PDA

View Full Version : Mô tả công việc


Dangminhthao
01-01-1970, 07:00 AM
Chào tất cả các bạn,

Sau đây tui xin được giới thiệu một số nghề mới xuất hiện gần đây và được coi là "mốt". Nhưng điều cần nói ở đây là những nghề này có phần khác với quan điểm truyền thống từ bao đời nay là phải làm bác sĩ, kỹ sư thì mới gọi là nghề nghiệp (xin lỗi các bác sĩ kỹ sư đang đọc bài này!!!!). Vì vậy, những bài được post dưới đây có phần hơi bay bổng và không phải ai cũng có thể làm được. Mỗi người được sinh ra là để thích hợp làm một nghề nào đó, nếu chọn đúng hướng ngay từ đầu thì con đường sự nghiệp sẽ thăng hoa rất nhanh chóng.

Đặc biệt những bài này xin gửi đến các bạn học sinh Lê Quý Đôn và các bạn sinh viên.

Có gì đóng góp hay théc méc, các bạn liên lạc với Thảo nhe.

Chúc tất cả các bạn thành công.

Thân mến.

Dangminhthao
01-01-1970, 07:00 AM
Quan hệ cộng đồng/Chuyên viên truyền thông

Chuyên viên quan hệ cộng đồng thật sự là người chuyên hoạt động trong lĩnh vực giao tế công cộng. Các hình thức quan hệ với công chúng cũng giúp phát triển hình ảnh của tổ chức cho phù hợp với các giá trị của cộng đồng, biến một ngôi sao nhạc rock thành người điểu khiển hội thảo và dĩ nhiên phá vỡ sự kiểm soát. Tôi còn nhớ lúc ban điều hành trường học của Oakland Unified School District quyết định giao cho sinh viên quản lý Ebonics khi một cuộc bạo động nổ ra trên toàn quốc. Sau đấy quận thuê một công ty giao tế cộng đồng và thông điệp của nó đã được làm rõ (một số cho rằng làm nhẹ bớt) và trận bão đã nổ ra. Đó là mặt xấu của PR. Thường bạn là một ông lang vườn và mọi người cũng nhìn nhận bạn như thế.


Nếu bạn muốn trở thành một chuyên viên giao tế cộng đồng làm việc độc lập, hãy tập trung vào các nhóm hoạt động vì môi trường, công ty công nghệ sinh học hoặc thông tin cho cổ đông, chẳng hạn. Các kỹ năng then chốt bao gồm khả năng nghĩ ra nhiều ý tưởng sáng tạo và truyền đạt chúng một cách có hiệu quả đến phương tiện truyền thông.


Phần thưởng: PR thường xuất hiện cùng các gương mặt thú vị của giới truyền thông hoặc gặp gỡ những người sành điệu.

Bình bầu của tôi dành cho hoạt động gây sự chú ý của công chúng một cách hiệu quả ư? Khi IBM dùng chiếc Big Blue của mình thách thức siêu sao cờ vua, Garry Kasparov.

Dangminhthao
01-01-1970, 07:00 AM
Nghề phân tích tài chính </span>


Tên của nghề nghiệp này nghe qua tạo cảm giác rất hứng thú, tuy nhiên nếu ai đó muốn thực sự đeo đuổi nó, không có cách nào tốt hơn là tìm hiểu các chức năng của công việc này.Cần làm gì để trở thành một nhà phân tích tài chính và nhân tố nào bạn cần xây dựng để đạt đến thành công ?

Có năng khiếu về toán học

Bằng tốt nghiệp đại học ở bất kỳ ngành nghề nào cũng có thể được chấp nhận. Việc tốt nghiệp từ một trường đại học kinh doanh nào đó không phải là con đường duy nhất để dẫn bạn đến với lĩnh vực này, mặc dù các kiến thức của ngành học này cũng sẽ giúp đỡ được bạn rất nhiều. Kiến thức về máy tính, vật lý, sinh học sẽ hữu ích hơn các kiến thức về khoa học xã hội. Bạn cần phải chứng minh năng lực làm việc với các con số khác vì các công ty thường tổ chức huấn luyện cho các nhân viên tài chính trước khi bắt đầu công việc.

Quả quyết

Các nhà phân tích tài chính tập hợp các thông tin, thu thập các bảng thống kê, viết báo cáo và tổng hợp tất cả các thông tin hiện có, không chính thức về các triển vọng kinh doanh. Họ phải xét đến tính khả thi để đạt được lợi nhuận và chuẩn bị kế hoạch dựa trên báo cáo phân tích tài chính. Ví dụ, một nhà phân tích của ngân hàng đầu tư có thể đánh giá sức hút của cổ phiếu nào đó cho các công ty môi giới chứng khoán để từ đó họ tư vấn cho khách hàng. Tại ngân hàng, các nhà phân tích phải xem xét khả năng trả nợ của các công ty trước khi quyết định cho vay tiền.

Bạn cần phải vô cùng quả quyết nếu muốn trở thành một nhà phân tích tài chính, bạn phải nhận biết rằng tương lai của mình nằm trong thế giới tài chính. Một nhà phân tích cần phải liên hệ với khách hàng, quản lý một khối lượng công việc đồ sộ, biết phân loại và hoàn thành đúng hạn công việc, làm việc với tư cách là thành viên của tập thể cũng như với các bảng thống kê và các phương pháp đánh giá.

Để trở thành một nhà phân tích tài chính thành công, bạn cần phải nhận biết được các xu hướng tài chính. Điều này đòi hỏi bạn phải cập nhật thật nhiều tin tức, thông tin về các ngành công nghiệp, xu hướng của thị trường trong các tạp chí, sách và báo chuyên môn. Nếu công việc đòi hỏi, nhà phân tích tài chính phải chuẩn bị tinh thần đi đến bất kỳ nơi nào và bất kể bao lâu.

Thành công mang tính xã hội

Nếu bạn muốn thành công trong ngành này, bạn phải dành thời gian để tham gia vào các sự kiện và hội thảo trong xã hội. Giao tiếp bên ngoài xã hội là rất cần thiết dù có thể khiến bạn tốn kém nhiều Những năm đầu trong sự nghiệp, bạn phải nỗ lực để kiểm soát cuộc sống của bản thân. Tuy nhiên, rất ít nhân viên phân tích tài chính mới vào nghề được thưởng hậu vào cuối năm. Nhiều công ty sử dụng tiền thưởng để thu hút và giữ chân nhân tài. Tiền thưởng này thường bằng hay gấp đôi lương khi mới bắt đầu làm việc.

Một ngày làm việc 15 giờ không phải là điều lạ, thậm chí có nhiều đêm bạn phải ở lại văn phòng. Những giờ làm việc như thế lại tạo ra tình bạn thân thiết. Một cuộc khảo sát cho biết hơn 70% những nhà phân tích tài chính gọi bạn của họ là “ những cộng sự đắc lực”. Chính nó đã giúp cho các họ vượt qua được lịch làm việc căng thẳng. Công việc của nhà phân tích tài chính luôn được tưởng thưởng xứng đáng , tuy nhiên do lịch làm việc quá bận rộn, họ dường như không có thời gian để hưởng thụ thành quả lao động của mình.

Dangminhthao
01-01-1970, 07:00 AM
Quản lý nhân sự - Nghề thời thượng


Hiện nay, thị trường lao động đang lên cơn sốt tuyển các chức danh trưởng phòng, giám đốc nhân sự. Nhiều công ty sẵn sàng trả mức lương trên dưới 1.000 USD/tháng nhưng tìm không ra ứng viên. Nghề quản lý nhân sự đang thực sự có giá. QUẢNG CÁO

Nắm giữ “linh hồn” của người lao động và sắp xếp họ đúng việc là chuyên môn của một người quản lý nhân sự hiện nay. Số lượng người lao động càng đông thì trách nhiệm quản lý nhân sự càng nặng nề.



Giống như một người mẹ, người quản lý nhân sự phải gần gũi, chăm lo đời sống vật chất lẫn tinh thần cho người lao động theo đúng pháp luật. Ngoài ra, người quản lý nhân sự còn phải tạo sự đoàn kết, gắn bó thân thiện giữa những người lao động với nhau trong một mái ấm chung - công ty, doanh nghiệp.



