PDA

View Full Version : NSND Diệp Lang: Một đời trầm lặng


Độc Cô Cầu Bại
25-09-2009, 04:50 PM
Loạt bài viết hay quá nên cầm lòng không đậu, chép lại mục này.


NSND Diệp Lang - cây đại thụ của sân khấu cải lương Việt Nam hiện đại. Trên sân khấu gần như ông nhận được tất cả vinh quang nghề nghiệp. Tài đức vẹn toàn, ngoài những vai diễn để đời, ông là người phát hiện, ươm mầm, đào tạo nhiều lớp nghệ sĩ kế cận. Đoàn hát nào có ông cộng tác là đoàn hát đó có những thay đổi tích cực, sân khấu sẽ nghiêm túc, trang hoàng, sâu sắc hơn. Những đoàn cải lương Sài Gòn 2, Văn Công TP, 2-84,…là nơi ông để lại nhiều dấu ấn sâu đậm nhất. Cả cuộc đời ông cống hiến hết mình cho NTCL. Ông là người chịu ảnh hưởng sâu sắc phong cách nghệ thuật “thật và đẹp” của NSND Năm Châu. Là người học trò trung thành , suốt đời làm theo những gì mà ông đã học được ở người thầy tài hoa này. Người trong nghề, khán giả luôn dành cho NSND Diệp Lang sự yêu mến, kính trọng. Nếu như trên SK là một Diệp Lang sôi nổi, nóng bổng luôn truyền ngọn lửa nghề tác động đến các NS khác, thì trong cuộc sống thường ngày, ông là người trầm lặng , hiền lành, ân cần, hòa nhã với mọi người. Ông là người sống nội tâm, làm nhiều hơn nói , bất cứ ở vai trò nào, từ DV đến đạo diễn, nhà quản lý, ông đều làm việc hết mình, với trách nhiệm cao nhất. ông vốn là người rất tự trọng nên làm bất cứ việc gì đều rất thận trọng, kỹ lưỡng, sâu sắc. Nhìn bề ngòai ông già hơn rất nhiều so với tuổi, một phần do ông luôn tòan tâm , tòan ý với nghề, một phần khác, cuộc đời ông có những mất mát, nỗi đau từ thể xác đến tâm hồn, chiến đấu với bệnh tật với những khó khăn đời thường , để rồi từ những nỗi đau của mình ông biến nó thành những giây phút thăng hoa trên sân khấu.

NSND Diệp Lang có một số phận, một cuộc đời phong ba chìm nổi…


CON TRAI NGƯỜI NHẠC SĨ ĐỜN KÌM

NSND Diệp Lang tên thật là Dương Công Thuấn, sinh ngày 14 tháng 3 năm 1941 , tại làng Bình Tiên - Sa Đéc - Đồng Tháp, là con trai duy nhất của nhạc sĩ Ba Diệp - cây đờn kìm ở một số đoàn hát như Kim Thoa, Hoài Dung - Hoài Mỹ, Minh Chí - Việt Hùng... ông mồ côi mẹ từ năm lên mười tuổi, ba ông một mình ôm cây đờn kìm bôn ba theo các đoàn hát để ông ở lại quê nhà với ông nội, ngoài những giờ đi học bình thường, ông còn được ông nội dạy thêm chữ nho, có lẽ chịu ảnh hường từ sự giáo dục của ông nội, của một gia đình nho giáo ngay từ hồi còn nhỏ, ông đã là người trầm tĩnh, chững chạc. Năm 1954, sau khi ông nội mất, còn lại một mình trong căn nhà vắng, vừa phải tự nuôi thân vừa phải lo đi học, năm ấy ông vừa tròn 1 3 tuổi. Mấy tháng sau, ba ông mới về tới đưa ông lên Sài Gòn, ông không chịu theo nghề hát, muốn ở lại quê nhà cùng với người em bà con làm ruộng nhưng ba ông không đồng ý, làm con không dám cãi ba nên ông miễn cường khăn gói rời quê theo ba, khởi đầu một cuộc dấn thân sương gió. ôm gói đồ theo ba vô đình Tân An sống với đoàn cải lương Kim Thoa, lúc này ông Ba Diệp đang đờn cho đoàn. Ban đầu, cậu Thuần có ý định học đờn để nối nghiệp ba, ông Ba Diệp khuyên con nên học nghề hát, nghề đờn ít lương lại rất bạc bẽo , người ta chỉ biết những nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu chứ mấy ai quan tâm đến nhạc sĩ, nhạc công âm thầm ngồi ôm đờn ở phía sau cánh gà. Vậy là mỗi đêm Công Thuấn tập làm quân sĩ, vừa học nghề vừa có chút đỉnh tiền để nuôi thân. Đào kép chánh của đoàn là hai nghệ sĩ Văn Sa, Thiên Kim. Vai diễn đầu tiên của ông là vai quân sĩ trong vở tuồng Lấp sông Gianh của tác giả Kinh Luân, khai trương tại rạp Nguyễn Văn Hảo (nay là rạp Công Nhân). Ông còn nhớ rất rõ biến cố năm ấy, khi diễn đến câu “lấp sông Gianh ngàn năm thống nhất” thì đoàn bị kẻ xấu ném lựu đạn làm chết và bị thương khoảng 100 người, may mắn đêm đó ông không bị thương, hôm sau, đoàn dọn về đình Hòa Hưng tạm nghỉ. Mấy tháng sau, đoàn mới tiếp tục đi diễn lại, được một năm lại trở về đình Hòa Hưng. ông chứng kiến thấy khán giả cho gạo, cho khô rồi nhìn những người trong đoàn đi kiếm đoàn hát khác mà lòng buồn rơi nước mắt. Công Thuấn xin ba cho đi kiếm việc làm, nghề hát khổ quá nên ông muốn học sửa xe hơi. Nghề đó phải học ba năm, người ta chỉ nhận làm chớ không cho ăn ở. Thấy khó khăn quá, ông đành quay trở về đình. Đoàn Minh Chí - Việt Hùng thành lập, ba ông khuyên ông nên đi hát với lời dặn "Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh". Đoàn tập tuồng tại rạp Thuận Thành (rạp Văn Hoa Đa Kao), đi được một năm thì ba ông bị bệnh xin về quê chữa bệnh. Sáng hôm ấy, ông Ba Diệp cầm cây đờn, tay ôm gối đồ ra bến xe đò về sa Đéc, trước khi lên xe về quê, ông còn ngoái lại dặn con: "Ráng nghe con, giờ thì con đi một mình...". ông Ba Diệp quay đi cố nén dòng nước mắt, ông rất muốn khóc nhưng sợ ba mình không yên lòng. Đó là lần đầu tiên trong đời ông biết nén nỗi đau vào trong lòng, có lẽ lần đu tiên ấy đã giúp cho ông có sức chịu đựng mọi phong ba bão táp trong đời, nén nó vào lòng riêng mình cam chịu không thổ lộ với ai. Hai tháng sau, ông cố dành dụm được một số tiền về thăm ba. Nhìn ba bị phù ngồi trên bộ ván mà xót xa lòng, cảnh nhà nghèo quá, chỉ biết cắn răng cam chịu. Ba ông gửi gấm tâm sự "Con không nên lấy vợ sớm...". Bà con kéo lại rất đông để nghe thằng Hai ca, ông Ba Diệp tay sưng không đờn được nhưng vẫn đờn cho con trai ca, trước để coi nó tiến bộ thế nào, sau để làm vừa lòng bà con làng xóm. ông vừa ca dứt bài Cao Tiệm Ly khóc bạn thì ba ông đề nghị ông ca thêm 6 câu Sầu Biên ải. Sau khi đờn cho con ca hai bài vọng cổ, ông Ba Diệp mệt rã rời, nhưng ông rất vui vì thấy con trai có thể theo nghề hát được. Sáng hôm sau, ông phải ra đi, đó là lần cuối cùng cha con ông còn gặp nhau.

