PDA

View Full Version : Tập Dừng Các Ham Muốn


LeGiang
11-07-2007, 11:41 PM
Tập Dừng Các Ham Muốn
PS Duy Tuệ

Xin chào tất cả quý thiện hữu!
Hôm nay, tôi thuyết giảng bài thứ tư trong 12 bài pháp Khai Mở Đạo Tâm có tên là Tập Dừng Các Ham Muốn. Bài này rất quan trọng, bởi vì ham muốn gây ra không biết bao nhiêu khổ đau cho con người. Và, ham muốn thực sự rất khó kiểm soát, rất khó khống chế. Thậm chí, nhiều người biết rõ những ham muốn của mình thực sự không tốt cho cuộc đời, cuộc sống và gia đình của họ nhưng cũng không biết làm cách nào để có thể dừng ham muốn lại.

Để quý vị có thể tập dừng các ham muốn, tôi tạm chia bài này thành 7 mục khác nhau. Quý vị cố gắng nhớ kĩ và hiểu rõ để có thể kiểm soát, khống chế hay dừng các ham muốn cứ tự động trỗi dậy trong đầu óc, tâm hồn. Bẩy mục này bao gồm:

Một, cái gì trong con người ham muốn? Thân thể hay đầu óc ham muốn? Quý vị cần thấy, hiểu rõ vấn đề này.
Hai, những ham muốn nào có sức mạnh nhất mà con người không thể kiểm soát, khống chế, dừng nổi? Và, nó có thể tàn phá cả cuộc đời.
Ba, nguyên nhân, nguồn gốc của những ham muốn ấy là gì?
Bốn, động cơ hay mục đích của ham muốn là gì?
Năm, sự nguy hiểm hay hậu quả khó lường được của ham muốn là gì?
Sáu, có thể sống, làm việc và có nhiều thứ mà không cần phải ham muốn.
Bẩy, tập dừng các ham muốn như thế nào?
sưu tầm (http://www.chuavienquang.com/article.php?QRY=S&LEVEL=62&AUTHORID=48&ID=137)

LeGiang
11-07-2007, 11:49 PM
Mục Thứ nhất: Cái Gì Trong Con Người Ham Muốn?

Tạm chia con người thành hai phần là thân thể và đầu óc. Khi nói đến thân thể thì không thể dùng từ “ham muốn” mà phải dùng từ “nhu cầu “ tự nhiên để chỉ yêu cầu đáp ứng của thân thể. Từ “ham muốn” là để chỉ đầu óc của con người. Thân thể chỉ có các nhu cầu như thở, ăn, uống…thân thể cần phải có thức ăn đưa vào, cần có không khí để bộ máy của cơ thể hoạt động nên thân thể thực sự có nhu cầu về thực phẩm, hơi thở…Tạo hóa đã thiết lập cho cơ thể của con người và động vật có những nhu cầu đặc biệt khác, như một quy luật, định mệnh vậy. Đó là nhu cầu sinh sản để phát triển, duy trì nòi giống. Như vậy, đề cập đến ham muốn thì chỉ còn có đầu óc mà thôi. Sở dĩ đề cập tới phần thân thể là để giúp dễ phân biệt được cái đầu hay thân thể ham muốn. Từ đó biết được cách khống chế hay vượt qua sự ham muốn.

