PDA

View Full Version : Tuổi Trẻ


TYM
01-01-1970, 07:00 AM
Nữ giám đốc công ty vệ sĩ tuổi 20
14:36:04, 08/06/2005
Giám đốc Đào Mỹ Ngọc

Sinh ngày 28/9/1985, cô giám đốc chưa đầy 20 tuổi này rất được các nhân viên trong công ty nể trọng, tuy tuổi tác thuộc hàng “út ít”. Đó là Đào Mỹ Ngọc, Giám đốc công ty TNHH Bảo vệ - vệ sĩ Vương Gia (TPHCM).

Một ngọn núi ai cũng phải leo

Bố mất từ khi mới 5 tuổi, người mẹ thân yêu cũng vừa ra đi cách đây vài tháng, đứa con duy nhất trong gia đình là Ngọc đã sớm phải tiếp nhận một tài sản và cơ nghiệp lớn.

Cô giám đốc chưa đầy 20 tuổi này rất được các nhân viên trong công ty nể trọng, tuy so về tuổi tác cô thuộc hàng “út ít”. Gặp nhiều cú sốc khi tuổi đời còn quá trẻ, Ngọc sớm có vẻ chững chạc của một người trưởng thành.

Những lời tâm sự của Ngọc vừa khiến người ta cảm động, lại vừa ngạc nhiên bởi chúng hàm chứa những suy nghĩ sâu sắc: “Khi cả bố, mẹ và bà ngoại mất đi, Ngọc không quá đau thương hay gào khóc thảm thiết mà rất bình tĩnh. Nhưng nỗi đau đó ngày qua ngày càng nhức nhối hơn, đau buốt tận sâu thẳm trong lòng. Tiếng khóc suốt trong những giấc mơ. Nhưng trong cái đau, Ngọc nhận ra rằng nó đã là sự thật không thể phủ nhận, không có cách nào khác là tiếp tục bước đi và chính nó là một phần trên con đường đi đến thành công sau này”.

Đã hoàn tất các thủ tục cho chuyến du học về quản trị kinh doanh ở Anh, nhưng Ngọc phải hoãn lại để hoàn thành tâm nguyện của mẹ. “Ban đầu chẳng có hứng thú gì với công việc của một công ty vệ sĩ, nhưng một khi đã bắt tay vào làm thì phải quyết làm cho bằng được”, Ngọc nói vậy.

Ngay khi tiếp quản sự nghiệp của gia đình, Ngọc đã nhanh chóng cho thay đổi hàng loạt: từ trụ sở đến đồng phục nhân viên, logo công ty và cả bộ máy nhân sự. Câu slogan Ngọc chọn cho công ty đã nói lên mục tiêu hoạt động: “Chúng tôi không nói trước tương lai bạn. Chúng tôi bảo đảm nó”. Bởi Ngọc mong muốn công ty của mình thật sự khác biệt và sớm xây dựng được thương hiệu có tên tuổi trong giới.

Sáng lập viên của công ty Vương Gia là người mẹ của Ngọc. Về phần mình, Ngọc quản lý con người bằng cái tài và cái tâm. Cô cho rằng quản lý con người là khó nhất trong các loại hình quản lý.

Kế thừa gien kinh doanh

“Hưởng xái” gien kinh doanh từ truyền thống gia đình - bố Ngọc là ông “vua đồ cổ Việt Nam” Đào Danh Hiến - nhờ đó có môi trường để học hỏi và điều kiện để phát huy, trưởng thành nhanh hơn. Ảnh hưởng nhiều từ mẹ, lúc nhỏ Ngọc đã có thói quen quan sát và học hỏi cách thức làm việc, kinh doanh, cư xử và giao tiếp với khách hàng, nhân viên…

Công ty thành lập vào tháng 6/2004, ban đầu chỉ có khoảng vài chục người, đến nay Vương Gia đã có hơn 200 nhân viên, hoạt động tập trung ở các khu nhà máy, xí nghiệp. Công ty của Ngọc đã từng đảm nhận trọng trách áp tải hệ thống chuyển tiền trị giá khoảng 2 triệu USD. Giữ vai trò đứng đầu trong một công ty khá quy mô và lại về chuyên môn đặc biệt như thế, Ngọc rất chú trọng chữ “trung”. Đó là điều đầu tiên và quan trọng nhất đối với những thành viên trong công ty.

Khi được hỏi cô giám đốc trẻ có bí quyết nào để quản lý nhân viên, Ngọc cười: “Khi nhân viên của mình không nghe lời thì phải xét lại những quyết định mình đưa ra có gì bất hợp lý và có phù hợp với khả năng và điều kiện của nhân viên đó không? Nếu như mệnh lệnh của mình là đúng mà nhân viên vẫn không nghe thì đến phiên chỉ huy trưởng điều lệnh là người nắm về kỷ luật của toàn thể công ty giải quyết”.

Ngọc sắp xếp bộ máy quản lý công ty của mình thành 4 phòng ban: nhân sự - nghiệp vụ - kinh doanh và điều lệnh. Cô có suy nghĩ rằng người giám đốc điều hành bằng cái đầu chứ không phải tay chân, lãnh đạo chứ không quản lý. Trong công việc, Ngọc cũng có thói quen không quan tâm đến tuổi tác, nhìn việc hơn là nhìn người.

Công ty Vương Gia có nghiêm lệnh cấm nhân viên đánh người trong mọi trường hợp. Vệ sĩ là để bảo vệ người chứ không phải “giang hồ”, thế nên phần học được huấn luyện kỹ nhất của Vương Gia là các phương thức chống đỡ và kềm khoá đối phương chứ không dạy các đòn hiểm.

Mơ bay xa hơn

Còn đang ấp ủ dự định mở một phòng triển lãm tranh trong năm nay và “kinh doanh địa ốc là cái đích cuối cùng của sự nghiệp”, cô gái trẻ này tuy có nhiều kế hoạch nhưng vẫn luôn biết người biết ta. “Trong cuộc đời này, cái gì cũng vậy. Như một ngọn núi, cao đến mấy cũng sẽ có lúc lên đến đỉnh rồi lại xuống''.

Ngọc rất tâm đắc câu nói “tri túc, tiện túc, đãi túc, hà thời túc”. Nghĩa là biết đủ thì đủ rồi, mà đợi đủ thì biết đến chừng nào mới đủ. "Một ngày không xa, Ngọc sẽ dừng lại, để có thời gian làm những việc mình thích chứ không bon chen mãi được. Nhưng bây giờ, hãy cứ cố gắng hết sức để khám phá chính năng lực của mình. Không thành danh thì cũng thành nhân!” - Ngọc nói một cách rất nghiêm túc.

(Theo Sài Gòn tiếp thị)

TYM
01-01-1970, 07:00 AM
hinh