PDA

View Full Version : Thượng Hải - TQ


duonghoanghiep
01-01-1970, 07:00 AM
Thượng Hải - từ nỗi nhục đến niềm kiêu hãnh

Lâu nay, Thượng Hải vẫn được thế giới biết đến như một vùng "nhượng địa" mà triều đình nhà Thanh buộc phải trao cho người Anh từ sau thất bại trong cuộc chiến tranh Thuốc Phiện (1840- 1842). Đây là một vết nhục trong lịch sử của người Trung Quốc. Nhưng ngày nay, Thượng Hải luôn được nhắc đến như một niềm tự hào của nước Trung Hoa mới.

Cấm người người Hoa và chó


Thượng Hải xưa...
Sử cũ chép lại, cuối thế kỷ 18, các nhà buôn người Anh đã mang lậu hàng loạt thuốc phiện vào tiêu thụ ở Trung Quốc. Hành vi này không chỉ làm cho nòi giống người Trung Hoa suy kiệt mà còn làm cho vàng bạc của Trung Quốc bị chảy ra ngoài.

Đầu thế kỷ 19, nhận thấy nguy cơ của hành vi thương mại nguy hiểm này, nhà Thanh ban hành một số biện pháp để kiểm soát thương thuyền từ Anh Quốc. Là một đế quốc giàu mạnh, có tàu to hạm lớn, trước một triều đình nhà Thanh già nua và bất lực, thực dân Anh đã phát động cuộc chiến, được biết đến trong lịch sử dưới cái tên “chiến tranh Thuốc Phiện”. Tất nhiên, vua tôi nhà Thanh chính là kẻ bại trận và buộc phải "Hiệp ước Nam Kinh" vào ngày 29 tháng 8 năm 1842, theo đó, Trung Quốc phải chấp nhận một số điều khoản do người Anh áp đặt gồm: Vĩnh viễn cắt nhượng cho Anh bán đảo Hồng Kông; Mở 5 cửa biển cho tàu buôn Anh Pháp, Hà Lan... vào thông thương gồm: Quảng Châu, Hạ Môn, Phúc Châu, Ninh Ba và Thượng Hải.

Tại Thượng Hải, theo yêu sách của Anh, triều đình nhà Thanh phải cắt khu đất riêng, nằm ở bờ Tây sông Hoàng Phố để họ lập Tô giới. Khu vực Tô giới là khu vực chỉ dành riêng cho người Anh, người Pháp. Trong Tô giới, người ngoại quốc khi phạm pháp chỉ bị xét xử theo luật pháp riêng của họ. Luật Trung Hoa không áp dụng trong các Tô giới. Quyền đặc miễn về luật pháp ấy gọi là “lãnh sự tài phán”. Khu vực Tô giới đều có hàng rào như một vương quốc riêng dành cho người nước ngoài. Cửa ra vào thường đề dòng chữ: “Cấm người Hoa và chó vào khu vực này”.

Trung ương không cho tiền, chỉ cho chính sách


Phố Đông (góc trên bên trái) cách đây 15 năm...

Đó là câu chuyện ngày xưa, còn ngày nay, đến Thượng Hải, bạn sẽ bị choáng ngợp bởi một đô thị hùng vĩ hoành tráng nằm trải dài hai bên bờ sông Hoàng Phố. Trong khi khu vực bờ Tây vẫn giữ nguyên những kiến trúc cổ kính theo kiều các đô thị cổ phương Tây thì khu phố Đông nổi bật bởi hàng trăm building chọc trời, nơi đặt văn phòng đại diện của các tập đoàn xuyên quốc gia như Ford, AIA, Toshiba.... với những kiến trúc hiện đại không kém bất cứ một thành phố hiện đại nào của châu Âu.

Trải rộng trên một diện tích hơn 500 km2, Phố Đông có mặt tây giáp sông Hoàng Phố, phía đông và phía bắc giáp sông Trường Giang, còn phía nam giáp Vịnh Hàng Châu. Do vị thế tương tự như một ốc đảo, trước năm 1990, vùng đất này vẫn còn là những khu ruộng ngập nước, nơi đặt những trại chăn nuôi và các nông trường trồng hoa màu cung cấp cho nội đô (tương tự như khu vực quận 2 ở TP.HCM).

Đầu năm 1990, trong chuyến tuần du phương Nam, Đặng Tiểu Bình đã dừng lại ăn Tết Nguyên Đán ở Thượng Hải. Nhận thấy vùng đất này có những điều kiện tự nhiên hết sức thuận lợi để xây dựng một cảng vận chuyển (Phố Tây đã trở nên chật chội và quá tải), Đặng Tiểu Bình bày tỏ mối quan tâm sâu sắc về công cuộc cải cách và mở cửa ở Trung Quốc và hy vọng, Thượng Hải sẽ tiến về phía Đông, như là một đầu tàu kéo theo vùng châu thổ sông Trường Giang hội nhập với thế giới.