Trong cơn lốc cạnh tranh, biến động về nhân lực gay gắt, để giữ chân người lao động, người quản lý nhân sự phải nghiên cứu đề ra chính sách, chế độ tiền lương phù hợp, khuyến khích người lao động làm việc hiệu quả hơn và cống hiến cho công ty nhiều hơn.



Nếu việc tư vấn về chính sách tiền lương và các chế độ khác không thỏa đáng thì doanh nghiệp sẽ lãnh hậu quả đầu tiên. Khi đó, người lao động sẽ bỏ đi nơi khác làm việc hoặc nảy sinh tranh chấp dẫn đến khiếu nại, đình công…



Và để việc thực thi các chế độ chính sách cho người lao động theo đúng pháp luật về lao động, đảm bảo lợi ích chính đáng của người lao động, đòi hỏi người quản lý nhân sự phải am hiểu, cập nhật các qui định của Bộ luật Lao động và các chế độ chính sách mới liên quan đến quyền lợi của người lao động.



Không những thế để công ty phát triển bền vững, người quản lý nhân sự còn phải biết hoạch định chính sách phát triển nguồn nhân lực cho công ty trong hiện tại và tương lai.



Thấy rõ vai trò tối quan trọng của công tác quản lý nhân sự theo hướng chuyên môn hóa, hiện các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài nước có qui mô lao động từ vài chục đến vài trăm lao động trở lên đều săn lùng, tuyển mộ trưởng phòng, giám đốc nhân sự giỏi.



Với tốc độ đầu tư vào Việt Nam gia tăng, gần đây nhu cầu tuyển trưởng phòng, giám đốc nhân sự ở các công ty có vốn đầu tư nước ngoài tăng vọt. Thế nhưng, trước hai điều kiện đòi hỏi ứng viên vừa giỏi chuyên môn, nghiệp vụ vừa giỏi ngoại ngữ, nhiều công ty có vốn đầu tư nước ngoài ở TPHCM và các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương… đều đau đầu vì tìm không ra người.



Và để tuyển được các ứng viên sáng giá, nhiều công ty có vốn đầu tư nước ngoài, liên doanh sẵn sàng trả mức lương 300 - 500 USD/tháng trở lên cho chức danh trưởng, phó phòng nhân sự và 1.000 - 2.000 USD/tháng trở lên cho chức danh giám đốc nhân sự. Trong khi thị trường lao động đang nóng lên bởi nhu cầu săn lùng, tuyển mộ quản trị viên cao cấp về nhân sự thì nguồn đào tạo cung ứng lao động thuộc lĩnh vực này hầu như chưa khởi động.



Ở các trường đại học, cao đẳng hiện chỉ có một số môn học liên quan đến lĩnh vực quản lý nhân sự, còn ngành học mới chuyên về quản lý nguồn lực con người (nhân sự) chưa có mã số đào tạo. Do không được đào tạo bài bản nên nguồn lao động quản trị nhân sự trên thị trường chủ yếu hình thành và phát triển tự phát. Họ tự học nghề và tích lũy kinh nghiệm là chính nên chưa đáp ứng nhu cầu của các nhà tuyển dụng.



Và trước tình trạng khan hiếm này, các quản trị viên cao cấp về nhân sự thường “làm giá” và có xu hướng chuyển đổi chỗ làm việc liên tục. Điều này gây khó khăn không nhỏ đối với các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài nước

Theo SGGP

Dangminhthao
01-01-1970, 07:00 AM
Kỹ năng nghề trợ lý giám đốc


Nhu cầu nghề thư ký điều hành hoặc trợ lý giám đốc hiện nay có nhiều không? Nó có vai trò gì trong công ty? Muốn làm nghề này thì đòi hỏi phải có những kỹ năng gì?

Thông thường các nhà doanh nghiệp cần phải có thư ký hoặc trợ lý để giúp họ trông coi và giải quyết những vướng mắc nhỏ, sắp xếp các công việc cho phù hợp với tiến trình hoạt động của công ty và báo cáo thường xuyên cho cấp trên.



Để trở thành một thư ký điều hành hay trợ lý giám đốc chuyên nghiệp, ngoài tiêu chuẩn về ngoại hình, sử dụng thành thạo máy tính, đánh máy với tốc độ nhanh, tiếng Anh lưu loát, sắp xếp và điều phối tốt mọi công việc trong văn phòng, bạn cần phải biết thu xếp và giải quyết mọi tình huống kịp thời, chính xác và hợp lý. Kỹ năng giao tiếp và trình bày tốt cũng là yếu tố không thể thiếu.



Ở một số công ty có vốn đầu tư nước ngoài, ngoài những yêu cầu trên, họ còn đòi hỏi ứng viên phải có sức chịu đựng áp lực công việc cao, khả năng làm việc độc lập và sẵn sàng đi công tác thường xuyên. Ứng viên có nhiều năm trong công tác quản lý, nhạy bén nắm bắt thông tin thị trường là một lợi thế cho vị trí này.



Đối với các bạn sinh viên mới ra trường, để có kiến thức cơ bản về nghề này, các bạn có thể tham gia các khoá đào tạo ngắn hạn về thư ký giám đốc hoặc quản trị văn phòng. Tuy nhiên, những kỹ năng này cũng chỉ là những yếu tố cơ bản, để thành công trong vai trò thư ký, trợ lý bạn phải thực sự say mê, nỗ lực tìm tòi học hỏi và có tâm huyết với nghề mà bạn đã chọn

Theo SGTT

Dangminhthao
01-01-1970, 07:00 AM
Thiết kế Website


Hầu hết các tổ chức và hàng triệu cá nhân đều muốn có một trang web riêng. Và nếu họ đã có một trang thì có khả năng nó cần phải được nâng cấp

Chuyên viên thiết kế web xác định nhu cầu của khách hàng và sau đấy lên bản phác thảo, cả hình thức lẫn cảm nhận, sử dụng các công cụ phần mềm tiên tiến nhất. Với những trang web đơn giản, bạn có thể sử dụng các phần mềm không đòi hỏi phải lập trình như Dreamweaver. Còn với những trang web phức tạp hơn, bạn có thể sẽ cần đến các công cụ như Java và XML. Bạn cần phải hiểu được các chi tiết kỹ thuật để đảm bảo trang web của bạn có thể hoạt động tốt với bất cứ trình duyệt web nào đồng thời phải có tốc độ tải xuống cao.


Chuyên viên thiết kế web phải biết chú trọng vào các điểm chính yếu vì mục tiêu của nhiều trang web là bán một thứ gì đó – nhà thiết kế phải xác định được cách nào để làm cho trang web không chỉ thú vị mà còn sinh lợi. Đồng thời, anh ta phải óc mỹ thuật và sử dụng thành thạo các phần mềm thiết kế đồ họa.


Thiết kế trang web là một nghề thu hút vì nó mang đến cho ta mỗi thứ một ít: tính sáng tạo, mỹ thuật, kinh doanh và thù lao hàng đầu. Do nhu cầu quá lớn, nên chỉ cần sau một vài tháng đào tạo, với một ít kỹ năng thiên bẩm là bạn có thể nhận làm các trang web đơn giản.

Dangminhthao
01-01-1970, 07:00 AM
Theo nghề Dược sĩ


Các loại thuốc đặc sệt với chày và cối? Hãy quên chúng đi. Dược sĩ ngày nay thường là người ở tuyến đầu chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng, bao gồm chỉ dẫn người mắc bệnh tiểu đường cách tự tiêm insulin, giúp bệnh nhân theo dõi huyết áp và đảm bảo mọi người dùng thuốc đúng cách.

Công việc sau cùng thật ra không dễ dàng như ta tưởng. Nhiều người cao tuổi phải uống nhiều loại thuốc khác nhau, mỗi loại vào một thời điểm khác nhau – một số uống khi đói, số khác lại uống khi không buồn ngủ. Có lẽ điều quan trọng nhất mà một dược sĩ làm là đảm bảo các loại thuốc có thể dùng chung.


