PDA

View Full Version : Niềm vui ở Brussels


trongbangpham
01-01-1970, 07:00 AM
http://www2.thanhnien.com.vn/Uploaded/dinhhuan/241/sinh-vien.jpg

Lại một lần nữa những cái tên Việt Nam được xướng lên đầu tiên trong danh sách những người đạt kết quả cao nhất của chương trình Master về Sinh thái học nhân văn (HUCO) tại Đại học Tự Do Brussels (VUB). Niềm vui hân hoan và niềm tự hào bừng lên trong ánh mắt bốn anh em chúng tôi và những người thân đến dự buổi lễ tổng kết khóa học. Sự ngưỡng mộ và những tràng pháo tay kéo dài không ngớt của hội trường dành cho thủ khoa người Việt Nam và ba người còn lại đều đạt loại giỏi (great distinction).

Ở Bỉ, điểm số được tính trên thang bậc 20. Để đạt được great distinction, điểm trung bình của cả năm học phải đạt từ 15.8/20 và điểm chung của tất cả các khối học trình (block - gồm từ 2 đến 4 môn học) phải đạt từ 12.0 trở lên. Còn distinction thì đòi hỏi kết quả cả năm từ 14.0 trở lên và không có block dưới 10.0. Phải đạt được điểm trung bình cả năm từ 11.0 trở lên thì mới được công nhận là đậu (pass), và dĩ nhiên cũng không được phép có block dưới 10.0. Trên 18.0 thì xếp loại xuất sắc (highest distinction); nhưng HUCO từ ngày thành lập đến nay chưa ai đạt xuất sắc như vậy cả. Thậm chí ở bậc đại học của Bỉ cũng hiếm có sinh viên (SV) đạt được danh hiệu này.

Sở dĩ khó khăn như vậy là vì các giáo sư cho điểm rất khắt khe và chương trình học đòi hỏi nhiều ở SV. Có nhiều giáo sư không bao giờ cho điểm trên 16.0; và cũng có không ít người nổi tiếng là "dũng sĩ diệt SV". Tất nhiên cũng có người cho điểm rộng rãi hơn. Nhưng xét trên toàn cục, điểm số ở Bỉ có phần khắt khe hơn ở Việt Nam. Cùng một tác phẩm của SV, các giáo sư Việt Nam có khuynh hướng cho điểm cao hơn các giáo sư Bỉ, dù dựa trên cùng một thang điểm và các tiêu chí đánh giá.

Chương trình của chúng tôi kéo dài 2 năm, trong đó luận văn chiếm tỷ trọng rất cao. Trong năm nhất, mỗi SV phải chọn đề tài luận văn, viết đề cương và tìm thầy hướng dẫn. Công việc này được tính như một block với 6/60 đơn vị học trình. Nhiều SV đã không "pass" được năm nhất do đề cương không đạt chất lượng hoặc không tìm được thầy hướng dẫn. Đậu được năm nhất chúng tôi được cấp chứng chỉ sau đại học, và một số bạn đã rời chương trình đi làm chuyện khác. Năm thứ hai, luận văn chiếm 20/60 đơn vị học trình của cả năm. Luận văn có 2 cột điểm: điểm cho quá trình làm việc do thầy hướng dẫn đánh giá chiếm 20%, và điểm của luận văn chiếm 80% là trung bình cộng của giáo viên hướng dẫn, người đồng hướng dẫn (nếu có), ít nhất 2 người phản biện và điểm bảo vệ luận văn từ các giáo sư tham dự buổi bảo vệ có quan tâm đến đề tài. Năm nhất, cả 4 anh em chúng tôi đều có đề cương luận văn tốt và tìm được thầy hướng dẫn một cách khá trơn tru. Kết thúc năm hai, điểm luận văn của 4 anh em cũng cao ngất ngưởng, thấp nhất là 16.8/20. Xưa nay, đạt được điểm 16.0 đã là ghê gớm lắm rồi!

Dù vậy, nhớ lại thời gian làm luận văn, ai cũng thấy... ngán. Anh Trà và anh Dũng gần như ngồi bất động trước máy tính từ 12h trưa đến 6h sáng hôm sau trong suốt gần 2 tháng. Báo chí miễn đọc; ăn uống thì cứ bánh mì, bánh ngọt để cạnh một bên, lúc nào đói thì với tay lấy khỏi cần đứng dậy. Tôi thì không thể “tồn tại” theo cái cách ấy được. Nhưng 20 ngày cuối cùng trước khi nộp luận văn, mỗi ngày tôi cũng phải dán cặp mắt vào máy tính từ 16 - 18 giờ đồng hồ, nhiều lúc đứng dậy thấy người lảo đảo và ngớ ngẩn. Đến lúc bảo vệ, người ta cho có 15 phút để trình bày. Lại một thách thức nữa! Luận văn người nào cũng dày đến gần trăm rưỡi trang với bao nhiêu khám phá thú vị, mà chỉ được có 15 phút để giới thiệu. Mấy anh em lại tụ tập thực hành nói và góp ý rút gọn cho nhau để bảo đảm không nói lố giờ. Riêng lo cái chuyện làm sao để gói ghém mọi thứ trong vòng 15 phút đã làm tôi sút đi hơn một cân!

Ngày bảo vệ, cả 4 anh em đều làm được cái điều lo lắng nhất là thuyết phục các giáo sư và cử tọa. Khi được hỏi một câu khá hóc búa, anh Dũng đã không trả lời trực tiếp mà thuật lại những kết luận từ một nghiên cứu đáng tin cậy liên quan đến vấn đề được hỏi làm cho các giáo sư hài lòng lắng nghe đến mức quên luôn cái lỗi nói lố giờ (khoảng 2 phút) của anh ấy!

Nghĩ đến lúc được nhận tấm bằng Master loại giỏi, niềm vui, niềm tự hào của 4 anh em chúng tôi lại được thổi bùng lên. Chúng tôi cùng hẹn ngày trở về Việt Nam: Hiếu về lại Đại học Quốc gia Hà Nội; anh Dũng trở lại Quỹ Bảo tồn thiên nhiên hoang dã WWF; anh Trà đã thôi việc ở cơ quan cũ khi đi học, chúng tôi tin anh sẽ nhanh chóng nhận được công việc xứng đáng; còn tôi, tôi sẽ về làm việc tại báo Thanh Niên với vai trò là một phóng viên. Biết điều này những người thầy của tôi rất vui nhưng cũng hơi ái ngại vì làm báo có vẻ hơi trái với chuyên môn của tôi.

Hôm gặp thầy Hens, Chủ nhiệm HUCO, thầy ôm tôi vào lòng và hỏi: “Liệu tấm bằng thạc sĩ về sinh thái học nhân văn sẽ giúp gì cho nghề làm báo của em?”. Tôi trả lời thầy rằng tôi sẽ mang những gì tôi được học, được trải nghiệm trong 2 năm qua vào những bài viết của mình để chia sẻ với độc giả và cùng họ tiếp tục xây dựng những giá trị tốt đẹp. Mắt thầy ngời lên niềm hạnh phúc. Và thầy cũng mong muốn qua báo Thanh Niên, các bạn trẻ Việt Nam biết đến HUCO. Hằng năm, Chính phủ Bỉ dành 4 học bổng toàn phần riêng cho SV Việt Nam xin học chương trình thạc sĩ này. Từ trước đến giờ, SV Việt Nam luôn là niềm tự hào về kết quả đào tạo mà HUCO trình lên Chính phủ Bỉ.

Thục Minh
(Từ Brussels, Bỉ)