PDA

View Full Version : Óc thán thưởng là gì?


raykid2
01-01-1970, 07:00 AM
Óc thán thưởng là gì?
Một tư tưởng gia tây phương ( Aristote) có nói: “Tất cả mọi người đều ao ước có nhiều hiểu biết. Nhưng muốn hiểu biết, điều kiện đầu tiên là phải nhìn đời với cặp mắt của đứa trẻ thơ : cái gì cũng mới lạ, cái gì cũng có thể làm cho ta ngạc nhiên được cả”. Đừng để thành kiến chi phối tâm trí mình, bất cứ là thứ thành kiến nào, tốt hay xấu.
Biết ngạc nhiên , biết nhìn đời bằng cặp mắt mới lạ…đã giúp cho các đại triết gia sáng lập nhiều triết thuyết vĩ đại, các đại khoa học gia phát minh ra nhiều điều kì vĩ: Newton tìm ra luật “Vũ trụ hấp dẫn” trong khi ông nhìn thấy quả táo rụng; Denis Papin tìm ra sức mạnh của hơi nước sôi làm nảy nắp bình…điều mà chúng ta cũng thường thấy xảy ra hằng ngày.
Sự quen thuộc dễ làm cho ta ko nhận thấy được cái hay cái đẹp của những cảnh vật mà chúng ta thường chứng kiến hằng ngày. Người ngoại quốc đến xứ ta, thấy biết bao điều lạ mà chính ta ko để ý đến.
Hãy biết phản ứng ngay với những thói quen nhìn xem và suy nghĩ cảm giác tiêu cực ấy, đó là bước đầu đi vào triết học. Phải biết xem xét sự vật chung quanh ta với cặp mắt của người xứ lạ. Bấy giờ ta sẽ thấy đời đổi khác với nhiều tư tưởng bất ngờ mà xưa nay ta chưa từng nghĩ đến. Nhà văn Lamennais có viết: “Tất cả mọi người đều đã nhìn thấy cái mà tôi nhìn thấy, nhưng họ không nhận thấy được những gì tôi đã nhận thấy”.
Đừng có mặc cảm rằng dưới trời không còn gì mới lạ cả, và cái gì ta gọi là mới lạ, kẻ khác đã thấy và đã nói rồi. Phải biết mỗi người có cái nhìn không ai giống ai, và đó chính là khía cạnh của thiên tài khiến cho đời ta có nhiều hứng vị.
Ta phải nhìn đời với cặp mắt mới mẻ, với những giác quan tinh tế của một kẻ đau liệt trên giường bệnh vừa mới khỏi bệnh và đặc biệt tiếp xúc với ngoại giới mà bấy lâu nay bị gián đoạn. Ánh sáng, màu sắc, không khí, …cả thảy đều mới lạ !
Nói thì có hơi như là ngụy biện , nhưng thật sự thật cần phải quả quyết rằng : cái đức đầu tiên của nhà triết học là phải có cảm tưởng rằng như mình không hiểu biết gì cả, và đòi hỏi sự vật chung quanh phải trả lời cho ta rõ…cái ý thâm sâu huyền bí của nó.Nhũng kẻ tự tôn tự đại cho rằng việc gì trong đời đang xảy ra chung quanh chả có nghĩa lý gì cả, họ sẽ bước lên đường đời … như người sống saychết ngủ. Thật đáng thương hại biết chừng nào !
Socrate, một hiền giả Hi Lạp nói :” Điều mà tôi biết nhiều nhất và rõ nhất trong đời tôi là tôi không biết gì cả”. Ông lại còn nói:”Không có sự ngu dốt nào nhục nhã bằng tin tưởng rằng, mình đã hiểu những gì mình chưa thật hiểu”.
Khổng Tử bên trời Đông cũng quả quyết “tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri dã”. Cái gì biết thì biết là mình biết . Cái gì mình chưa biết thì cũng biết là mình chưa biết, đó là biết vậy.
Bậc thánh trí là những hạng người khiêm tốn, họ biết rõ những gì họ biết, nhưng đặc biệt nhất, họ cũng biết rõ những gì họ chưa thật biết, hoặc biết một cách chưa rõ ràng, để mà tìm tòi học hỏi kì đến thật biết mới thôi. Đó là chỗ bậc thánh trí khác xa với thường nhân. Thái độ tinh thầnh ấy rất khác với những người “tri thức nửa mùa” ngày nay chúng ta, hạng người mà “cái gì cũng biết , nhưng không có cái gì thật biết cả”. Cái tính tự phụ ấy khiến cho một số thanh niên ngày nay hấp thụ được cái học phổ thông”cái gì cũng biết nhưng không có cái gì thật biết”, trở thành ngạo nghễ, tự phụ đến nỗi tự xem mình là trung tâm của sự hiểu biết, lên án phê bình tất cả, xem trời đất rất nhỏ , thiên hạ không người , và chỉ thấy có mình là trên hết. Nhà văn Joubert đã phải than: “ Nếu bạn có những gì nghi ngờ, không rõ lẽ, hãy hỏi các bạn thanh niên: họ biết tất cả!”. Đó là hậu quả của cái học ôm đồm của lối học nhà trường ngày nay, cái lối học “bách khoa” của chương trình giáo dục hiện thời, một chương trình không làm sao cho một trí óc tầm thường có đủ thời gian tiêu hoá .
Đối với những bộ óc “thông minh” theo kiểu kể trên sẽ không có gì mới lạ, cái gì cũng đã biết rồi, nên không còn biết ngạc nhiên nữa. Đó là những bộ óc đã tê liệt bệnh hoạn, không thể còn phát triển gì được nữa.
Jules Lemaitre có nói:” Đứa học trò hay nhất của tôi là đứa không đồng ý kiến với tôi”, tức là đứa hay thắc mắc và dám đặt lại vấn đề cho rõ ràng hơn. Tức là đứa học trò đã biết rất rõ ràngnhững gì nó chưa thật biết rõ. Phần đông chúng ta thường tưởng rằng mình đã hiểu rõ ràng rồi, nhưng khi bắt buộc phải giảng giải ra thì mới biết là mình chỉ nhận thức một cách khái quát, mù mờ. Biết mà không nói ra được một cách rõ ràng khúc chiết những gì mình biết , chưa phải là thật biết( đối với cái học nhị nguyên, cái học khởi đầu bằng lí trí cho một cái học nhất nguyên sau này).
Tóm lại , bước đầu tiên của tư tưởng, của triết học là phải dám hoài nghi, dám đặt nghi vấn trước những vấn đề mà người ta đều xem thường hay tin tưởng rằng mình đã hiểu rõ rồi, hoặc từ xưa đến nay người ta cho là quan trọng, là cần thiết nhất.
Vì vậy một trong những mật pháp của một nền giáo dục sâu sắc không là bảo phải “tin” mà thực sự là phải “ngờ”, tức là phải tập cho người thanh niên sớm biết cái nghệ thuật thán thưởng như Platon đã nói: “L’e’tonement est le commencement de la philosophie”.(Biết ngạc nhiên, đó là nguồn gốc của triết học).
(trích từ một quyển sách của Nguyễn Duy Cần)