PDA

View Full Version : Danh cầm đờn kìm xưa và nay


phanphuong
06-01-2009, 12:51 PM
PP sẽ cố gắng thu thập tư liệu về các danh cầm đờn kìm trong topic.
Một gợi ý (http://tranquanghai.info/index.php?p=1899) của giáo sư Trần Quang Hải:
Tên tuổi của những bậc thầy đờn kìm nổi tiếng có thể kể đến theo thứ tự như: Trịnh Thiên Tư (Bạc Liêu), Ký Hườn (Vĩnh Long), Ba Tiệm, Năm Vinh (Tiền Giang)– nguyên nhạc sư của trường Nghệ thuật Sân khấu II, Giáo Thinh, Năm Cơ, Năm Hưng, Sáu Tửng, Út Trong (Sài Gòn), Cao Hoài Sang, Sáu Thới (miền Đông)… Kế tiếp đó là những: Ba Tu, Minh Thảo, Năm Xã (TP.HCM), Tư Còn (Bình Dương), Thanh Hiền (Tây Ninh), v.v
Đôi khi cao nhân lại ở tận hang cùng ngõ hẻm không lộ diện trong nhạc đàn, do đó bất cứ bảng liệt kê nào cũng ít nhiều thiếu xót.
Bắt đầu với các danh cầm có nhiều...tài liệu viết tới!

1. Năm Cơ
Dương văn Cơ (Năm Cơ) (http://tranquanghai.info/index.php?p=1899)
Sanh năm 1919 tại làng Ngũ Lạc (Trà vinh), nghiện á-phiện, sử dụng đàn Kìm, Xến, Guitare lõm phím
Khoảng những năm 1948-1950 ông cùng thầy là Sáu Lắc đầu quân cho nhà thuốc Cao Đơn Hoàn Tán Đại Từ Bi ở đường Phan Đình Phùng (Nguyễn Đình Chiểu). Nhiệm vụ của hai ông là đàn để quảng cáo bán thuốc. Lối đàn của ông xôm và rộn rã. Năm Cơ và Văn Vĩ, cả hai nghiện á-phiện, là cặp bài trùng, hòa đàn rất ăn ý với nhau, nơi nào có Cơ là có Vĩ. “Cơ” tiếng Pháp là “queue” nghĩa là cái đuôi; còn “Vỉ”, chữ Hán dịch ra tiếng Việt cũng là “đuôi”. Duyên tiền định, hai cái “đuôi” gặp nhau trong lỉnh vực âm nhạc.
Xuyên qua Đài Phát Thanh trong dĩa nhựa, khi nghe hai người này cùng hòa đàn với nhau thì người nghe cảm thấy rất khoái trá và hồi hộp, lo sợ không biết tay nào sẽ quật ngã tay nào, vì cả hai đều chủ trương đàn mắc mỏ. Vọng Cổ “Thư Về Quê Mẹ”, Thành Được ca, “Lan và Điệp” nữ ca sĩ Út Bạch Lan ca (Băng Nam Bình II), có thể ví như tấm thảm xanh đủ màu đủ vẻ với tiếng đàn Xến sáng giá của Năm Cơ, tiếng đàn Tranh bay bướm óng chuốt của Bảy Bá (nghiện á-phiện và tự cai lấy), tiếng đàn Guitare sâu sắc chín chữ và ngọt ngào của Văn Vĩ, đưa cho người nghe thấy rằng bạn vàng gặp bạn vàng.
Cộng tác với nhiều Đoàn Hát như Hoa Sen, Kim Chung,
Bầu Thắng (Hát Bội), Ban Cổ Nhạc Đồng Nai (Đài Phát Thanh Sàigòn), Ban Hoa tình thương -Thành Công - (Đài tiếng nói Quân đội), đàn thu dỉa Hống Hoa, Việt Hải, …..
Ông phục vụ nghệ thuật cho đến hơi thở cuối cùng. Ngày hôm trước đàn cho Đài Phát Thanh, sau đó hẹn 9 giờ sáng ngày hôm sau quay trở lại đàn tiếp, nhưng ngày hôm sau, anh em trên đài đợi mãi không thấy ông đến, bèn cho người đến gặp ông thì mới hay là ông đã tắt thở trước 9 giờ sáng!