Chương trình truyền hình mang tên Dateline đã thực hiện một cuộc kiểm tra, trong đó một phụ nữ mang thai đi đến mười nhà thuốc để hỏi xem liệu hai loại thuốc đem theo có dùng chung được hay không. Sáu trong số mười dược sĩ được hỏi đã trả lời “Có”. Thật ra, hai loại thuốc này nếu được phụ nữ mang thai uống chung sẽ gây chết người. Mỗi năm, có hàng ngàn người phải nhập viện vì uống thuốc theo toa chỉ dẫn sai. Các dược sĩ có thể là người cứu mạng.


Một số công việc thú vị trong ngành dược là làm việc trong phòng nghiên cứu của các công ty dược. Lựa chọn thứ hai: nhà thuốc của bệnh viện. Ngoài việc cấp thuốc theo toa, bạn có thể thực hiện các nghiên cứu, hướng dẫn thực tập viên và giúp đỡ bác sĩ phẫu thuật trong việc chuẩn bị các dung dịch.

Dangminhthao
01-01-1970, 07:00 AM
Chuyên viên thiết kế nội thất


Thật thích thú khi giúp đỡ người khác quyết định làm sao để cho nhà ở hoặc văn phòng của họ trở nên đẹp và tiện dụng hơn. Và bạn còn được tha hồ đi mua sắm

Vấn đề nằm ở chỗ, nếu bạn mong muốn kiếm sống, công việc này thường đòi hỏi nhiều hơn ngoài chuyện sắm sửa như: đọc bản thiết kế nháp, dự tính chi phí cho dự án thương mại và cư trú, lên bản thiết kế mẫu dựa vào hệ thống thiết kế trên máy vi tính (CAD) và phải biết khi nào bạn có thể đập bỏ một bức tường mà không làm hỏng tòa nhà. Tóm lại, bạn vừa là nhà trang trí vừa là một kiến trúc sư.


Các chuyên viên thiết kế nội thất thường hành nghề mà không có giấy tờ ủy nhiệm nào cả nhưng họ phải có bằng cử nhân và lấy được chứng nhận của Hiệp Hội Trang Trí Nội Thất Hoa Kỳ, đồng thời cũng phải biết được quy tắc xây dựng cũng như quy hoạch cho nơi đó.

Dangminhthao
01-01-1970, 07:00 AM
Tiếp thị viên trên mạng


Mọi trang web đều cần được lưu hành. Nhiệm vụ của bạn là giúp cho trang web của mình làm được điều đó.

Đệ trình trang này lên các công cụ tìm kiếm đúng cách, thực hiện các chiến dịch tiếp thị qua email, sắp xếp việc trao đổi đường dẫn (Tôi sẽ cho đường dẫn vô trang web của anh nếu anh cũng làm điều tương tự với tôi), đệ trình lên các nhóm tin tức, quảng cáo trên các trang web liên quan và phương tiện truyền thông truyền thống. Thị trường việc làm cho các tiếp thị viên trên mạng khá vững vàng. Nếu bạn có thể học được đủ từ những trang web dưới đây, bạn có thể tìm được việc.

Dangminhthao
01-01-1970, 07:00 AM
Kỹ năng nghề logistics

Theo Bà Nguyễn Thị Khánh Dung, trưởng ban việc làm Trung tâm Dịch vụ việc làm sinh viên - học sinh, trường ĐH Kinh tế TP.HCM, tuy không nhiều nhưng thị trường lao động thường xuyên có loại công việc này. Logistic gồm có 3 mảng chính là kho bãi, giao nhận và vận chuyển. Công việc cụ thể là quản lý hàng tồn, giao hàng và nhận tiền theo đơn đặt hàng, phân phối hàng đến các đại lý… Công việc đòi hỏi phải lập kế hoạch tốt, có sự linh hoạt, nhạy bén về kinh doanh, điều phối tốt. Ngoài ra cần có một số kỹ năng tổng quát như: kỹ năng tính toán tốt, khả năng giao tiếp tốt. Biết tiếng Anh, vi tính là bắt buộc phải có.

Tuy nhiên hiện ở Việt Nam chưa có trường nào đào tạo chuyên về ngành này mà nó chỉ mới được đề cập rải rác trong một số môn học ở các ngành kinh tế. Chính vì thế, các công ty muốn tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp từ các ngành này về rồi đào tạo lại từ đầu. Điều đó đòi hỏi ứng viên phải có tinh thần ham học hỏi, không ngại khó, chấp nhận bắt đầu từ con số không. Bên cạnh đó, công việc logistic còn đòi hỏi ứng viên có tầm nhìn xa để dung hoà được nhu cầu của thị trường và khả năng cung ứng của công ty. Có được sự linh hoạt, nhạy bén về kinh doanh, cũng như khả năng phân tích, nắm bắt thị trường để có thể điều phối được hàng đến đúng nơi, đúng chỗ, tạo được hiệu quả kinh doanh.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp, sau một thời gian đào tạo, họ khá hài lòng về các sinh viên tốt nghiệp từ các ngành kinh tế nên chỉ cần bạn năng động một chút là đã có thể tự tin nộp đơn vào các vị trí này

Dangminhthao
01-01-1970, 07:00 AM
Quản lý chất lượng:Nghề mới trong trào lưu ISO9000


Theo nhận xét của các Tổ chức Chứng nhận qua kết quả các cuộc đánh giá Chứng nhận và đánh giá giám sát, hầu hết cán bộ QMR của các DN đều gặp khó khăn trong việc thực hiện vai trò của mình và do đó cũng làm ảnh hưởng đến hiệu quả của hệ thống ISO 9000. Bên cạnh yêu cầu "báo cáo tới lãnh đạo cao nhất về kết quả của hệ thống", Tiêu chuẩn ISO 9001:2000 chỉ đưa ra yêu cầu đối với cán bộ QMR là: "đảm bảo...", "đảm bảo thúc đẩy hệ thống..." nhưng không chỉ ra rằng cán bộ QMR phải "đảm bảo" như thế nào?
Phần lớn các DN áp dụng ISO 9000 đều giao phó Hệ thống cho cán bộ QMR với hi vọng đạt được hiệu lực và hiệu quả của hệ thống mà không có cơ sở để chắc rằng cán bộ này có thể điều hành hệ thống một cách hiệu quả. Rất nhiều DN lại không đánh giá đúng vai trò, giá trị của QMR đối với sự thành công của hệ thống. Họ cho rằng bổ nhiệm cán bộ QMR để đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn và để có người "gánh" hệ thống chuẩn bị cho các cuộc đánh giá của cơ quan chứng nhận. Bởi vậy, họ không quan tâm đến kiến thức, kỹ năng cần thiết cho cán bộ QMR để có thể quản lý hệ thống đạt hiệu quả cũng như thiếu đầu tư, trang bị kiến thức kinh nghiệm cho cán bộ này.

Ở các nước có phong trào ISO 9000 phát triển mạnh, QMR còn được gọi là Giám đốc Chất lượng. Lãnh đạo cấp cao ở đây ý thức rất rõ vai trò của cán bộ QMR với sự thành công của hệ thống ISO 9000. Họ hiểu rằng: ngoài việc nắm bắt tổng thể các quá trình trong hệ thống và các vấn đề chất lượng trong DN, cán bộ QMR cần nắm rõ các phương pháp, công cụ hỗ trợ cũng như biết lựa chọn và sử dụng các giải pháp, công cụ thích hợp trong điều kiện cụ thể của DN mình. Bên cạnh đó, cán bộ QMR cũng cần có các kỹ năng xã hội khác như: trình bày, truyền đạt, thuyết phục, khích lệ để tập hợp mọi người tham gia cải tiến hệ thống chất lượng. Họ cũng cần có năng lực tổ chức, chỉ đạo các hoạt động triển khai, các cuộc đánh giá và có lối tư duy theo hệ thống vì "tiếp cận theo hệ thống" là một nguyên tắc quan trọng xuyên suốt Bộ Tiêu chuẩn ISO 9000.