Với chủ trương: “Trung ương không cho tiền, chỉ cho chính sách”, ngay khi trở lại Bắc Kinh, Đặng Tiểu Bình gặp các quan chức cao cấp trong chính phủ. Ông đã đưa ra một vài đề xuất, một trong số đó là việc phát triển Phố Đông ở Thượng Hải thành khu đô thị mới.

Lĩnh hội ý kiến này, Uỷ ban Kế hoạch nhà nước đã tới Thượng Hải để thị sát Phố Đông. Uỷ ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc cùng Quốc Vụ viện đã triệu tập một cuộc họp và lắng nghe những đề xuất của Uỷ ban kế hoạch Nhà nước và Thành uỷ Thượng Hải. Theo đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ ban đầu cho các hạng mục cơ sở hạ tầng. Các nhà đầu tư vào Phố Đông sẽ được hưởng những chính sách ưu đãi về giá thuê đất, thông thoáng trong việc cấp giấy phép và thuận lợi trong các thủ tục hành chính...

Phố Đông nhanh chóng trở thành một miền đất hứa cho các nhà đầu tư, không chỉ đại lục mà còn cả thế giới. Mười lăm năm qua, người Thượng Hải đã viết nên câu chuyện cổ tích thời hiện đại chỉ bằng một chính sách thông thoáng. Từ độ cao hơn 300mét ở tháp truyền hình Đông phương Minh châu, bạn có thể cảm nhận được một Phố Đông hiện đại, hoành tráng, hoàn chỉnh với hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, vườn hoa, cây xanh, không gian công cộng hoành tráng sánh ngang với các đô thị có lịch sử hàng trăm năm ở các nước châu Âu, Mỹ.

Từ nỗi nhục đến niềm tự hào

...và bây giờ.

Cách đây hai thế kỷ, sự bạc nhược của triều đình nhà Thanh đã biến Trung Quốc thành miếng mồi ngon cho các cường quốc xâu xé, chia chác lợi ích. Người Hoa không chỉ mất chủ quyền ngay trên mảnh đất của chính mình mà còn bị bọn thực dân ức hiếp ở mọi lúc, mọi nơi. Câu chuyện về tấm biển trước khu Tô giới Thượng Hải chính là ví dụ sinh động về nỗi nhục đó.

Lịch sử thật công bằng, một chính quyền bạc nhược, không có năng lực chấn hưng đất nước, không có khả năng phát huy nguồn lực của dân chúng, đã bị sụp đổ sau hơn 200 năm tồn tại.

Đến Thượng Hải lần này, chúng tôi ngạc nhiên thấy rằng, sau bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, khu vực Tô giới Thượng Hải vẫn được bảo tồn khá nguyên vẹn. Những ngôi nhà cổ kính, mỗi nhà được xây dựng theo phong cách của một nước châu Âu trên bờ Tây sông Hoàng Phố tạo thành một Bảo tàng Kiến trúc ngoài trời hoành tráng. Khi màn đêm buông xuống, hàng vạn ngọn đèn pha được bố trí công phu hắt lên những chùm ánh sáng kỳ ảo, tạo nên một cảnh tượng khó quên với du khách. Khu Tô giới vẫn còn bảo lưu nhiều nhà hàng, khách sạn, ngân hàng dành riêng cho ngoại kiều. Khách sạn Hoà Bình ở đường Nam Kinh được xây dựng từ năm 1906 nay vẫn giữ nguyên kiến trúc cũ. Ngay tại đầu đường có một biển đá, trên đó có hàng chữ đắp nổi: “Cách tân là linh hồn của một dân tộc tiến bộ”. Câu nói đó của Đặng đã phản ánh được sức mạnh của chính quyền dưới sự điều kiển của ông.

Sau gần hai trăm năm, từ nỗi nhục bại trận trong cuộc chiến tranh Thuốc Phiện, Trung Quốc đã có được niềm tự hào, bên cạnh khu Tô giới ở phố Tây là khu Phố Đông hiện đại, tạo nên Thượng Hải mới, một trong ba thành phố lớn nhất thế giới, đầu tàu kinh tế của lưu vực sông Trường Giang và cả Trung hoa Đại lục. Cùng với Đặc khu hành chính Hồng Công, Thượng Hải là niềm kiêu hãnh, góp phần làm cho người Trung Quốc quên đi nỗi nhục bại trận của đất nước dưới sự điều hành của một triều đại phong kiến bạc nhược từng ngự trị lên đầu nhân dân Trung Hoa hơn 200 năm.

Phan Thế Hải
(Theo VNN)