PDA

View Full Version : ĐOẠN TRƯỜNG: AI QUA CẦU MỚI HAY!


Vinh Loc 90A
01-01-1970, 07:00 AM
Xưa nay, nuôi con ai cũng mong con mình sau này lớn lên làm "ông này bà nọ" với người ta! Thế là người ta đua nhau làm "bác sĩ, kỹ sư". Người ta cứ ngỡ với tấm bằng "lận lưng" là có thể dễ dàng tìm việc. Eo ơi, đoạn trường ai qua cầu mới hay!
Hết cò nhà cò đất, cò bác sĩ, cò ... giờ cò việc làm! Thôi thì mọi người hãy tự giữ mình khi mà thất nghiệp (thất nghiệp nghĩa là ngoảnh càng vì chúng ta chưa có trợ cấp thất nghiệp!) hoặc muốn đổi đời! Sau đây, tôi xin giới thiệu bài viết đăng trên báo Tuổi trẻ ngày 14/09/2005.

Vĩnh Lộc 90A



Thứ Tư, 14/09/2005, 06:04 (GMT+7)

Tôi đi tư vấn lao động


Kẻ đăng ký tìm việc, người chờ đổi việc... chen chúc tại Trung tâm Huynh Đệ Ảnh: Tần Vy

TT - Dung, nhân viên Trung tâm (TT) tư vấn An Khánh (P.7, Q.Gò Vấp, TP.HCM), gợi ý: “Hay chị làm nhân viên tư vấn (NVTV) như tụi em, đóng thêm 20.000 đồng nữa, em dẫn qua trung tâm khác làm!”.

Ra cửa, Dung tiếp tục “gạ” nếu chúng tôi đóng thêm 50.000 đồng sẽ được làm ở TT An Khánh: “Làm ở đây được bao cơm trưa, sau một tháng thu nhập 1-1,2 triệu... Bọn em ký hợp đồng lao động với chị, đàng hoàng lắm!”.

Cận cảnh

Chưa biết “đàng hoàng” thế nào, nhưng chỉ ba ngày làm việc chúng tôi đã bàng hoàng hết cả người. TT liên tục ồn ào tiếng cãi vã, nhốn nháo người tìm việc, đổi việc, xin hoàn phí khiến chúng tôi quýnh quáng cả lên.

Một anh tên Tuấn cầm giấy giới thiệu quay về, mặt đỏ gay vì nắng: “Bảo làm tái chế cơm mà có tìm thấy địa chỉ đâu!”. Dung nhanh chóng bảo chúng tôi đổi việc. Chúng tôi lúng túng vì không biết việc nào trong những cuốn sổ đang cầm trên tay là thật hay giả, là còn hay hết.

Phía bên kia, hết NV Yến, Trí, Hạnh rồi Dung vừa tiếp người đến tìm, đổi việc, vừa thay nhau quay qua nạt nộ, nặng nhẹ lao động Trần Thị Dung đang đòi hoàn phí. Trước đó hơn một tiếng, NV Hạnh ngọt ngào tư vấn cho Dung “rành vi tính là được rồi”, nhưng đến nơi người ta bảo “cần người biết quản lý mạng”.

Về nói lại, NV Yến, Trí tóm lại một câu: “Quản lý mạng thì em chỉ cần biết chat, dẫn khách vào, mở máy cho họ là được chứ gì”. Trần Thị Dung gần như bật khóc trước lý lẽ ngang phè phè ấy.

Lúc rảnh rỗi, chúng tôi nghe Yến nói với Trí: “Chiều nay chiến đấu nhé. Sẽ phải hoàn (phí) cho ba ông tài xế, một ông một nửa, hai ông kia mỗi ông trừ 20.000đ. Em biết mà!”.

Quả thật, chiều hôm ấy TT hoàn phí cho ba người tìm việc tài xế (các nơi được giới thiệu đến đã hết tuyển người từ lâu)... Đến 5 giờ chiều, anh Hoàng Văn Huấn, tìm việc sửa chữa vi tính, đã đi ba lần (lần đầu sai đường, lần hai sai địa chỉ, lần ba đến công ty thì nơi này khóa cửa, không có bảng tên) vẫn ráng ngồi lại đòi hoàn phí.