Câu hỏi đặt ra cho các DN áp dụng ISO 9000 là: làm thế nào để có cán bộ QMR tốt, làm thế nào để có thể thu nhận tối đa sự đóng góp của QMR cho hoạt động cải thiện hệ thống ISO 9000. Đánh giá đúng tầm quan trọng của cán bộ QMR và trao quyền chủ động một cách hợp lý cho họ là điều kiện tiên quyết để có được một cán bộ QMR đạt yêu cầu. Năng lực, kỹ năng, kinh nghiệm, năng khiếu, tư duy và động cơ làm việc là những tiêu chí chủ yếu để có thể lựa chọn được một cán bộ QMR thoả mãn yêu cầu quản lý. Và để đáp ứng tinh thần cải tiến liên tục của bộ Tiêu chuẩn ISO 9000, việc đào tạo, tổ chức học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm là điều kiện không thể thiếu trong việc nâng cao năng lực, kiến thức cho cán bộ QMR để điều hành hệ thống đạt hiệu quả.

Từ thực tế này, Trung tâm Năng suất VN- một tổ chức tư vấn chuyên nghiệp về ISO 9000 đã triển khai khoá đào tạo đầu tiên dành riêng cho đối tượng là QMR tại TP HCM. Trong khi tỷ lệ các DN áp dụng ISO 9000 mới chỉ chiếm 1% trong tổng số các DN VN thì việc triển khai áp dụng rộng rãi ISO trên toàn quốc sẽ mở ra một cơ hội nghề nghiệp lớn cho các cán bộ trong DN cũng như các sinh viên mới tốt nghiệp đại học. Việc trở thành QMR về Chất lượng trong xu thế ISO trên toàn cầu quả thực là một ước mơ trong tầm tay đối với rất nhiều người.

Theo DĐDN

Dangminhthao
01-01-1970, 07:00 AM
Thế giới của những sợi tóc


Nghề tạo mẫu tóc hiện có sức hút với rất nhiều người trẻ. Hẳn nhiên. Bởi ngoài thu nhập cao, bạn còn có cơ hội quen biết nhiều người. Nhưng để đến với nghề, không phải ai cũng theo đuổi được...

34 năm theo đuổi nghề làm tóc, cái tên Hùng Pasteur dường như đã trở thành một thương hiệu trong giới làm đẹp ở TPHCM.

Là giáo viên của trung tâm dạy nghề quốc tế, từng làm giám khảo cho các cuộc thi tạo mẫu tóc, là tạo mẫu tóc chính cho những show ca nhạc lớn vậy mà nhiều khi chỉ thấy anh đứng... trong hậu trường thoăn thoắt bới đầu cho người mẫu. “Tôi không câu nệ mình là thợ hay là thầy, miễn sao khách của mình đẹp là được. Đã làm nghề thì phải chịu sống hết mình với nó...” - anh tâm sự.


Bắt đầu từ “chân” sai vặt


12 tuổi, đang phân vân không biết chọn học nghề sửa radio hay sửa xe thì người chú ruột “bốc” anh theo cho học nghề... uốn tóc. Công việc của anh chỉ quanh quẩn là cầm máy sấy tóc, quay nước từ dưới giếng lên, đun sôi làm nước gội đầu cho khách, quét dọn nhà cửa... Hồi đó, anh được người chú dạy theo kiểu “thí công”: không phải đóng phí học nghề, và tất nhiên, anh cũng không được trả tiền công cho những gì mình làm ở tiệm...



Những gì anh học đâu phải công việc của một người thợ uốn tóc?



Nhưng trong 6 năm làm việc lặt vặt đó, tôi đã quan sát và học được rất nhiều thứ: cách bới tóc thế nào, cách cầm kéo ra sao để cắt cho “ngọt”... Và quả thật, khi chú tôi dạy tôi những nhát kéo đầu tiên, tôi đã làm mà không chút bỡ ngỡ...



Từ một người “thợ học trò”, làm sao anh có thể trở thành một người lành nghề như hiện nay?



Đó là cả quá trình học hỏi và phấn đấu lâu dài. Từ thợ học trò lên thợ phụ, lên phụ chánh, rồi mới lên thợ chánh. Không kể 6 năm để sai vặt, gần 10 năm sau tôi mới “bước” lên được thợ chánh. Trong 10 năm đó, không chỉ cắt, uốn, chải bới, tôi còn tự mày mò sáng tạo ra những kiểu tóc phù hợp với từng dạng người. Cái chính là bạn phải chịu sáng tạo, chịu quan sát và chịu... thử nghiệm...



Nghề 10/10



“Vướng” vào nghề này cực lắm vì nó đòi hỏi người thợ gần như cầu toàn. Năng khiếu thẩm mĩ, bộ nhớ tốt, tay chân thao tác nhanh nhẹn, rồi phong cách, khả năng giao tiếp... Nói chung là 10/10.



Xem ra, để trở thành nhà tạo mẫu tóc hình như quá khó?



Không khó, chỉ cần bạn cố gắng là được. Óc thẩm mĩ sẽ giúp bạn biết kiểu tóc nào hợp với người nào, và khi bạn làm thì chỉ có đẹp hơn chứ không xấu hơn. Phải có óc ghi nhớ tốt để quan sát, học hỏi những cái hay, cái lạ mà không bị trùng lặp. Rồi khả năng giao tiếp, điều này rất cần thiết khi bạn tư vấn cho khách những ý tưởng, kiểu tóc mới mà không khiến họ bực mình hay mất niềm tin...



Còn việc chăm sóc tóc, hẳn nhà tạo mẫu tóc cần phải biết?



Điều đó là bắt buộc, nếu không, làm sao bạn tư vấn cho khách. Ví dụ như trong 1 năm bạn chỉ được uốn, nhuộm hoặc duỗi đúng một lần. Với những ai quá lạm dụng hóa chất, thuốc nhuộm tóc, bạn cần tư vấn cho họ dùng lotion vitamin thích hợp cho tóc, dầu xả hoặc hấp dầu thế nào cho tóc không bị “chết”. Những kiến thức này bạn có thể tìm trong sách vở, tạp chí chuyên về tóc...



Nhiều người nghĩ con trai mà theo nghề làm đẹp thì sẽ mất đi vẻ nam tính. Anh nghĩ sao?



Nam tính hay không là do bản thân mỗi người. Theo tôi, tạo mẫu tóc ít thích hợp với tạng người đàn ông mạnh mẽ, gồ ghề vì nó đòi hỏi tính tỉ mỉ, chi li và mềm mại. Tuy nhiên, không phải thanh niên nào theo nghề làm tóc đều... nữ tính đâu.



Nghề hấp dẫn giới trẻ?



Bây giờ muốn trở thành thợ làm tóc, các bạn trẻ có phải theo học việc giống anh lúc trước?



Tiệm của tôi cũng như nhiều tiệm uốn tóc khác đều đã từng nhận học viên, có đóng học phí và theo qui định cụ thể. Nếu không, bạn có thể ghi danh tại Trung tâm Dạy nghề Quốc tế (đường Lê Quốc Hưng, Q.4) - ngôi trường chuyên dạy về tạo mẫu tóc đầu tiên của TPHCM và khi tốt nghiệp, bạn sẽ có bằng chứng nhận hẳn hoi.



Anh từng than nghề này rất “cực”, nhưng công việc làm tóc chủ yếu ở salon, có máy lạnh và những nội thất tiện nghi...



Đó chỉ là một khía cạnh. “Cực” ở đây là bạn phải chạy suốt mỗi khi có yêu cầu, biết xử lý nhanh trong mọi tình huống. Trong một chương trình ca nhạc lớn, một mình tôi phải bới đầu cho... 40 người mẫu trong vòng 10 phút, nếu trễ người mẫu ra không kịp, tôi vẫn bị đạo diễn “nhằn” không thương tiếc. Bởi vậy, dù là thợ học trò hay nhà tạo mẫu tóc danh tiếng, điều cần nhất vẫn là lòng yêu nghề và chịu sống hết mình với nó...