Danh cầm Năm Cơ (http://www.cailuongvietnam.com/modules.php?name=News&file=save&sid=2210)
Ba thập niên liền 1950, 1960 và 1970 được coi là thời kỳ hoàng kim của sân khấu cải lương Nam bộ và nhạc sĩ Năm Cơ với chiếc đờn kìm bất hủ đã “ tung hoành “ khắp các hãng dĩa, các đài phát thanh cũng như sau bức màn nhung của các đại ban lừng lẫy một thời.
Đóng góp của ông cho sân khấu cải lương - từ việc đào tạo các danh ca, phát triển bài vọng cổ, sáng tạo và hoàn thiện các bài bản khác - đã được lịch sử của bộ môn này trân trọng ghi nhận. Nhiều danh hiệu, biệt hiệu chính thức và không chính thức mà bạn bè, đồng nghiệp, báo giới và đông đảo khán thính giả đồng điệu tri âm tôn xưng ông tuy đã gần nửa thế kỷ qua vẫn được nhiều người nhắc đến mỗi khi đề cập đến sân khấu cải lương như “Đệ nhất danh cầm” (dành cho đờn kìm), “Cặp sóng thần trong làng cổ nhạc” (cùng với Bảy Bá - đờn tranh), “Ba danh cầm bậc nhất đất Sài Gòn” (cùng với Bảy Bá - đờn tranh, Văn Vĩ - lục huyền cầm)...
Cây đờn kìm từng được coi là loại nhạc cụ thuần Việt. Để chơi ở mức “nghe được” cây đờn hai dây ấy đòi hỏi phải có sự cảm nhận tinh tế từ trong suy nghĩ, cảm xúc, giai điệu của người Việt trước không gian, tình cảm của người Việt. Dù là con một Hoa kiều, nhưng Năm Cơ là bậc “danh cầm bậc nhất” ba thập niên liền không có đối thủ của cây đờn hai dây thuần Việt này.
Cậu bé Dương Văn Cơ ra đời năm 1917 trong một gia đình gốc Triều Châu, tại xóm rẫy Thị Ròn, Lạc Thạnh (nay là Thạnh Hòa Sơn, huyện Cầu Ngang, Trà Vinh). Nhà nghèo, từ năm, bảy tuổi đầu, cậu đã phải lang thang khắp các cánh đồng chăn đàn bò của người cô ruột. Vừa trông coi bò, cậu vừa chơi những bản nhạc truyền thống Triều Châu (mà thân phụ cậu truyền lại) bằng chiếc đờn đoản...
Cuối thập niên 1930, tiếng đờn kìm độc chiếc của nhạc sĩ Sáu Tửng cùng giọng ca Cô Ba Trà Vinh, Cô Năm Cần Thơ trong bài vọng cổ nhịp 16, vốn thoát thai từ bài dạ cổ hoài lang của nhạc sĩ Cao Văn Lầu, được hãng dĩa Pathé phát hành thành hai dĩa “Kiến tình trung nghĩa” và “Khóc bạn”, đánh dấu một bước đi quan trọng hướng nghệ thuật tài tử Nam bộ vươn lên. Giai điệu thiết tha, sâu lắng của bài vọng cổ thuần Việt ấy đã “hốt trọn hồn” cậu bé Triều Châu đam mê âm nhạc Dương Văn Cơ. Từ cây đàn đoản gia truyền, cậu chuyển sang cây đờn kìm, mà bước nhập môn đầu tiên là “học lóm” từng “chữ đờn” của bác Sáu Tửng trên hai dĩa hát ấy. Từ đờn kìm, ông chuyển sang tự học và chơi thành thạo một số nhạc cụ tài tử Nam bộ như ghita phím lõm, đờn sến...
Không bao lâu sau, ngón đờn kìm của ông cùng với ngón đờn tranh của người bạn làng bên Bảy Bá (Huỳnh Trí Bá, tức soạn giả Viễn Châu, sinh trưởng tại làng Đôn Châu, Trà Cú, giáp ranh với Lạc Thạnh, quê hương Năm Cơ) đã nổi tiếng khắp vùng, từ sông Tiền sang sông Hậu, được giới tri âm tài tử lúc ấy xem là đôi tri kỷ tâm giao.
Cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ. Từ giã quê nhà, cùng với Bảy Bá, Năm Cơ chân ướt chân ráo lên Sài thành hoa lệ mưu sinh bằng chính tài năng âm nhạc của mình. Thời gian đầu, ông sống rất chật vật, thiếu thốn bằng cách đi đờn cho quán Mỹ Linh (kiểu quán nghệ sĩ ngày nay), rồi đi đờn phục vụ cho cánh Bảy Bửu chuyên bán cao đơn hoàn tán, nhạc sĩ Năm Cơ đã dần khẳng định được tài năng của mình và bắt đầu được danh cầm tiền bối Sáu Tửng - người mà ông vẫn xem là thầy đầu tiên - chú ý, kết thân.
Năm 1950, theo sự giới thiệu của cây đại thụ trong làng tài tử Sáu Tửng, đôi nhạc sĩ Năm Cơ - Bảy Bá được Đài Phát thanh Pháp - Á mời cộng tác trong dàn nhạc cổ. Sau đó, cây thập lục huyền cầm Bảy Bá cùng cây nguyệt cầm Năm Cơ còn tung hoành bên nhau từ hãng dĩa Hoành Sơn sang hãng dĩa Asia. Thời gian này, bộ ba gốc Trà Vinh gồm đôi nhạc sĩ Năm Cơ - Bảy Bá cùng giọng ca Cô Ba Trà Vinh trở thành một hiện tượng trong đời sống âm nhạc Sài Gòn nói riêng, Nam bộ nói chung. Họ tạo ra một “quy trình khép kín” từ sáng tác vọng cổ, cải lương (soạn giả Viễn Châu), sáng tác các bài bản mới phục vụ sân khấu cải lương, kể cả góp công nâng bài vọng cổ lên nhịp 64 như hiện nay (Năm Cơ - Bảy Bá), ca và ca diễn (Cô Ba Trà Vinh), song tấu (sau đó, tam tấu cùng Văn Vĩ), độc tấu hoặc hòa đờn cho giọng ca Cô Ba Trà Vinh. Lúc này, các hãng dĩa, các đài phát thanh, các đại ban cạnh tranh nhau có được hợp đồng với bộ ba này như một cách quảng bá thương hiệu hiệu quả.
Năm 1956, vợ chồng bầu Long - Kim Chung bắt đầu thực hiện đưa cải lương thành một công nghệ kinh doanh. Một mô hình “công ty mẹ” với nhiều “công ty con” mà thương hiệu Kim Chung dùng chung cho cả chục đoàn hát khác nhau, mỗi đoàn một êkíp soạn giả, thầy tuồng, nhạc sĩ, nghệ sĩ và chuyên khai thác một mô-tip tuồng tích phù hợp với ê-kíp đó. Để thực hiện ý tưởng đó, bầu Long thực hiện một cuộc “chiêu binh mãi mã” rầm rộ trong giới cải lương mà nhạc sĩ Năm Cơ là đích nhắm đầu tiên cho vị trí chỉ huy dàn nhạc cổ. Tài năng, danh tiếng của cây đờn kìm độc nhất vô nhị trên sân khấu cải lương Sài Gòn của Năm Cơ ngày càng rực rỡ hơn, đồng hành cùng sự thành công của sân khấu Kim Chung trong thập niên 1960, 1970.
Bước sang thập niên 1960 - 1970, cặp bài trùng đồng nghiệp, đồng hương Năm Cơ - Bảy Bá được báo giới và người hâm mộ xưng tụng bằng biệt danh “Cặp sóng thần trong làng cổ nhạc”. Ngón đờn của hai ông đã làm thăng hoa bao tên tuổi trong giới nghệ sĩ cải lương như Cô Ba Trà Vinh, Cô Năm Cần Thơ, Cô Năm Sa Đéc, Út Trà Ôn, Hữu Phước, Tấn Tài... của thế hệ trước đến Út Bạch Lan, Ngọc Giàu, Thanh Hương, Mỹ Châu, Lệ Thủy, Thanh Kim Huệ, Thanh Sang, Thành Được, Minh Cảnh, Minh Phụng, Minh Vương, Thanh Tuấn... của thế hệ trước và sau ngày giải phóng. Không những vậy, các nghệ sĩ hát bội của ban Vân Hạc xưa như Đinh Bằng Phi, Cô Năm Đồ, Thành Tôn, Hoàng Sóc... hoặc giới cải lương tuồng cổ (khi ấy gọi là cải lương Hồ quảng) như Thanh Tòng, Thanh Bạch, Bạch Mai, Thanh Thế... vẫn tự coi mình là người học trò nhỏ, là người chịu ơn từ ngón đờn kìm tuyệt kỹ của nhạc sĩ Năm Cơ.
Tài hoa, điệu nghệ, sống hết lòng cùng tri âm tri kỷ nhưng nhạc sĩ Năm Cơ có một cuộc đời riêng nhiều cay đắng và bạc mệnh. Có lẽ chính vì những đau khổ triền miên trong cuộc sống khó giãi bài cùng ai đã phát tiết trên từng cung đờn, và làm cho ngón đờn kìm của ông như có chiều sâu hơn, có tâm hồn hơn. Thuở còn hàn vi sinh sống tại xóm rẫy Thị Ròn, ông đã lập gia đình với một cô thôn nữ cùng xóm nhưng sớm lâm vào cảnh chia ly. Bỏ xứ lên Sài Gòn sinh sống, ông vẫn canh cánh nỗi chua xót của người thất bại trên chuyến đò tình. Khi công thành danh toại, tên tuổi đã lẫy lừng trên sân khấu Kim Chung, nhạc sĩ Năm Cơ “đi bước nữa” với một phụ nữ quê Sa Đéc nhưng cuộc sống gia đình vẫn dư khổ đau mà thiếu niềm vui, hạnh phúc ! Và ông đã vĩnh viễn ra đi trong sự thương tiếc của bạn bè, đồng nghiệp, giới hâm mộ cải lương vào ngày 24-1-1980, tại Sài Gòn.
Có một chi tiết về cuộc đời nhạc sĩ Năm Cơ mà sau này, người bạn tri kỷ của ông - nhạc sĩ Bảy Bá - tiết lộ: Năm Cơ là một người đãng trí đến lạ kỳ. Ở Sài Gòn hơn 30 năm mà anh thuộc không được chục tên đường. Học trò - chính thức cũng như không chính thức - có đến hàng trăm mà anh nhớ tên không quá vài người. Những bài bản chơi hàng ngày (trong đó có những bài do chính anh sáng tác) mà anh cũng không nhớ nổi cái tên, không nhớ được nó bắt đầu băng “chữ đờn” gì trong lồng bản. Cứ hễ có người đờn trước thì anh đờn sau. Nhưng khi ngón đờn đã buông ra thì vô cùng bay bướm, linh động, thần diệu... như hốt hết cái hồn của người ca, người nghe hòa vào từng câu chữ trong bài hát !

