PDA

View Full Version : SỨC KHOẺ Y HỌC


raykid2
01-01-1970, 07:00 AM
Bệnh viêm mũi dị ứng


Viêm mũi là bệnh của niêm mạc mũi, biểu hiện bằng chảy nước mũi, nghẹt mũi và nhảy mũi kéo dài hơn 1 giờ/ngày trong nhiều ngày. Dù dị ứng là nguyên nhân thông thường nhất, nhưng vẫn còn rất nhiều nguyên nhân khác gây viêm mũi.



Mũi là bộ phận đầu tiên của đường thở, niêm mạc được trang bị những thụ thể đa hệ để có thể cảm nhận và đáp ứng với các tác nhân phong phú của ngoại giới như: Áp suất, nhiệt độ, mùi vị, hóa chất, ẩm độ, vi trùng… Mũi sẽ bị viêm nếu các tác nhân đủ mạnh hoặc mũi quá nhạy cảm với các tác nhân đó. Sau đây là bảng phân loại bệnh viêm mũi.

Dị ứng : Theo mùa
(Dị nguyên thời vụ: phấn hoa…).
Quanh năm
(Dị nguyên thường trực: bụi bặm, con mạt, thức ăn…).

- Nguyên phát
"Vận mạch"
"Do quá nhạy cảm"
"Viêm mũi quanh năm không do dị nguyên đặc hiệu"
Nhiễm trùng (có mủ):
Cấp tính: thời gian bệnh ngắn hơn 3 tuần.

Bán cấp: từ 3 tuần - 3 tháng.

Mạn tính: hơn 3 tháng
- Do rối loạn cấu trúc.
- Do suy giảm miễn dịch.
- Do rối loạn hoạt động của hệ lông chuyển-chất nhầy.
Viêm đặc biệt:
- Vi trùng: Lao, giang mai…
- Vi nấm.

Loại khác:
- Do chất kích thích.
- Do nội tiết.
- Do môi trường: áp suất, nhiệt độ, ẩm độ.
- Do nghề nghiệp.
- Viêm mũi teo.
- Do thuốc (thuốc co mạch…)
- Viêm mũi do cấu trúc:
Triệu chứng giống viêm mũi: Lệch vách ngăn, phì đại cuống mũi, khối u, dị vật mũi.
- Pô-lýp mũi.





Viêm mũi dị ứng

Định nghĩa: Là tổng hợp những phản ứng quá mức của cơ thể, xảy ra khi hít phải vật lạ trong không khí. Bình thường, khi gặp vật lạ, cơ thể sẽ có những phản ứng nhằm mục đích bảo vệ. Tuy nhiên nếu phản ứng xảy ra quá mức, gây ra những tổn hại cho cơ thể thì gọi là phản ứng dị ứng (hay trầm trọng hơn, có thể dẫn đến tử vong thì gọi là phản ứng phản vệ). Những vật lạ là nguyên nhân của phản ứng dị ứng được gọi là dị nguyên.

Trong cơn dị ứng, bệnh nhân có những biểu hiện sau:

- Nhảy mũi.

- Ngứa mũi, mắt.

- Nghẹt mũi.

- Chảy nước mũi.

Cơ chế viêm mũi dị ứng

Phản ứng dị ứng xảy ra rất phức tạp và theo hai giai đoạn:

1. Giai đoạn sớm: Xảy ra ngay sau khi tiếp xúc với dị nguyên. Các triệu chứng trên được gây ra chủ yếu do chất histamin, tiết ra bởi dưỡng bào. Phản ứng này còn được khuếch đại bởi hiệu ứng thần kinh. Ví dụ: Chỉ tiếp xúc với dị nguyên bên mũi trái, nhưng bệnh nhân có triệu chứng cả hai bên mũi và mắt…

2. Giai đoạn muộn: Các triệu chứng xuất hiện từ 3-11 giờ sau khi tiếp xúc với dị nguyên và kéo dài nhiều ngày, nhiều tuần. Đây là một bệnh lý viêm thật sự với sự tham gia của mọi loại tế bào viêm, quan trọng nhất là tế bào đa nhân ái toan. Sự hiện diện của tế bào đa nhân ái toan trong dịch tiết hay trong mô là một chứng cứ quan trọng để chẩn đoán bệnh viêm mũi dị ứng.

Sự hiểu biết về hai giai đoạn của phản ứng dị ứng rất quan trọng trong trị liệu. Các chất kháng histamin có tác dụng chính trong giai đoạn sớm, nhưng trong giai đoạn muộn thì vai trò chủ đạo lại thuộc về các thuốc kháng viêm.

Sự tiếp xúc với dị nguyên liên tục gây nên tình trạng viêm mạn tính với độ trầm trọng có thể tăng dần, kết hợp với sự tăng nhạy cảm của mũi với những nguyên nhân không đặc hiệu.