Theo Mực Tím

Dangminhthao
01-01-1970, 07:00 AM
Nghề gõ đầu trẻ


Chúng ta dạy học vì chúng ta thực sự thích thú với nghề này. Cảm giác về một sự hoàn thành sau một ngày làm việc hiệu quả, niềm vui sướng khi được chia sẻ một quyển sách hay, cùng ngẫm ngợi một bài thơ giàu ý tứ, một câu châm ngôn, một lời bài hát hay đơn giản chỉ là cái cảm giác: cảm thấy mình quan trọng trong cuộc sống của trẻ. Những điều đó làm chúng ta say mê, thích thú.

Hiển nhiên chúng ta thích những ngày không lặp lại - dẫu đều đặn trống trường, chúng ta yêu sự mới mẻ trong các tình huống và sự mong đợi đầy háo hức mỗi khi bắt đầu. Niềm tin mà trẻ dành cho người giáo viên làm cho nghề giáo trở thành một nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý.

Chúng ta yêu sự sáng tạo - những điều kỳ diệu có thể xuất hiện trong đầu trẻ. Qua dạy học, chúng ta có thể sáng tạo nên một tia sáng tri thức cho trẻ, và có thể mang lại cho trẻ sự thích thú trải nghiệm một cái gì đó hoàn toàn mới. Những thế giới mới có thể đi qua đầu óc tưởng tượng của trẻ, và những tầm nhìn mới mà chúng ta có thể tạo ra.

Không có gì có thể diễn tả và so sánh được sự sung sướng tột độ khi có một mối quan hệ thành công giữa người giáo viên và trẻ. Chúng ta, những nhà giáo bằng chính suy nghĩ, lời lẽ của mình và những ảnh hưởng trực tiếp có thể tạo nên cho trẻ một cá tính mạnh mẽ và sự hứa hẹn về một tương lai tốt đẹp hoặc ít ra chúng ta có thể góp một phần nào đó. Điều này làm cho nghề giáo mang tính thử thách cao!

Rõ ràng chúng ta thích tự do - lĩnh vực rộng lớn trong các hoạt động trong lớp và khát vọng đó đang nằm trong tầm tay của chúng ta. Không có giới hạn trong các bức tường của trường học. Cũng không có cách nào để đo được chúng ta có thể làm tốt đến mức nào. Dạy học là một cái gì đó lớn hơn là một nghề. Đó là sự tin cậy!

Dạy học là một nghề khó và cũng luôn tạo nên sự mệt mỏi. Đôi khi nó còn là một sự chán nản bởi vẫn còn những ganh ghét và tị hiềm trong quan hệ với đồng nghiệp, bởi vẫn còn vài học sinh của chúng ta lười học hay hỗn láo. Nhưng khi ta nhìn thấy ánh mắt lấp lánh niềm vui của một cậu bé đang nắm tay bố mẹ trong đám đông, chỉ vào ta và nói với một niềm tự hào: Đây là cô giáo của con! Và lễ phép cúi xuống: Con chào cô ạ! Cái cảm giác thấy mình quan trọng trong cuộc đời của trẻ lại dâng trào. Đó là lý do vì sao chúng ta dạy học. Bạn có nghĩ thế không?

Theo Thanh Niên

Dangminhthao
01-01-1970, 07:00 AM
Nghề kinh doanh phần mềm

Sáu tháng đầu năm 2005 có đến 380 công ty đăng ký kinh doanh ngành nghề phần mềm ra đời và con số này dự báo đến cuối năm sẽ là 500. Rất nhiều “ông chủ” doanh nghiệp phần mềm khởi nghiệp khi còn rất trẻ và vốn liếng ban đầu của họ chỉ là... lòng đam mê



Văn phòng có thể thuê một căn nhà vừa túi tiền (hoặc tại các khu phần mềm tập trung), chi phí mua một số máy tính và chuẩn bị vài trăm triệu đồng để trả lương, duy trì hoạt động trong khoảng sáu tháng đầu tiên. Thế là đủ để “khai sinh” một công ty phần mềm và có cơ hội thử thách tài năng kinh doanh trên thương trường bằng tất cả niềm đam mê pha lẫn chút mạo hiểm của tuổi trẻ… Theo Sở Kế hoạch - đầu tư TPHCM, từ 2001 đến nay có khoảng hơn 900 công ty đăng ký các ngành nghề liên quan đến kinh doanh phần mềm. Một cuộc khảo sát trực tiếp 89/340 DN phần mềm đang hoạt động tại TPHCM được các chuyên gia Hội Tin học TPHCM tiến hành. Kết quả từ cuộc khảo sát này cho thấy có đến 54% số DN phần mềm được thành lập từ 2001-2004; DN thành lập trên năm năm chiếm 32%, trên 10 năm chiếm 11% và trên 15 năm chỉ có 3%. Cũng theo phân tích từ kết quả cuộc khảo sát, tỉ lệ DN phần mềm “sống được” là 35% đối với DN trên 10 tuổi và 30% đối với DN trên 15 tuổi. Giới chuyên môn cho rằng từ những con số này cho thấy khả năng giữ vững thương hiệu và phát triển theo thời gian của DN phần mềm là không cao. Cần nâng tỉ lệ DN phần mềm “sống được” tại TPHCM từ 30-35% lên 50%. Cũng theo đánh giá của ông Trần Lạc Hồng, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Tin học TP.HCM, đa số DN phần mềm có thể khẳng định sự thành công ban đầu và điều này thể hiện qua con số 42% DN phần mềm được khảo sát có doanh thu cao hơn chi phí từ 10-30%. Tuy nhiên, chỉ có 13% DN phần mềm có doanh thu cao hơn chi phí từ 30-50%. Đây không phải là một tỉ lệ khích lệ và nó giải thích phần nào tình trạng chưa phát triển của thị trường phần mềm. Ở một góc độ khác, ông Nguyễn Hữu Hiền - giám đốc Trung tâm Phát triển công nghệ phần mềm TPHCM (SSP) - cho rằng hiện chỉ có một số ít DN theo hướng nhận các đơn hàng gia công phần mềm xuất khẩu cho các nước mới sống tương đối khỏe. Nhưng các DN làm phần mềm để phục vụ thị trường nội địa thì đang khó khăn mọi bề, từ vốn đầu tư, kinh nghiệm thiết kế phần mềm, thị trường đầu ra…

Theo Tuổi Trẻ

Dangminhthao
01-01-1970, 07:00 AM
Tìm hiểu nghề tự do



Mở cửa hàng hoa, lập công ty hoặc làm đại lý cho một nhãn hàng…đều là nghề tự do

Sau một thời gian làm việc “cho người khác”, đóng khung trong những nguyên tắc, quy định, hầu như ai cũng có ý định tự làm chủ một công ty hoặc cửa hàng, công việc…theo ý thích của riêng mình. Khi ấy, họ có thể chủ động hơn về mặt tài chính lẫn thời gian, các mối quan hệ.


Bắt đầu thực hiện mơ ước

Tuy nhiên, không phải ai cũng thích hợp với nghề tự do và chẳng phải cứ tìm đủ vốn là thành lập được công ty riêng. Bạn cần tìm hiểu và thu thập thêm nhiều thông tin để lường trước những tình huống có thể xảy ra trước khi đi đến quyết định cuối cùng.

Trước tiên, hãy nghĩ đến điều gì đang thu hút bạn và có thể bắt nguồn từ đó để hái ra tiền.

Bạn cũng cần tìm hiểu về tình hình kinh tế ở nơi mình đang sinh sống, nghiên cứu các dịch vụ, công việc mang tính tiềm năng, thị trường còn bỏ ngỏ.

Bắt đầu một kế hoạch kinh doanh là bắt đầu thực hiện một ước mơ, hình dung về những điều sẽ làm trong tương lai. Bạn cần tận dụng các mối quan hệ để thiết lập mạng lưới khách hàng, cộng tác viên mới. Đây là những người sẽ đi cùng bạn trong quá trình phát triển công ty.

