PDA

View Full Version : Người Pháp bác bỏ hiến pháp EU


toi&m
01-01-1970, 07:00 AM
http://www.vnexpress.net/Vietnam/The-gioi/2005/05/3B9DEAFF/vv3a.jpg
Hiến pháp Liên minh châu Âu bị giáng đòn chí mạng, sau khi dân chúng Pháp từ chối thông qua nó trong cuộc trưng cầu dân ý hôm qua. Trong số 95% số phiếu đã được kiểm, tỷ lệ trả lời “Không” chiếm tới 55%.

Hiệp ước về hiến pháp EU vốn phải cần tất cả 25 nước thành viên phê chuẩn để có hiệu lực.

Tổng thống Chirac chấp nhận “quyền quyết định cao nhất” của các cử tri”, nhưng bình luận nó đã tạo ra “một bối cảnh khó khăn cho việc bảo vệ lợi ích của chúng ta ở châu Âu”. Ông là người đã vận động quyết liệt cho phe “Có”.

Trong bài phát biểu trên truyền hình, Chirac bình luận các cử tri đã thể hiện thái độ bất bình của mình. Ông cho biết sẽ đưa ra quyết định về tương lai chính phủ trung hữu “trong những ngày tới”, ám chỉ khả năng một cuộc cải cách.

http://www.vnexpress.net/Vietnam/The-gioi/2005/05/3B9DEAFF/vv4a.jpg
Kết quả này là một cuộc động đất chính trị mà dư chấn sẽ xuất hiện khắp châu Âu. Tiếng “Không” tại một trong những nước thành viên sáng lập EU sẽ khiến người ta nghi ngờ tương lai của hiệp ước. Tỷ lệ đi bỏ phiếu rất cao, ước tính sơ bộ vào khoảng 70 – 80%.

Những người thuộc phe vận động “Không” thì hò reo sau khi kết quả thăm dò sau bỏ phiếu được công bố, vào lúc 22 giờ ngày 29/5 (tức 3h sáng nay, giờ HN). Những người bác bỏ hiệp ước hiến pháp bao gồm đảng Cộng sản, các nhóm cánh tả, những người thuộc phe Xã hội nhưng từ chối theo quan điểm chung của đảng mình và các đảng cực hữu.

Một trong những nhân vật chủ chốt của phe cánh hữu phản đối hiệp ước, Philippe de Villers, tuyên bố: “Châu Âu cần phải được xây dựng lại. Hiến pháp không còn nữa”. Ông kêu gọi Tổng thống Chirac hoặc từ chức, hoặc giải tán Quốc hội.

Lãnh đạo đảng Xã hội đối lập Fracois Hollande, thuộc phe “Có”, tỏ ý “tiếc” về kết quả trưng cầu, nhưng quy trách nhiệm cho Thủ tướng Jean-Pierre Raffarin. “Sự bác bỏ hiến pháp này trên hết là sự bác bỏ chính phủ”, ông bình luận.

Ngoại trưởng Michel Barmier nhận định kết quả trưng cầu là một “nỗi thất vọng thực sự”, nhưng kêu gọi các nước EU khác tiếp tục tiến hành các cuộc bỏ phiếu của mình về hiến pháp. Các quốc gia thành viên có thể phê chuẩn hiệp ước thông qua trưng cầu dân ý hay bỏ phiếu tại Quốc hội. Cho đến nay 9 nước đã chính thức phê chuẩn nó.

Tới đây có 8 cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc khác, trong đó một ở Hà Lan vào thứ tư. Tại đây, phe “Không” đang dẫn trước trong thăm dò dư luận. Thủ tướng Jan Peter Balkenende kêu gọi người dân nước này phê chuẩn hiệp ước, bất chấp sự bác bỏ của Pháp: “Càng có lý do nói Có, để có thể đạt được tiến bộ".

Tại Anh, Ngoại trưởng Jack Straw bình luận kết quả ở Pháp dẫn tới “nhiều câu hỏi sâu sắc” về định hướng tương lai của EU.

Nội dung hiến pháp được hoàn thiện năm ngoái sau những cuộc thương thuyết kéo dài giữa các chính phủ EU. Mục đích của nó là đơn giản hoá các thể chế liên minh, sau khi kết nạp 10 thành viên mới hồi năm ngoái.

(Theo Vnexpress - Mục Thế giới)