View Full Version : Biết chấp nhận thất bại


duonghoanghiep
01-01-1970, 07:00 AM
Nhân một lần đọc bài viết "Trân trọng sự thất bại" trên diễn đàn chúng ta, nay tình cờ đọc một bài liên quan đến chủ đề này trên báo Người lao động, xin copy lại để mọi người cùng đọc.

Lúc con còn nhỏ, thật dễ biết hôm nào chúng đạt điểm tốt: Ngay khi đón ở cổng trường chúng sẽ chạy ù ra, khoe rối rít với đôi mắt sáng long lanh ngước nhìn, háo hức chờ cha mẹ hết lời khen ngợi cùng những vòng tay ôm đầy yêu thương.
Trái lại, hôm nào lỡ lãnh phải con ngỗng to tướng (điểm hai) chẳng hạn, chúng sẽ bước đi chậm chạp, hai vai dường như rụt xuống, nét mặt buồn bã, lẩn tránh ánh mắt cha mẹ... Nếu phụ huynh do vội vàng đưa con về để tránh giờ cao điểm kẹt xe, bỏ qua những tín hiệu đó, không hỏi han gì thì trẻ sẽ nín thinh. Cho đến khi về nhà cả nhà quây quẫn ăn tối, khi vẻ lo lắng thất vọng của trẻ biểu hiện quá rõ, cha mẹ nhận ra và hỏi han, lúc ấy chúng mới trả lời. Cách trả lời thường là lí nhí (hoàn toàn trái ngược với lúc chúng reo vang khi có điểm tốt) và thường là chờ cha mẹ gặng hỏi kỹ càng mới cung cấp toàn bộ chi tiết. Và cũng thường là chúng chẳng dám nhìn lên - như biết rằng chẳng có cái ôm hôn trìu mến nào dành cho sự thất bại đâu mà chờ đợi (cũng hoàn toàn trái ngược với lúc chúng thành công)!

Vào tuổi mới lớn, những mâu thuẫn phát sinh trong lúc cha mẹ tìm cách "uốn nắn" con cái khiến cho nhiêu đứa trẻ nghĩ rằng khi thành công chúng được cha mẹ yêu thương nhiều hơn khi thất bại. Và như thế trẻ cần phải cố gắng thành công để được cha mẹ chấp nhận. Thế là, trẻ mới lớn vốn đã khó khăn trong việc hiểu cha mẹ sẽ càng khó khăn hơn khi chúng gặp rắc rối hoặc đang phải đương đầu với thành tích sút kém.

Tại sao xưa nay chỉ có chuyện con cái chạy tới bên cha mẹ khoe thành công đạt được ở trường chứ chưa từng thấy được cảnh sau buổi học con cái chạy ngay đến nép vào lòng chúng ta mà thổn thức về thất bại của chúng? Đó là vì chúng ta chưa là “sếp” giỏi ở nhà. Biết rằng không có trường dạy làm cha mẹ, nhưng chúng ta có thể học hỏi từ chính mình ở nơi làm việc. Nếu chúng ta biết thừa rằng sẽ chẳng có gì khác ngoài những lời rầy la, quát tháo thì chúng ta sẽ tìm cách trì hoãn càng lâu càng tốt việc báo cáo với cấp trên về thất bại của mình. Vậy, nếu đã từng thể hiện với con cái điều tương tự thì chúng ta không thể mong đợi con cái chia sẻ với mình mọi vấn đề trong cuộc sống của chúng. Dẫu biết rằng khó thể tươi cười khi nghe con nói chuyện bữa nay nó đã bị điểm kém, nhưng việc sa sầm nét mặt, gặng hỏi, phê phán của cha mẹ là những tín hiệu mà trẻ chỉ có thể hiểu là chúng không được yêu thương, không được chấp nhận có lúc chúng vẫn phải thất bại dù đã cố gắng hết sức. Và chúng cho rằng cha mẹ không hiểu và không tin chúng đã nỗ lực hết mình!

Đặt ra một áp lực nhất định để con cái phấn đấu vượt lên chính bản thân là điều các bậc cha mẹ cần làm. Tuy nhiên, nếu nghĩ rằng con cái chúng ta có thể thực hiện hoàn hảo 100% các “cuộc thi đấu” của chúng thì chúng ta đang đặt con mình dưới áp lực của những kỳ vọng không thực tế. Thỉnh thoảng trên báo chí lại thấy những tin về việc một học sinh cấp II hay cấp III nào đó không về nhà vì thi hỏng hay vì một bài kiểm tra điểm kém. Những trường hợp quá khích, có em còn tự tử! Bên cạnh nỗi thất vọng về chính bản thân tràn ngập trong tâm hồn, đứa trẻ còn phải chịu đựng thêm nỗi sợ không được cha mẹ chấp nhận. Điều này có thể đẩy đứa trẻ làm những điều nông nổi, đôi khi không thể cứu vãn được nữa!

Nhiều bậc cha mẹ chọn cách cố gắng không bộc lộ thêm thất vọng và an ủi con cái rằng “chẳng có gì to tát", hoặc cổ vũ chúng "cha/mẹ biết con thông minh lắm mà!". Nói như vậy có thể ổn khi chúng còn nhỏ. Nhưng, ở tuổi mới lớn, con cái chúng ta đã có nhận định và phán xét riêng đủ để hiểu rằng đó chỉ là những lời nói hão, rằng bản thân thất bại hoặc sai lầm mà chúng đã gây ra thực sự là có vấn đề. Những lời an ủi hão không còn có thể thỏa mãn được con cái tuổi mới lớn, mà chỉ làm cho trẻ nghĩ rằng cha mẹ vẫn coi chúng như những đứa con nít và mất tin tưởng vào cha mẹ. Thay vì vậy, cần giúp trẻ mới lớn biết về quá trình đối đầu với thất bại ở con người, nói chung đều trải qua bốn giai đoạn: sốc - phủ nhận - đau khổ - chấp nhận. Thật khó lòng nhìn con cái đau khổ nhưng không vì thế mà chúng ta có cách nào cắt bớt được giai đoạn đó.

Có những cách an ủi nỗi buồn mà lời nói là không cần thiết. Đôi khi, chi cần một vòng tay đầy yêu thương, ánh mắt bao dung trìu mến là đủ giúp con cái nhận ra tất cả tình thương vô điều kiện của cha mẹ. Cùng con cái rút kinh nghiệm từ thất bại là rất hay. Nhưng điều đó có thể để sau. Còn tin tưởng rằng con cái đủ nhận thức để học hỏi từ thất bại của chúng, và cùng chúng chấp nhận thất bại trong ý nghĩa đó chẳng phải là chấm hết, mới thực sự là "sếp" tài ba trong gia đình. Và, cứ để con khóc, dù đó là con trai!

(DNSG cuối tuần)