phanphuong
06-01-2009, 01:03 PM
Nhạc sư Vĩnh Bảo kể:
Ông Huỳnh Văn Sâm (Sáu Tửng) (http://tranquanghai.info/index.php?p=1536)
Người gốc Gò Công, nghiện á-phiện, thân phụ của tay trống có hạng Huỳnh Anh và nữ ca sĩ Bạch Huệ.
Cái tên Huỳnh văn Sâm, nhứt là cái tên Sáu Tửng, thì không xa lạ gì đối nhạc sư nhạc sĩ miền Nam lẩn Trung và Bắc, kể ca những người yêu nhạc. Nhiều nhạc sĩ đàn Kìm ảnh hưởng đến lối đàn của ông và đàn giông giống ông.
Sở trường của ông là cây đàn Kìm và Xến. Đàn Kìm, đàn Xến, thay vì tay trái bấm dây đủ 4 ngón (trỏ, giữa, áp út và út) như vậy mới nhấn được chữ đàn có gân, chuyền chạy chữ mới nhanh. Đằng nầy ông chỉ sử dụng 2 ngón (trỏ và giữa), lướt một cách nhanh nhẹn, lưu loát trên phím đàn không thua gì người sử 4 ngón.
Tôi quen ông vào năm 1930, lúc ấy ông đàn Kìm chánh cho gánh Hồng Nhựt hát tại Cao Lãnh (quê của tôi) và tôi được dịp nghe ông đàn Kìm trên dây Hò Ba cho chị Hai Thân và chị Sáu Liềng (danh ca Cao Lãnh) ca, và dây Bắc Oán cho Anh Bé ở Nha Mân (Cái Tàu Hạ - đồng hương với danh ca Tám Thưa -) ca Vọng cổ và Tây Thi hơi Quảng.
Thời điểm nầy tôi không thấy nhạc sĩ đàn Kìm nào sử dụng hai loại dây Hò Ba và Bắc Oán nầy, và riêng tôi, tôi cho rằng ông Sáu Tửng là người sáng chế.
Năm 1935, xuyên qua dĩa nhựa Béka, tôi có nghe ông độc tấu Tây Thi Hơi Quảng đàn Kìm trên dây Bắc Oán.
Từ năm 1928, ông luôn luôn là tay đàn Kìm chánh cho nhiều gánh hát Cải lương như:
Văn Hí Ban, Võ Hí Ban, Phước Cương, Trần Đắt, Hồng Nhựt, Thanh Niên, Phụng Hảo, đàn thu rất nhiều dĩa nhựa như Béka, Pathé, Asia, Hoành sơn, Hồng Hoa, Việt Hải, Tri âm, Kim Khánh….
Tuồng hát nào mà Cô Bảy Phùng Há có vai, thì đàn Kìm nhứt định phải là Sáu Tửng, Cô mới chịu, y hệt như ca sĩ Thành Công, ca thì phải có Hai Long đệm đàn Guitare-mando.
Thập niên 1940, ông ra Bắc dạy đàn Kìm.
Năm 1955, ông Ba Quan (Chủ tiệm hột xoàn Ba Quan Chợ cũ), mời ông, Duy Lân, Tám Thưa, Việt Hùng, Cô Tư Bé, và nhạc sĩ Nguyễn thế Huyện (Tư Huyện) (đàn Cò và Violon) sang Pháp làm dĩa nhựa mang nhãn hiệu Kim Khánh.
Năm 1960, tối ông đàn cho gánh hát, trưa quay về Trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ để cùng hai nhạc sĩ Ba Dư (đàn Tranh), Chín Trích (đàn Cò) đệm cho học sinh lớp Sân Khấu ca diễn.
Lối đàn Kìm và Xến của ông rất là độc đáo. Tiéng đàn phát ra nghe rất anh hùng và tự tin. Chữ đàn sắp xếp sắc sảo, câu cú tròn vành rõ nghĩa, hơi nào ra hơi nấy, tiết tấu mắc mỏ, mùi, dễ gợi cảm cho người cùng đàn. Trong hòa tấu, lối đàn rất là sôi động, ra vô, quăng bắt của ông rất là mạch lạc, tạo hào hứng cho người cùng đàn. Có những lúc đang đàn, ông đơn phương ngưng nghỉ, rồi một lát sau đó, bất thần nhào đại vô, làm cho người cùng đàn giựt mình, có khi bị rơi đàì. Mỗi lần có dịp hòa đàn với ông, tôi luôn bắt gặp nơi ông có mốt số câu đàn mới, lạ và hay. Có lần ông tâm sự với tôi: “Về đêm, sau vãn hát, mọi người lo đi ngủ, còn tôi thì sau khi kéo vài điếu (ông nghiện á phiện) tôi ôm đàn Kìm, chế ra nhửng câu đàn mới”. Cái sợ nhứt của tôi là đàn vào đêm thanh vắng, chữ đàn ma nhấn chưa chín, tai mình nghe rõ mồn một. Không như Vĩnh Bảo có cách ghi ra giấy, mổi khi sáng tác ra câu nào thì tôi ôm đàn, đàn đi đàn lại cho thật thuộc câu nấy, nếu không thì ngày mai lai quên mất.
Băng Nam Bình I, qua nhửng hòa tấu: Ngũ Đối Hạ, Lưu Thủy Trường, 6 câu Vọng cổ nhịp 32 (Sáu Từng (Kìm), Chín Trích (Cò), Vĩnh Bảo (Tranh), người nghe có thể nhận thấy lối đàn độc đáo của ông Sáu Tửng.
Năm 1938 tôi có dịp đàn 20 câu Vọng cổ nhịp 16 vô dĩa nhựa Béka (Năm Nghĩa (Trà Ôn) đàn Tranh, Ba Cân (Xóm Gà) đàn Kìm, tôi đàn Gáo, Cô Ba Thiệt (chị ca sĩ Năm Cần thơ) ca).
Thường khi 20 câu Vọng cổ nhịp 16 gói gọn trong 2 dĩa. Mỗi mặt qui định là 3 phút (không dư một giây). Dĩa 1, mặt A: Rao, và câu 1, 2, 3 và 4, mặt B: câu 5, 6, 7, 8, 9, 10. Dĩa 2, mặt A: câu 11, 12, 13, 14, 15 câu, mặt B: 16, 17, 18, 19, 20.
Phần đông nhạc sĩ phải đàn đi đàn lại nhiều mới xong một mặt dỉa. Riêng ông Sáu Tửng, ông canh trường tống (tempo) rất chính xac. Chỉ một keo là ăn tiền.
Ông sống nghèo tại hẻm Taberd (Nguyễn Du). Có lần tôi đề nghị ông để tôi nhờ Bác sĩ quen thân (Bác sĩ Phạm kim Tương) giúp ông cai á phiện. Ông đáp lại tôi bằng một câu xanh rờn: “Vĩnh Bảo phải biết, Sáu Tửng sống là để hút và đàn”.
Không bao giờ tôi quên được lần cuối cùng găp ông tại nhà may Nguyễn văn Phú ở đường d’Ormay Sàigòn vào năm 1980. Đêm ấy có tổ chức đàn ca tận trên lầu bốn. Thính giả phần đông là cao tuổi và tri âm. Tay đờn thì có nhạc sĩ Thanh Tuyền đàn Kìm, Tư Huyện đàn Cò và violon, tôi đàn Tranh, 2 Cô Thanh Trang và Thanh Hoa ca. Sở dỉ không mời ông Sáu Tửng vì anh em ngại cho sức khỏe của ông.
Nhưng bất ngờ ông tự động đến, vạnh bên là cô ca sỉ Huệ Nhi dìu ông lên lầu. Gặp ông tôi rất mừng bởi có tay đàn ưng ý. Nhưng vì thương và lo cho sức khỏe của ông, tôi trách ông đến làm chi. Trước mặt mọi người ông nói: Dù không đựoc mời, nhưng tối cố gắng đến cốt là để nghe Vĩnh Bảo đàn. Tôi đỡ lời: anh Sáu, anh có lạ gì với tiếng đàn của tôi?. Bắt đầu đàn, ông ôm đàn Kìm rao trước, Tranh, violon cùng rao theo, cô Thanh Trang nói lối. Khi vào Vọng cổ, Ông ngưng đàn, nghẻo đầu tựa vào vành đàn, nhắm mắt nghe. Tôi thầm nghĩ rằng từ đây sẽ không còn dịp nghe tiếng đàn Sáu Tửng hay cùng hòa đàn với ông nữa. Đúng vậy, một tuần sau nghe tin ông qua đời ….
Tôi quen với ông từ năm 1930 tại Cao lảnh. Nhửng dịp theo gánh lên hát ở Nam vang vào năm 1935, 1936, ông đến nhà tôi gần như hằng đêm sau khi vãn hát. Giữa ông và tôi có nhiều kỷ niệm khó quên.