TT rục rịch đóng cửa. NV Yến ngoa ngoắt: “Tao đếch hoàn mà còn chửi mày nữa đấy, vì mày ngu, mày ăn nói mất dạy (vì Huấn... lỡ bảo TT bán lương tâm chỉ 80.000đ thôi sao!)”. Cảnh Huấn bị tống cổ không thương tiếc khỏi cửa chỉ là một trong những cảnh diễn ra thường xuyên vào cuối giờ sáng, chiều mỗi ngày tại đây.

Cuối ngày đầu tiên làm tư vấn lao động, Loan và Hiền xin nghỉ, trong người còn đúng 5.000 đồng: “Đành chấp nhận mất tiền thôi, tư vấn ở đây kinh khủng quá!” - cả hai cam chịu.

Tiền nộp rồi, dễ gì lấy lại…

Chúng tôi tiếp tục đi làm tư vấn lao động ở nhiều công ty dịch vụ lao động khác nhau và đã gặp không biết bao nhiêu khuôn mặt bơ phờ, mệt mỏi vì phải chạy theo các thông tin ảo và những “chiêu” ngày càng tinh vi của các TT việc làm.

Nộp 50.000 đồng cho NV Loan (Công ty dịch vụ lao động Huynh Đệ, P.8, Q.Tân Bình, TP.HCM), chúng tôi cùng bốn người khác được đưa sang Công ty Thịnh Thế Tài (Q.Tân Bình) làm NVTV.

Đang vào cao điểm, Công ty Thịnh Thế Tài có đến tám NVTV. Mới vào, chúng tôi cứ ngơ ngác nhìn NV Kim Ngân của công ty “làm phép” với người tìm việc: “Lương 1,5 triệu, 2 triệu đồng/tháng, không cần hồ sơ xin việc cũng được nhận...”.

Hằng ngày tại An Khánh, chúng tôi thường ra nhận thông tin tuyển dụng mới ở hai tờ giấy A4 mà người ta đi phát mỗi sáng cho những nơi đã đăng ký.

Có hôm NV Dung vừa ghi lại thông tin vừa buột miệng: “ĐM, thông tin ảo không!”... Cùng những thông tin như thế, chẳng biết đã phát tán cho bao nhiêu TT mỗi ngày!

Ở TT Đông Á (Phan Văn Trị, quận Gò Vấp), chúng tôi nghe Phương (còn gọi là Dung) - chủ TT - liên tục gọi điện “bắn” thông tin của mình tới các TT, công ty khác cùng trên đường Phan Văn Trị.

Phương giải thích: “Phải vậy mới sống được chứ em! Giới thiệu được việc thì chia 50% phí cho họ...”.

Ngân dặn chúng tôi cầm tiền trước, viết giấy sau. Biên lai thu tiền ghi “phiếu chỉ có giá trị trong hai ngày” nhưng do chữ quá nhỏ nhiều người không để ý. Quá hai ngày, người lao động (NLĐ) chỉ được đổi việc chứ không được hoàn phí.

Các công ty có qui định NLĐ khi đòi hoàn phí phải tìm đúng NVTV đã thu tiền mình hôm trước, nên mới có cảnh NLĐ đành “khóc hận” chịu mất tiền khi quay lại thì NVTV đã... nghỉ việc rồi.

Sau một tuần vào Công ty Thịnh Thế Tài, chúng tôi chứng kiến bốn NVTV lần lượt được chủ... tính lương cho nghỉ việc, mỗi người được trả vài chục ngàn đồng (xấp xỉ số tiền nộp phí lúc xin việc), không có hoa hồng hay thưởng.

Chúng tôi và Vân Thuận được trụ lại thêm mấy ngày nữa. Thời gian đó chúng tôi phải bao thầu đổi việc, trả lời thắc mắc cho hàng chục người (là NLĐ của những NVTV vừa mới nghỉ việc).

