PDA

View Full Version : Những kẻ tài hoa ….


phanphuong
25-09-2008, 11:07 AM
Tác giả: Diệp Hồng Phương



1 . Lúa đã phơi tới năm nắng khô rang. Chiều nay người nhà bác Ba Nhẫn xúc lúa vô bao để xếp vào lẫm lúa. Mấy trăm bao lúa đã đuợc chuyển ra sau nhà. Nhơn công lo việc nầy là số bạn mướn công gặt hôm trước. Ai cũng sốt sắng theo “kế hoạch” của bác Ba: chiều nay phải dứt điểm chuyện phơi lúa để chuyển sang chương trình “đờn ca hát xướng”.
- Nè, “cắt ” ra hai đứa xịt nước rửa cái sân phơi cho thiệt sạch nghen. Tối nay mần vịt nấu cháo ngồi nhậu trên sân á. Rửa sạch chớ không người ta ngồi sót đít, đờn ca không ngọt ! – Bác Ba Nhẫn ra lệnh với người nhà.
Con Năm với thằng Sáu -là người phụ việc - nghe bác Ba nói thì dạ một tiếng rồi giao thúng mẹt cho người khác, chạy đi kéo vòi nước. Con Năm gạt cầu-dao, lẹ tay lấy cái chỗi tàu cau bước ra sân. Thằng Sáu xịt nước tới đâu, con Năm quét tới đó. Nước xịt mạnh tràn ra sân cuốn đi nhiều bụi bậm. Con chó Ky thấy lạ sũa “ quấu, quấu” rồi chạy tránh tia nước thằng Sáu xịt qua. Màu đỏ của mặt gạch Tàu lộ dần trên cái sân phơi lúa.
Bác Ba nhìn mặt trời vừa khuất sau hàng cây, thấy ánh nắng chiếu ngược lên tàng lá đã yếu nên nhắc bác Ba gái canh chừng nồi cháo vịt. Hiểu ý chồng, hồi chiều bác Ba gái đã lựa bốn cho vịt mập nhứt, sai con Tám xách ra cắt cổ. Ngay tức thì một nồi nước được đặt lên bếp, dưới đít nồi là cây củi bự bằng bắp chân bén lửa.
Trời sụp tối, ngôi nhà ba gian của bác Ba đã sáng ánh đèn né-on. Ngoài hàng cau hai bóng đèn tròn cũng vừa bật sáng. Lúc đó có tiếng chó sũa rân. Anh Thuận, con trai lớn của bác Ba Nhẫn đưa các “nghệ sĩ ca nhạc tài tử “ về tới. Họ là khách mời mà cũng là những nhân vật chủ chốt cho tiệc vui đêm nay.
Lớn tuổi nhứt là chú Út Thau, chơi đờn kìm. Tóc của chú Ut bạc trắng một phần do cao tuổi, phần nữa có lẽ do chú từng trải cuộc đời. Anh nhạc sĩ cầm cây gui-ta phím lõm là anh Bảy Đờn người nghe nói có ngón đờn giống y nhạc sĩ Văn Dĩ ở mấy cái luyến láy, rảy phím …tê người.
Cô Hạnh ôm cây đàn tranh là cháu bà con bên ngoại của danh cầm Bảy Bá “ vua đờn kìm”, tức soạn giả Viễn Châu, quê gốc Trà Vinh. Cô Hạnh vừa biết đờn tranh vừa có giọng ca rất “sáng”..
Còn lại là Sáu Lơn và Tư Giác là hai anh hàng xóm bạn của anh Thuận tuy không biết ca nhưng…nhậu thì “cứng”.
- Thôi mời ngồi hết nghen ! À để tui đi mặc cái áo - Thấy khách tới, bác Ba mừng hối người nhà - Kìa Tám, con đem chiếu ra trải rồi dọn đồ lên. -Năm à, nói mấy đứa chặt nước đá…Còn mầy ..thằng Sáu mầy đi đong mấy chai rượu cho bác Ba. Má sắp nhỏ ơi, cho cháo ra trước đặng anh em dằn bụng …
Tất cả tuân lệnh bác Ba râm rấp. Con Năm trải chiếu ra sân. Chén đũa được thằng Sáu, con Tám đem lên cùng với hai dĩa gỏi vịt, một nồi cháo nhỏ múc ra từ nồi cháo lớn nghi ngút khói. Hai dĩa bún, hai dĩa giá sống, một thùng nước đá …tiếp tục được bày ra chiếu.