Nghiên cứu kỹ thị trường

Nếu có thể, hãy lôi kéo sự ủng hộ của người thân vào việc triển khai dự án. Đây là nguồn động viên về tinh thần cũng như vật chất rất đáng tin cậy. Đừng quên chuẩn bị và tính toán để giới hạn và thống nhất khoản tiền đầu tư ban đầu.

Để tránh trường hợp bị động và gặp khó khăn về vốn, một trong những cách cần làm là để dành một khoản tiền “phòng thân”. Bất cứ lúc nào, bạn cũng có thể cần đến nó để xoay sở cho một số việc khác.

Một điều quan trọng là phải tìm hiểu thật kỹ những đối thủ có thể cạnh tranh với mình. Nếu không có những chiến lược phù hợp về giá cả, mẫu mã, quảng cáo hoặc khuyến mãi…, công ty của bạn có thể đi vào ngõ cụt.

Đừng bao giờ tách mình ra khỏi guồng phát triển của thị trường. Hãy tìm ra nơi nào thật sự cần dịch vụ, mặt hàng do bạn cung cấp và mức độ cần bao nhiêu.

Bên cạnh đó, đừng quên nghiên cứu thị trường mà công ty bạn có thể chiếm lĩnh thế độc quyền hoặc phải chi sẻ thị phần với các tổ chức, công ty khác.

Phải tiêu thụ được sản phẩm

Cuối cùng, trước khi phác thảo kế hoạch cụ thể, hãy tìm câu trả lời chính xác cho câu hỏi sau: Bạn sẽ kinh doanh mặt hàng nào và có bao nhiêu người nói cho bạn biết rằng bản thân họ cũng rất cần mặt hàng đó?

Thành công của một công ty tuỳ thuộc rất lớn vào nhu cầu của khách hàng. Vì thế, hãy thu thập ý kiến từ nhiều người khác nhau.

Bạn có thể hỏi về nhu cầu, dịch vụ, sản phẩm họ cần và chi phí phải trả là bao nhiêu. Tất nhiên, bạn cũng cần tìm hiểu những nơi họ thường lui tới để tìm kiếm thông tin, tham khảo về dịch vụ, giá cả.

Hãy dành nhiều thời gian hơn cho các công việc này thay vì vội vàng đổ tiền vào đầu tư xây dựng mặt bằng, phác thảo kế hoạch kinh doanh. Nếu không tiêu thụ được sản phẩm, xem như doanh nghiệp của bạn không còn đất sống



Theo VHTT

Dangminhthao
01-01-1970, 07:00 AM
Các lĩnh vực công việc trong ngành IT



Có rất nhiều loại hình công việc trong ngành công nghệ thông tin từ nhân viên kinh doanh đến thiết kế web, tùy thuộc vào các điểm mạnh và sự yêu thích mà bạn có thể tìm được cho mình vai trò phụ hợp. Sau đây là một vài lựa chọn tiêu biểu:

· Nhân viên phân tích dữ liệu

· Quản trị hệ thống

· Lập trình viên

· Kỹ sư phần mềm

· Nhân viên phân tích hệ thống

· Chuyên viên hỗ trợ kỹ thuật/ người sử dụng cuối cùng

· Thiết kế web/ dịch vụ Internet

1. Nhân viên phân tích dữ liệu

Vai trò công việc

Nhiệm vụ

· Làm việc cho các công ty phần mềm, công ty tư vấn, công ty ứng dụng công nghệ thông tin thuộc các ngành nghề khác nhau

· Thảo luận về các nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin trong doanh nghiệp với các nhân viên nội bộ hay các khách hàng.

· Thu thập và sắp xếp các dữ liệu thích hợp khi xây dựng cơ sở dữ liệu và tiến hành các nghiên cứu liên quan.

· Sử dụng các hệ thống cơ sở dữ liệu/công nghệ thông tin để tạo ra các báo cáo và hỗ trợ trong công việc phân tích, marketing, chuẩn bị và tạo các chương trình giới thiệu sản phẩm.

· Giám sát và duy trì chất lượng hệ thống cơ sỡ dữ liệu cũng như tính bảo mật khi cập nhật và sử dụng

Kỹ năng chính

· Khả năng phân tích và tư duy lô gíc

· Kỹ năng sử dụng ngôn ngữ viết và nói

· Tinh thần làm việc đồng đội và sáng kiến

· Hoàn thành các mục tiêu công việc đúng hạn

· Khả năng tính toán

· Ý thức kinh doanh

· Các kiến thức về hệ thống cơ sở dữ liệu.

Huấn luyện

Các công ty lớn đều tổ chức các khóa huấn luyện cho tất cả các vị trí từ hỗ trợ kỹ thuật, tiếp thị, đến quản trị cơ sở dữ liệu hay phát triển phần mềm.

Chương trình huấn luyện này là rất cần thiết đối với việc lưu trữ hệ thống cơ sở dữ liệu và sử dụng các kỹ năng lập trình như ORACLE and SQL. Sau khi các nhân viên đã có kinh nghiệm làm việc tập thể trong các dự án, họ sẽ có cơ hội thành những người lãnh đạo dự án.

2. Nhân viên kinh doanh

Nhiệm vụ

· Làm việc cho các nhà sản xuất, công ty dịch vụ phần mềm

· Có trách đối với một sản phẩm hay khách hàng cụ thể

· Giới thiệu sản phẩm đến khách hàng

· Tiếp tục liên hệ với khách hàng và trả lời các thắc mắc

· Liên hệ với các phòng ban về chi tiết của đơn hàng khi ký hợp đồng

· Liên hệ với bộ phận marketing để tìm kiếm khách hàng mới và báo cáo các phản hồi của khách hàng nhằm nâng cao sản phẩm

· Thông tin cho các khách hàng hiện thời về sản phẩm mới

Kỹ năng chính

· Kỹ năng giao tiếp và trình bày thành thạo

· Khả năng thuyết phục và nhạy bén

· Ý thức và động cơ kinh doanh

· Linh hoạt, năng động và giỏi tính toán

Huấn luyện
Khi mới bắt đầu, các nhân viên kinh doanh sẽ được tham gia các khóa huấn luyện ngắn giới thiệu về sản phẩm, kỹ năng bán hàng và giao tiếp. Một vài nhân viên sẽ được huấn luyện chuyên sâu về kỹ thuật nếu đối tượng của sản phẩm là các chuyên gia công nghệ thông tin.

Quản trị hệ thống

Nhiệm vụ

· Làm việc cho các công ty quản lý thiết bị, chịu trách nhiệm vận hành các thiết bị công nghệ thông tin cho khách hàng

· Duy trì sự ổn định của hệ thống

· Tuyển dụng, huấn luyện và quản lý đội ngũ làm việc, từ nhân viên nhập dữ liệu đến nhân viên vận hành, lập trình viên…

· Bảo trì và cập nhật hệ thống khi cần thiết

· Thương lượng với khách hàng

· Xem xét số lượng người sử dụng hệ thống, liệu có cần cải tiến để đáp ứng nhu cầu không

Kỹ năng chính

· Kỹ năng quản lý tổng hợp

· Kỹ năng sáng tạo dựa trên các ý tưởng kinh doanh

· Khả năng chọn lực, thúc đẩy và đánh giá nhân viên làm việc

· Kỹ năng quản lý tài chính và thời gian

Huấn luyện
Các nhà quản trị hệ thống thường bắt đầu với công việc của một lập trình viên, sau đó là, thiết kế, phân tích hệ thống, quản trị mang và quản lý cấp bộ phận.Họ có thể trở thành những nhà quản lý hay giám đốc công nghệ thông tin.

3. Lập trình viên hệ thống

Nhiệm vụ

· Làm việc cho bộ phận tin học của các công ty lớn, công ty tư vấn phần mềm, các nhà sản xuất điện tử và phần mềm

· Viết các phần mềm ví dụ như hệ điều hành hay các ngôn ngữ cấp thấp tạo tiền đề cho máy tính triển khai các ứng dụng ở ngôn ngữ cao hơn hay chuyển thông tin đến các thiết bị khác.