Triệu chứng và chẩn đoán bệnh viêm mũi dị ứng

Bệnh sử rất quan trọng trong chẩn đoán.

Các triệu chứng chính gồm:

- Nhảy mũi từng cơn, nhất là khi tiếp xúc với dị nguyên.

- Ngứa mũi và mắt.

- Nghẹt mũi hai bên hay đổi bên.

- Chảy nước mũi.

Bệnh nhân có thể bị chảy mũi sau họng, gây khịt mũi, hắng giọng và ho.

Mũi nghẹt, phải thở bằng miệng gây viêm họng, khô họng, viêm thanh quản.

Chóp mũi viêm đỏ và trầy do chà xát thường xuyên vì ngứa.

Mí mắt thường bị sưng nề, quầng thâm.

Ở trẻ em, ít có những triệu chứng điển hình trước 2 tuổi.

Các triệu chứng có thể xuất hiện theo thời vụ (viêm mũi theo mùa) hay liên tục (viêm mũi quanh năm).

Khi soi mũi sẽ thấy niêm mạc mũi phù nề, mọng, có màu tái nhợt. Trong hốc mũi đầy chất tiết trong, loãng.

Xét nghiệm: Tìm tế bào ái toan trong dịch mũi. Đo lượng IgE trong máu.

Thử nghiệm da để tầm soát dị nguyên chuyên biệt.

Các loại dị nguyên gây viêm mũi dị ứng

Thường do các vật lạ bay lẫn trong không khí như:

- Phấn hoa.

- Bụi nhà, trong đó con mạt (acarien) là tác nhân chính.

- Nấm mốc.

- Bụi khói công nghiệp.

- Lông thú: Chó, mèo, ngựa…

- Các loại hóa chất.

Những chất lạ trong thức ăn như sữa, trứng, các loại đậu, hải sản; Các loại thuốc kháng sinh, các loại phấn thoa, chất bôi trơn ở bao cao su, xà phòng… đều có thể gây dị ứng. Các chất này thường gây triệu chứng toàn thân hoặc ở bộ máy tiêu hóa, nhưng cũng cho những biểu hiện ở đường thở trên.

Có dị ứng hay không còn tùy thuộc vào cơ địa, tố chất di truyền của mỗi người. Tiền sử gia đình có vai trò rất quan trọng. Cha mẹ bị dị ứng có tỷ lệ con bị dị ứng cao. Phân nửa số con của cha và mẹ đều bị dị ứng sẽ bị dị ứng. Nếu chỉ cha hoặc mẹ bị dị ứng thì tỷ lệ này là 30%.

Tình hình viêm mũi dị ứng

Bệnh viêm mũi dị ứng nằm trong nhóm bệnh dị ứng gồm suyễn, nổi mề đay, chàm da và phù Quink. Ở các nước phương Tây, do mỗi năm có bốn mùa rõ rệt nên số người mắc viêm mũi dị ứng theo mùa nhiều gấp đôi người bị thể bệnh quanh năm và có đợt kịch phát vào mùa hoa nở. Ở Mỹ, khoảng 20% dân số tiếp xúc hằng năm với dị nguyên trong không khí có triệu chứng dị ứng. Việc theo dõi và chữa trị rất tốn kém.

Ở vùng nhiệt đới như nước ta, số bệnh nhân bị viêm mũi dị ứng quanh năm nhiều hơn. Trong vài thập niên qua, tỷ lệ viêm mũi dị ứng tăng cao ở những nước công nghiệp phát triển. Ô nhiễm môi trường và sự xuất hiện những dị nguyên mới giữ vai trò quan trọng.

Dù chưa có số liệu thống kê, nhưng số bệnh nhân viêm mũi dị ứng đang có khuynh hướng tăng dần tại TPHCM trong các năm gần đây. Những trường hợp dị ứng từ môi trường làm việc như ở các xí nghiệp da giày, cắt may, hóa chất… cũng tăng đáng kể.

Tác hại của viêm mũi dị ứng đối với sức khỏe

Viêm mũi dị ứng có thể gây ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe và khả năng lao động của bệnh nhân. Ngoài ra bệnh còn gây thêm những biến chứng quan trọng như:

1. Viêm xoang do tắc các lỗ thông xoang.

2. Viêm mũi xoang nhiễm trùng vì ứ đọng dịch tiết, tạo điều kiện cho vi trùng phát triển.

3. Viêm họng - viêm thanh quản do phải thở bằng miệng.

4. Viêm tai giữa do tắc vòi nhĩ.

5. Viêm mũi quá phát.

6. Suyễn.

7. Pô-lýp mũi.
...

(Theo SK&ĐS)