- Mời ngồi, mình nhập tiệc liền ! Chà, chắc anh em chưa kịp ăn cơm chiều ? - Bác Ba mặc bộ đồ py-ya-ma sọc ra vẻ chủ gia vừa thấy sang, vừa thấy thân mật. Khoảng cách chủ-khách như thu hẹp lại. Mọi người ngồi xuống, xếp bằng trên chiếu. Cô Hạnh lẹ tay lấy muỗng, chén múc cháo cho từng người,
- Anh em dùng miếng cháo “đổ nền” trước nghen.. Xin mời tự nhiên. Húp miếng cháo xong, tui rót rượu là mình khai mạc !
Mọi người hân hoan bưng chén lên vừa thổi vừa húp một cách tư nhiên vì tất cả đều đang đói bụng. Hồi chiều khi anh Thuận tới mời, vì nễ tình bác Ba Nhẫn, anh chị em nghệ sĩ vội đi liền. Do nước cạn nên anh em bơi xuồng qua sông rất chậm. Tới bờ thì trễ chuyến xe lôi mọi người đành cuốc bộ. Mệt và đói nên anh em húp cháo” tới tới” là chuyện đương nhiên.
Anh Thuận rót ly rượu khi thấy ba mình vừa đặt chén xuống chiếu. Bác Ba cầm cái ly “mắt trâu” lên đưa giáp một vòng trước mặt mình mời tượng trưng:
- Mời hết thảy anh em mình vui một bữa. Tui làm trước một ly rồi xoay vòng. Còn chuyện đờn ca …thì …thì.. tui xin làm khán giả, tui giao lại con trai tui “điều khiển chương trình”. Xin mời ! - Bác Ba nói xong thì uống cạn ly rượu. Chiếc ly mắt trâu được chuyền qua người bên cạnh, uống xong lại chuyền, lại chuyền, chuyền giáp một vòng vừa tròn bảy ly, hết một xị đúng.
Dưới nha bếp, mọi người cũng tranh thủ ăn lẹ để còn coi ca nhạc. Bác Ba gái thấy mệt trong người nên chỉ ăn qua loa một chén cháo rồi thôi.

Buổi tiệc nhỏ được người nhà bác Ba, số bạn mướn công và bà con hàng xóm tới dự với tư cách khán giả. Họ ngồi chung quanh nghệ sĩ, trên nền gạch Tàu. Riêng thằng Sáu thì leo lên cây mận để coi cho sướng mắt.
Bác Ba gái nằm trong buồng nhưng lắng nghe và nhận xét từng lời ca, tiếng đờn của các nghệ sĩ ngoài kia. Chú Út Thau có ngón đờn kìm chắc từng tiếng một và ôm sát tiếng dây đồng của cây gui-ta do Bảy Đờn đảm trách. Cô Hạnh vừa nhịp song lang vừa ca, tuy còn nhỏ mà lời ca nghe như đã nhuốm mùi đời, chất giọng đắng cay như một người chịu lắm thăng trầm trong cái bể tình yêu nhiều sóng gió.
- “ Duyên kiếp ngăn đôi thôi đành dang dở mộng. Hy vọng ngày xưa thành tuyệt vọng bây …ơ…giờ. Trời đất xa xưa như đổi tiết thay mùa …huống chi mùa Thu không trông lá chết… Bởi kiếp em nghèo … nên anh mới dệt mộng với người ta …”
Bác Ba tuy nói giao cho Thuận điều khiển chương trình nhưng bác vẫn thật sự là người chủ đám tiệc. Nghe lời ca tiếng đờn, nghe bà con khán giả vỗ tay sau mỗi bài ca; bác thấy khoan khoái vô cùng. Vừa ngây ngất với men rượu bác Ba vừa thấy thư giãn tinh thần và quên đi bao lo lắng về mùa màng, thời vụ. Bác nghĩ bụng: Nhà cửa bây giờ lúa đầy bồ, lúa trữ hàng trăm bao PP trong lẫm; heo sắp rã bầy, vịt chạy đồng lớn lẹ như bơm hơi vô đít… Còn lo nỗi gì ? Cứ say sưa một bữa cho quên mấy tháng trời cực nhọc.- Hứng chí bác Ba muốn dợt lại mấy bài ca mà lúc còn xuôi ngược giang hồ bác đã từng chiếm ngôi vị “kép độc” trong các bữa họp mặt cùng anh em bè bạn.