Soạn giả Viễn Phương kể:
Nhạc Sư Sáu Tửng, đàn kìm.
(http://www.cailuongvietnam.com/modules.php?name=News&op=viewst&sid=1871)Ông Sáu Tửng, tên thật là Huỳnh Văn Sâm, thân phụ của nhạc sĩ tân nhạc Huỳnh Anh và nữ ca sĩ Bạch Huệ.
Nhạc sĩ tân nhạc Huỳnh Anh là một tay trống hữu hạng, từng là nhạc trưởng ban nhạc ở các vũ trường Paramount (Chợ Lớn), vũ trường Kim Sơn, Arc en Ciel... Anh đã sáng tác bản nhạc "Mưa Rừng", bản nhạc chính trong vở tuồng cùng tên "Mưa rừng" của Hà Triều - Hoa Phượng.
Huỳnh Anh định cư ở Mỹ, có nhiều nhạc bản được thu thanh thu hình trên băng vidéo Thúy Nga.
Nữ ca sĩ Bạch Huệ là một danh ca cổ nhạc, chuyên ca những bài bản theo đúng mẫu mực cổ truyền. Cô Bạch Huệ không đi hát trên sân khấu cải lương mà chỉ ca trong các Ban tài tử cổ nhạc. Cô được các lò cổ nhạc mời làm giáo sư thị phạm, dạy ca các bản "Ba Nam, Sáu Bắc, Bảy Bản, Bát Bản" khi cô Ngọc Ánh mất, cô Bạch Hụê được mời làm giáo sư trường Quốc Gia Âm Nhạc, dạy ca cổ thay cho cô giáo sư cổ nhạc Ngọc Ánh.
Ông Sáu Tửng, quê ở tỉnh Gò Công. Cái tên Hùynh Văn Sâm thì còn xa lạ với các nhạc sĩ và cả khách mộ điệu cải lương, nhưng chắc chắn là các nhạc sĩ cổ nhạc và khán giả cải lương, những người thích đọc báo trang kịch trường đều biết và ái mộ người nhạc sĩ mang tên Sáu Tửng.
Sở trường của ông Sáu Tửng là đờn cây đàn Kìm và đàn Sến. Ông chỉ dùng hai ngón trỏ và giữa tay trái để bấm dây bỏ ngón thay vì phải bấm bốn ngón như mọi người, tuy vậy vẫn nhanh nhẹn, tiếng đờn sắc sảo như người dùng 4 ngón để bấm phím.
Ông chuyên đàn Kìm chánh cho một số đoàn hát "Đại Ban" như Văn Hí Ban, Võ Hí Ban, Phước Cương, Trần Đắc, Hồng Nhựt, Phụng Hảo. Ngoài ra, ông còn đàn thu dĩa nhựa cho rất nhiều hãng dĩa: hãng Asia, Hồng Hoa, Lam Sơn, Continetal, Capitol, Quê Hương, Hoành Sơn, Tứ Hải... và đặc biệt các băng nhạc hòa tấu cổ nhạc Nam Bình 1, Nam Bình 2...
Thường thường người ta nhớ tên danh ca và bài ca, ít ai nhớ người nhạc sĩ nào đã đàn bản nhạc đó, dù nhờ ca bản nhạc đó mà ca sĩ nổi danh là danh ca. Người ta nhớ: "Sầu Vương Biên Ải" dĩa Hoành Sơn, tròng trắng chữ xanh do nghệ sĩ Út Trà Ôn ca, không nhớ dàn đờn cổ nhạc là những nhạc sĩ nào.
Anh Hồ Trường An khi viết về các danh ca làng dĩa nhựa cũng chỉ ghi:
- "Bóng chàng kỵ sĩ" dĩa Asia tròng đỏ chữ vàng do nghệ sĩ Thành Công ca.
- "Vó Ngựa Truy Phong" dĩa Tri Âm tròng trắng chữ xanh với các cô Bảy Phùng Hỵ, Tư Thanh Tùng, Kim Cúc và các nghệ sĩ Ba Vân, Năm Châu.
Nhưng nếu ai muốn biết tên nhạc sĩ thì truy nguyên, dò từ tên ca sĩ thì cũng có thể biết một phần nào. Vì một lẽ dễ hiểu là các danh ca thường thường chọn một nhạc sĩ bậc thầy ruột của mình để đờn cho mình hát hay ca dĩa, để nhờ người nhạc sĩ nầy luyện giọng, đưa hơi, giữ nhịp giúp cho. Tôi còn nhớ hễ vở tuồng hát nào mà cô Bảy Phùng Há có vai thì đàn kìm chánh nhất định phải là Sáu Tửng...
Cũng y như vậy các trường hợp sau đây:
- Ca sĩ Thành Công ca dĩa thì phải có Hai Long đàn Guitar mando...
- Hữu Phước ca thì phải có Ba Thu đàn Kìm, Ba Tý đàn tranh.
- Cô Kim Thoa hát sân khấu hay ca dĩa, đàn kìm chánh phải là anh Ba Diệp (thân phụ của nghệ sĩ Diệp Lang).
- Văn Hường ca dĩa thì phải có Văn Vĩ đàn guitare và Năm Cơ đàn kìm.
- Thanh Nga ca thì phải có nhạc sĩ Út Trong đàn kìm...
Tất nhiên là còn nhiều nhạc sĩ đàn chung vì có sự ăn ý rập ràng giữa các nhạc sĩ với nhau nữa thì tiếng đàn mới có nét đặc biệt, độc đáo như Năm Cơ (đàn kìm) hòa tấu với Văn Vĩ đàn guitare. Nhạc sĩ Năm Vĩnh đàn kìm đờn quăng bắt rất hay với nhạc sĩ Hai Thơm đàn violon... Nhạc sĩ Sáu Tửng, đờn kìm hòa tấu rất ăn ý với nhạc sĩ Chín Trích, đàn cò và nhạc sư Vĩnh Bảo, đàn tranh. Có khi thì thay ông Vĩnh Bảo là nhạc sĩ Bảy Bá Viễn Châu đàn tranh.
