PDA

View Full Version : Du Học Sinh Có Thể đi Làm để Tự Trang Trải Mọi Thứ Hay Không?


bbminhngan
14-12-2009, 02:26 PM
·

Du học sinh có thể đi làm để tự trang trải mọi thứ hay không? Phần lớn các thành viên của Hội sinh viên Du học Melbourne đều cho rằng, việc du học sinh có thể tự lo cả học phí và sinh hoạt phí là bất khả thi. Bởi lẽ: mỗi học kì, sinh viên phải học từ 3-4 môn, mỗi môn học thường có giá từ 1500 – 3000 đô la tùy trường. Trong khi đó, theo quy định của Bộ Di Trú Úc, du học sinh chỉ được phép làm thêm tối đa 20 giờ/tuần. Do đó, tại Melbourne, với mức lương làm thêm trung bình của các công việc đơn giản là từ 7 – 15 đô/giờ thì ước tính, một người chỉ có thể kiếm được từ 560 – 1200 đô/tháng. Trong khi đó, tiền thuê nhà dao động từ 50 đô/tuần (nếu ở chung phòng với các sinh viên khác) đến 150 đô/tuần, tiền ăn khoảng 50 – 100 đô/tuần, tiền đi lại hơn 100 đô/tháng ... Như vậy, chỉ tính riêng tiền thuê nhà, ăn uống, đi lại cũng đã có thể khiến bạn tiêu tốn hết số tiền làm thêm, đó là còn chưa kể đến tiền học phí và các chi phí phát sinh ngoài ý muốn khác.
Theo ước tính của chính phủ Úc, học phí cho các khóa học đại học, cao đẳng và sau đại học tại Úc dao động từ 10.000 – 30.000 đô/năm và có thể tăng lên hàng năm. Trong khi đó, sinh viên chỉ được nghỉ dài nhất là ba tháng hè, còn lại thường là hai tuần ‘xả hơi’ giữa các kì học. Trong khoảng thời gian ngắn như vậy, họ rất khó tiết kiệm được một số tiền đủ để trang trải học phí lẫn sinh hoạt phí tại Úc.
Ở những thành phố khác như Sydney hoặc Canberra thì thậm chí tình hình còn khó khăn hơn nhiều bởi sinh hoạt phí khá đắt đỏ. Đức Anh, hội trưởng hội sinh viên Việt Nam tại Canberra, cho biết: “Theo mình, việc du học sinh tự đi làm để trang trải học phí và sinh hoạt phí tại Úc là điều cực kì khó, nhất là ở Canberra. Trừ những sinh viên học bổng ra, các sinh viên khác cần có trợ giúp của gia đình, ít nhất là tiền học phí vì nếu không thì các bạn hầu như không thể tự trang trải được tất cả.”
“Mặc dù nói một cách khách quan, để tìm được việc làm thêm tại Canberra dễ dàng hơn so với Sydney hoặc Melbourne và mức lương cao hơn, khoảng 12 – 15 đô/giờ nhưng thay vào đó, sinh hoạt phí cũng cao hơn.”
Theo Đức Anh, giá thuê nhà tại Canberra trung bình khoảng 150 đô/tuần. Tuy nhiên, do dân số của Canberra ít hơn nhiều so với những thành phố khác nên sinh viên ở đây khá khó khăn trong việc tìm nhà vì cung luôn thấp hơn cầu. Thêm vào đó, thực phẩm cũng đắt đỏ hơn, nhất là đồ ăn Châu Á. “Ở mỗi khu vực chỉ có từ 1-2 cửa hàng bán thực phẩm Việt Nam nên nhiều thứ đắt gấp rưỡi Melbourne hoặc Sydney.” Đức Anh cho biết.
Để giải quyết gánh nặng tiền bạc, nhiều sinh viên chọn giải pháp đi làm ‘chui’, quá 20 giờ/tuần theo quy định. Với các công việc làm ‘chui’, sinh viên thường được trả bằng tiền mặt và không đóng thuế nên lương khá thấp so với mặt bằng chung và họ cũng không được hưởng các chế độ của người lao động.
Tuy nhiên, điều này có thể dẫn đến những hậu quả khó lường như visa sinh viên bị Bộ Di Trú Úc hủy bỏ. Hơn nữa, việc học hành không đảm bảo, nợ nhiều môn học cũng có thể khiến họ đứng trước nguy cơ bị trục xuất về nước.
Học xung đột với làm