- Bây giờ tui xin…góp với “ anh em nghệ sĩ ” một bài ca cỗ…- Trong người bác Ba rượu đang thấm dần. Càng thấm rượu, có lẽ người ta càng hưng phấn, ca càng hay – Tui ca bài …bài …” Lòng dạ đàn ba “.
Bác Ba gái nằm trong buồng giật thót người:Ong lại nhắc chuyện đời xưa !.
- Bài ca nầy nói chuyện ông vua nước Sở …- bác Ba cười nhẹ – À ông Sở Bá Vương lúc đi dạo thì thấy lúc con cua cái nó lột … thì… thì con cua đực kiếm mồi cho ăn, tới chừng cua đực lột thì con cua cái đi hú hí với con cua đực khác rồi còn dẫn “ tình nhân” về làm thịt con cua …chồng mình. Lòng dạ đàn bà giống như con cua cái đó mấy anh em. Hồi trước tui nghe ông Ut Trà Ôn ca mà thấm tới tận tâm cang …
- Bài nầy của bác Bảy Bá, con biết ! – Cô Hạnh sửa lại vị trí cây đàn tranh chuẩn bị.
Bảy Đờn so dây đờn trong lúc chú Út Thau uống cạn một chun rượu và đưa cay bằng miếng mề vịt dòn dòn dai dai. Cây đờn kìm với mặt gỗ sờn lớp vẹt-ni được chú Út gát lên đùi, ép sát vào lòng. Mấy ngón tay chú nhảy trên hai sợi dây căng thẳng bật ra từng tiếng nhạc khô khan, chắc như hột lúa mới.
- Vua nước Sở một hôm lòng thanh thản.Cởi long bào giả dạng một thường dân…Vác cần câu ra ngồi cạnh thạch bàn. Lòng vương giả mơ màn theo sóng nước…- bác Ba Nhẫn lim dim thả hồn theo dòng hoài niệm của mấy câu nói lối.
Với bác Ba Nhẫn, bài ca cổ nầy là một kỷ niệm chua xót thời bác còn trẻ và … với người vợ trước. Thời đó anh Ba Nhẫn còn chèo chống chiếc ghe mắm đi khắp vùng lục tỉnh đem cá, mắm từ miệt trong lên bán chợ thành. Cuộc sống nổi trôi nhưng đầy thi vị, vì bên cạnh cảnh trời nước hữu tình, anh Ba Nhẫn còn có người vợ bé bỏng đi cùng. Vâng, người vợ rất là bé bỏng luôn tìm ánh trăng lung linh đáy nước, tìm bóng chim tận cuối chân trời chớ chẳng thương yêu gì anh chồng bán mắm chỉ biết gởi gấm tâm sự của mình vào mấy câu ca cổ với cây đờn gui-ta cũ kỷ. Cho đến một hôm, ghe thương hồ chở đầy mắm của anh Ba Nhẫn trở lại cặp bến Ninh Kiều…
Chiều, nước đầy sông.
Bền sông nhộn nhịp, ồn ào.
Chiếc ghe của vợ chồng Ba Nhẫn đã bán hết hàng đang nằm chen trong số mấy mươi chiếc ghe cặp bến. Từ cuối ghe Ba Nhẫn một làn khói bếp bay lên nhè nhẹ. Anh đang lo bữa cơm chiều trước phút lui ghe. Cảnh gạo chợ nước sông như vậy rất là thơ mộng, tình chồng vợ sẽ rất măn nồng nếu như …
Nhưng chuyện tình cảm hết sức phức tạp. Cô vợ trẻ của anh Ba bán mắm đã không trở lại chiếc ghe mắm nghèo của anh mà bỏ đi theo ông chủ vựa cá giàu có. Anh Ba chờ đợi, chờ đợi …Chờ tới khuya, anh Ba Nhẫn thất vọng lui ghe trở lại miệt vườn. Anh hết sức đau, hết sức căm giận.Từ đó anh luôn hoài nghi lòng dạ đàn bà !
