PDA

View Full Version : Lợi thế đã có, cần thêm chính sách


trongbangpham
01-01-1970, 07:00 AM
TT - Với lợi thế về cơ sở hạ tầng giao thông và cảng nước sâu, miền Trung đang trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các doanh nghiệp (DN) Đài Loan.

Gần 100 DN Đài Loan đã có chung nhận định như vậy khi tham gia hội nghị DN thường niên VN - Đài Loan lần 12 do Phòng công nghiệp và thương mại VN và Hiệp hội Hợp tác quốc tế Đài Loan tổ chức sáng qua 27-9 tại Đà Nẵng.

Ông Moral Tsai - chủ tịch Tập đoàn Ever Tide - nhận xét rằng các tỉnh, thành khu vực ven biển miền Trung (đặc biệt là Đà Nẵng) có lợi thế rất lớn là cảng biển nước sâu. Với một DN chuyên kinh doanh xuất nhập khẩu các máy móc, thiết bị như Ever Tide, mối quan tâm hàng đầu của ông Moral Tsai là làm sao giảm thấp nhất các khoản chi phí qua cảng và thời gian xếp dỡ hàng hóa.

Theo ông, các cảng nước sâu tại miền Trung cần đầu tư đồng bộ các thiết bị xếp dỡ hiện đại để giảm bớt thời gian chờ đợi cho DN khi vào “ ăn” hàng. Ông cho biết qua cuộc gặp gỡ giữa nhóm các DN Đài Loan và các tỉnh, thành miền Trung tại hội nghị này, ông đã tìm được cơ hội làm ăn. Sắp tới, DN của ông sẽ ký kết hợp đồng làm ăn lâu dài với các DN tại KCN Đà Nẵng và Khu kinh tế mở Chu Lai.




Ông Shi Hui Huang, chủ nhiệm Hiệp hội Hợp tác quốc tế Đài Loan (CIECA):
Sẽ là điểm đầu tư mới!

“Chính phủ VN cần đầu tư và khai thác lợi thế của miền Trung nói chung và Đà Nẵng nói riêng để phục vụ phát triển kinh tế. Tôi tin rằng các DN Đài Loan sau khi tìm hiểu về Đà Nẵng chắc chắn sẽ cảm nhận được những ưu thế đầu tư vượt trội của địa phương này, và tôi cũng tin rằng trong tương lai không xa các DN Đài Loan sẽ chọn Đà Nẵng là địa điểm đầu tư mới của họ. Tôi khuyến khích các thương gia Đài Loan vào làm ăn tại Đà Nẵng và miền Trung vì tôi tin chắc rằng công việc kinh doanh của họ sẽ mau chóng có hiệu quả”.

Điều được nhiều DN quan tâm nhất khi tìm cơ hội kinh doanh tại miền Trung là cơ sở hạ tầng giao thông. Ông Chan Wei Hsin - tổng giám đốc Công ty Taiwan Fertilizer - cho hay ông rất muốn đầu tư một nhà máy sản xuất phân bón tại VN và địa điểm mà ông nhắm đến là miền Bắc. Tuy nhiên, sau khi tham quan Khu kinh tế mở Chu Lai và các KCN trên địa bàn Đà Nẵng, ông Chan Wei Hsin đã quyết định sẽ chuyển dự án đầu tư vào miền Trung.

Ông cho biết sở dĩ thay đổi địa điểm đầu tư là do Đà Nẵng hoàn chỉnh cả về đường hàng không, đường thủy lẫn đường bộ. Ông Chan khẳng định: giao thông thuận lợi sẽ đem lại hiệu quả kinh doanh tốt hơn cho các nhà sản xuất.

Các DN Đài Loan hoạt động trên lĩnh vực tài chính, ngân hàng lại quan tâm về môi trường, sự ổn định và các cơ chế chính sách mà chính quyền địa phương hứa sẽ đáp ứng cho họ.

Ông Wiliam Tsai - tổng giám đốc Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc chi nhánh Đài Bắc - cho hay năm 2006 ngân hàng này sẽ mở chi nhánh tại Đà Nẵng. Cho rằng miền Trung có nhiều hứa hẹn để trở thành một trung tâm tài chính mạnh, ông Wiliam Tsai đề xuất ý kiến: hiện trên địa bàn Đà Nẵng có nhiều ngân hàng hoạt động, nếu các ngân hàng này liên kết lại với nhau sẽ tạo được nguồn vốn lớn và có hiệu quả hơn trong kinh doanh. Đây là điều kiện rất quan trọng để thu hút được nhà đầu tư nước ngoài. Ông cho rằng muốn làm được điều này, chính quyền địa phương không thể đứng ngoài cuộc mà phải tạo hành lang và mối dây liên kết các ngân hàng lại với nhau.

Ông Chi Wu Sun - chủ tịch Tập đoàn Home Co-op Investment - đang dự định đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất thiết bị y tế lại tỏ ra lo lắng về việc thời gian qua tại Đà Nẵng có nhiều vụ đình công của công nhân tại các DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Ông Chi nói rằng các DN không thể hoàn toàn yên tâm đầu tư một khi nguồn nhân lực sử dụng chưa ổn định, và sự ổn định này rất cần có vai trò hỗ trợ của chính quyền địa phương. Theo bà Yu Feng Yang - tổng thư ký Hội Thương gia Đài Loan tại VN, nếu giải quyết được các kiến nghị chính đáng của DN, “miền Trung sẽ là điểm đến mới ồ ạt của các DN Đài Loan”.

(tuoi tre)