PDA

View Full Version : ĐBSCL: Thiếu trầm trọng giảng viên ĐH


duonghoanghiep
01-01-1970, 07:00 AM
ĐBSCL: Thiếu trầm trọng giảng viên ĐH


(VietNamNet) – Bản thân GS Lê Thế Thự cũng là người thứ tư trong danh sách trường này mời về làm Hiệu trưởng. Ba người trước đó, đến Cần Thơ xem xét, rồi lắc đầu từ chối khéo cả.

Tại Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo khu vực ĐBSCL lần II, nguyên Thủ tướng CP Võ Văn Kiệt đã đề xuất một cuộc vận động toàn diện, mà ông gọi là đi B trong giáo dục. Theo ông, đó là giải pháp tốt cho tình trạng thiếu hụt đội ngũ giảng viên đại học trình độ cao ở ĐBSCL.
Theo quy hoạch, trong vòng 5 năm tới, số lượng các trường ĐH, CĐ, trung học nghề… tại khu vực ĐBSCL sẽ tăng với tốc độ chóng mặt. Nhưng đội ngũ các giảng viên trình độ cao thì không thể gấp gáp ngày một ngày hai.

Toàn tỉnh Hậu Giang chỉ có vỏn vẹn 1 tiến sỹ và 13 thạc sỹ. Khi trường CĐ Cộng đồng Hậu Giang, trường CĐ đầu tiên tại địa phương này được thành lập, chuyện phải thỉnh giảng giáo sư, giảng viên từ các đại học trong vùng trở thành hiển nhiên.

Tiến sỹ Đoàn Văn Xê, Hiệu Phó trường ĐH Cần Thơ, cho biết: “ĐH Cần Thơ đã lập một tổ công tác đặc biệt để giúp đỡ Hậu Giang trong việc đảm bảo nguồn giảng viên đạt chuẩn cho trường CĐCĐ Hậu Giang”.

ĐHDL Cửu Long, suốt một thời gian dài, nhiều học phần phải phụ thuộc vào các giáo viên thỉnh giảng từ An Giang, Cần Thơ, TP.HCM. Trần Huy Nam, một cựu sinh viên ĐHDL Cửu Long, kể: “Tụi em rất nhiều lần phải học dồn vào ngày thứ bảy, Chủ nhật, hoặc học liên tục trong vòng một tuần để kịp theo lịch của các thầy trên thành phố xuống”. Một vị trong ban Giám hiệu ĐHDL Cửu Long đã từng nói trên diễn đàn Hội nghị quốc gia về Phát triển GD-ĐT khu vực ĐBSCL: “Trường chúng tôi nhiều khi muốn trương tên thật to đội ngũ giáo sư, giảng viên thỉnh giảng để thu hút sinh viên. Nhưng các thầy cứ bảo thôi, ngại lắm”.

ĐH An Giang hiện có 295 cán bộ trực tiếp giảng dạy, trong đó có 3 tiến sỹ và 95 thạc sỹ. Số người đang theo học các chương trình đào tạo sau ĐH tại đây là 93. Như vậy, trong vài năm tới, nguồn nhân lực có trình độ sau đại học mà ĐH An Giang có thể cung cấp cho ĐBSCL cũng không nhiều nhặn gì.

GS Lê Thế Thự, Hiệu trưởng ĐH Y Dược Cần Thơ, tính toán: đến năm 2010, với tốc độ phát triển về quy mô ngành nghề đào tạo như hiện nay, trường cần ít nhất 600 đến 800 cán bộ giảng dạy. Trong đó, 2/3 số giảng viên này phải có trình độ thạc sỹ trở lên thì mới gọi là tàm tạm.

Nhưng hiện tại, ĐH Y Dược Cần Thơ chỉ đang có 250 cán bộ trực tiếp giảng dạy, với 10 tiến sỹ và 40 thạc sỹ. Cán bộ chuyên khoa cấp 1-2 cũng chỉ vài chục. Có 20 bác sỹ nội trú (trình độ được tính tương đương thạc sỹ) đang “gửi” tại các bệnh viện TP.HCM. Có 7 tiến sỹ và 10 thạc sỹ đang đi học.

Hy vọng MEKONG 1000!

Như vậy, dễ dàng nhận thấy là mức 2/3 từ trình độ thạc sỹ trở lên trong số 600-800 cán bộ giảng dạy mà ông Thự nhắm đến, rất khó để ĐH Y Dược Cần Thơ đạt được bằng nội lực.

Chỉ còn cách, tích cực tuyển dụng giảng viên trình độ thạc sỹ trở lên. Tiếc rằng, ĐBSCL chưa phải là vùng đất hứa của các nguồn nhân lực chất lượng cao từ các vùng miền khác. Bản thân GS Lê Thế Thự cũng là người thứ tư trong danh sách trường này mời về làm Hiệu trưởng. Ba người trước đó, đến Cần Thơ xem xét, rồi ra về lắc đầu từ chối khéo cả. Tuy nhiên, GS Thự khẳng định: ĐH Y Dược Cần Thơ sẽ sớm là một địa chỉ đắt hàng đối với các nguồn nhân lực chất lượng cao từ khắp nơi.

Không phải không có lý do mà nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã từng kêu gọi một cuộc đi B trong giáo dục, để một lần nữa, chi viện cho giáo dục ĐBSCL. Ông cùng kêu gọi xây dựng một cơ chế ưu đãi thật trọng thị và cụ thể, rõ ràng, để thu hút đội ngũ tầng lớp trí thức về ĐBSCL. UBND tỉnh Hậu Giang cũng đã tuyên bố ưu tiên cấp đất cho những ai có trình độ thạc sỹ trở lên chịu về “an cư lạc nghiệp” tại trường CĐCĐ Hậu Giang.

PGS-TS Lê Quang Minh, Hiệu trưởng ĐH Cần Thơ, cho biết trường ĐH Cần Thơ đang ấp ủ một đề án đào tạo đội ngũ thạc sĩ, tiến sĩ bằng cấp quốc tế cho các tỉnh ĐBSCL. 13 trường ĐH nước ngoài có truyền thống hợp tác với ĐH Cần Thơ đã cam kết miễn giảm ít nhất 1/2 học phí đào tạo thạc sỹ. Riêng với các trường của Hà Lan và Đức, miễn phí hoàn toàn học phí đào tạo tiến sỹ. Đây là tinh thần của đề án MEKONG 1000.

Theo đó, liên tục đến năm 2015, mỗi năm, 13 tỉnh thành ĐBSCL sẽ cử ra 10 người tham gia vào MEKONG1000. Các ứng viên này sẽ phải trải qua một năm học tiếng Anh tại ĐH Cần Thơ, do ĐH Michigan (Mỹ) phối hợp giảng dạy. Cuối khoá học, sẽ kiểm tra thật gắt gao để chọn 100 học viên tham gia các khoá đào tạo sau đại học tại các ĐH quốc tế.

Nguyễn Bằng - Đoan Trúc