Làn hơi trầm trầm của bác Ba Nhẫn cứ là đà nhưng rót vào lòng người nghe một chuỗi u hoài dây dưa không dứt khiến thằng Sáu há miệng ra nhìn lom lom. Tới đoạn ông Vua nước Sở ban chiếu chỉ tặng thưởng cho ai dám giết chồng thì thằng Sáu bậm môi thấy thiệt khó hiểu.
- Chiếu chỉ ban ra chưa đầy một tháng, thì từ những mệnh phụ phu nhân, cho đến những trang thiếu nữ khuynh thành. Họ cắt đầu người yêu đến hòang cung để lãnh thưởng triều đình. Sở vương mới dằn lòng căm giận phê liền chiếu chỉ thứ hai. Ai cam đảm giết vợ nhà thủ cấp đem dâng sẽ được chia nửa giang sơn Sở quốc… - gịong ca của bác Ba Nhẫn lúc nầy như ém hơi lại nhưng chứa chan tình cảm, hình như bác rất xúc động khi nghĩ đến một người xa vắng
Bỏ ghe mắm trở về làng xưa, anh Ba phụ giúp cha mẹ việc ruộng đồng cho tới khi máu giang hồ trỗi dậy, anh giao ruộng cho anh Hai Kiên để đóng ghe vô tận Cà Mau làm nghề khô mắm …. Vài năm sau, anh Ba gặp và thương một người phụ nữ cũng kiếp tha phương cầu thực như anh nên lấy làm vợ. Sau khi cha mẹ anh qua đời, anh Ba mới đưa vợ về quê. Người phụ nữ đó là bác Ba gái bây giờ. Chuyện trước đây của bác Ba, bác đều kể lại cho vợ mình biết hết. Để chứng minh không phải đàn bà nào cũng mang lòng bội bạc, bác Ba gái hết mực thủy chung, chiều chồng, lo cho chồng từng miếng ăn giấc ngủ. Bác gái hiểu rằng, chỉ có như vậy mới níu lại được bước chân phiêu bồng lãng tử của bác Ba...
- Bỗng một hôm có một gã tiều phu cơm chẳng đủ no, áo chẳng đủ lành, đến đền rồng xin vua ban gươm về nhà giết vợ. Vua bèn trao gươm báu và di hành theo gót gã tiều phu. Nhưng về đến nơi, đứng trước mái nhà tranh, nghe tiếng vợ hiền ru con não ruột, anh vội vã buông gươm… Bệ hạ ơi thần cam chịu chết chớ không nở đan tâm giết thác vợ mình…
Cho hay trong đạo vợ chồng, biết ai chung thủy ai lòng bạc đen ..
Bác Ba Nhẫn dứt lời ca ăn khớp với tiếng nhạc cuối cùng của cây đờn kìm và ngay chóc cái nhịp dứt song lang của cô Hạnh.
Mọi người vỗ tay rân trời. Chú Út Thau buông cây đờn kìm gật gù khen làn hơi còn khá tốt của bác Ba Nhẫn. Anh Bảy Đờn ực một ly rượu rồi nhắm mắt lại vừa thưởng thức men rượu cay nồng vừa như muốn nuốt đi cái tâm trạng buồn buồn mà bác Ba vừa gieo vào lòng anh trong giây lát.
Ở trong buồng, bác Ba gái day mặt vào vách thở dài …

2. Vì sao chú Út đờn kìm có tên là Út Thau? Tên trong giấy khai sanh của chú là Trần Văn Ut còn “Thau” là tên ghép lúc chú còn nhỏ sau nầy chú Ut lấy làm “ nghệ danh”. Do gia đình nghèo quá nên thay vì nằm nôi nghe mẹ hát ầu ơ, thằng Ut được mẹ đặt vào chiếc thau nhôm cũ kỷ để anh Hai, chị Ba vừa lắc lắc cái thau nhôm vừa hát ầu ơ câu nọ xọ câu kia chẳng ra bài bản gì cả. Chiếc thau còn gắn với tuổi thơ của chú Ut một kỷ niệm khó quên. Đó là …
Ba của Ut Thau là Tư Xị một bợm nhậu có tiếng trong ấp. Anh Tư làm như có con sâu rượu trong người. Sáng sớm mà chưa uống xị rượu nào là anh Tư kém minh mẫn. Ực một cái “xây chừng” rượu đế vô là anh Tư tỉnh táo tức thì.
