PDA

View Full Version : 23 năm mớm cơm cho chồng, nuôi 3 con khôn lớn


post ảnh
03-03-2008, 10:16 PM
Thứ Bẩy, 01/03/2008 - 10:21 AM

23 năm mớm cơm cho chồng, nuôi 3 con khôn lớn (http://dantri.com.vn/Sukien/23-nam-mom-com-cho-chong-nuoi-3-con-khon-lon/2008/3/220734.vip)


http://images7.dantri.com.vn/Uploaded/yennh/T3.08/bon-com1308.jpg


23 năm nay, ngày nào mẹ Lợi cũng 4-5 bữa nhai mớm cơm cho chồng như thế.

(Dân trí) - Mỗi ngày bà nấu từ 3-5 bữa cơm, cần mẫn nhai, bón cho chồng ăn từng miếng. Chồng bà là thương binh trong chiến trường, đã nằm liệt giường 23 năm nay. Một mình bà vừa chăm chồng, vừa nuôi 3 người con trưởng thành.

Bà là Nguyễn Thị Lợi, ở xóm 4, thôn Yên Ninh, thị trấn Ba Hàng, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Vì bà đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, tôi gọi bà bằng mẹ - Mẹ Lợi! Chồng mẹ là Trung tá Phan Văn Phàn, thương binh loại A, hạng 4.

23 năm nuôi chồng liệt giường...

Tôi đến nhà khi mẹ Lợi đang làm công việc vệ sinh cho chồng. Mẹ chậm rãi vén tấm chăn bông, khẽ luồn tay vào rút bịch nước tiểu mang ra vườn đổ. Rồi mẹ trở lại, đưa bịch ni lông vào chỗ cũ. Những động tác của mẹ như được “định vị” sẵn, chính xác tới từng mi li mét.

Mẹ bảo: “Phải hơi hé chăn thế thôi, chứ mở hẳn ra không khí lạnh lùa vào ông ấy không chịu được đâu. Tiểu tiện còn đỡ, chứ đi đại tiện giờ ông ấy không thể tự “cho ra” được mà phải bơm hoá chất vào, vất vả lắm. Mỗi lần như thế cùng mất vài chục nghìn đấy anh ạ!”.

Mẹ nhớ lại: “Mùng 3 tết năm 1985, sau khi về nhà ăn Tết được 4 ngày thì ông nhà tôi quay lại đơn vị. Bỗng dưng toàn thân mềm nhũn không thể cử động được, chạy chữa nhiều nhưng thầy thuốc cũng đành bó tay vì căn bệnh hiểm nghèo: bệnh viêm tuỷ leo có nguyên nhân từ thời chiến tranh. Từ đó tới nay, ông sống cuộc sống thực vật”.

Ngày lại nối ngày, thời gian cứ lặng lẽ trôi qua cuộc đời mẹ, từ bấy đến giờ cũng đã được 23 năm. Sáng nào cũng vậy, mẹ dậy từ lúc tờ mờ sáng, chuẩn bị bữa ăn cho cả gia đình. Rồi mẹ bưng chậu nước ấm lên vệ sinh cho ông. Hàm răng đã lão hóa, nhưng mẹ vẫn trệu trạo nhai từng miếng cơm rồi bón cho ông ăn. Thỉnh thoảng, ông Phàn ú ớ kêu đau, mẹ khẽ đặt bát cơm xuống, vuốt vuốt lên má ông động viên.

http://images4.dantri.com.vn/Uploaded/yennh/T3.08/me-Loi1308.jpg

Thay bịch nước tiểu, vệ sinh cá nhân cho chồng, là công việc hàng ngày của mẹ Lợi. (Ảnh: T.H)


Ở cái tuổi 70 rồi nhưng trông mẹ Lợi vẫn khoẻ lắm, mái tóc hầu như chưa có sợi bạc, những động tác vẫn nhanh thoăn thoắt. Mẹ Lợi nhìn chồng xót ruột: “Rõ khổ, đã phải nằm liệt giường lại vừa phải nhổ chiếc răng số 8, đau nên có ăn được gì đâu. Cho ông ăn cháo, ăn phở thì đỡ phải nhai, nhưng ông gầy đi hẳn, tôi không đành lòng…”.

Mẹ Lợi khoe, trong nhà lúc nào cũng có 3 loại bếp: bếp củi, bếp than tổ ong và bếp ga. Khi ông muốn ăn mì thì phải thái rau thật nhỏ, nấu bằng bếp ga cho nhanh, ăn cháo phải ninh bằng bếp than, khuấy cho cháo thật nhuyễn; còn ăn cơm, phải nấu bằng bếp củi cơm mới dẻo, mới ngon. Cứ như thế, hàng ngày mẹ nấu từ 3-5 bữa, bằng đủ các loại bếp, chăm chồng.

