PDA

View Full Version : Máy ảnh số: Chọn Chấm hay zoom?


tieunhoc
22-03-2008, 04:20 PM
Lang thang lang thang ..cọp bài này dzia cho anh em mình cùng tham khảo... (http://thehe8x.net/news/Hi-Tek/2008/03/12/40615.php)


Máy ảnh số: Chọn Chấm hay zoom?
Thứ Bảy, 22/03/2008, 15:49 GMT+7
http://www.thehe8x.net/images/content/2008/03/12/gin_s.jpg Chiếc máy ảnh kỹ thuật số (MAS) đã trở thành vật dụng thân thiết của nhiều bạn trẻ với kiểu dáng và giá cả cực phong phú... Nhưng, để tìm được một chiếc máy phù hợp, hiệu năng quả là không đơn giản...
“Chấm” quan trọng?

Tâm lý chung, khi có ý định sắm cho mình một “em” MAS, chúng ta thường nghĩ ngay đến câu hỏi: Máy này bao nhiêu “chấm?” (mega pixels - triệu điểm ảnh, đơn vị dùng để “đo” độ phân giải của hình ảnh). Vậy “chấm” to có phải là thông số cần lưu tâm hàng đầu hay không? Câu trả lời dứt khoát: Không!

Khác với máy ảnh chụp film, MAS ghi hình ảnh thu được vào một tấm thẻ nhớ. Quá trình ấy được thực hiện nhờ một con chip điện tử, gọi là CCD (Charged Couple Device) hoặc CMOS (Complimentary Metal-Oxide Semiconductor), dịch nôm na là bộ cảm biến ánh sáng. Nó là bộ phận quan trọng nhất của MAS, quyết định độ phân giải tối đa cho phép của hình ảnh và những thuật toán liên quan. Nếu CCD tốt thì chất lượng ảnh chụp cũng tốt và ngược lại.

Mà để xác định một CCD tốt, trước hết, người ta sẽ xét xem kích thước (vật lý) của nó lớn hay nhỏ chứ chưa phải là tấm CCD đó được “cấy” vào bao nhiêu triệu tế bào cảm quang. (Bởi vậy, bạn đừng ngại ngần tham khảo các thông số này trong tài liệu kèm theo máy hay trên các website liên quan).

Với kích thước to, CCD chưa chắc cho ra những tấm ảnh tốt nhưng thông thường, một CCD kích thước nhỏ thì khả năng gây nhiễu là rất cao, đặc biệt, trong trường hợp mà người sản xuất - vì muốn câu khách - đã cố tình “ép” nó phải mang một lượng điểm ảnh quá lớn.

Trên thị trường, hầu hết các máy ảnh compact, loại “ngắm và chụp” thì kích cỡ CCD sẽ là từ 1/2.7 (5.27 x 3.96 mm) đến 1/1.8 inch (7.18 x 5.32 mm). Còn lý tưởng hơn, kích thước CCD đạt cỡ con tem nhỏ như ở trong các máy D-SLR (Digital - Single Lens Reflex) - tức loại máy gắn ống kính rời thì quá tuyệt. Tuy nhiên, xin nhắc lại, kích thước CCD không đồng nghĩa với kích thước “chấm” và kích thước “chấm” cũng không nhất thiết tương ứng với chất lượng hình ảnh thu được.

http://thehe8x.net/data/images/22-03-2008/d.jpg
Bộ cảm biến CCD

Hay “zoom” quan trọng?

Chất lượng của các MAS còn phụ thuộc đáng kể vào chất lượng của ống kính, bao gồm cả các thông số về độ mở, độ phóng đại quang học... Chức năng “zoom” (đa tiêu cự tích hợp), tiếc thay, không có chút ý nghĩa đáng kể nào trong vấn đề chất lượng. Giá trị của nó nằm ở tính tiện nghi khi thao tác. Mà với những đối tượng người dùng khác nhau, nhu cầu thao tác sẽ khác nhau.