Đoàn Minh Chí - Việt Hùng vô đình, Minh Chí nghỉ, đoàn phải ngưng hát. Khi đó hay tin ba mất mà ông không có tiền về, đành thắp mấy nén nhang tìm một chỗ kín đáo khấn vái cha mình xin thứ tha cho tội bất hiếu. Lần thứ hai, ông phải giấu niềm đau lớn nhất đời mình vào tận sâu thẳm tâm hồn. Mấy tháng sau, đoàn Việt Hùng khai trương trở lại, diễn tại Bến Tre, tập thể đoàn góp tiền cho ông về Sa Đéc thọ tang. Trở về, nhìn nhà cửa quạnh hiu, mồ cha xanh cỏ còn cây đờn kìm thì cầm ngoài chợ Sa Đéc. Có ông Sáu, chú của ông chuộc về được một lần rồi sau đó cây đờn lưu lạc. Ký giả Thiện Mộc Lan có ý tìm lại cây đờn kìm ấy nhưng không được, ông đến an ủi Công Thuấn "nếu như cây đờn có linh hồn rồi nó sẽ trở về...". Đứng trước mộ ba, ông thề sẽ Suốt đời đi theo nghề hát. Chiều qua Bắc Rạch Miễu mưa bay lất phất... nhìn con nước sông Tiền trôi xuôi, từng con sóng nhỏ vỗ vô bờ, chợt hai hàng nước mắt lăn dài trên má, nguồn yêu thương, cội rễ cuối cùng trong đời đã không còn nữa, từ đây ông đã mãi thành kẻ mồ côi phiêu bạt, năm ấy Công Thuấn tròn 16 tuổi. Đi tới đâu cũng thấy hình bóng của ông già, nhớ từng cái quán ông thường hay uống cà phê mỗi khi đoàn tới hát, nhớ từng cái ghế, cái bàn ba đã ngồi, cứ mỗi lần đoàn trở lại điểm diễn cũ, ông nghe như có giọt nước mắt chảy vào lòng mặn đắng, nỗi ám ảnh ấy theo ông suốt nhiều năm dài đăng đẳng như thể. Theo gánh hát khổ sở bao nhiêu năm, thuở ấy nghèo quá muốn thờ ông bà nội và cha mẹ không biết thờ ở đâu, không một mái nhà, thôi thì đành khấn vái: "ông bà nội và ba má cho con thờ ở trong lòng, ông bà nội và ba má theo phò độ cho con, sau này để con có một mái nhà thờ tự” có ai biết được lời thề nguyện ấy mãi mấy mươi năm sau ông mới thực hiện được khi về hát ở đoàn Văn Công TPHCM, được Nhà nước cấp cho căn phòng ở lầu 1 chung cư Nguyễn Kim - đường Lý Thường Kiệt gần sân bóng đá Thống Nhất, ông mới có điều kiện xây mồ mả và lập bàn thờ cho ông bà nội và cha mẹ mình tại chính căn nhà của mình. Ông là người chịu ảnh hưởng nho giáo, trọng chữ hiếu hàng đầu, mấy mươi năm ông mới thấy nhẹ lòng. Cũng tại nghèo, cuộc sống thanh bạch của một nghệ sĩ lương thiện, đã khiến cho ông mất mát, tổn thương rất nhiều trong cuộc sống đời thường, ông tự ví mình giống như số phận kép Tư Bền của nhà văn Nguyễn Công Hoan, đó là quá nhiều nước mắt phải nuốt ngược vào lòng, nên ông trở nên trầm lặng , sớm già trước tuổi dù ông vẫn rất phong độ.. .




Theo Đăng Minh - Báo SK

Độc Cô Cầu Bại
25-09-2009, 04:51 PM
* Bám tơ loan. . . ta khóc cho mối tình đầu.
* Đời là sầu …tình là hận. . . (ơ ớ ơ) lận đận với yêu đương...
Câu hát ấy ông hát khi vừa tròn 17 tuổi, phải chăng đó là định mệnh, là lời tiên đoán mà sau này mối tình đầu đã để lại trong tim ông một nỗi đau âm thầm dai dẳng. Sau nhiều năm giằng co, dằn vặt mãi, cho tới năm 1975 ông mới dứt khoát hẳn được mối tình trái ngang, đớn đau, sóng gió ấy. Đi tới đoàn hát nào ông cũng giới thiệu mình để xin vào đoàn. Sau câu hỏi “thằng Hai - Con ông Ba Diệp đó à?" là sự đón nhận đầy thương yêu thông cảm của mọi người, ông nghe lòng ấm lại, nhớ cha vô cùng. Đời cha ông nghèo không có gì để lại cho con, gia tài để lại là lối sống hiền hậu, chân thành, hết lòng vì nghề, nên ai cũng thương mến, kính trọng. ông thừa hướng gia sản quý giá đó. Tới ngày giỗ, nếu diễn ở nơi quen thuộc, ông ra chỗ cha con ông từng ngồi ăn uống với nhau, mua cơm rồi vái cha về ăn, diễn ở điểm mới thì ra tiệm cơm bình dân,...Cứ thế mà mấy mươi năm ông cúng giỗ cha mẹ, ông bà như vậy... Thời ấy các đoàn hát thường được thành lập trong đình, khai trương long trọng ra các rạp hát, đến khi kiệt quệ, tan rã, quay về gởi xác gánh trong đình.

