PDA

View Full Version : Vui buồn đời quét dạo


tieunhoc
01-01-1970, 07:00 AM
http://www2.thanhnien.com.vn/Uploaded/admin/226/11k.jpg

Lầm lũi với cây chổi dài gần 2 mét, đầu đội nón lá, mặt đeo khẩu trang, cứ thế chị âm thầm quét và quét... Một chốc sau chị lại cúi xuống hốt từng cụm cho vào thùng đựng rác... Mặt trời đã lên cao, cư dân từ các nơi đổ về tụ tập suốt các dãy quán cà phê, cười nói rôm rả, không khí thoáng đãng tạo nên cảnh nhộn nhịp. Khẽ quẹt những giọt mồ hôi trên trán, liếc nhìn thấy những con đường của khu phố đã sạch hơn, mới hơn, chị nở một nụ cười hài lòng cho "công trình" của chính mình...


"Nữ hoàng chung cư"

Khu chung cư Sư Vạn Hạnh là một tòa nhà cao đến 9 tầng, hai bên lô A và lô C cũng cao đến 5 tầng, vậy mà chị Kim Thủy, ngày nào cũng thế, chăm chỉ từng đường chổi vào tận ngóc ngách để đảm bảo vệ sinh cho cả khu phố. Nhớ lại ngày đầu bước vào nghề, chị cho biết: "Ngượng lắm, vì cảm giác ai cũng nhìn mình bằng con mắt xa lạ, nhưng vì cuộc sống, vì đây cũng là một công việc đàng hoàng nên cứ tự tin mà làm". Chị Thủy là người Cái Bè - Tiền Giang, theo chồng lên thành phố lập nghiệp, ban đầu cũng buôn bán làm ăn, nhưng lạ nước lạ cái, làm cái gì cũng thua lỗ. Nhà có tới năm miệng ăn, đã vậy cha chồng bị bệnh nằm liệt một chỗ suốt 14 năm trời, khiến gia cảnh thiếu trước hụt sau. Có lẽ nhờ có tính chịu thương chịu khó, mà chị được Ủy ban phường mới giới thiệu đến làm công tác vệ sinh cho khu phố này. Cũng từ ngày đó, chị gắn liền với cái nghề "quét dạo". Ban đầu, chị Thủy chỉ "thầu" một khu B gồm 9 tầng, cặm cụi với số tiền lương khởi điểm 800.000 đồng. Thời gian sau, bên khu A và C có người đuối sức làm không nổi ! "Thấy thiếu người làm, tôi xung phong nhận lãnh, để mong có thêm chút thu nhập. Lúc đầu cả khu phố ai cũng ngại, vì sợ sức khỏe tôi không đảm bảo, nhưng có lẽ trời thương, suốt ngần ấy thời gian tôi chưa bị ốm đau một ngày nào. Thế là một mình tôi "cai quản" cả chung cư, không quản ngại nắng mưa, cứ sáng chiều ngày hai lần, quét dọn tất cả các tầng lầu với hơn 100 hộ xung quanh. Căng nhất là những ngày cuối tuần, phải lau sạch từ trên xuống dưới. Nghề này phải có sức khỏe, nếu không khó bề "kham" nổi...".

Khi được hỏi chẳng lẽ ở đây chỉ có một mình chị làm thôi sao, chị cười tinh nghịch: "Một mình tôi thì chắc chết quá, hai lô nhà bên kia còn có thêm hai chị nữa, mỗi người phụ trách một lô. Làm nghề này lắm lúc thấy cũng tủi thân, nhưng được cái bà con ở đây ai cũng mến, nhiều người khi dọn dẹp nhà cửa, tin tưởng nhờ mình tới giúp, công việc nào tôi cũng làm, trước vì tình cảm, sau cũng có thêm thu nhập chút đỉnh... Có lần họp tổ dân phố, có người còn đòi mua bảo hiểm y tế, rồi tăng lương cho tôi".

Chị tâm sự tiếp: "Nghề nào cũng vậy, phải lao động hết mình, ba đứa con tôi đã trưởng thành, con gái đầu đang luyện thi vào Đại học Y khoa, đứa thứ hai vừa tốt nghiệp lớp 10, thấy đứa nào cũng học giỏi, nên tôi như quên hết cực khổ".

