PDA

View Full Version : Xin lỗi bản thân


icephoenix
25-07-2009, 03:18 PM
Giới thiệu với ace - những người say mê với công việc đôi lúc bỏ quên bản thân, bài viết về người thật việc thật của chị Việt Linh đã lâu rồi nhưng tình cờ đọc lại em vẫn nhận thấy cái hay của bài viết. Hy vọng chia sẻ này sẽ giúp được các ace.
---o0o---

Là tiếng vọng đầu tiên trong đầu chị sau cơn đột qụy ngày 28 Tết 2005. Và chị tự hứa đây phải là tựa bài viết đầu tiên của chị khi hồi phục. Vậy rồi lần lựa mãi...(Tác giả: Việt Linh)
Thật ra, như mọi lời xin lỗi đều khó khăn, xin lỗi bản thân cũng không hề đơn giản. Nó cần sự thấm đẫm, tỉnh ngộ, sự can đảm, và trong trường hợp của chị, nó cần cả sự hiểu biết khoa học. Chị bị xuất huyết não.
Nguyên nhân, nói y khoa nôm na là do mạch máu não bị vỡ, máu chảy vào tổ chức não. Bệnh thường gặp ở những người huyết áp cao hoặc xơ cứng động mạch. Và khi đã bị, nếu không tử vong, sống thực vật thì nạn nhân cũng phải chịu vài di chứng do một số tế bào não đã tổn thương, mà mỗi tế bào não đều có chức năng điều khiển cái gì đó trong cơ thể. Viết tới đây chị thấy giận mình ghê gớm: Phải chi trước đó năm năm chị vanh vách được như vậy thì chị đâu ngã quỵ!
Cuối năm 2004, vợ chồng chị bị bảo hiểm Tây ép đi kiểm tra sức khỏe. Sau khi khám khám, đo đo, mấy ông bà bác sĩ Tây nói chị cao huyết áp, phải ngưng hút thuốc, ngưng ăn mặn, ngưng căng thẳng, ngưng thức khuya, phải đi bác sĩ đa khoa... Không biết tại thấy mình tỉnh queo, hay tại gương mặt tỉnh queo của mấy ông bà bác sĩ mà chị quên rất nhanh lời hứa: Không đi bác sĩ, vẫn hút thuốc, ăn mặn, vẫn làm việc thâu đêm bởi khi đó đúng thời điểm báo Xuân, bè bạn mến yêu kêu réo... Một lần, đang viết nửa đêm chị đứng dậy đi uống nước thì tự dưng hoa mắt, thoáng qua mấy giây. Sáng hôm sau chị hơn hớn khoe với chồng: Đêm qua mẹ suýt té! Ông chồng đáng yêu (mà thật ra đáng trách) của chị - ngoài điểm không hút thuốc thì mọi thứ cũng chủ quan, vô độ, lơ ngơ, mù mờ giống y như vợ - nghe vậy làm thinh, thậm chí còn cười!
Sau năm bài viết với hai tuần thức trắng, chị phải bay về nước để sang Thái Lan làm việc.
Trở lại Sài Gòn tối 27 Tết, thấy trên bàn có năm tờ báo Xuân được tặng, chị hăng hái nhào vô đọc. Bài mình, bài thiên hạ miên man cuốn hút, khi sực ngó lên thì đồng hồ đã chỉ 5 giờ sáng. Quyết định thức luôn, chị đốt thêm điếu thuốc, vô bếp pha cà phê sữa như thói quen mỗi sáng. Tay phải cầm thuốc, tay trái cầm ly, chị trở ra phòng khách. Một cái gì đó khang khác trong cơ thể, cưng cứng, tê tê bên má...
Ly sữa đột nhiên rơi khỏi tay. Chị vội vàng dựng ly lên, nhưng bàn tay cứ trật vuột khỏi nơi cần đến. Bực mình, chị ngậm thuốc lên môi. (Trời ơi, tới nước đó mà vẫn còn ngậm thuốc!), dùng tay phải nâng ly. Và lúc này chị cảm thấy hoàn toàn bất ổn. Chị lảo đảo kêu đứa em đang ngủ phòng bên và phát hiện mình phát âm khó khăn...