Chị Tư chán ngán cảnh nhà cửa rách nát với ông chồng say sỉn liền dẫn con bỏ về bên ngoại. Anh Tư cự nự “ giựt ” được thằng con trai út – tức Ut Thau - lúc đó mới hai tuổi. Thằng Ut đòi theo mẹ khóc quá chừng cho tới khi anh Tư nổi nóng hét một tiếng, nó hết hồn đái ướt quần xà lỏn rồi lặng lẽ vô thau nằm khóc thút thít.
- Nằm im à nghen ! – Tư Sơn bỏ đi nhậu.
Còn một mình thằng Ut trong nhà, nó sợ ma nên nhắm mắt lại, chẳng bao lâu thì ngủ khò. Giấc ngủ của nó là giấc ngủ sợ sệt, tủi thân vừa ngủ vừa nấc lên từng tiếng nghẹn ngào.
Cho tới chiều …
Trời đổ mưa thật lớn. Ngoài sông nước đầy, lại gặp mưa lớn nên nước tràn khỏi mặt mương, rồi bể bờ, nước ào ào tuôn vô vườn, vô nhà Tư Xị vốn có cái nền thấp nhứt ấp. Nước đẩy cái thau nhè nhẹ, lắc lắc rồi từ từ xô cái thau trôi ra khỏi nhà. Theo dòng nước cuốn, thằng Ut và chiếc thau trôi thẳng ra vườn. Mưa ướt mặt nên Ut thức dậy. Trời tối. Sấm chớp kinh hồn. Những tia sáng ngoằn nghèo chạy lẹt xẹt trên nền trời đen. Thằng Ut khóc thét lên. Tiếng khóc của nó chìm trong tiếng mưa xối xuống vườn cây và tiếng gầm gừ của bầu trời. Cũng may, cái thau kẹt lại bên một bụi chuối cho tới lúc má của thằng Ut tự nhiên thấy nóng ruột dầm mưa trở về …
Tuổi thơ của chú Ut sớm “nổi trôi” nên sau nầy lớn lên chú phải trôi theo theo dòng đời với các đoàn hát bằng ngón đờn kìm độc đáo với biệt danh nghệ sĩ Ut Thau.
- Bây giờ tui …à tui …độc tấu một …khúc “ Phượng cầu hoàng ” nghen ! – Chú Út Thau có rượu trong ngưởi nhưng rất tự tin với ngón đờn điêu luyện đã trở thành quán tính của mình. Không chờ mọi người trong mâm rượu vỗ tay hay đồng ý, chú Út bắt đầu cuộc chơi đơn độc với hai sợi dây đờn quen thuộc.
- Tăng ..tăng ..tăng .tắng tẳng tăng ..tằng …tăng tăng …
Bác Ba Nhẫn thấy mệt nên trước đó đã lên nằm trên chiếc võng căng giữa hai cái cột nơi hàng hiên, tiếp tục nghe đờn ca. Lúc chú Ut Thau bắt đầu độc tấu, bác Ba nhắm mắt lại, lim dim thưởng thức.
Cô Hạnh chừng như có cùng cảm xúc với tiếng đờn tài hoa của chú Ut nên rảo nhẹ mấy ngón tay trên hàng dây đờn thử ý họa theo. Khi thấy ánh mắt đồng tình của chú Ut Thau, Hạnh mạnh tay hơn thả dòng nhạc réo rắc hòa cùng tiếng đờn kìm khô khốc.
Tiếng đờn kìm và những giọt đờn tranh dẫn Ut Thau về những vùng sông nước xa xôi, với chiếc ghe hát người chèo kẻ chống đưa gánh hát cải lương đến với bà con miệt Năm Căn, Cái Nước thửơ đó muỗi mồng kinh thiên, tôm cá lội chật sông rạch. Anh em trong đoàn thường dựng rạp trên những vạt đất trống phập phều cỏ lát. Do không có bảng hiệu nên gánh hát lấy tên ông bầu chủ gánh làm tên:
Gánh hát bầu So.