Những ngôi đình Tân An, Tân Kiêng, Hòa Hưng, Phú Thành... là nơi các đoàn cải lương ra đời, mỗi khi đi qua những ngôi đình có kỷ niệm với mình, ông bùi ngùi nhớ lại quãng đời lang bạt. ông có suy nghĩ các nhà nghiên cứu lịch sử cải lương có ai tìm hiểu mối quan hệ giữa các ngôi đình với sự ra đời của các đoàn cải lương không? Tại sao người ta chọn những ngôi đình để lập đoàn hát? Tại sao khi gánh hát rã lại gởi xác gánh lại đình? ở TPHCM có bao nhiêu ngôi đình có liên quan tới sự ra đời của các đoàn hát?

VÌ SAO CÓ NGHỆ DANH DIỆP LANG

Ông qua đoàn Vân Hảo (do Ba Vân và Phùng Há thành lập) xin vào đoàn, biết ông là con trai ông Ba Diệp ai cũng mừng, đã lâu họ không có tin tức của ông Ba Diệp, biết ông mất trong cảnh nghèo khó ở quê nhà, nay thấy con ông đi hát nối nghiệp cha, nên các nghệ sĩ ở đoàn dạy dỗ tận tình.

Vai đầu tiên của ông là vai hề, đóng chung với cô Ba Thanh Loan trong vở Liêm Pha người chiến quốc của soạn giả Lê Khanh, vở thứ hai là Huê dung đạo, đóng chung với hề Vân Trình có ca 4 câu vọng cổ trong hậu trường, có người nói "Đưa cho thằng Hai ca". Khi đoàn diễn ở Tây Ninh, nghe ông ca 4 câu vọng cổ này, soạn giả Nguyễn Huỳnh đi coi hát, biết con ông Ba Diệp ca, ông Nguyễn Huỳnh thương lắm, vì ông Ba Diệp vừa là
bạn, vừa là người đờn kìm trước đây trong đoàn hát của ông. Đi đoàn Vân Hảo được 7, 8 tháng thì đoàn kiệt quệ, sau đêm diễn tại rạp Tân Hiệp, bầu tuyên bố rã đoàn. Buổi chiều trước hôm đoàn Vân Hảo rã ông gặp NS Hoàng Mai trước rạp, ông nói "ông Phước (tên ngoài đời của soạn giả Nguyễn Huỳnh) nhắn mày qua bển, đoàn Hoài Dung – Hoài Mỹ đang diễn tại Long An". Vậy là ông đi xe lửa Mỹ Tho qua Tân An, gặp ông Phước đang ngồi uống trà với soạn giả Điêu Huyền. ông Phước hứa sẽ lăng-xê làm kép, ông hỏi có tên chưa, ông nói chưa biết đặt tên gì, đi hát cứ lấy tên thiệt mà giới thiệu. Suy nghĩ một hồi, ông Phước nói với ông Điêu Huyền tôi đặt tên hát cho nó là Diệp Lang, anh thấy được hôn?" ông Điêu Huyền vui lắm, hai ông giải thích Diệp là tên ba, Lang là con trai (vua Hùng Vương đặt tên con trai là lang, con gái là nương) Diệp Lang là con trai Ba Diệp, ông sung sướng rơi nước mắt, từ đây ba ông luôn ở trên vai ông, hai cha con sẽ cùng hiện hữu trên sân khấu. ông Phước cho ông 350 đồng tiền xe chở rương qua đoàn ở Tân An. Vài ngày sau, ông Phước lăng-xê ông trong vai tuồng mới " đẹp bên đồi" của soạn giả Trần Hà, sửa bản ca là soạn giả Điêu Huyền. Người có công ơn lăng-xê với ông là soạn giả Nguyễn Huỳnh, người có công dạy dỗ nghề nghiệp, dạy cho cách sống ở đời'' sau này thành cha đỡ đầu cho ông là soạn giả Điêu Huyền. Trên 50 năm rồi ông vẫn nhớ. ông ngồi hát cho tôi nghe mấy câu Trường Tương Tư, mà lần đầu tiên ông được hát kép:

* Bám tơ loan. . . ta khóc cho mối tình đầu.
* Đời là sầu …tình là hận. . . (ơ ớ ơ) lận đận với yêu đương...


Câu hát ấy ông hát khi vừa tròn 17 tuổi, phải chăng đó là định mệnh, là lời tiên đoán mà sau này mối tình đầu đã để lại trong tim ông một nỗi đau âm thầm dai dẳng. Sau nhiều năm giằng co, dằn vặt mãi, cho tới năm 1975 ông mới dứt khoát hẳn được mối tình trái ngang, đớn đau, sóng gió ấy. Đến năm 1978, ông mới tìm được bến đỗ thật sự cho cuộc đời gian nan, lân đận, nghèo khó của mình với cuộc hôn nhân chính thức hợp pháp bên
người vợ ngoài nghề, thật sự thương yêu, tôn trọng chồng. Vết thương lòng đã lành lặn, dù còn đó vết sẹo khó phôi phai. ông không dám đổ lỗi cho ai, ông nhận hết về mình, coi đó là số phận bất hạnh, hẩm hiu khắc nghiệt, mà ông phải nếm trải của một kiếp con người. Nói về tình cảm riêng tư, ông chỉ nói ngắn gọn như thế, không muốn giải thích hay nói thêm điều gì Đời ông đã quá đau khổ từ tinh thần đến thể xác, không còn có chỗ để chồng chất thêm đau thương nữa. ông muốn được tạm bình yên cho tới khi xuôi tay về đoàn tụ với tổ tiên...