· Tùy chỉnh hệ thống để thực hiện các chức năng khác nhau

· Tìm và phát hiện các lỗi trong phần mềm

· Chạy thử các chương trình để kiểm tra khả năng thích ứng khi đưa vào thực tế

· Chuẩn bị các tài liệu mô tả phương thức hoạt động của phần mềm.

Kỹ năng chính

· Khả năng phân tích và suy luận logic

· Chú ý đến từng chi tiết

· Hoàn thành công việc đúng hạn

· Thành thạo các kỹ năng giao tiếp nói và viết

· Kỹ năng tính toán

· Kiến thức về một hệ thống máy tính cụ thể.

Huấn luyện
Các công ty lớn thường tổ chức khóa huấn luyện 6 tuần cho các nhân viên trong năm đầu tiên trong ty các công ty nhỏ khuyến khích tinh thần tự học.

Kỹ sư phần mềm

Nhiệm vụ

· Làm việc chủ yếu cho các công ty điện tử và viễn thông; nhiệm vụ cũng tương tự như lập trình viên, tuy nhiên tập trung hơn vào các ứng dụng kỹ thuật và thiết kế

· Sử dụng ngôn ngữ máy tính để viết các chương trình phục vụ cho công việc

· Sử dụng các công cụ hay hệ thống tiền thiết kế để viết ra các phần mềm

· Tích hợp các chương trình được tạo, tìm và phát hiện lỗi

· Chạy thử chương trình

· Hoàn thành các tài liệu mô tả hoạt động của phần mềm

Kỹ năng chính

· Khả năng phân tích và suy nghĩ logíc

· Kỹ năng làm việc tập thể

· Thành thạo các kỹ năng giao tiếp nói và viết

· Chú ý đến từng chi tiết

· Khả năng hoàn thành công việc đúng hạn.

Huấn luyện
Công việc này đòi hỏi bằng cấp chuyên môn về công nghệ thông tin hay lãnh vực liên quan. Các công ty lớn thường tổ chức khóa huấn luyện 6 tuần cho các nhân viên trong năm đầu tiên trong ty các công ty nhỏ khuyến khích tinh thần tự học.

4. Nhân viên phân tích hệ thống

Nhiệm vụ

· Gặp gỡ trưởng dự án và khách hàng để thảo luận về dự án

· Thảo luận dự án chi tiết với nhân viên của khách hàng và thiết lập tính khả thi của dự án

· Chuẩn bị các lưu đồ hệ thống, quyết định phần có thể được tin học hóa trong hệ thống

· Đánh giá các phần cứng được yêu cầu khi triển khai hệ thống (tốc độ, chi phí, dung lượng bộ nhớ…)

· Liên lạc với các lập trình viên, phân công công việc và giám sát quá trình sản xuất phần mềm

· Xem xét để thay đổi nếu hệ thống khi chạy thử không đáp ứng được yêu cầu

· Có thể phân tích hệ thống kinh doanh và cân nhắc các biện pháp rút giảm chi phí

Kỹ năng chính

· Khả năng phân tích và giải quyết vấn đề

· Kỹ năng giao tiếp thành thạo (đặc biệt với khách hàng)

· Thành thạo các kỹ năng giao tiếp nói và viết

· Ý thức kinh doanh và quản lý thời gian

Huấn luyện
Một số công ty tuyển dụng các sinh viên đã được huấn luyện về phân tích hệ thống trong quá trình học đại học. Hầu hết các nhân viên đều bắt đầu ở vị trí lập trình viên ->lập trình viên phân tích -> nhân viên phân tích hệ thống.

5. Chuyên viên hỗ trợ kỹ thuật / Người sử dụng cuối cùng

Nhiệm vụ

· Làm việc cho các nhà cung cấp phần mềm và phần cứng tại văn phòng của người sử dụng cuối cùng

· Cung cấp các hỗ trợ kỹ thậut cho khách hàng/người sử dụng hiện thời

· Ghi nhận các cuộc gọi và các vấn đề trục trặc xảy ra

· Liên hệ với các bộ phận cần thiết để giải quyết vấn đề

· Tổng kết các sản phẩm và thủ tục

· Lập kế hoạch cải tiến

· Cập nhật quá trình phát triển sản phẩm mới và khuyến khích khách hàng nâng cấp sản phẩm

Kỹ năng chính

· Khả năng lắng nghe

· Khả năng phân tích và giải quyết vấn đề

· Khả năng ngoại giao

· Kỹ năng nói và viết thành tạo

· Linh hoạt

Huấn luyện
Các nhân viên mới sẽ được huấn luyện về đặc tính kỹ thuật của sản phẩm và cách thức phục vụ khách hàng. Đối với các công ty lớn, khóa học được làm phong phú hơn bằng cách giảng dạy về phương thức phát triển và cung ứng sản phẩm.

6. Thiết kế web/dịch vụ Internet
Nhiệm vụ

· Làm việc cho các nhà sản xuất phần mềm , công ty tư vấn thiết kế web hay các công ty lớn

· Tổng kết các lựa chọn và yêu cầu của khách hàng về website

· Thiết kế và tạo các trang web, liên kết

· Thử nghiệm thiết kế

· Cài đặt trực tuyến phiên bản cuối cùng và hỗ trợ kỹ thuật cho khách hàng

· Cập nhật các tiến bộ mới nhất trong lãnh vực thiết kế web

· Đề ra các kế hoạch cải tiến

Kỹ năng chính

· Kỹ năng phân tích và giải quyết vấn đề

· Kiến thức về các hệ thống và ngôn ngữ lập trình liên quan, khả năng học hỏi

· Kỹ năng nói và viết

· Kỹ năng tưởng tượng và trình bày

· Kỹ năng quản lý thời gian

· Kỹ năng làm việc tập thể

Huấn luyện
Các công ty lớn thường tổ chức khóa huấn luyện kỹ thuật cho nhân viên, trang bị các kỹ năng nền tảng. Các công ty nhỏ, ngược lại đòi hỏi nhân viên tự học hỏi các kiến thức về một số ngôn ngữ lập trình như Java, Visual Basis thông qua quá trình làm việc.

Theo Tech-centric

Dangminhthao
01-01-1970, 07:00 AM
Theo yêu cầu của bé Phan Lê, anh xin post nghề dự án. Cái này là dự án phi chính phủ, còn nếu muốn hỏi về dự án ODA thì chịu khó đãi anh một chầu cà phê đi nhe. Sẽ có face to face description.

Làm dự án cho các tổ chức phi chính phủ

Lương 500 - 900 USD/tháng. Thoắt ở TPHCM, thoắt Bến Tre, Bình Phước, Đắk Lắk... Đến đâu, người dân quê chất phác cũng hồ hởi mang hoa trái vườn nhà ra đãi vì quý “cô dự án”.



Vui buồn cùng dự án



Nếu hỏi Trần Thanh Huyền vì sao cô gái Hà Nội này từ bỏ một chỗ làm ổn định trong ngành ngân hàng để chọn những dự án phi chính phủ, câu trả lời sẽ khiến bạn không khỏi ngẫm nghĩ một chút về ý nghĩa cuộc sống...



Tốt nghiệp ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội, sau 7 năm làm việc tại một ngân hàng nhà nước, Huyền tham gia khóa Thạc sĩ Quản lý phát triển tại Philippines. Tại đây, cô được truyền đạt về phương pháp quản lý dự án và phẩm chất cốt lõi của người làm dự án: phải luôn quan tâm tới lợi ích cộng đồng và đặt lợi ích cộng đồng lên trên hết.



Từ bỏ nguyên tắc lợi nhuận là tối cao của ngành ngân hàng, về nước, cô chọn các dự án phi chính phủ. Từ đó tới nay, Huyền đã “lang thang” qua nhiều tỉnh thành với các dự án của Oxfam, Tổ chức Y tế thế giới, Ngân hàng Thế giới...



Hiện cô đang ở TPHCM làm điều phối viên cho một dự án phi chính phủ của Mỹ. Mỗi lần đi công tác dài ngày ở các tỉnh, chiếc xe máy mang biển số Hà Nội của cô lại phải di dời đến cơ quan vì sợ... trộm!