Buồn vui theo nghề

Nói đến chợ An Đông là nhiều người biết ngay đến khu vực “bô rác”, nơi mà trước đây có hàng trăm con người đã sống nhờ... rác. Hiện nay bô rác đã bị xóa sổ, và thành một điểm tập trung anh chị em công nhân. Ngày 2 cữ, cứ khoảng 3 giờ sáng và 5 giờ chiều là gần 30 thành viên vui vẻ cùng nhau "xuống đường". Mỗi người đều có một đoạn đường riêng của mình, người thì ở đường Nguyễn Tri Phương, người ở Hùng Vương, người ở An Dương Vương, cứ thế "hồn ai nấy giữ", miễn sao "lãnh địa" của mình phải sạch và đẹp. "Tả xung hữu đột" với mọi phế phẩm của con người thải ra, vậy mà các chị cứ nhẫn nại từng nhát chổi cho từng con đường sạch sẽ. Cứ hừng sáng thì họ lũ lượt kéo về trụ sở như vừa đi đánh "giặc rác" trở về, ai cũng như trong men chiến thắng, không lộ vẻ gì của người làm nghề cơ cực.

Chị Thu Thanh, người có mặt từ những ngày thành lập chợ tính đến nay đã 14 năm, cho biết: "Nghề này được cái lâu bền, ngoài tiền lương cơ bản, còn có tiền cơm, tiền bảo hiểm, tiền đền bù độc hại..., từng quý đều được đi khám sức khỏe định kỳ, chu đáo như thế, nên ai nấy cũng yên tâm làm việc".

Dọn dẹp vệ sinh ở các khu chợ, ngoài sự chịu khó còn phải biết khéo léo, chứ không phải cứ nhiệt tình là được, phải biết "né" quét vào những giờ ăn uống, buôn bán... của chị em tiểu thương, phải nhanh lẹ có mặt kịp thời vào những lúc có xô xát, đổ bể để nhanh chóng dọn dẹp hiện trường. Buổi chiều, cao điểm nhất là giờ tan chợ, phải tranh thủ "ào ạt" quét dọn, tất cả phải giải quyết một cách nhanh chóng trước khi chợ đóng cửa. Chị Thu Sương, quê ở Tiền Giang, cười nói: "Ở đây đủ loại rác, mùa nắng còn đỡ chứ gặp mùa mưa, ngập lụt thì "thê thảm" hơn nhiều, tất cả phải tăng ca, lội trong nước để lo giúp các sạp chuyển hàng tới chỗ an toàn. Tuy cực khổ, nhưng vui nhất là những ngày chợ tổ chức quyên góp từ thiện cho bà con nghèo, cả đội đều chung tay góp quà, góp sức cùng với ban tổ chức gói quà, chia quà đến từng hộ gia đình nghèo khó...”.

Ước mơ bé nhỏ

Ai làm nghề này, lúc đầu đều mang tâm lý mặc cảm. Có người khi gặp người quen còn lánh đi nơi khác, sợ gặp mặt khó ăn, khó nói. Nhưng bây giờ thì đã khác, làm lâu ngày thấy quen, ai cần việc gì cũng có mặt, nhiều chị em tiểu thương còn gửi tiền "bo" vào những dịp lễ tết... Đến với nghề, hầu hết đều xuất thân từ nghèo khó, nên hơn ai hết, chính các chị em cũng hiểu rằng cần phải cố gắng vươn lên để lo cho con cái ăn học đàng hoàng, nhằm đổi đời mai sau. Đa số các chị đều tự hài lòng với công việc của mình, một công việc làm đẹp cho phố phường và cũng là một nét đẹp văn minh của thành phố, chỉ mong sao nhiều người dân có ý thức hơn trong việc gìn giữ môi trường, góp sức để rác vào đúng nơi quy định để bớt đi phần cơ cực của chị em.

Ghi chép của Phạm Lữ

Nguồn (http://www.thanhnien.com.vn/Doisong/2005/8/17/119230.tno)