Năm 1950, ông Sáu Tửng cùng với các anh Duy Lân, Tám Thưa, Việt Hùng, cô Tư Bé và nhạc sĩ đàn cò và violon Tư Huyện sang Pháp đàn thu vào dĩa mang nhãn hiệu KIM KHÁNH (Chủ nhân là ông Bầu BA QUAN, chủ tiệm hột xoàn Ba Quan ở Chợ Cũ, Sài Gòn).
Năm 1960, ban đêm, nhạc sĩ Sáu Tửng đàn cho gánh hát Phụng Hảo của ông Bầu Nhơn; ban ngày ông Sáu Tửng cùng với hai nhạc sĩ Ba Dư (đàn tranh) và Chín Trích (thân phụ của nghệ sĩ Tú Trinh) đàn cò, lập thành ban cổ nhạc, chuyên đờn đệm cho lớp dạy ca cổ nhạc của trường Quốc Gia Âm Nhạc & Kịch Nghệ Sài Gòn, phân khoa Nghệ Thuật Sân Khấu.
Ông Sáu Tửng có một lối đàn rất độc đáo. Câu đàn được ông sắp chữ, sắp nhịp rất là sắc sảo, tạo ra một lối đàn lôi cuốn, quăng bắt, ra vô mạch lạc. Có những lúc đang khi đàn, ông lại ngưng nghỉ, để cho các cây đàn khác hòa tấu với nhau, rồi bất thần ông cho tiếng đàn kìm nhào đại vô với tay tim nghịch, tạo ra những âm thanh lạ tai, khiến cho bản đàn đang đàn thêm duyên dáng, hấp dẫn. Những nhạc sĩ nào đờn yếu nhịp hoặc lúc đờn tinh thần lơ đãng thì rất dễ bị rớt nhịp sai câu đồn. Đây không phải là cách đàn phá nhau mà là một sự ngẫu hứng, tạo ra những chữ đàn mới lạ, tạo ra tiết tấu, âm điệu hấp dẫn hơn. Người ta sẽ nhận thức ra lối đàn độc đáo của Sáu Tửng qua bản Ngũ Đối Hạ, Lưu Thủy Trường với tiếng đàn cò của Chín Trích, tiếng đàn tranh của Vĩnh Bảo, trong băng cổ nhạc Nam Bình 1.
Lối rao độc chiến đàn kìm trước khi vô vọng cổ và đàn chầu sau câu số 2 cũng khó có nhạc sĩ nào đờn bằng nhạc sĩ Sáu Tửng.
Ông Sáu Tửng cũng nổi danh là tay đàn Sến có một không hai.
Đặc tính của đàn Sến là có 13 phím, 2 dây, (sau này cải tiến 3 dây). Âm thanh của đàn Sến nghe trầm đục. Lối đờn đàn Sến thường phải dùng tiết tấu nhanh, đờn chạy chữ lẹ. Có đoạn tay tim đánh liên hồi gọi là Reo (trémolo) ở khoảng gần cuối câu để chuẩn bị qua câu sau, do đó có tính chất hùng hồn chớ không êm dịu như đàn kìm.
Điều lạ là gần như danh cầm nào cũng thích chuyên luyện hai loại đàn có tính đối nghịch nhau như ông Hai Phát: đàn cò và đàn Tam (âm thanh, âm hưởng, tiết tấu của hai cây đàn đó khác nhau).
Ông Sáu Tửng thì đàn kìm, khoan thai, sâu lắng, khác với tính chất đàn nhồi chữ dồn dập như khi ông đàn Sến.
Năm Cơ cũng chuyên hai cây đàn Kìm và đàn Sến.
Ông Tư Huyện thì đờn cây violon và thổi ống tiêu.
Sau vãng hát, khi hừng chí, ông Sáu Tửng ôm đàn, tự đàn cho một mình ông thưởng thức, tiếng đàn nhẹ nhàng, khoan thai... dây tơ rung động, sâu lắng nghe như hạt sương rơi, nghe như cơn gió thoảng...
Tôi nằm gần bên, lắng nghe lây cái buồn man mác, không tài nào ngủ được. Tôi chợt nhớ một giai thoại kỳ thú giữa người nhạc sĩ tài ba nầy và một nhà thơ lớn của thi ca Việt Nam: thi sĩ Xuân Diệu.
Theo lời kể của anh Năm Châu, thi sĩ Xuân Diệu có một thời gian ở nhà gần hãng xăng Mỹ Tho. Có lẽ lúc đó Xuân Diệu làm công chức trong Tòa số tỉnh Mỹ Tho (khoảng năm 1939 - 1940). Một đêm trăng sáng, thi sĩ Xuân Diệu mời anh Năm Châu, cô bảy Phùng Há và ông Sáu Tửng đến nhà chơi, hàn huyên tâm sự, ngâm thơ và đàn ca cho nhau thưởng thức. Tiếng đàn kim của ông Sáu Tửng đã làm cho Xuân Diệu sửng sốt, đê mê... Thi sĩ xuất thần, lấy bút tàu, chấm mực viết ngay trên thùng cây đàn kìm của Sáu Tửng mấy câu thơ:
Trăng nhập vào dây cung nguyệt lạnh,
Trăng thương, trăng nhớ, hỡi trăng ngàn
Đàn buồn, đàn lặng, ôi đàn chậm,
Mỗi giọt rơi tàn như lệ ngân.
Ông Sáu Tửng rất quý cây đàn kìm đó, cây đàn thùng bằng gỗ trắc, mặt đàn bằng ván cây Ngô đồng, với bài thơ xuất thần của Xuân Diệu "...Đàn buồn... đàn lặng... ôi đàn chậm.. Mỗi giọt rơi tàn như lệ ngân..."
Danh cầm Sáu Tửng và thi sĩ Xuân Diệu đã ra người thiên cổ, không biết trên thiên đàng hay ở cõi non bồng nước nhược nào đó, hai ông có còn dạo đàn và ngâm thơ cho nhau thưởng thức nữa không.
Kính nhớ những bậc thầy không bao giờ nguôi.