Ví dụ: Cơ thể có sự đòi hỏi tự nhiên về tình dục. Đối với động vật thì chúng không thể dừng nhu cầu này được, cứ tới kì là cơ thể chúng đòi hỏi phải thực hiện việc duy trì nòi giống và chúng chỉ biết đáp ứng sự đòi hỏi ấy của cơ thể. Nhưng, con người nhờ có đầu óc, sự hiểu biết, nhận thức nên có thể vượt qua nhu cầu này, không thực hiện nhu cầu tự nhiên ấy của cơ thể. Do đó, con người biết phải đáp ứng điều gì cho cơ thể vì nó được dùng như một dụng cụ của năng lượng hiểu biết của con người nên cũng phải biết vượt qua những nhu cầu không cần thiết. Dĩ nhiên, sự đòi hỏi tuần hoàn của cơ thể rất hoàn chỉnh, hợp lí, giống như một cỗ máy tự động nhận vào và thải ra. Nhu cầu ngủ của cơ thể sẽ tự động không cho cơ thể làm việc suốt 24h liền, nó bắt cơ thể phải nghỉ, ngủ say trong 8h, đấy là nhu cầu tự nhiên của cơ thể; hoặc đi đại, tiểu tiện là nhu cầu tự nhiên của cơ thể. Cơ thể cũng có nhu cầu về thực phẩm phù hợp cho nó. Tất cả thực phẩm đi vào cơ thể được xử lí phù hợp tùy theo độ tuổi, tình trạng của cơ thể để nuôi dưỡng các hệ thống hoạt động của cơ thể. Ngày nay, sự phát triển tri thức của con người về y khoa cho biết rất rõ cơ thể của từng người ở từng độ tuổi, tình trạng cơ thể cần phải xử lí thực phẩm như thế nào cho phù hợp để cơ thể hoạt động được tốt. Nhờ vậy, tuổi thọ của cơ thể được kéo dài, sức khỏe của con người cũng được bảo đảm. Đương nhiên, nếu con người vô minh về cơ thể và ăn uống bừa bãi hoặc thỏa mãn sự thèm khát ăn uống thì vô tình đã vi phạm vào quy luật hoạt động tự nhiên đến nhu cầu của cơ thể và phá hủy sự cân bằng của cơ thể rồi gây ra bệnh tật. Đầu óc thường gây ra sự mất cân bằng này. Ví dụ, đối người cao tuổi thì không phù hợp với mỡ, đường, muối nhưng vì nghiện, thèm vị ngọt, mỡ nên cứ ăn uống vào để rồi gây ra bệnh tật, hiện tượng béo phì…Như vậy, rõ ràng đầu óc của con người thường phá hủy sự hoàn chỉnh của tạo hóa. Cơ thể không biết suy nghĩ gì cả nhưng nó hoạt động theo một chế độ tự động như thế nào đó mà hết sức hoàn chỉnh, không thừa cũng không thiếu trong từng giai đoạn, hoàn cảnh cụ thể, từ lúc nhỏ tới khi già. Đầu óc của con ngườ có thể nhận thức, phân tích và biết suy nghĩ nhưng lại thường làm việc không hoàn chỉnh, thường thừa hoặc thiếu, lệch lạc… nên gây trục trặc cho cơ thể.

Rõ ràng, sự ham muốn của đầu óc là điều dễ thấy và gây nhiều phiền phức nhất cho con người. Vì vậy, tôi phân tích ở mục thứ nhất để quý vị hiểu nhu cầu của cơ thể và cảnh tỉnh với sự ham muốn của đầu óc, đồng thời nâng cao nhận thức về an toàn cơ thể để có được sự cân bằng, kéo dài được sự tồn tại của nó.

LeGiang
11-07-2007, 11:51 PM
Mục Thứ Hai: Những Sự Ham Muốn Nào Có Sức Mãnh Liệt Nhất?

Điều này rất dễ thấy. Loại ham muốn đa số con người thường bị dính mắc phải dù người nghèo hay giầu, thậm chí cả người tật nguyền cũng vẫn vướng mắc vào là ham muốn tình dục và sắc dục. Loại ham muốn này có sức mạnh mãnh liệt, gây ra cho con người nhiều sự điên đảo nhất mà rất khó có thể kiểm soát, kiềm chế, dừng lại và vượt qua được. Ở đây, tình dục để chỉ nghĩa tình cảm thỏa mãn dục tính khoái lạc. Vấn đề này thường thấy trên phim ảnh, đặc biệt là phim Mĩ, hai người muốn thỏa mãn ham muốn tình dục chỉ cần nói “yêu” nhau là xong. Chuyện tình dục ở Mĩ là rõ nét, nổi bật nhất, hầu như phim nào cũng đề cập tới vấn đề này và tình dục trở thành kĩ nghệ kinh doanh thu lợi nhuận rất lớn ở Hoa Kì, tới hàng tỉ Dola mỗi năm.

Đi liền với ham muốn tình dục là ham muốn sắc dục. Nam thì ham muốn sắc đẹp của nữ và ngược lại. Ham muốn này cũng để thỏa mãn ham muốn của đầu óc qua cảm giác của cơ thể và thỏa mãn về tinh thần ích kỷ như khoe khoang, tự hào với người, với đời khi có được một người đẹp. Nghĩa là, thỏa mãn cả hai mặt tinh thần lẫn cơ thể. Nên biết và nhớ rằng, trong sự ham muốn tình và sắc này, có rất nhiều người mãi cho đến khi già yếu rồi mà ham muốn này cũng không thể chấm dứt được. Bệnh tật, già yếu đến nỗi không ăn, uống, ngủ nghỉ được nhưng hễ có cơ hội để thỏa mãn tình, sắc là nhướn mắt lên, gắng gượng dậy để chiêm ngưỡng, thưởng thức. Thậm chí, những người điên rồ không biết gì cả, không kiểm soát được gì hết nhưng thấy tình, sắc cũng ham. Do đó, sức mạnh của ham muốn tình và sắc dục hết sức lớn, hết sức kinh khủng mà có khi kéo dài đến hết cuộc đời con người. Nó cứ âm thầm cồn cào trong nội tâm. Thực tế cho thấy, không biết bao nhiêu tình huống mà sắc đẹp đã làm nghiêng ngả cả thành trì, cả quốc gia vì nó tạo ra sự ham muốn mãnh liệt cho những người có quyền uy lớn nhất của đất nước đó. Nó bắt người ta phải chạy theo, phải tìm mọi cách, phải đổi mọi thứ bất chấp tất cả hậu quả đưa đến cho cả một quốc gia, cả một dân tộc để sở hữu bằng được sắc dục.

