PDA

View Full Version : Mỹ: Sinh viên với gánh nặng nợ nần


Vinh Loc 90A
31-10-2007, 08:29 AM
Ở Việt Nam chính phủ đã cho sinh viên vay tiền đóng học phí từ năm nay. Đây là khoảng tiền chắp cánh ước mơ cho nhiều người muốn vào đại học. Nhưng liệu rằng họ có canh cánh nợ nần như sinh viên Mỹ không?
Mỹ: Sinh viên với gánh nặng nợ nần

http://www.saigontimes.com.vn/tbktsg/Hinh/880/61.jpg Kinh tế Mỹ dựa trên chất xám của đội ngũ những người lao động có trình dộ đại học trở lên. Cơn bão trên thị trường cho vay mua nhà trả góp chưa lắng xuống, ở Mỹ đã ló dạng một cuộc khủng hoảng tài chính khác: cho sinh viên vay tiền ăn học.

Huỳnh Hoa

Kristin Cole, 30 tuổi, tốt nghiệp trường Luật thuộc Đại học Michigan với khoản nợ 150.000 đô la, cả nợ vay chính phủ và nợ tư nhân. Hiện cô phải trả mỗi tháng 660 đô la, bằng một phần tư tiền lương, nhưng từ sang năm mỗi tháng cô phải trả 800 đô la. “Tôi không mua nổi một căn nhà, không thể đi du lịch, không thể làm gì khác. Tôi thấy mình như một người tù”, Kristin nói. Tệ hơn nữa, cô buộc phải từ bỏ công việc trợ giúp pháp lý để chuyển sang làm cho một công ty luật. “Tôi phải làm cái việc mà tôi không thích, chỉ để sống và kiếm tiền trả nợ”, cô nói. Bác sĩ Paul-Henry Zollota, 35 tuổi, ở bang Connecticut, còn thê thảm hơn. Mỗi tháng vợ chồng anh phải trả 1.600 đô la nợ vay ăn học, 2.300 đô la nợ vay mua nhà, và 1.500 đô la tiền vay mở phòng khám. Riêng khoản tiền vay ăn học của hai vợ chồng đã lên tới 300.000 đô la. Anh có hai con nhỏ, và thu nhập của vợ anh - một giáo viên tiểu học - lại rất khiêm tốn. “Tôi cảm thấy mình bị nghiền nát dưới sức nặng nợ nần. Toàn bộ thu nhập của gia đình tôi trong 10 năm tới coi như đã xài hết”, anh tâm sự.
* * *

Đây chỉ là hai trong hàng triệu trường hợp người trung lưu ở Mỹ có nguy cơ phá sản vì nợ vay ăn học. Chi phí học hành mà sinh viên Mỹ phải gánh ngày càng nặng do học phí đại học tăng nhanh. Để lấy tấm bằng cử nhân bốn năm, bình quân mỗi sinh viên Mỹ phải đầu tư 51.000 đô la nếu học trường công và 121.000 đô la nếu học trường tư; học các trường danh tiếng hoặc học ngành y dược thì con số này tăng thêm nhiều hơn nữa. Khảo sát của Tổ chức Giáo dục College Board cho thấy trong 10 năm qua, chỉ số giá tiêu dùng ở Mỹ tăng 29% trong khi học phí đại học tăng tới 79%.