TheDeath
06-01-2009, 01:12 PM
Có nghe tới nhân tài bắn bi chưa? Hồi nhỏ TheDeath có một thằng hàng xóm bắn bi rất tài... Có thể để hòn bi xa khoảng 4 hoặc 5 met mà nó bắn vẫn trúng! Mà giờ quên nó mất tiêu rồi!

Hehe! Phá PP một chút chơi!

phanphuong
15-01-2009, 05:23 PM
Chú hàng xóm của TD có thể gọi là thần bi! =))
---
Một đời với quân tử cầm (http://www.cailuongvietnam.com/modules.php?name=News&op=viewst&sid=1649)
Ngày xưa, dàn nhạc ngũ âm trong cung đình theo phong cách “tứ tuyệt” (kìm-cò-tranh-độc) hay “ngũ tuyệt” (kìm-cò-tranh-độc-sáo), cây đàn kìm vẫn đóng vai trò chủ đạo. Khi đờn ca tài tử cải lương Nam bộ xuất hiện, cây đờn kìm vẫn giữ vị trí “độc tôn” này. Các bài bản cải lương đều dựa vào những chữ nhạc chính từ cung-bậc của đờn kìm. Những ai học hát, học ca hay đờn các loại nhạc cụ khác cũng dựa vào nền tảng âm nhạc của đờn kìm.. Cây đờn kìm chính là “thầy” của người hát và còn được tôn vinh là “quân tử cầm”. Như một cái “nghiệp”, NSƯT Ba Tu- người con của cái nôi đờn ca tài tử Long An đã chọn cây đàn kìm và theo gần trọn cuộc đời...
NSƯT Ba Tu lâu nay được giới những nghệ nhân xem là “đệ nhất danh cầm- chuyên đàn kìm”... Hiện nay, ngón đờn của ông khó ai có thể vượt qua. NSƯT Ba Tu được sinh ra trong thời kháng chiến chống Pháp. Xã Tân Lân, huyện Cần Đước ngày ấy là một xã nổi tiếng với những ngón đờn và lời ca. Trong những dịp lễ hội ở đình, chùa đều có đoàn hát bội địa phương biểu diễn... Sống trong môi trường ấy đã góp phần hình thành trong ông máu mê nghệ thuật. Gia đình nông dân, có của dư của để, ông đã được ưu tiên học với một người thầy mà đến bây giờ, ông vẫn ngầm biết ơn người đã khai sáng con đường mà ông đã theo đuổi sau này- Thầy Chín Phàn. Từ đây, hễ sau thời gian học là NSƯT Ba Tu lại chú tâm vào học đàn, niềm say mê khó thể tách rời.

Rồi chiến tranh ngày một ác liệt hơn, nghệ sĩ Ba Tu rời quê hương, tiếp tục con đường âm nhạc của mình trên đất Sài Gòn. Ông nhớ lại: “Hồi đó, người ta quý cải lương lắm. Tôi đã tìm được nơi để có thể tiến xa hơn nữa trên con đường nghệ thuật nhưng cũng bước vào chặng đường đầy gian nan”. Nghệ sĩ đã gia nhập đoàn “Tiếng vang Thủ đô”, lưu diễn khắp nơi. Tuy “Tiếng vang Thủ đô” không phải là một đoàn lớn, nhưng những năm tháng ở đây đã giúp ông trang bị thêm cho mình những kiến thức cần thiết. Sau đó, nghệ sĩ về đoàn Phước Thành, Minh Tơ, sau 1975 là Sài Gòn 3 và kế đó là Nhà hát Trần Hữu Trang cho đến lúc về hưu.