Loại ham muốn thứ hai là ham muốn về tiền, ham muốn này cũng rất phổ biến và cũng đã được đề cập tới nhiều ( nhưng đặc biệt vẫn có những người thực sự không tham tiền, họ chỉ sử dụng đồng tiền để làm một số việc cần thiết nào đó thôi ).

Loại ham muốn thứ ba là ham muốn danh, ham muốn nổi tiếng, ham muốn quyền lực, bao gồm cả thế và thần quyền. Muốn làm vua để được sở hữu toàn bộ con người, tài sản trên đất nước của mình. Từ đó, thỏa mãn về sắc dục, chà đạp nhân phẩm của con người, hà hiếp kẻ yếu đuối…dùng quyền lực cướp bóc, chiếm đoạt, gian lận, tham nhũng…để có thật nhiều tài sản. Bởi vì, quyền lực tạo ra được vật chất, vật chất tác động ngược lại nâng cao quyền lực. Danh tiếng tạo ra quyền lực, tiền tài và những thứ này cũng lại tác động ngược lại tạo ra tiếng tăm. Đối với thế đời thì cố gắng đi vào con đường chính trị hoặc kinh tế để tạo danh tiếng, quyền lực. Đối với thế giới tâm linh thì lợi dụng hình thức tu sĩ để xây dựng, thiết lập quyền lực về mặt thế quyền và thần quyền với xã hội. Ví dụ: Người tu sĩ cố gắng làm cố vấn tinh thần cho một nhà lãnh đạo của một quốc gia thì người tu sĩ này có cả hai thứ quyền lực là thế và thần quyền. Còn một số người nếu không đạt được vị trí cao như vậy thì ít ra cũng biết sử dụng hình thức theo con đường tâm linh của bản thân để lân la làm quen, giao du với những người có thế lực về chính trị, kinh tế, quân sự. Dựa dẫm vào đấy để tạo ra quyền lực, để thỏa mãn những ham muốn của bản thân.

Tầng lớp thấp hơn là do làm ăn ở ngoài đời không được, bị mọi người chê bai, chửi rủa, khinh khi, xem thường, ruồng bỏ…trở thành thân cô thế độc, nghèo nàn, không được trọng vọng nên dùng cách xây dựng quyền thần trước, bày ra lắm chuyện thần linh, quỷ ma, tà đạo…bắt người khác quỳ lạy và xây dựng những quy định để những người đã tin vào trò ma quái đó không dám, không được động đến sự sai quấy của bản thân họ. Quyền lực xây dựng trên nền tảng thần quyền là họ muốn xây dựng vượt lên trên sự đóng góp, phê phán của người khác đối với các sai lầm của họ. Gần như những sai lầm của họ, người đời không có quyền đóng góp, phê phán, xây dựng. Hiện tại ở Mĩ, chuyện này đã khác. Vị trụ trì một ngôi chùa, làm chủ một nhà thờ hay nắm giữ một chức sắc lớn trong hệ thống tổ chức tôn giáo… mà đụng chạm tới phụ nữ, trẻ em để thỏa mãn ham muốn tình dục thì sẽ bị phạt tiền và vào tù tức khắc. Có điều, luật pháp can thiệp vậy nhưng tín đồ lại không dám lên tiếng, thậm chí người có người thân bị những người lợi dụng thần quyền để lạm dụng tình dục cũng không dám lên tiếng, không dám động chạm đến. Chỉ khi cơ quan pháp lí điều tra, phát hiện ra được thì những kẻ lợi dụng thần quyền đó mới bị bắt vào tù, đền tội chứ bản thân các tín đồ không dám tố cáo vì cho rằng sẽ bị rơi vào địa ngục.