Một tuần sau khi ra mắt thành công vai diễn đầu tiên ở đoàn Hoài Dung - Hoài Mỹ, đoàn lưu diễn ở tỉnh Sóc Trăng, hát vở "Chiếc nhẫn kim cương" nghệ sĩ Quang Phục nghỉ đoàn, Diệp Lang được đôn lên thế vai. Sau suất diễn đầu tiên, ông bầu Phước thưởng cho 200 đồng, với những lời ngợi khen tin tưởng. Đoàn về rạp Nguyễn Văn Hảo (nay là rạp Công Nhân của Nhà hát kịch TPHCM) giới thiệu nghệ sĩ mới. Buổi ra mắt thành công, tên tuổi Diệp Lang được các trang báo kịch trường ưu ái. Sự nghiệp đang tên đà xuôi thuận. Hai năm sau đoàn Hoài Dung – Hoài Mỹ giải tán tại đình Rạch Cát, lại trở về con số không, làm lại từ đầu Diệp Lang chở rương về nhà bà má nuôi là bà Bảy Vĩnh Long tá túc, chờ thời... Lúc đó có rất nhiều đoàn cải lương, nghệ sĩ hát được không đến nỗi thất nghiệp lâu. Ngày trước ở phía sau rạp Nguyễn Văn Hảo có ngã tư quốc tế, nơi tụ họp các nghệ sĩ thất nghiệp cần tìm đoàn đi hát, các ông bầu muốn mời đào kép thì về đó.

Mọi thông tin hoạt động của các đoàn trên toàn miền Nam được nơi đây nắm rất rõ. Ngã tư Quốc tế này thành chỗ giao dịch ký hợp đồng, chèo kéo, rủ rê đào kép nào mà đoàn đó vừa ý. Vài ngày sau soạn giả Bạch Diệp từ miền Trung về tìm người hát chánh cho đoàn Hữu Tâm. Diệp Lang được đoàn mời ký contract với số tiền là hăm lăm ngàn đồng (Năm 1960). Một tương lai sáng lạn đang mở ra trước mắt. Hữu Tâm là đoàn hát có tên tuổi, đang có cô đào Thanh Hương tài danh trụ đỡ. Về đó, Điệp lang được hát chánh với nữ NS Kim Nương, một cô đào có tiếng thời ấy. Chính từ sân khấu Hữu Tâm mà Minh Đức và Mai Lan nổi lên, còn có kép Bửu Tài, một kép chánh sáng giá thời ấy...

Trước mặt cậu con trai 1 9 tuổi nghèo khó, đang có một bước ngoặt mới, làm thay đổi số phận. Diệp Lang sung sướng qua sông Cửu Long theo đoàn xuôi Nam. Đoàn chào đón anh kép trẻ triển vọng với bao hy vọng. Đang học tuồng chuẩn bị vào vai chính, Diệp Lang bị trúng gió khi qua sông Cữu Long. Bình thường làn hơi đã không hay, nhờ biết diễn xuất, gương mặt điển trai, nam tính, vóc dáng cao ráo mà đứng được trên sân khấu, nay, sau cơn bệnh, làn hơi ông bị ảnh hưởng trầm trọng. Còn trẻ mà mất hơi chỉ có nước giải nghệ, những ngày tháng đó là bi kịch thảm sầu. Trong đoàn Hữu Tâm có có những nghệ sĩ đàn anh diễn rất giỏi như Trọng Lang, Sáu Nhỏ, các anh rất quí mến thằng em Diệp Lang không may mắn, các anh khuyên nên chuyển qua học hát kép độc Có lẽ Tổ nghiệp khiến vậy, nên Diệp Lang bỏ ra hai năm cần mẫn luyện nghề. Làm kép độc lương ít hơn, bù lại Diệp Lang phát hiện ra chính những diễn viên dàn bao mới có nghề thật sự, đào kép chánh ăn khách nhờ đẹp, nhờ ca hay chớ diễn thì chưa chắn hơn những diễn viên phụ không có giọng ca. Tuy nhiên khi NS Thanh Hương nghỉ đoàn Hữu Tâm, đoàn mất dần khán giả, đời sống của nghệ sĩ khá khó khăn. Đoàn bước vào giai đoạn khủng hoảng, dự báo một tương lai u tối... Diệp Lang không biết đời mình sẽ xuất về đâu Đêm nọ đoàn diễn tại đình An Hòa Chánh Hưng, thấy có hai người quen xem hát là anh Bửu Tứ và chị Sáu. Bỗng dưng 6 giờ sáng hôm sau có người mời ông ra quán cà phê nói là có người nhà ở Sa Đéc cần gặp...

(Còn tiếp)