Nếu như thực tế đã có rất nhiều bạn mua máy chỉ vì nó được quảng cáo là 7 hay 8 “chấm” thì cũng đã có không ít bạn mua máy chỉ vì thông số ghi trên ống kính là 10x hay 20x và tưởng rằng, một thông số rất lớn như vậy sẽ khiến cho việc “bắt cứng” những ảnh ở xa dễ dàng hơn.

http://thehe8x.net/data/images/22-03-2008/d1.jpg

Thực ra, chỉ mức zoom quang học (optical zoom) mới có giá trị, còn mức “zoom” kỹ thuật số (digital zoom) không là gì cả, bất cứ phần mềm chỉnh sửa ảnh nào cũng có thể can thiệp, thậm chí còn tốt hơn ở khâu kỹ thuật hậu kỳ. Đa phần MAS hiện nay chỉ đạt mức zoom quang học 3x – 4x (tương đương ống kính 35 – 105 mm hoặc 35 – 140 mm ở máy ảnh chụp phim). Một số ít máy dạng “giả chuyên nghiệp” cho mức zoom quang lớn hơn như dòng Lumix DMC-FZ của Panasonic, zoom tới 18x nhưng ít giá trị thực tiễn vì ảnh khá nhiễu khi zoom tối đa.

Liên quan đến ống kính, ngoài chuyện tiêu cự, có lẽ, bạn nên lưu ý đến các yếu tố khác, quan trọng hơn như: độ mở (quyết định khả năng phơi sáng), tốc độ và độ ồn khi zoom; tiêu cự; loại ống kính (cao cấp như ED của Nikon, L của Canon; T* của Carl Zeiss trong máy Sony)...

http://thehe8x.net/data/images/22-03-2008/d2.jpg

Quan trọng hơn cả: biết dùng!

Vậy làm thế nào để biết được máy có CCD và chất lượng ống kính tốt, cũng như khả năng vận hành hoàn hảo? Rất đơn giản, nhưng nếu bạn chỉ dựa vào “tên tuổi” của hãng chế tạo hoặc những lời quảng cáo hoa mỹ thì dĩ nhiên không ổn. Bạn cũng không thể chỉ xem thông số chung chung trên các catalogue để quyết định mà nên tìm đọc các bài nhận xét của người dùng thực tế (review) trên mạng (cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh) hoặc đến các showroom và trực tiếp dùng thử.

Mặc dù vậy, “đáp án đúng” còn tùy thuộc đáng kể vào mục đích và nhu cầu sử dụng của mỗi bạn. MAS nghiệp dư hiện có độ phân giải phổ biến là 6 - 8 mega pixels, trong khi zoom quang học vẫn chỉ cố định ở mức 3x (tương đương ống kính 35 - 105 mm ở máy ảnh chụp phim) do giá thành chế tạo ống kính thậm chí còn cao hơn CCD.

Với đa số mục đích thông thường: du lịch, hội hè... hay kể cả làm báo, thiết kế web... thì mức 5 – 7 “chấm” đã đủ dùng, 8 “chấm” hoặc cao hơn có lẽ không cần thiết. Nên chọn chiếc có biên độ zoom quang học lớn hơn, dù nó không to “chấm” lắm. Và một điều ít được các bạn để ý là ống góc rộng (wide) tương đương 28 mm thì dùng tiện hơn so với ống có khả năng “vươn” xa (tele).

Cuối cùng, phải test cả các yếu tố khác như: khoảng cách thời gian giữa hai lần bấm máy (càng nhanh càng tốt); khả năng thiết lập các tùy chọn; kích thước màn hình LCD (phổ biến 2,5 inch hoặc lớn hơn); loại thẻ nhớ sử dụng (phổ biến và giá rẻ nhất là thẻ SD); thời gian hoạt động của pin... Những yếu tố này không ảnh hưởng đến chất lượng hình ảnh nhưng rất quan trọng cho việc sử dụng máy thuận tiện.

http://thehe8x.net/data/images/22-03-2008/d3.jpg

Nói một câu hơi khuôn sáo nhưng luôn đúng: Máy móc chỉ là phương tiện. Chiếc máy ảnh chỉ phát huy sức mạnh một khi chủ nhân của nó được trang bị các kỹ năng cần thiết để cho ra những tấm hình đáng nhớ. Xin chúc bạn tìm được mẫu máy ưng ý và sớm trở thành “phó nháy” hạng ưu!

TH8X theo Sinh Viên Việt Nam