Phần thưởng lớn nhất đối với những người làm dự án phi chính phủ như Huyền chính là cuộc sống tốt đẹp hơn mà dự án mang lại cho bà con. Khi còn làm cho Dự án phát triển kinh tế phụ nữ của Oxfam Quebec, Huyền đã về Phong Dụ (Quảng Ninh) giúp phụ nữ ở đây phát triển nghề thêu thổ cẩm truyền thống.



Cô gái Hà Nội lần đầu tiên chứng kiến cuộc sống khổ cực của người phụ nữ nơi đây, quanh năm quần quật với nương rẫy lợn gà nhưng không được nắm đồng tiền, không có tiếng nói trong gia đình, thậm chí có thể bị chính chồng mình... bán qua biên giới. Họ biết thêu thổ cẩm - những mũi thêu rất độc đáo - nhưng chỉ thêu lên váy, lên khăn của mình.



Dự án giúp họ tính toán sản xuất một cách kinh tế, giúp thiết kế những mẫu gối, khăn ăn, túi xách và tìm đầu ra cho sản phẩm. Khi dự án kết thúc, vẫn là núi rừng Phong Dụ thâm u, nhưng người phụ nữ nơi đây đã biết làm kinh tế, có tiếng nói trong gia đình và làm chủ cuộc đời mình. Huyền rất vui khi biết có một tổ chức phi chính phủ khác đang tiếp tục các dự án phát triển kinh tế khác với những phụ nữ nơi đây.

Ngoại ngữ, chuyên môn và kinh nghiệm



Hiện ở Việt Nam có hàng trăm dự án phi chính phủ, thông tin tuyển dụng rất nhiều, từ vị trí quản lý dự án, cán bộ dự án, điều phối viên đến phiên dịch, thư ký và trợ lý dự án. Nếu bạn có vốn ngoại ngữ, chuyên môn và kinh nghiệm, tại sao không thử cân nhắc một vị trí cho mình xem sao?

Vì đây là dự án của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, nên yếu tố đầu tiên bạn phải có, đó là ngoại ngữ. Hầu hết các vị trí đều đòi hỏi trình độ ngoại ngữ thành thạo cả 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết. Vì bạn có thể phải lập dự án, thuyết trình và bảo vệ những ý kiến của mình trước các “sếp Tây” ngay từ vòng tuyển dụng, nên dù bạn có “găm” chứng chỉ ngoại ngữ đầy mình nhưng không có thực lực thì cũng thất bại mà thôi.



Với vị trí phiên dịch, thư ký và trợ lý dự án, nhà tuyển dụng thường đòi hỏi 2, 3 năm kinh nghiệm. Nhưng với những vị trí cao hơn như quản lý, cán bộ và điều phối viên dự án, yêu cầu tuyển dụng thường là 5 năm, có khi 10, 15 năm. Khi phỏng vấn, người ta sẽ đưa ra rất nhiều những tình huống cụ thể, và kinh nghiệm của ứng viên sẽ bộc lộ thông qua việc xây dựng kịch bản tình huống.



Ví dụ: “Đối tác của bạn trong dự án đã bị chỉ trích là sử dụng tiền không đúng mục đích hoạt động của dự án. Bạn là cán bộ dự án phụ trách tỉnh đó, đối tác đó. Bạn sẽ xử lý như thế nào?”. Và đây là câu trả lời của người chiến thắng: “Tôi cần nghiên cứu kỹ xem vấn đề gì đã xảy ra, có thật là họ đã sử dụng vốn sai mục đích hay không hay đó chỉ là lời đồn ác ý, hoặc do hiểu lầm lẫn nhau, tức là tôi phải thẩm định thông tin cho chính xác. Nếu thực sự họ có sử dụng sai mục đích, tôi phải tìm hiểu động lực phía sau: vì tiền, vì không hiểu chính sách, hay vì lý do nào khác. Sau đó tôi phải có cách hành xử thật tế nhị vì nếu tôi làm họ bẽ mặt, có thể họ sẽ không hợp tác và dự án không thể hoạt động tại đó”.



Ở những vị trí chủ chốt, chuyên môn là yếu tố không thể thiếu. Nếu dự án về trẻ em, bạn phải có chuyên môn về trẻ em, làm về cấp thoát nước thì bạn phải có chuyên môn về cấp thoát nước.



Với một vị trí tuyển dụng, thường có đến 20 - 30 ứng viên. Sau khi lọc hồ sơ, sẽ có 2 - 3 vòng phỏng vấn. Ở vòng phỏng vấn đầu tiên, nhà tuyển dụng thường hỏi các vấn đề chung chung như: quá trình học hành của bạn, bạn có những kỹ năng gì thích hợp với vị trí này, quá trình công tác trước đây ra sao, tại sao lại chuyển vị trí... Nếu bạn ở xa, cuộc phỏng vấn thứ nhất không cần phải trực tiếp mà có thể qua điện thoại. Có nhiều trường hợp, nếu bạn ở xa và đã qua vòng 1, nhà tuyển dụng sẽ gửi cho bạn vé máy bay và chi phí ăn ở để bạn có thể tham gia phỏng vấn trực tiếp. Vòng cuối cùng sẽ là vô số các tình huống xây dựng kịch bản dành cho bạn.



Ngoài ra, nhà tuyển dụng cũng xét đến các kỹ năng khác như: kỹ năng xây dựng, thực hiện, giám sát dự án, kỹ năng làm việc cộng đồng và làm việc với cơ quan đối tác, kỹ năng giao tiếp, khả năng làm việc tập thể và năng lực làm việc độc lập...



Tuy nhiên, đừng thấy những điều kiện tuyển dụng quá khắt khe mà nản lòng. Nếu bạn chưa tốt nghiệp hoặc mới ra trường, chưa có kinh nghiệm và những năng lực kể trên, bạn có thể nộp hồ sơ vào vị trí thực tập sinh. Làm và có lương đàng hoàng. Cùng với thời gian, có cơ hội cọ xát với công tác dự án, bạn sẽ tự tin để nộp đơn vào những vị trí cao hơn.

Theo Thanh niên

trongbangpham
01-01-1970, 07:00 AM
Thảo ơi!

Những thông tin này thật hửu ích lắm lắm,

Các bạn từ thế hệ Lê Quí Đôn đầu tiên đến nay hẳn phải kể đến số ngàn người rồi.
và trong đó, có bao nhiêu người làm cùng ngành nghề, có bao nhiêu nghề mà thần dân LQĐ đã làm.

Không ai hiểu và mô tả giới thiệu công việc chính xác bằng ngừơi đang làm công việc ấy.

Ai cũng sẽ thắc mắc, hông biết anh Thảo nhà ta sao mà có thể giới thiệu được nhiều nghề một cách chi tiết vậy, và nếu đọc thêm sẽ thấy anh Thảo còn là một Lãng Tử Đa Nghề... :)

Thảo giới thiệu với mọi người một chút về công việc mà Thảo đang làm đi. :rolleyes:

Anh cũng sẽ viết về công việc đang làm, và rất mong các bạn cùng làm như vậy, có như thế chúng ta sẽ có nhiều thông tin và hiểu nhau hơn.

Thân

DeMen
01-01-1970, 07:00 AM
Cảm ơn anh Thảo nhiều nhen :)


Originally posted by Dangminhthao@Oct 10 2005, 03:43 PM
Cái này là dự án phi chính phủ, còn nếu muốn hỏi về dự án ODA thì chịu khó đãi anh một chầu cà phê đi nhe. Sẽ có face to face description.


Dự án nào nhìu tiền hơn hả anh :P

Nhắc vụ cà phê mới nhớ, hình như anh Thảo còn nợ em 1 chầu <_< ;)

foureyes
01-01-1970, 07:00 AM
Công nhận minhthao có kiến thức khá rộng về các lĩnh vực nghề nghiệp. Có phải u đang làm việc ở vị trí nhân sự? Nói cho anh em biết để sau này lỡ có...thất nghiệp thì còn nhờ cậy nữa chứ, hi hi hi