Hơn ba lần bài viết phải dừng lại đúng nơi đây: Chị không chịu nổi cái ký ức mà phải nửa năm sau chị mới hiểu hết tính hệ trọng kinh hoàng của nó. Nhưng với niềm tin mình còn may mắn, niềm vui ba năm nguy hiểm trôi qua bình yên, chị động viên mình tiếp tục. Chị hình dung, nếu cách đây 5 năm chị đọc được một bài viết tương tự thế này thì có lẽ bi kịch đã không xảy ra. Cố nói trọn lời xin lỗi, chị mong muốn bài viết sẽ làm giật mình ai đó, mà trong số ai đó có rất nhiều người chị yêu mến.
Chị không hôn mê, nhưng mọi thứ đều hư ảo. Chị mang máng được cẩn thận bưng lên bưng xuống, mang máng thân trái hoàn toàn không cử động, mang máng rất nhiều người tới thăm, thương xót, âu yếm... Nhưng đến lúc này chị vẫn đinh ninh mọi thứ sẽ hồi phục, như từng hồi phục nhanh chóng trên một cơ thể nổi tiếng cùi cụi. Và đúng là sau hai tháng ở Bệnh viện 115 và Viện Y học dân tộc thì chị đi lại được. Chỉ một nao núng là nửa thân người bên trái luôn tê buốt, dù vẫn được các bác sĩ châm cứu đều đặn.
Sau hai tháng điều trị ở Việt Nam, chị được bảo hiểm Tây áp tải qua Tây nằm bệnh viện hai tuần nữa. Do những xử lý quan trọng đã được làm rất tốt ở Việt Nam nên hai tuần ở đây người ta chỉ theo dõi, chụp hình mạch máu để xác định nguyên nhân tai biến. Đưa chị tấm phim chằng chịt giăng giăng những đường máu li ti, người ta nói mạch máu chị không dị tật, tức tai biến của chị không phải do "thiên tai" mà tại "nhân tai". Và rằng mọi tai ương đều có dự báo.
Chắc chắn những mạch máu - thần dân bé nhỏ bị chị bạc đãi, ức hiếp nhiều năm đã không ít lần khóc than, bãi khóa, đình công..., nhưng chị đã vô tâm không đoái hoài tới chúng. Ví như những trận nhức đầu không rõ nguyên nhân chẳng hạn. Trời ơi, cái vụ đau nhức này thì ở chị rất thường xuyên, và khi xuất hiện nó buộc chị - kẻ có trách nhiệm cao - cũng đành phải bỏ bê công việc. Mỗi lần đau đầu mà ói ra là thấy khỏe, nên cứ lên cơn thì chị cố... ói cho bằng được. Điên! Quá điên! Ông bác sĩ Tây chắt lưỡi không cần lịch sự, bởi theo ông, nhức đầu là do tăng huyết áp, mà huyết áp sẽ càng tăng khi ói! Tóm lại, với cách cư xử với bản thân vừa ngu si vừa cao ngạo, đáng ra chị phải "quỵ" từ lâu, và di chứng đáng ra phải trầm trọng hơn chứ không chỉ chân tay tê buốt.
Hai tuần ở bệnh viện Tây thực ra chỉ để bảo hiểm làm thủ tục, nhưng có một điều quý giá là người ta đã nói cho chị biết sự thật - một sự thật mà các bác sĩ ta hoặc thiếu thời gian, hoặc không muốn làm bệnh nhân thất vọng đã không trực tiếp đề cập đến: Bằng bức phim với những đường gân máu giăng giăng như bản đồ phố xá, các ông Tây nói với chị não giống như chỉ huy sở. Não chỉ đạo, nhưng hàng tỉ bộ phận nhỏ trong cơ thể cũng có cuộc sống riêng cần được tôn trọng. Nếu não cứ ỷ mạnh, vô tâm đày đọa nó thì có ngày nó nổi giận. Mà khi nó nổi giận thì... tan nát. Và khi đó bộ chỉ huy chỉ còn biết cay đắng ôm cái quả mà mình đã gieo.