Mặc dù khó khăn nhưng vẫn có một số rất ít các sinh viên có thể tự trang trải được cả học phí lẫn sinh hoạt phí tại Úc. Họ thường rơi vào các trường hợp học nghề với học phí thấp, tìm được việc làm tốt với mức lương cao hoặc thời gian học ngắn (thường là một năm). Tuy nhiên, những trường hợp hiếm hoi này cũng gặp rất nhiều áp lực về tiền bạc và sự phân bổ thời gian học tập sao cho hợp lí.
Hải là một sinh viên cao học. Sau học kì đầu tiên phải vay tiền học phí. bạn đã ‘tự lực cánh sinh’ được toàn bộ ba học kì còn lại vì may mắn hiếm có khi tìm được một công việc văn phòng với thu nhập tương đối cao. Hải cho biết: “Một tuần mình làm 3 ngày, còn 4 ngày dành cho việc học. Trên thực tế, khi đi làm về thì rất khó tập trung để học bài. Nếu hôm nào bắt buộc phải thức thâu đêm để học thì cho đến vài ngay sau, mình vẫn cảm thấy rất mệt mỏi. Vào những lúc đến hạn phải nộp bài tập dồn dập thì quả thực là rất căng thẳng.”
Theo Hải, chất lượng học tập phụ thuộc vào sự đầu tư cho học tập bởi: “hiển nhiên, khi bạn đi làm nhiều thì thời gian học tập sẽ bị rút ngắn lại.”
Trang là một sinh viên của một trường cao đẳng dạy nghề với mức học phí thấp hơn khá nhiều so với đại học và cao học. Khóa học của Trang kéo dài trong hai năm. Tương tự như Hải, Trang không có một ngày nghỉ ngơi nào trong tuần với phương châm ‘chiến đấu không ngừng’. Ngoài 3 ngày học chính trên lớp, Trang còn đi làm thêm rất nhiều công việc. Thậm chí, có ngày buổi sáng bạn đi đếm xe, chiều đến lớp, tối lại chạy bàn trong nhà hàng. Do quá mệt mỏi và không có thời gian để học nên không ít lần Trang đã sao nhãng việc học tập và vì vậy, có kì bạn đã trượt 3 trong số 4 môn học .
Minh – một sinh viên học nghề ngành làm tóc cũng dành thời gian đi làm nhiều hơn học. Thậm chí, có tuần bạn không đến lớp buổi nào. Do sự quản lí lỏng lẻo của nhà trường nên Minh đã ‘thoát’ được các kì kiểm tra và thi. Sau hai năm học, mặc dù cũng tốt nghiệp với tấm bằng nghề trong tay nhưng trình độ chuyên môn của Minh lại rất kém và không thể hành nghề độc lập. Tuy nhiên, Minh cho rằng điều này không quan trọng, miễn là bạn có được tấm bằng nước ngoài trong tay thì khi trở về nước, cơ hội nghề nghiệp sẽ không thiếu.
Hãy làm chủ thông tin

Giải đáp cho những thắc mắc trên về khả năng tự trang trải học phí và sinh hoạt phí tại Úc, trong một số trường hợp hạn hữu, câu trả lời là “có” nhưng hầu hết các trường hợp còn lại là “không”.
Hiện nay, có một số công ty tư vấn du học Úc tung ra những lời quảng cáo rất hấp dẫn như: “Có đại diện xin hộ việc làm thêm với mức lương 1.500 – 3.000 đô/tháng.” Bạn nên cảnh giác với những thông tin kiểu này và cần phải kiểm chứng lại chúng một cách kĩ lưỡng.
Ước mơ du học là hoàn toàn chính đáng nhưng bạn không nên dựa hoàn toàn vào các công ty tư vấn mà hãy tự tìm hiểu các thông tin cần thiết. Càng có sự chuẩn bị kĩ lưỡng về mặt tài chính thì bạn sẽ càng ‘nhẹ gánh’ để theo đuổi việc học tập nơi xứ người.