Gánh hát vỏn vẹn mười người: kép chánh là Hai Hứa, đào chánh là cô Ba Nhỏ, vài nghệ sĩ trẻ; ban nhạc có chú Ut Thau đờn kìm kiêm thầy tuồng, anh Năm Lẹ chơi gui-ta, ông Ba Biện kéo đờn nhị và vài em tạp vụ. Trong số các nghệ sĩ , “ thùy mỵ ” nhứt – theo con mắt nhìn của Ut Thau- là cô đào nhì tên Mộng Đẹp. Cô thủ vai gì thấy cũng nhập, tuồng tích gì cô cũng thuộc. Chỉ tội nghiệp Ut Thau để ý cô Mộng Đẹp sau ông bầu So một bước. Biết mình là kẻ đến sau, thất tình chú Ut bỏ đi uống rượu khiến bầu So hết hồn cho người đi kiếm. Trước giờ diễn, chú Ut trở về ngồi đúng cái ghế của mình bên cánh gà, chơi đờn bằng tất cả tâm sự trống vắng của trái tim tuyệt vọng. Ngón tay chú Ut không hiều vì sao mà rõ máu. Có lẽ máu từ trái tim kia vừa ứa ra chăng ?
Sáng hôm sau, Ut Thau quá giang ghe than đước bỏ về Sóc Trăng. Từ Sóc Trăng, chú ngồi xe đò về huyện, rồi về nhà. Kiếp giang hồ của nghệ sĩ Ut Thau coi như chấm hết ! Cô đào Mộng Đẹp là cái nhịp song lang lỡ làng ngắt ngang bước chân xuôi ngược của người nghệ sĩ.
- Hay quá ! Hay quá ! …- Mọi người vỗ tay khen khi chú Ut Thau dứt bài độc tấu. Thả cây đờn xuống vế, chú Ut tiếp nhận ly rượu tới tua của mình rồi uống cạn.

3. Không biết mọi người uống được bao nhiêu lít rượu nhưng cứ thấy Thuận rót hoài, còn hoài. Sáu Lơn, Tư Giác rượu vào lời ra nên nói chuyện với nhau có vẻ tâm đắc, gật đầu, huơ tay lia lịa.
Tiệc rượu chưa thể kết thúc bởi con Tám vừa bưng lên một tô cháo vịt, thằng Sáu tăng cường một rổ mận chín với chén muối ớt cay. Mận được chuyền cho “khán giả” mỗi người một trái nhưng tập trung cho các nghệ sĩ ăn cho đở khàn giọng.
Trời sáng trăng. Trăng lên cao nên gió chừng như cũng lạnh hơn. Anh trăng nghiêng soi vào tận chỗ bác Ba Nhẫn nằm bên hàng hiên đang ngáy nhè nhẹ, đều đều. Thấy ba mình ngủ ngon, anh Thuận nói với mọi người:
- Rượu còn, đồ ăn còn mình cứ lai rai tiếp nghen chú Ut, anh Bảy, anh Tư. À …” Hoàng thượng ” phê rồi – day lại nhìn bác Ba Nhẫn, anh Thuận vừa nói vừa cười – vậy thì “ Hoàng thái tử “ xin được lên ngôi ..tiếp tục cuộc vui !
Sáu Lơn đưa ly rượu lên cao, mời:
- Phải phải ! Mầy ca một bài đi Thuận. Ca đi ! Mời mầy một ly cho thấm giọng.
Không chờ Thuận gật đầu, Sáu Lơn làm cái ót cạn ly rượu khiến Tư Giác cản không kịp. Đón ly lượu từ tay Sáu Lơn, Tư Giác rót tiếp mời Thuận rồi chính anh mời anh một ly với tư cách người ủng hộ.
- Nhờ chú Ut, chú Bảy rao đờn trước cho tui bắt nhịp …Tui ca bài …” Điệu buồn đất phương Nam “ … - Uống cạn ly rượu, Thuận nhìn các nghệ sĩ nói.