Sinh viên Mỹ có truyền thống không dựa vào sự bao cấp của cha mẹ mà tự lực trang trải chi phí học hành bằng cách vay nợ hoặc đi làm thêm. Nhưng đi làm thêm giỏi lắm chỉ đủ chi tiêu chứ không trả nổi học phí. Học bổng và tiền Chính phủ Mỹ cho sinh viên vay - tuy đã tăng lên nhiều, vẫn không đáp ứng nổi. Thống kê cho thấy, bình quân mỗi sinh viên chỉ có thể vay của chính phủ 23.000 đô la cho khóa học bốn năm. Lãi suất của món vay này được khống chế không quá 6,8%/năm nhưng người vay phải có lịch sử tín dụng tốt, hoặc phải có người bảo lãnh (co-sign).
Trong hoàn cảnh đó sinh viên phải tìm tới các tổ chức tín dụng tư nhân. Các tổ chức này khá dễ dãi trong việc cho vay nhưng áp dụng lãi suất không cố định, có khi lên tới 20%/năm. Những sinh viên chưa có tiểu sử tín dụng hoặc tiểu sử tín dụng không đẹp thì vay tiền của tư nhân là giải pháp duy nhất. Nhu cầu tăng đã làm số lượng các tổ chức cho sinh viên vay cũng tăng theo; trong đó có mặt hầu hết các đại gia ngân hàng Mỹ như Citigroup, Bank of America, JP Morgan Chase, Wells Fargo &Co, Wachovia Corp... Do cạnh tranh, các tổ chức này tung ra nhiều “chiêu thức” thu hút khách hàng như đăng quảng cáo thật hấp dẫn; có nơi duyệt cho vay 50.000 đô la chỉ trong vài phút; có công ty tín dụng bắt tay với nhà trường, tặng vé đi du lịch hoặc thỏa thuận chia sẻ lợi nhuận với các quản trị viên nhà trường để họ vận động sinh viên đến vay tiền. Năm ngoái, số dư nợ mà các tổ chức này cho sinh viên vay nộp học phí đã lên tới 17 tỉ đô la, gấp bốn lần số dư năm 2001 là 4 tỉ đô la.
* * *

Hầu hết sinh viên vay nợ đều có kế hoạch thanh toán sau khi ra trường và có việc làm ổn định. Khốn nỗi, do sự cạnh tranh của các nền kinh tế đang phát triển, công việc làm ở Mỹ ngày càng khó kiếm, nhất là loại công việc có thu nhập khá; tiền lương thực tế ngày càng giảm cho dù mức lương căn bản theo luật có tăng lên. Vì vậy, rất nhiều khoản nợ của sinh viên nhanh chóng biến thành nợ khó đòi. Số nợ khó đòi năm 1995 là 38 tỉ đô la nhưng năm ngoái đã lên tới 85 tỉ đô la do ngày càng nhiều người không trả nổi nợ vay thời còn đi học.

Theo Tổng chưởng lý bang New York Andrew Cuomo, nhiều sinh viên tốt nghiệp gánh nợ nặng hơn những người mua nhà trả góp; tệ hơn nữa là những điều kiện liên quan tới vay tiền ăn học như lãi suất, thời hạn thanh toán, tài sản thế chấp... thường không rõ ràng như vay mua tiền mua nhà. Đó là lý do nhiều nhà phân tích cho rằng những gì đang xảy ra trên thị trường tín dụng mua nhà trả góp sẽ tái diễn với mức độ tồi tệ hơn trên thị trường tín dụng ăn học của sinh viên.

Giáo sư Robert Manning thuộc Học viện Công nghệ Rochester dự báo: “Một khi tăng trưởng kinh tế chậm lại sẽ có vô số người phải ra trước tòa án về phá sản”. Còn theo ông Luke Swarthout thuộc Trung tâm Nghiên cứu lợi ích công cộng thì “Nếu tín dụng sinh viên cũng bị phá sản như tín dụng nhà đất đang diễn ra, chúng ta sẽ thấy những tác hại ghê gớm không chỉ đối với cuộc sống của các sinh viên đó mà đối với cả cơ cấu kinh tế-xã hội nước Mỹ mà sức mạnh dựa hoàn toàn lên chất xám của đội ngũ công dân có trình độ từ đại học trở lên”.


Nguồn: Saigontimes
(http://www.saigontimes.com.vn/tbktsg/detail.asp?muc=11&Sobao=880&sott=30)