Trở lại trường hợp của chị: Do hút thuốc, các thành mạch máu của chị trở nên giòn, hẹp, trong khi huyết áp lại cao do tuổi tác, sinh hoạt, ăn uống không điều độ. Như mọi thứ bất bình âm ỉ, đến một lúc, huyết áp trào lên, các thành mạch vỡ bung! Máu chảy ra làm chết một số tế bào não. Và nếu như mọi tế bào trong cơ thể chết đi đều sản sinh ra cái khác thì tế bào não không bao giờ sinh sản. Đó là lý do chứng tê của chị sẽ không bao giờ tan biến, chỉ có thể cải thiện đôi chút do sự “choàng việc”, sự sắp xếp ngẫu nhiên của các tế bào còn lại. Và rằng may là chị chỉ bị chết tế bào cảm giác - nên chỉ bị tê - chứ nếu chết tế bào động cơ thì chị đã... liệt!
Thấy chị buồn, mấy ông bà Tây nói tiếng Tây gọi căn bệnh này là accident vasculo - cérébral (tai nạn mạch máu não), mà tai nạn xảy ra thì phải tổn thương. Rằng chị cứ hình dung mình bị tai nạn giao thông, mất tay hoặc mất chân thì phải làm quen với sự mất mát, chứ chân tay đâu có mọc lại!
Giải thích này thoạt tiên làm chị sốc, nhưng nghĩ kỹ chị thấy nó là liệu pháp: Từ nay chị sẽ không ảo tưởng sự hồi phục toàn diện, sẽ an lòng sống chung với đau, với tê, với yếu ớt, mong manh... để hiểu sự trả giá hôm nay là đích đáng. Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ, rất nhiều đêm chị đã thầm rơi nước mắt, tiếc đau những sai lầm trước đó: hàng chục lần nhức đầu, hàng trăm đêm thức trắng, hàng vạn điếu thuốc trong vòng mấy mươi năm... Các mạch máu trong người chị hẳn đã vô cùng đau đớn, đã nhẫn nại kêu than, chịu đựng biết bao ngày...
Với những gì đã xảy ra, nếu là con chị đáng bị đánh đòn. Nếu là cha mẹ chị đáng bị lên án. Nếu là nguyên thủ, chị đáng bị phế truất!
Ngoài di chứng tê đau khiến chị luôn phải cắn răng chịu đựng, trong chị còn có thêm một di chứng khác: chị hay rùng mình run sợ. Rùng mình khi nghe người thân nói đau đầu. Rùng mình khi thấy người thân thức khuya, hút thuốc, ăn mặn... Rùng mình khi thấy những con đường kẹt xe, ngập nước... Chúng khiến chị nhớ tới cái ly rớt! Nhưng trong cái tiêu cực cũng có cái tích cực: Càng hiểu biết, chị càng thấy mình may mắn, muộn mà không quá muộn.
Cùng với lời xin lỗi, chị cảm ơn bản thân đã giúp chị sáng mắt. Chị đã bỏ hẳn thuốc lá, sinh hoạt điều độ, bớt ăn mặn, tập yoga, đi bác sĩ thường xuyên, biết sưu tầm những bài thuốc hay cho cơ thể... Tóm lại, từ chỗ nhơn nhơn sức mạnh, chị đã biết lắng nghe tiếng nói của các "thần dân" cơ thể, biết thấu hiểu, chia sẻ. Và một lời cảm ơn quan trọng nữa: trong bấp bênh phù sinh chị đã nhận biết bao nghĩa tình sâu nặng...
Hoàn toàn không thảng thốt, chao choáng như khi bắt đầu bài viết, chị kết thúc những dòng này trong cảm giác nhẹ nhàng. Như trả xong một món nợ, như nói xong một lời kêu gọi thiết tha.
(Theo Doanh Nhân Sài Gòn Cuối Tuần)