Bảy Đờn ờ một tiếng nâng cây đờn guitar phím lỏm đặt lên đùi. Men rượu đã thấm nhưng anh Bảy chưa thật sự say Rượu nếp ngon làm anh tăng thêm phần hưng phấn và nhớ lại ngày tháng đã qua của cuộc đời anh. Anh Bảy là thợ hớt tóc trên chợ và tham gia nhóm đờn ca tài tử của phòng văn hóa thông tin huyện. Ngón đờn của anh bắt mắt một cô gái con của chủ nhà máy xay lúa. Cô gái yêu ngón đờn của anh và đã yêu anh. Nhưng anh Bảy Đờn biết rằng cái phần số của anh khó mà định cư bên trong cái máy xay lúa, bên trong cái tổ ấm sang giàu. Cho nên anh bỏ chợ về nhà kiếm sống bằng nghề hớt tóc dạo. Trái tim cô gái như vỡ nát vì thương nhớ tiếng đờn mê hoặc của anh. Mà anh Bảy không làm như vậy thì tội nghiệp anh lắm ! Mình nghèo thì cam chịu chớ có đèo bồng …
Bảy Đờn rải mấy ngòn tay khẳng khiu lên hàng dây đờn của cây gui-ta phìm lỏm. Anh dạo nhạc cổ rồi chuyển qua tân nhạc cho Thuận ca. Bài ca với làn điệu dân ca dạt dào êm ả giống như ngọn gió thổi qua con kinh lao xao lá bạch đàn xanh rì chạy tít xa xa …
“ Về phương Nam lắng nghe cung đàn… thổn thức vọng dưới… trăng mơ màng. Rồi theo sóng… Cửu Long nhớ nhung dâng trào. Chợt thương con sáo bay xa bầy. Sương khói buồn để lại… lòng ai.”
Trong buồng bác Ba gái nín thở nghe thằng con mình trỗ tài. Bác gái nhận xét Thuận giống ba nó thời trẻ tới chín phần. Nghe cái giọng ca ấm áp nhưng ngây thơ của con, bác gái nhớ lúc gặp gỡ bác Ba trong rừng đước Cà Mau hồi nẫm. Lúc còn trẻ bác Ba ca vọng cổ y như thằng Thuận bây giờ, cũng có giọng ca khỏe khoắn, ấm áp. Chỉ khác là hoàn cảnh lúc đó khó hơn, cô độc hơn, khốn khổ hơn. Có lẽ vì vậy mà hai người tìm tới nhau, sống với nhau, cho tới bây giờ.
Tiếng đờn kìm của Út Thau có phần rời rạt. Chú đã mệt và say. Nhưng với Bảy Đờn thì khác. Có lẽ trái tim anh Bảy nghệ sĩ đang hướng về cô Hạnh nên tiếng gui-ta của anh như hòa quyện với tiếng đờn tranh giao duyên cùng với giọng ca trẻ trung của chàng trai mới lớn…
“ Hương phấn nhạt mùi khói sương mờ như ảnh. Em chỉ thèm nghe một tiếng tơ lòng. Thêm một điệu phương Nam ru giấc say nồng …Trời mưa trút sợi tơ lòng. Nhớ ai xa ngoài vạn dậm..Hờn ai nước mắt dâng sầu. Biết tìm ai người tri ngộ …”
Bác Ba Nhẫn thức giấc. Trên chiếc võng dù, bác lim dim nghe con trai mình ca mà thấy lo trong bụng. Bác Ba nghĩ thằng Thuận giống mình ở chỗ tài hoa nghệ sĩ, cho nên … cho nên sau nầy nó sẽ cực, sẽ lận đận như mình dạo nào tha phương cầu thực. Bác mong Thuận thấm thía ý nghĩa bài ca “Lòng dạ đàn bà” để tránh vết xe đổ của mình …
- “ Hát lên một lần để một đời xa nhau, sáo ơi !
Một điệu ru hời. Nặng nỗi đau đời …
Lời ru theo nước mắt rơi …rơi .
Trắng đêm tâm sự mà lòng sầu thương sao chẳng vơi.
Bạn tình chung ơi ! Sao chẳng nghẹn lời
Khúc ca ly biệt thôi đành từ đây dỡ dang …
Nghe Thuận dứt khúc “Trăng thu dạ khúc “, bác Ba thở dài. Bác nghĩ chuyện tình ái …ai cũng vậy, biết khổ biết đau mà cứ nhắm mắt lao vào như con thiêu thân lao vào ngọn lửa ! Với những kẻ tài hoa, với con trai bác, sự khổ đau tình ái kia là không tránh khỏi !
Bạc Liêu, 12/ 2001