Theo Đăng Minh - Báo SK

Độc Cô Cầu Bại
25-09-2009, 04:53 PM
VỀ ĐÒAN KIM CHƯỞNG ĐỔI ĐỜI: NS Kim Chưởng nghe nhiều lời khen ngợi Diệp Lang nên bà cho người nhà đến xem ông hát, sau đó họ gặp ông cho biết ý định của bà bầu. Đoàn Kim Chướng thời ấy là một đại ban, được hát ở đoàn là vinh dự, may mắn lắm. Khi thỏa thuận contract là hai mươi lăm ngàn đồng, Diệp Lang xuống Sóc Trăng gặp đoàn ký giao kèo xong, hẹn một tháng sau sẽ chính thức có mặt. Về đoàn Kim Chưởng, vai diễn đầu tiên của ông là vai Thống Tướng Bát Lộ Kỳ (vở Hai chiều ly biệt của hai soạn giả Phong Anh - Thu An), bấy giờ Diệp Lang vừa tròn hai mươi mốt tuổi. Trong mắt ông, đoàn Kim Chướng là đoàn hát quy mô, mới lạ, nghiêm túc từ biểu diễn trên sân khấu, tới sinh hoạt. Kịch bản hay có chọn lọc, có đạo diễn dàn dựng đàng hoàng, với dàn nghệ sĩ tài năng tên tuổi, các bộ môn âm thanh, ánh sáng, dàn cảnh, hai ban nhạc tân cổ... là những người chuyên nghiệp tài giỏi. Nghệ sĩ Kim Chưởng rất nghiêm khắc trong giờ tập tuồng, nghệ sĩ phải thuộc lời kịch bản thật chuẩn, không được tự ý sửa chữa, hoặc thêm thắt nếu chưa có sự thảo luận, hội ý, đồng thuận của tác giả, của bà bầu. Nghệ sĩ ra hát không nhắc tuồng, sân khấu trang nghiêm như một thánh đường. Từ sân khấu Kim Chưởng mà Diệp Lang có ý thức học làm người tổ chức chuyên môn (thời đó gọi là coi sân khấu). Khi tập tuồng nhiều lần bà Kim Chướng sữa diễn, tự ái, ông gắng công tìm tòi những miếng diễn lạ, sâu sắc, nên bà rất hài lòng thường hay nói "ờ đó... vậy đó”. Được bà Kim Chưởng vừa ý coi như mình đã có một số vốn nghề tương đối tốt. Đoàn Kim Chường về diễn tại rạp Nguyễn Văn Hảo thành công vang dội, ông được các nhà tuyển chọn giải Thanh Tâm lưu ý, nhiều nhà báo khen ngợi, một phát hiện mới trong số nghệ sĩ trẻ hát dàn bao. Qua vở thứ hai, Người anh khác mẹ của soạn giả Phan Hương - Thu An, khi đó ông Thu An gặp Diệp Lang hỏi: "Nếu anh đưa em vai già, em diễn khóc được hôn?" Diệp Lang trả lời: "Dạ được chớ”. Vậy là khi mới 22 tuổi ông đóng vai một ông già 70 tuổi, bị điên, lớp diễn hay nhất, ấn tượng nhất là khi ông ta ôm đầu té vì bao nhiêu chuyện xảy ra với mình. Vai diễn này được ông Trần Tấn Quốc, người sáng lập ra giải Thanh Tâm khen ngợi. Năm 1963 được chọn trao giải Thanh Tâm, Diệp Lang là một ngoại lệ duy nhất nhận giải thưởng là kép độc trẻ hát dàn bao, trong khi những nghệ sĩ khác được chọn là đào kép chánh, những giọng ca hay...

Tiếp theo năm 1 964 ông được chọn trao bằng Danh Dự giải Thanh Tâm, cao hơn giải Thanh Tâm một chút, khẳng định sự thành công của mình. Vậy là con trai người nhạc sĩ đờn kìm đã làm tròn lời thề với cha, không làm xấu mặt tổ tiên.


HỌA VÔ ĐƠN CHÍ – TẠM XA SÂN KHẤU 10 NĂM

Một buổi nọ, đoàn đang diễn tại rạp Thủ Đô, có giấy mời bà Kim Chưởng và Diệp Lang trình diện tại An ninh quân đội, trình giấy kiểm tra, bị hỏi "Tại sao tới tuổi không đi lính?” ông trả lời "Dạ, sợ quá không đi”. vậy là bị bắt đi lính, còn bị nhốt trong khám. Có hai nghệ sĩ cùng bị bắt lính, cùng bị nhốt chung khám với Diệp Lang là Tấn Tài, Thanh Tú, ba người vừa là bạn, vừa là đồng nghiệp, bằng tuổi nhau. Gặp tai nạn giống nhau . Tấn Tài là danh ca, tiền contract rất lớn nên phải tốn nhiều tiền mới được cho đi hát, mỗi tháng về trình diện và đóng tiền một lần. Còn Diệp Lang, Thanh Tú nghèo không có người lo, đành chịu ở luôn trong trại lính. Có lúc nhớ nghề quá hai người lén trốn trại ra đi hát, bị phát hiện bắt nhốt dưới chuồng cọp phơi nắng, vậy là sợ quá không dám trốn đi hát nữa. Mười năm đó, từ 1965 đến 1975, Diệp Lang làm lính, rời xa sân khấu, trong lúc sự nghiệp đang lên. 10 năm bao nỗi cay đắng đoạn trường, ông phải cắn răng một mình cam chịu. NS Thanh Tú kể rằng: "Nhiều lúc trại lính ở Thị Nghè vắng tanh, người ta nghỉ phép về nhà hết, chỉ còn Diện Lang ngồi một mình trầm ngâm, cô đơn trong trại lính rộng lớn, hun hút, mịt mùng. Có lẽ Diệp Lang trầm lặng, già trước tuổi là do suy nghĩ, chịu dụng nhiều quá, mà không chia sẻ được với ai. Là bạn, tôi rất thông cảm, yêu mến Diệp Lang, đời nó khổ nhiều lắm”.


GẶP HỘI LONG VÂN…

Sau 1975, bỏ bộ đồ lính, thoát khỏi trại lính, đi học tập ba ngày, rồi trở về với sân khấu. Diệp Lang coi như mình được cứu sống. 10 năm biến cố trong cuộc đời, lúc tuyệt vọng nhất ông có lần định tìm cái chết cho nhẹ gánh trần ai. Đất nước thanh bình, Diệp Lang như rũ bỏ được gánh nặng bấy lâu chồng chất, cuộc sống thú vị, ý nghĩa hơn khi ông Nam Sơn, ông Năm Triều đứng ra lập các đoàn hát cải lương cho thành phố. Ông Năm Triều với tư cách là Trưởng Ty Sân khấu đầu tiên sau năm 1975, quyết định đưa Diệp Lang về đoàn Sài Gòn 2, được nghệ sĩ trong đoàn tín nhiệm bầu làm tổ trưởng diễn viên kiêm luôn chỉ đạo nghệ thuật, là một trong những người đầu tiên đứng ở rạp Olympic (nay là Trung tâm văn hóa - Nghệ thuật dân tộc TPHCM) thành lập đoàn cải lương Sài Gòn 2, một thời lừng lẫy. Bước ngoặt cho sự thăng hoa, làm nên sự nghiệp sân khấu của NSND Diệp Lang, có thể chia ra mấy giai đoạn:


- Ở đòan SG 2:

Đoàn chính thức ra mắt bằng vở cải lương Lỡ bước sang ngang của soạn giả Hoàng Khâm. Những bài học từ NS Kim Chưởng, Thu An, những tháng năm sống chung với NSND Năm Châu, NSND Phùng Há, NSND Ba Vân, Điêu Huyền, Nguyễn Huỳnh... Diệp Lang học rất nhiều, ông thuộc nằm lòng lời dạy: "sân khấu thật và đẹp" của ông Năm Châu, ông nguyện làm theo phong cách này suốt đời. Khi có cơ hội nắm sân khấu, ông quyết tâm thực hiện cho bằng được, ít ra cũng làm được chút gì đó cho SK cải lương. Tiếp theo là vở ánh lửa rừng khuya của soạn giả lão thành Điêu Huyền, do Thành Trí làm đạo diễn, ông là người đứng sau hỗ trợ tích cực. Rồi vở kịch Bất hạnh và hạnh phúc của tác giả Huy Lam được giới thiệu, soạn giả Hoàng Khâm và Điêu Huyền chuyển thể cải lương, đổi tên lại là Tìm lại cuộc đời, Diệp Lang cũng tìm lại cuộc đời từ đây Đạo diễn Huỳnh Nga nhận dàn dựng vở này. Đó là lần đầu tiên Diệp Lang biết ĐD Huỳnh Nga, trước lạ, sau thân trong họ có những quan điểm tương đồng về nghệ thuật cải lương. Những buổi tập tuồng đi về chung đường, Diệp Lang chở Huỳnh Nga trên chiếc honda của mình. Từng chi tiết để dàn dựng, chỉnh sửa kịch bản, được họ bàn rất kỹ với nhau. Vở Tìm lại cuộc đời là vở thành công nhất của đoàn Sài Gòn 2, của ĐD Huỳnh Nga. NS Thanh Tuấn để đời với vai đại úy Huy Bình, Giang Châu vai Trần Hùng, Ngọc Bích vai Hương, Tư Rọm vai Giang Thành Giảo và Diệp Lang với vai Trung sĩ Tám. Nhưng những đóng góp âm thầm trong vai trò chỉ đạo nghệ thuật, một đạo diễn thứ hai bên cạnh Huỳnh Nga, bên cạnh các đạo diễn của những vở khác của đoàn mới là những đóng góp tích cực nhất, nhiều vai diễn của các nghệ sĩ khác in đậm dấu ấn của ông, sự tận tình chỉ dẫn của một nghệ sĩ tài năng, tâm huyết. ở đoàn Sài Gòn 2, Diệp Lang có nhiều kỷ niệm đẹp nhất, như luật bù trừ, ông đã có rất nhiều thứ từ đây, danh vọng sự nghiệp, một căn phòng do nhà nước cấp, có nơi thờ phượng ông bà cha mẹ và ông đã tìm được hạnh phúc thật sự của đoạn đời còn lại của mình. Ông nhớ và biết ơn các nghệ sĩ của đoàn một ê kíp tuyệt vời, tài năng, đoàn kết, nhờ họ mà ông đã hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đợt đầu tiên của đoàn có các nghệ sĩ: Lệ Thủy, Thanh Kim Huệ, Mai Lan, Hồng Nga, Thoại Miêu, Tài Lương, Đỗ Quyên, Ngọc Bích, Liên Chi, Thanh Tuấn, Giang Châu, Phương Quang, Thanh Điền, Văn Chung, Tư Rọm, Hoàng Linh, Hoàng Liêm, Triều Giang Thủy... Đợt hai có Mỹ Châu, Tuấn Thanh, TÔ Kiều Lan, Tuấn An, Tài Bửu Bửu, Hoàng Thành, Đoàn Huy, Huỳnh Hiếu, Nguyễn Tăng, Trần Vĩnh, Lưu Hòa , Đỗ Ngọc (anh bà Đỗ Duy Liên), Thanh vân Ngọc ánh, Kim Hoa, Linh Phương, Phương Thành, Minh Tiền, Thành Vinh, Bạch Châu, Tấn Hoàng, Điền Tử Lang, Tuấn Kiệt (Châu Thanh)... Các tác giả, Điêu Huyền, Hoàng Khâm, Trần Hà, Yên Trang, Bạch Tùng Hương, cô Ba Đề... ông muốn kể hết tên nhiều người nữa, trong lúc bất chợt không nhớ hết, ông xin lỗi những ai đã từng sống, làm việc với ông ở đoàn Sài Gòn 2 mà thiếu tên. Đoàn Sài Gòn 2 là gia đình lớn nhất mà ông từng có Thời sung sức nhất ông đã cống hiến hết sức mình cho đoàn.

(Còn tiếp)


Theo Đăng Minh - Báo SK

Độc Cô Cầu Bại
25-09-2009, 04:55 PM
Sau thời gian hưng thịnh, đoàn Sài Gòn 2 có lúc suy sụp, một số nghệ sĩ tài danh rời khỏi đoàn, ban phụ trách đoàn, trong đó có Diệp Lang, tìm mọi cách để xây dựng lại đoàn . Vậy là một số diễn viên trẻ được chú ý để lăng-xê. Tuấn Thanh xuất hiện trên sân khấu Sài Gòn 2, trong hoàn cảnh như thế, vở Tiếng hò sông Hậu được ê-kíp chuyên môn thực hiện, người vất vả nhất, đứng mũi chịu sào vẫn là Diệp Lang, chính từ vai Chơn trong Tiếng hò sông Hậu được sự uốn nắn của Diệp Lang, Tuấn Thanh từ trong bóng tối bước ra trở thành một ngôi sao sáng, đó chính là nền tảng đầu tiên để sau này anh về hát chánh đoàn Văn công Thành Phố. Trước Tuấn Thanh phải kể đến Giang Châu. Trước đây Giang Châu ở đoàn Việt Nam – Minh Vương, đoàn Xuân Liên Hoa, khi đoàn Sài Gòn 2 có đợt thay đổi diễn viên lần thứ 2, Giang Châu được tác giả Thành Phát giới thiệu về đoàn ra mắt trong vai Biện Hảo vở ánh lửa rừng khuya, kết hợp với Thanh Tuấn tạo thành một bộ đôi cống hiến cho khán giả những câu vọng cổ nghe đã lỗ tai, cho tới vở Tìm lại cuộc đời, Giang Châu đã có vai Trần Hùng để đời, rồi vai Thiếu úy Ngọc trong Khách sạn hào hoa và nhất là vai Thừa trong Tiếng hò sông Hậu cũng là vai mẫu mực để đời của Giang Châu. Dĩ nhiên, sự đóng của nhiều người từ tác giả đạo diễn... nhưng người trực tiếp hướng dẫn, chăm sóc chính là Diệp Lang. Rồi tới Tuấn An, một giọng ca phong trào ở Bến Cầu - Tây Ninh về gia nhập Sài Gòn 2 cũng được Diệp Lang chú ý rèn luyện trở thành kép chánh sau này thay thế những nghệ sĩ gạo cội của đoàn ra đi, vai.Thầy Ba Năng trong Tiếng hò sông Hậu cũng là vai hay nhất của Tuấn An chưa có người hát hơn anh vai này. Tuấn Kiệt (Châu Thanh bây giờ), một chàng nông dân nghèo ở Phước Chỉ đến Sài Gòn 2 xin học hát, phát hiện ra Châu Thanh có giọng ca hay, Diệp Lang đã "khai quan điểm nhãn" trang bị cho Châu Thanh những nền tảng căn bản để sau này trở thành một nam nghệ sĩ chính. Ngoài ra, ông còn được một số bạn bè đàn em cùng thời kính nể bởi những đóng góp xây dựng cho họ hoàn thành vai diễn, ông không giấu nghề, trải lòng chân thật, có lẽ vì vậy mà Diệp Lang luôn được sự tôn trọng, yêu mến của đồng nghiệp. Giang Châu, Tuấn An, Châu Thanh, và nhiều nghệ sĩ trẻ khác đã từng được ông dìu dắt, chỉ dẫn vẫn gọi ông là anh Hai, chú Hai, bác Hai... nhưng trong thâm tâm họ có người đã bộc bạch ra Diệp Lang chính là thầy của họ. Nhưng với Diệp Lang thì khác, ông vẫn cho rằng mình chỉ là người đi trước có kinh nghiệm phải có trách nhiệm với các nghệ sĩ đàn em, ông không dám nhận danh hiệu làm thầy của ai cả. Chính ông cũng học
rất nhiều ở các nghệ sĩ trẻ khi cùng làm việc với họ, với ông nghệ thuật là sự sáng tạo riêng của từng người, không ai giống ai thì làm sao làm thầy nhau được, có chăng người đi trước có kinh nghiệm gợi ý lại cho người đi sau để có những kết quả tốt nhất cho sân khấu mà thôi.