Dù chuyên đàn kìm, nhưng một điều thú vị là cả cò, tranh, sến, guitare phím lõm... nghệ sĩ Ba Tu đều khá thuần thục, thuộc vào bậc “lão làng”. Đã bước vào tuổi “thất thập”, ông vẫn luôn ước mong là truyền lại thật nhiều cho các nghệ nhân, đặc biệt là các bạn trẻ, để họ nắm được cách đàn từ căn bản đến nâng cao, đặc biệt là các “độc chiêu” làm ông thành danh. NSƯT Ba Tu về TP.Cần Thơ hàng tháng trời để hướng dẫn cho các nghệ nhân chơi tài tử ở đây. “Ai thích học đến đâu, tôi sẵn sàng dạy đến đó, miễn sao giúp cho họ tiến xa hơn trong nghề nghiệp, để góp phần làm cho nghệ thuật cải lương ngày một hưng thịnh trở lại, với lại cũng là niềm vui tuổi già...”.
Ai đã một lần nghe NSƯT Ba Tu dạo lên tiếng đàn với những điệu buồn da diết, nghe ông kể về những kỷ niệm gắn bó với cây đàn, sẽ hiểu được vì sao ông đã gắn bó cả đời mình cho cây “quân tử cầm”. Cả cuộc đời nghệ sĩ, ra đi với chiếc đàn kìm, đến khi về già vẫn gánh trên vai chiếc đàn ấy với tâm nguyện đem những kiến thức thu thập cả đời truyền đạt lại cho lớp hậu sinh.

Phan Phuong
16-01-2009, 11:42 AM
http://www.baobinhduong.org.vn/uploadfiles/tu_con839.jpg
Nghệ sĩ ưu tú Tư Còn tên thật là Nguyễn Văn Còn sinh năm 1935 tại tỉnh Bình Dương. Hiện nay là hội viên Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Dương - Chủ nhiệm CLB Đờn ca tài tử Trung tâm VHTT Bình Dương.
Được tắm gội bởi bao lời ru, câu hò, điệu lý của miền cây trái sông nước Bình Dương hiền hòa, tươi đẹp, thuở nhỏ, trong tâm hồn “Cậu bé Tư Còn” không lúc nào ngơi những cung bậc ngân nga của tiếng đàn, bài bản câu ca của quê nhà. Cứ gọi là khăn gói tìm thầy cho thỏa lòng đam mê âm nhạc - Cậu bé Tư Còn tìm đến mảnh đất Sài Gòn hoa lệ để làm quen với cây đàn kìm từ năm 1947 đến năm 1950.

Như cá gặp nước, tiếng đàn kìm của Tư Còn cứ theo thời gian thỏa thuê, vẫy vùng bay lên làm say đắm bao lòng người hâm mộ sân khấu cải lương lúc ấy. Năm 25 tuổi chàng trai Tư Còn đã làm nhạc trưởng các đoàn cải lương đại ban như Thanh Minh - Thanh Nga, Hoa Đăng Quy Sắc.
Sau ngày đất nước thống nhất 1975, nghệ sĩ Tư Còn về công tác tại Đoàn Văn công Sông Bé (Bình Dương) với chức danh tổ trưởng bộ môn sân khấu cho đến năm 1985 và từ năm 1986 đến nay, ông là ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Dương. Với 45 năm hoạt động liên tục, nghệ sĩ Tư Còn đã được kết nạp vào Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam và nhận rất nhiều bằng khen, huy chương của địa phương và Trung ương.

Về thành tích cá nhân, nghệ sĩ Tư Còn được Bộ Văn hóa - Thông tin phong tặng danh hiệu Danh cầm toàn quốc 1978 - Huy chương bạc độc tấu đờn kìm toàn quốc 1988 - Huy chương bạc tài năng diễn tấu toàn quốc 1992 - Huy chương vàng độc tấu đờn kìm toàn quốc năm 1993 - Huy chương vàng giải đờn hay năm 2000 do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức. Từ năm 2002 đến nay, nghệ sĩ Tư Còn được mời tham gia Ban tư vấn hoặc Ban giám khảo các cuộc thi tài tử cải lương do tỉnh Bình Dương và Trung ương tổ chức.

Về thành tích tập thể, nghệ sĩ Tư Còn được Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương cử làm đội trưởng đội đờn ca tài tử dự thi liên hoan toàn quốc do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức tại TP.HCM năm 2000 đạt giải nhất - năm 2002 đạt giải ba toàn đoàn. Năm 2003 ông tiếp tục lãnh đạo đội đờn ca tài tử của Sở VHTT Bình Dương dự thi toàn quốc tại Bạc Liêu đạt luôn huy chương vàng toàn đoàn.

Chính phẩm chất đạo đức, sự cống hiến và thành tích mà nghệ sĩ Tư Còn đạt được đã đem lại vinh danh cho cả nước nói chung - cho tỉnh Bình Dương nói riêng. Từ đó, tên tuổi Tư Còn Bình Dương được nhiều người mến mộ tài tử cải lương trong cả nước biết tên. Và cũng từ đấy, Hội đồng nghệ thuật tỉnh Bình Dương quyết định đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ sĩ ưu tú” năm 2006 cho nghệ sĩ Tư Còn.
NGUYỄN THĂNG LONG

Nguồn (http://www.baobinhduong.org.vn/detail.aspx?Item=16490)



Nghệ nhân Tư Còn: Sắc ngọt ngón đàn kìm (http://www.tienghatquehuong.net/NghenhanTuCon.htm)

Trong dàn nhạc đờn ca tài tử Nam bộ, đàn kìm là loại nhạc cụ quan trọng nhất, thể hiện được nhiều tính năng đa dạng. Những cung bậc phức âm của đàn kìm ngân vang tạo nên những sắc thái tình cảm khác nhau. Đàn kìm còn có vai trò giữ nhịp cho người ca. Hiện trong giới dàn nhạc tài tử còn nghệ nhân Tư Còn, một cổ thụ nổi danh mấy mươi năm qua. Giờ đây, đã 70 tuổi đời, 60 tuổi nghề, ông vẫn có mặt trong các chương trình liên hoan đờn ca tài tử. Đôi mắt vẫn chăm chú theo dõi động tác, điệu bộ người ca, đôi tay khảy thoăn thoắt vào dây đàn đưa dàn nhạc đi vào bài bản thích hợp. Nghệ nhân Tư Còn cho biết: “Để chơi đàn kìm hay, tôi phải học các làn điệu của đờn ca tài tử như: nam xuân, nam ai, đảo ngũ cung, liêu giang, kim tiền bản… để từ đó sáng tác ra cách đánh độc đáo riêng. Người chơi đàn kìm còn phải biết linh hoạt, có trường hợp còn “cứu nguy” cho người ca lỡ nhịp hoạt chênh, người đánh đàn kìm phải biết “lấp khẩu”, nghĩa là tiếng đàn khéo léo làm át đi những chỗ sai sót của người ca”.