Chị Thu (Phạm Văn Hai, P.7, Q.Tân Bình) chỉ chiếc bàn của NV Linh bảo: “Cái cô gì ngồi phía trong đó giới thiệu tôi giúp việc nhà nhưng ở đó đủ người rồi! Em cho chị... xin tiền lại!”. Linh đã nghỉ việc, giám đốc lệnh: chỉ đổi việc, không trả tiền!

Chúng tôi lại được nhận vào một TT trên đường Bắc Hải (Q.Tân Bình, TP.HCM) gắn tấm bảng có dòng chữ: UBND quận Tân Bình. “TT vừa mới được... mua lại” - giám đốc tên Thông nói.

Nguyên tắc của Thông đưa ra: NVTV chỉ được “câu” chứ không được “bắt”. Chúng tôi phải vận dụng mọi khả năng để thuyết phục NLĐ chịu nhận việc. Gần 30 lượt người chúng tôi thuyết phục được trong một buổi sáng và chuyển đi. Dù cố gắng mấy, chúng tôi không thể biết số phận của họ sau đó.

Ngay chiều hôm ấy chúng tôi bị đuổi vì lý do... không có bằng CĐ-ĐH. Rời khu Bắc Hải, chúng tôi làm tư vấn ở Công ty Hoàng Ngọc (P.6, Q.Tân Bình) và Công ty Anh Việt (P.6, Q.Tân Bình).

Ông Ngọc, giám đốc công ty, mau mắn tập huấn “kỹ năng” tư vấn (để làm ngay vào ngày mai). Ông không giấu giếm: “Tiền vào thì dễ, ra thì khó. Không người chủ nào muốn trả phí cả! Quan trọng nhất là NVTV phải có phản xạ tốt!”.

Nỗi đau của người lao động

Dạo một vòng quanh các chợ lao động trên đường Phan Văn Trị (Q.Gò Vấp), Cách Mạng Tháng Tám, Bắc Hải (Q.Tân Bình), Nguyễn Xí (Q.Bình Thạnh) vào cuối buổi chiều, cảnh tượng nhan nhản là các cuộc cãi cọ thường xuyên diễn ra...

Đóng phí 100.000 đồng, Bùi Đức Thọ được TT Hoa Phượng Đỏ (Phan Văn Trị, Gò Vấp) giới thiệu công việc tài xế chở bột mì. Chủ đòi hộ khẩu thành phố. Quay về, Thọ được đổi việc chở bột trét tường, hàng thường xuyên chở quá tải nhưng công an phạt thì tài xế phải ráng chịu.

“Chẳng có tài xế nào dám liều kiểu đó!” - Thọ được đổi tiếp sang công ty may mặc (chở vải) ở đường Lê Văn Thọ, nhưng đến nơi thì thấy... sản xuất quạt máy! Vậy mà NVTV cứ một mực từ chối giải quyết hoàn phí cho Thọ.

Tôi gặp một “đám” khác tại TT Minh Uyên (Phan Văn Trị, Gò Vấp). Năm người được NV Kim Loan giới thiệu làm bán hàng siêu thị, nhưng khi gặp được người tuyển dụng thì người này bảo: “Mấy người bị bọn nó (TT) lừa rồi, tôi không đăng ký tuyển ở đó”...

Xuyến (vừa tốt nghiệp công nghiệp thực phẩm) đã bật khóc vì TT An Khánh nhất định không hoàn phí do giấy giới thiệu quá hạn một ngày. Tìm việc chế biến thực phẩm nhưng Xuyến tới nơi họ đã hết tuyển.

80.000 đồng với nhiều người không lớn nhưng với cô là cả một gia tài. Như mọi ngày, ba mẹ bán rau ở chợ, sáng hôm đó Xuyến còn hớn hở hi vọng có việc làm sau khi năn nỉ em gái nhường tiền đóng học phí cho mình tìm việc, đi làm có tiền sẽ trả lại...

Kể sao cho hết. Đi đến đâu chúng tôi cũng gặp những câu chuyện pha đầy mồ hôi lẫn nước mắt của NLĐ...

TẦN VY - LÊ HUỲNH