DẤU ẤN NGHỆ THUẬT Ở ĐÒAN VĂN CÔNG TP

Chính giai đoạn đoàn Sài Gòn 2 suy sụp, lần lượt các ngôi sao ra đi là giai đoạn ông vất vả nhất, không phải đoàn thiếu tình nhưng cơ chế thời ấy bó tay, đoàn không thể trả lương cao vượt bậc, các nghệ sĩ tìm sân khấu khác có đời sống cao hơn. ở đoàn, ông là người chịu trách nhiệm chuyên môn nhưng quyền hạn để giải quyết mọi vấn đề thì thuộc về người khác. Đào tạo lớp này đến lớp khác mà đoàn vẫn mất người, nhiều nỗi buồn cộng lại vời sự làm việc quá sức, bệnh mắt ông tái phát lại, không thấy đường, ông phải vào bệnh viện để cứu đôi mắt của mình, đó là lần thứ hai ông phải giải phẫu mắt (1980). Đôi mắt ông đã phải mổ lần thứ nhất vào năm 1960 ở đoàn Kim Chưởng. Rời đoàn Sài Gòn 2 để trị bệnh, thời gian đó ông quyết định không làm phụ trách đoàn nữa, muốn làm một diễn viên bình thường cho yên thân. ông được ông Thành Nghĩa mời về đoàn Văn Công Thành Phố, từ chối mọi chức vụ , chỉ tham gia trong Hội đồng nghệ thuật của đoàn. Vở Tiếng sóng Rạch Gầm của tác giả Ngọc Linh, ông vào vai tham mưu Lê Xuân Giác. Biết Ngọc Linh đã lâu nhưng ở đoàn Văn Công Thành Phố ông mới có dịp gần gũi Ngọc Linh nhiều, ông rất biết ơn nhà văn Ngọc Linh đã có nhiều ý kiến sắc sảo, mới, gợi mở cho ông rất nhiều trong công việc biểu diễn cũng như dàn dựng kịch bản. Tiếp đến là vở Tâm sự Ngọc Hân của tác giả Lê Duy Hạnh, ở vở này lần đầu tiên được hợp tác với một đạo diễn lớn, ông rất vui coi đó là cơ hội để mình được rèn luyện học tập thêm. Theo ông, đạo diễn Chi Lăng là một người rất dễ mến, rất tài năng, sau khi vở công diễn, ông Chi Lăng có lời khen: "Em xứng đáng là đạo diễn chung với anh", câu nói đó với ông là một kỷ niệm sâu sắc, danh dự người làm nghề tay ngang như ông được một đạo diễn bậc thầy tin tưởng. Sau đó dựng tiếp vở Đòng sông đầm lầy với đạo diễn Thành Trí. ông được tác giả Lê Duy Hạnh trao đổi rất nhiều, thể hiện một cách dàn dựng mới, cách suy nghĩ về những chuyển biến xã hội hiện tại. Lê Duy Hạnh là một người bạn mà ông rất quý mến, ông học hỏi được rất nhiều về cái nhìn của người nghệ sĩ với sân khấu mới. ở Văn Công Thành Phố được 4 năm, đầu năm 1984, ông được lệnh của Sở Văn hóa tuyển chọn 1 1 nghệ sĩ thành phố đi diễn tại các nước Tây âu gồm có: Bạch Tuyết, Lệ Thủy, Ngọc Giàu, Thành Được, Minh Vương, Thanh Tòng, Diệp Lang, Bảy Bá, Ba Tu, Thanh Hải và họa sĩ Lương Đống. Vở Đời cô Lựu đã thành công ở các nước Tây âu, quy tụ những nghệ sĩ tài năng lớn của cải lương Việt Nam. Một chuyến đi thành công và cũng nhiều sóng gió, một kỷ niệm sâu sắc khó phai trong đời ông. Về nước, ông Sáu Thảo (lúc đó làm Giám đốc Sở VHTT TPHCM) giữ lại đoàn lấy tên là 2-84. Là đoàn cải lương mạnh nhất, chuẩn mực về nghệ thuật, đoàn 2-84 giải tán là nỗi buồn lớn trong đời ông, cả đời làm nghệ thuật của ông chưa có đoàn hát nào có lực lượng nghệ sĩ tài năng, sân khấu nghiêm túc, chỉnh chu như vậy, sẽ không bao giờ có một đoàn 2- 84 thứ hai. Tiếc thay, đoàn đã giải tán sau sáu năm hoạt động không có giấy phép, vừa có giấy phép chính thức thì đoàn đã ngưng diễn mãi mãi. Dấu ấn đậm nhất của ông ở đoàn 2-84 là dàn dựng vở TÔ ánh Nguyệt. Lúc ấy trưởng đoàn là ông Thoại Sĩ sau đó là ông Sáu Chí, vở TÔ ánh Nguyệt ông được chọn làm đạo diễn chính thức, khi tiến hành gặp rất nhiều khó khăn, tưởng chừng không qua nổi, nhờ sự động viên của tập thể đoàn, của ông Sáu Thảo, ông Lê Duy Hạnh. ông đã cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của mình. Diễn viên xáo trộn, biến động, kịch bản tình cảm khó ra với hội đồng nghệ thuật. ông Sáu Thảo phải mời ông Phạm Hùng xem, được khen vở mới được ra đời. Trước đó, ông đã làm đạo diễn vở Pha lê và cát bụi phục vụ Đại hội Đảng lần thứ Vị, đi phục vụ ở mặt trận 479 ở Campuchia, khắp các nẻo đường lưu diễn, trong nước cũng như ngoài nước, đi tới đâu, đoàn 2-84 được khán giả thương mến, ủng hộ nhiệt liệt. Quy luật muôn đời của sân khấu hết suy rồi thịnh, đoàn 2- 84 không tránh khỏi quy luật đó. Năm 1990, với cương vị trưởng đoàn, sau khi hoàn thành vở áo cưới cổng chùa, Chuyện tình hai thế hệ, Diệp Lang phải vào mổ mắt một lần nữa, trong đó, có thêm ca mổ chân lấy ra một khối u nặng mấy kí lô từ lâu nằm trong đùi của ông. ông giao lại cho nhạc sĩ Thanh Hải làm trưởng đoàn, cho tới khi đoàn 2-84 giải thể. Mới đây, trong tháng 7 năm 2009, Diệp Lang lại một lần nữa vào bệnh viện mổ mắt, tính ra, ông đã trên 10 lần mổ tim. Trung tâm chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Chợ Rẫy, Viện Tim, chuyên khoa mắt là những nơi gần như quen mặt Diệp Lang. Là một nghệ sĩ nổi tiếng nhưng lần nào nhập viện ông đều không có... đủ tiền trị bệnh cho mình, phải nhờ các nhà mạnh thường quân, những y bác sĩ, những đồng nghiệp, những khán giả, lãnh đạo Sở Văn hóa và Hội Sân Khấu giúp thêm tiền chạy chữa, đối với ông và gia đình đó là thâm ân suốt đời ông luôn ghi nhớ. Đó là niềm an ủi duy nhất để ông tin tường trong cuộc đời còn có nhiều điều tốt đẹp để ông và gia đình vui sống trong những ngày còn lại của đời mình.