Nuôi 2 con đại học

Bà Ma Thị Nguyệt, Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thái Nguyên trao đổi: “Sau khi tiếp nhận thông tin từ Dân trí, chúng tôi sẽ kết hợp với Hội phụ nữ, các đoàn thể tại địa phương đến thăm hỏi động viên bà Lợi. Đồng thời sẽ tuyên truyền rộng rãi tấm gương của bà đến các Chi hội và các cơ quan đoàn thể.

Bà là đại diện cho hình ảnh người phụ nữ Việt Nam thuỷ chung, son sắt trong bất cứ hoàn cảnh nào. Chúng tôi xin được tỏ lòng khâm phục!”.

Cả 3 người con trai của mẹ Lợi hiện đều đã yên bề gia thất. Anh Phan Văn Dũng, người con cả, sinh năm 1970, hiện mở cửa hàng điện thoại ở thị trấn Ba Hàng. Người con trai thứ tên là Phan Nhất Thống, sinh năm 1975, và anh Phan Văn Chuyên, sinh năm 1977, đều đã tốt nghiệp đại học, hiện đang công tác tại Hà Nội.

Mẹ Lợi bồi hồi nhớ lại: “Cưới nhau xong là ông ấy vội vã ba lô lên đường vào Nam, biệt tích 4 năm sau mới có thông tin. Dịp ông ấy về an dưỡng trong Thanh Hoá, tôi khăn gói lặn lội vào thăm, sau đận ấy về sinh cháu Dũng. Ông ấy đặt tên là Dũng để thể hiện tinh thần anh dũng. Năm 1975 sinh anh Thống nghĩa là “thống nhất nước nhà”; còn anh Chuyên nghĩa là chuyên cần.

Năm 1985, lúc ông ấy ngã bệnh thì tôi cũng vừa được về hưu. Ba anh lúc đó đang trong độ tuổi đến trường...”.

Cùng lúc vừa phải chăm chồng ở bệnh viện, vừa nuôi 3 người con ăn học, mẹ Lợi đã phải gồng hết sức mình, nhặt nhạnh từng đồng, từ nuôi lợn, nấu rượu đến mở quán nước… Chỉ đến khi anh Thống và anh Chuyên đều đã tốt nghiệp đại học, mẹ mới yên tâm phần nào.

Mẹ nói: “Giờ tôi ở một mình, nhiều đêm ông ấy khó thở, không có ai ở cạnh nghĩ cũng sợ. Các con chúng nó lớn, có gia đình riêng, công ăn việc làm đầy đủ, cuối tuần nào cũng đưa vợ con về chơi thăm ông bà, thế là mừng rồi. Chúng nó thương mẹ lắm, bảo thuê người về đỡ đần giúp mẹ, nhưng nằm bất động 23 năm trời, cơ thể ông ấy đã bị loét nhiều, mình là ruột thịt không làm thì ai họ dám làm. Hơn nữa để người ngoài làm tôi lại không yên tâm”.

Mẹ Lợi bảo, đợt lạnh kéo dài vừa qua khiến sức khỏe ông giảm sút đi nhiều.

Lời người đồng đội

Theo địa chỉ qua lời kể của ông Phàn, câu được câu chăng như sợi chỉ mỏng manh, tôi đi tìm người người đồng đội của ông.

Về Hà Nội, mất khá nhiều thời gian liên lạc, dò hỏi số điện thoại, cuối cùng tôi cũng tìm được người đồng đội cùng chiến đấu với ông trong chiến trường năm xưa, hiện đã đeo quân hàm cấp tướng - Thiếu Tướng Nguyễn Bá Tòng, nguyên Phó tư lệnh chính trị, Binh đoàn Trường Sơn.

Ông Tòng xúc động nhớ lại: “Tôi và anh Phàn có nhiều kỉ niệm chiến trường lắm… Năm 1970, trung đoàn của anh Phàn bị trúng bom. Những người trong hầm lúc đó đã hy sinh hết, riêng anh Phàn bị hất văng ra khỏi hầm, xa khoảng hơn 10m và bị thương nặng...”.

Chia tay tôi, Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng siết chặt tay, nói sẽ sắp xếp thời gian để cùng tôi lên thăm ông Phàn. Tìm lại được một người đồng đội cùng chiến đấu với mình năm xưa đâu dễ!

Tuấn Hợ