PDA

View Full Version : Chuyện công nghiệp miền Tây


trongbangpham
01-01-1970, 07:00 AM
Báo cáo tại Hội nghị Tổng kết ngành công nghiệp ĐBSCL giai đoạn 2001-2005, vừa được tổ chức ở Cần Thơ, nêu lên một con số đáng mừng: trong giai đoạn này, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp của vùng đạt bình quân 18,15%/năm. Theo ông Lương Mạnh Hùng, Phó cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công nghiệp), vai trò và vị trí ngành công nghiệp ĐBSCL đã có tính chất quyết định đến sự phát triển công nghiệp cả nước.

Chỉ 20% cơ sở công nghiệp trang bị hiện đại
Tuy nhiên, ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, đã “kéo” tất cả đại biểu dự hội nghị trở về thực tế : “Chúng ta tự hào vì sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp ĐBSCL, nhưng thực ra đã phát triển đến đâu?”. Và ông Dũng đã đưa ra một đồ thị hình cánh cung - tương tự một dốc núi. “Chúng ta đang ở đây”, ông chỉ một điểm ngay chân dốc núi. Đó là điểm sát với vạch xuất phát.

Ông Võ Thanh Hùng, Phó giám đốc Sở Công nghiệp Cần Thơ, thừa nhận: “Chế biến thủy sản là ngành chiếm 52% tổng giá trị sản xuất công nghiệp, đóng góp 56,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn vùng trong giai đoạn 2001-2005, nhưng hiện nay mới có năm trong tổng số 133 nhà máy chế biến được hàng tinh chế cao cấp”. Chính điều này khiến con số 1,44 tỉ đô la Mỹ xuất khẩu của ngành chế biến thủy sản trong năm 2004 không thể đạt tỷ suất lợi nhuận như mong muốn. “Công nghiệp chế biến giữ vai trò chủ đạo nhưng chủ yếu vẫn là sơ chế”, bà Châu Huệ Cẩm, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp, thừa nhận.

Theo ông Võ Thanh Hùng thì mới có 20% các cơ sở trong ngành công nghiệp ĐBSCL trang bị được thiết bị sản xuất hiện đại. Tuy tỷ lệ tăng gấp đôi so với năm 2000, nhưng cùng thời gian này, có đến 6.925 cơ sở sản xuất mới được thành lập (trong tổng số 89.142 cơ sở). Hầu hết các cơ sở mới thành lập đều đầu tư từ đầu thiết bị sản xuất hiện đại nên xem ra việc thay đổi công nghệ tại những cơ sở cũ không tiến triển là mấy.

Đó cũng là một trong những nguyên nhân, theo ông Võ Thanh Hùng, khiến chi phí trung gian của ngành công nghiệp liên tục tăng với tốc độ bình quân 18,4%, cao hơn tốc độ tăng của giá trị sản xuất công nghiệp.

Trong khi đó, giá trị tăng thêm lại có xu hướng giảm dần: năm 2001 chiếm tỷ trọng 34,15% thì năm 2005 chỉ còn chiếm khoảng 32,79% so với tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành. “Khi giá trị sản xuất công nghiệp tăng 1% thì chi phí trung gian tăng đến 1,04% và giá trị tăng thêm chỉ đạt 0,90% nên hiệu quả của ngành công nghiệp ĐBSCL trong giai đoạn 2001- 2005 giảm”, ông Hùng khẳng định.

Lượng nhiều, chất ít
Đây không phải là lần đầu tiên lãnh đạo Bộ Công nghiệp và Sở Công nghiệp các tỉnh, thành ĐBSCL ngồi lại với nhau để bàn chuyện liên kết phát triển. Từ năm 1998 đến nay, năm nào cũng có cuộc “gặp mặt” như vậy.

Năm 2004, hội nghị tại Vĩnh Long đề ra định hướng phát triển công nghiệp chế biến nông sản, trong đó nêu bật tầm quan trọng của ngành chế biến trái cây. Kết quả, ba nhà máy chế biến trái cây hiện vẫn than lỗ, than khó. Cũng là chuyện nhà máy “chê” vùng nguyên liệu không tập trung, chất lượng không đồng đều chứ không thấy ai đứng ra giải quyết. Ông Võ Thanh Hùng nói: “Phải chi trước đây đầu tư các kho trữ lạnh thay vì đầu tư ba nhà máy. Có kho lạnh, trái cây trữ được 1-2 tháng, giải quyết đầu ra cho nông dân còn hiệu quả hơn”. Một đại biểu khác bức xúc: “Chúng ta nói rất hay nhưng vẫn chưa làm được chuyện ứng dụng thật tốt vào thực tế và đời sống”.

Riêng việc xây dựng các khu công nghiệp cũng có chuyện đáng bàn. Tính đến tháng 6-2005, cả vùng đã quy hoạch 111 khu, cụm công nghiệp với tổng diện tích 24.091 héc ta. Theo ông Võ Thanh Hùng, đừng nên nghĩ rằng địa phương nào cũng cần có khu công nghiệp. Ông phân tích: “Tính ra, cả vùng cần đầu tư 112.000 tỉ đồng cho việc hoàn thiện các quy hoạch này. Lấy đâu ra vốn hay lại để quy hoạch treo?”. Bên cạnh đó là chuyện mạnh ai nấy làm để cố thu hút đầu tư vì tính chung đến nay, diện tích cho thuê mới đạt… 4,42% diện tích quy hoạch. Theo ông Hùng: “Địa phương này cứ “canh” địa phương kia. Hễ bên này ban hành giá cho thuê đất, ngay lập tức bên kia ban hành mức giá thấp hơn để cạnh tranh thu hút đầu tư dù đôi khi chưa biết rõ hiệu quả dự án”.

Ông Võ Hùng Dũng nói rằng cứ cạnh tranh thu hút đầu tư mà chưa biết địa phương mình cần những ngành nghề gì thì rất dễ “hứng” những nhà máy công nghệ lạc hậu từ nơi khác di dời về, kéo theo hàng loạt vấn nạn như ô nhiễm… Hiện tại, mới có khoảng 33% các nhà máy trong khu, cụm công nghiệp đã đầu tư hệ thống xử lý môi trường. Trong khi đó, với tiềm năng phát triển mạnh về công nghệ sinh học, cả vùng mới có một nhà máy phân bón, chỉ đáp ứng 10% nhu cầu nên mỗi năm phải nhập khẩu thêm trên 200.000 tấn.

(KTSG)