TỔNG KẾT NHỎ TRONG ĐỜI

NS Diệp Lang được phong NSƯT năm 1993, được phong NSND năm 2001 , tổng kết lại cuộc đời mình ông cho rằng, ông được nhiều hơn mất. ông tham gia từ cải lương qua kịch nói, đóng phim... trong lãnh vực nào, ông đều được đón nhận bằng sự trân trọng thương mến. Trên đây là những dòng tâm sự ngắn gọn, chưa thể nói hết ý của mình, ông chỉ xin được tạ ơn khán giả, những đồng nghiệp đã cùng cùng sát cánh hoạt động nghệ thuật suốt mấy năm qua, những nhà quản lý đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho ông đem hết tài năng cống hiến cho sân khấu, những mạnh thường quân, những y bác sĩ của các bệnh viện đã điều trị cho ông, để ông còn giữ được đôi mắt, và sức khỏe cống hiến cho nghệ thuật. Và nếu như trong cuộc sống ông có điều gì làm cho ai chưa vừa lòng, cho ông một lời xin lỗi. Cuộc sống hiện tại của NSND Diệp Lang không biết phải diễn tả như thế nào cho đúng, cả ông và vợ ông đều mang bệnh nặng, người này động viên người kia, vui để sống, không biết ai dựa dẫm vào ai, thôi thì chờ trời kêu ai nấy dạ. Từ một nghệ sĩ biên chế nhà nước, mấy lần được nhà nước điều đi làm nhiệm vụ không hiểu sao cuối cùng thì ông mất hết biên chế, không được chế độ hưu bổng, hoàn toàn phải sống bằng thu nhập cá nhân, những khi khỏe khoắn ông tham gia một số chương trình biểu diễn. Cuộc sống vật chất không khá giả gì nhưng ông không hề kêu ca than vãn bởi ông nghĩ ông đã được quá nhiều, đối với ông như thế là quá đủ. Riêng với tôi, không khỏi bâng khuâng khi chia tay ông, một tượng đài của SK cải lương, một con người bình dị, hiền lành mà sao cuộc đời gặp quá nhiều khó khăn vất vả. Có thật là ông đang vui với cuộc sống hiện tại hay chỉ tự an ủi mình? Ông là người nghệ sĩ tài hoa, lận đận suốt đời an phận với những gì mình có.


Theo Đăng Minh - Báo sân khấu

phanphuong
27-09-2009, 09:30 PM
Đọc bài viết xong thấy nao nao. Thường người sắp ra đi hay được ưu ái viết một bài tổng kết như thế ...Những cây đại thụ ngày càng già, người mới chưa ai tạo sức hút được như họ.

peanux
28-09-2009, 08:04 AM
Đọc bài viết xong thấy nao nao. Thường người sắp ra đi hay được ưu ái viết một bài tổng kết như thế ...Những cây đại thụ ngày càng già, người mới chưa ai tạo sức hút được như họ.
Nghệ sĩ Thanh Thanh Hoa ra đi thầm lặng quá không có được bài nào như vậy!
Chỉ xem được 1 vở do Thanh Thanh Hoa đóng là "Máu nhuộm sân chùa" thôi.

Độc Cô Cầu Bại
21-10-2009, 10:39 AM
Hồi nhỏ khoái DL qua mấy vai ông hội đồng, lớn lên tí thì khoái nghe DL hát. Cách DL ngắt nhịp nhả chữ nhấn nhá nghe thú vị lắm. Những NS thuộc thế hệ vàng ai cũng có cách ca riêng và độc đáo, không lẫn vào đâu được.