Giáo sư nhạc sĩ Tô Vũ nhận xét: “Tiếng đàn của nghệ nhân Tư Còn ẩn chứa sâu lắng những âm điệu của âm nhạc dân tộc, nhưng cũng rất hoa lá”. Ngoài các giải thưởng cao trong các đợt liên hoan diễn tấu nhạc cụ dân tộc, ông còn vinh dự được Hội Âm nhạc Việt Nam tặng thưởng danh hiệu “Danh cầm toàn quốc”.
Lên 10 tuổi học đàn kìm, có khiếu lại được theo học hai nghệ nhân đàn nổi tiếng Tám Quốc, Út Búng nên ông thạo nghề rất nhanh. Ngoài ngón đàn kìm độc đáo ông còn học thêm đàn ghi ta phím lõm, đàn bầu, đàn tranh. Từ tuổi 25 ông đã trở thành nhạc trưởng của các đoàn cải lương Minh Cảnh, Kim Chung (1960-1962); Thanh Minh-Thanh Nga, Hoa Đăng-Hương Sắc (1963-1972). Tiếng đàn trầm bổng của ông đã hòa quyện vào giọng ca ngọt ngào của các ngôi sao sân khấu như: Thành Được, Hữu Phước, Thanh Nga, Thanh Sang…
Những năm gần đây, không chỉ biểu diễn, ông còn dạy đàn, dạy ca tài tử cải lương tại tư gia. Nhiều học trò của ông đã đạt giải cao trong các đợt thi tuyển chọn giọng ca cải lương do Hội Sân khấu TPHCM tổ chức và trở thành diễn viên ở các đoàn cải lương: Nguyễn Phước Trọng, Đặng Phú Đức, Nguyễn Thị Kiều My, Trương Mộng Hùng, Ngân Huệ, Nguyễn Mộng Tuyền... Hiện nay, nghệ nhân Tư Còn là trưởng ban nhạc đờn ca tài tử của Đài Phát thanh-Truyền hình Bình Dương.

Nghệ nhân Tư Còn phấn khởi cho biết: “Tôi cảm thấy rất vui khi nhìn thấy nhiều bạn trẻ không những ca hay, đàn giỏi mà hiểu biết rất sâu sắc những kiến thức về âm nhạc đờn ca tài tử”.

PHƯƠNG LINH

phanphuong
23-01-2009, 11:58 AM
Được xem là một trong những "công thần" của dòng nhạc tài tử. Với tác phẩm "Bản đờn kìm" được nhiều nhà khảo cứu nhắc tới.
Giờ tư liệu chỉ còn vài dòng trên Internet qua lời kể của "tay chơi" học giả Vương Hồng Sển:
" Bản đờn kìm của Nguyễn-Tùng-Bá. Tập thứ nhứt, mất, là tập bản đờn kìm của ông Nguyễn-Tùng-Bá, gồm lối hai-mươi bài ca dạy đờn kìm xuất bản trước năm 1923. Lúc nhỏ, tôi từng biết mặt ông Nguyễn-Tùng-Bá khi ông “thả cầm thi” xuống chợ Sốc-Trăng ngồi dạy đờn. Ông trắng người, dỏng dảy mảnh khảnh đẹp trai, đầu tóc đen huyền, nhưng tóc bới theo xưa hay cắt ngắn nay tôi không nhớ chắc, tánh phong lưu luôn luôn thích ngậm xi-gà, khi khác hút thuốc bao xanh “Bastos” thứ không cắt đầu để y nguyên tra điếu thuốc trong ống đót bọt nước và thỉnh thoảng gật gù vừa dạy đờn vừa nhắp ly cổ-nhác “sec”. Ông dạy cho biết và hòa ăn nhịp được một bản Tứ-đại, ông nhận công năm đồng bạc, trong khi ấy cơm nước ăn ở tại nhà người học đờn, và phải nhớ cung phụng sang trọng có rượu Tây có đồ nhắp vĩ vèo nhé! Năm đồng bạc lúc ấy không phải nhỏ, thêm cơm nước hầu hạ nên người ta ngán... học không bao nhiêu.
Nguyễn-Liên-Phong. Nguyễn-Tùng-Bá là một phong-lưu tài-tử, dân Sài-Gòn, con ông Nguyễn-Liên-Phong, tác-giả bộ “Điếu-cổ hạ-kim” thi-tập, in năm 1915. Ông Nguyễn-Liên-Phong cũng là tay đờn danh tiếng như Nguyễn-Tùng-Bá. Năm ông Bá xuống Sốc-Trăng có truyền nghề đờn tranh cho Cậu Hai Nguyễn-Văn-Vinh, cựu xã-trưởng, đại điền-chủ ở làng Hòa Tú. Trước khi về Sài-Gòn ông Bá để lại cho Cậu Hai Vinh với giá bảy chục đồng bạc lớn, một cây tỳ-bà thùng trắc nguyên cây móc ruột, mặt ngô đồng cổ lên nước thâm đen, phím toàn ngà, đầu đờn chạm dơi tuyệt khéo, tiếc thay về sau cây tỳ-bà quí nầy không biết về tay ai, ngày nay một trăm ngàn bạc có thể kiếm được chớ cây đờn tỳ Nguyễn-Tùng-Bá kiếm đỏ mắt không ra. Ông Nguyễn-Văn-Vinh học được nghề đờn của Nguyễn-Tùng-Bá về sau đó có truyền lại như anh Bỉnh là bạn học của tôi lúc nhỏ. Bỉnh chết năm nào tôi không nhớ. Còn Cậu Hai Vinh, về sau làm ruộng thất bại, gia-đình suy vi, Cậu Vinh mất, vợ con ly tán, sự-nghiệp tiêu điều, cây đờn mất tích, thật là rất uổng..."
PP nghĩ nếu có ai đó giữ một bản của quyển sách này thì cũng giấu thin thít, cứ để cho thời gian, mối mọt làm phôi phai chứ chẳng thèm chia sẻ cho những người yêu mến tài tử đâu! Họ là thế! :boss:

hoalans
24-06-2011, 09:08 PM
Hình như ông Văn Còn ở trên không phải là người sáng tác ra dây Ngân Giang thì phải. Vậy có tới 2 nhạc sĩ có tên là "Văn Còn" hả pp?