Có vị 70 tuổi đã hỏi tôi một câu hỏi rất đau lòng: “Tôi nghe thấy và cũng gặp ngưới nói rằng, nếu ai góp ý, phê bình các nhà sư thì sẽ bị đày xuống địa ngục. Chuyện đó có thật hay không?” Quả thật là chuyện hết sức phi lí, buồn cười và đau lòng. Địa ngục ở đâu mà xuống? Tại sao những người lợi dụng thần quyền ấy lại tự cho họ vượt lên trên một con người bình thường? Những người đi tu cũng chỉ là con người thôi đâu phải thánh thần ghê gớm gì mà tại sao lại được quyền coi bản thân không phải là người thường và không ai được quyền phê bình, góp ý mình? Thật là hết sức ngớ ngẩn.

Loại ham muốn thứ tư là ham muốn được người khác tôn vinh, trọng vọng. Con người rất thích được người khác tôn vinh, trọng vọng. Người khác mà không tôn vinh, trọng vọng mình thì tự cho họ là người ngạo mạn, kiêu căng, không khiêm tốn… cho rằng họ không hiểu gì về mình, trong khi ngay chính bản thân cũng chưa hiểu mình là ai lại đi trách người ta không hiểu về mình.

Ngoài ra, còn có ham muốn địa vị, chức tước, ham muốn chơi bời sa đọa, cờ bạc, hút sách…Biết bao nhiêu sự ham muốn cờ bạc của những bậc vua chúa trong lịch sử đến nỗi phải cắt đất của quốc gia để trả nợ cho người thắng, mang đất đai, danh tiếng của dân tộc mà họ đang cai trị đi cầm cố, thế chấp để chơi cờ bạc. Nhiều người Việt Nam trong nước cũng như ở nước ngoài rất nghiện cờ bạc. Vì cờ bạc mà bán cả gia sản, tan nát cả gia đình mà cũng không bỏ được ham muốn này. Một số người già ở Mỹ thường vào các sòng bạc để thỏa mãn cảm giác thắng thua. Thật khó mà khống chế ham muốn này.

Mục hai tôi đã tóm lược những ham muốn có sức mạnh rất mãnh liệt, rất khó kiểm soát, dừng lại và chúng gây ra vô số hậu quả kể từ quá khứ đến hiện tại và tương lai.

LeGiang
11-07-2007, 11:52 PM
Mục Thứ Ba: Nguyên Nhân Hay Nguồn Gốc Của Ham Muốn Ở Đâu?

Nguyên nhân hay nguồn gốc đầu tiên, cơ bản là con người chưa nhận ra được con người tuyệt vời nhất của mình, chưa có dịp, chưa có cơ hội, chưa có đủ phước báu để thấy biết, nhận ra được con người tuyệt vời nhất, con người lộng lẫy nhất, cao sang, đầy đủ, hoàn chỉnh, vĩ đại nhất của mỗi người chính là Phật-Tâm hay Đạo-Tâm nơi chính từng người hoặc sự nhìn thấy, sự hiểu biết nguyên thủy của tâm hồn không bị ô nhiễm bởi bất cứ ý niệm, ý tưởng nào trong quá khứ. Con người này thường cho ra những trí tuệ tuyệt vời, những trí tuệ không khổ đau, thường cho ra những năng lượng mầu nhiệm mà khó có thể biết rõ được nhưng luôn luôn sống trong sự an toàn, đầy đủ và an lạc. Rất tiếc, mãi tới ngày hôm nay, khi sự xuất hiện của con người đã khá lâu rồi nhưng vẫn chưa có được nhiều người nhận thấy rõ con người lộng lẫy, đẹp đẽ nhất ấy.

Nguyên nhân hay nguồn gốc thứ hai cũng bắt nguồn từ nguyên nhân thứ nhất là con người chỉ thấy, công nhận con người có kinh nghiệm, sự hiểu biết, cảm xúc, ý tưởng, quan niệm, những cảm giác…những điều thuộc về tinh thần đã hình thành trong tâm hồn được trải qua từ quá khứ là thật, và thấy con người chỉ có thế thôi chứ không còn gì khác hơn nữa cả. Luôn luôn thấy con người kinh nghiệm hưởng thụ hay kinh nghiệm chưa thỏa mãn, còn thiếu thốn…là thật và bám chặt vào đó nên phải tìm cách thỏa mãn con người kinh nghiệm này. Vì nhận con người kinh nghiệm là thật, là mình nên bị nó dẫn đi theo. Có điều không được may mắn trong con người kinh nghiệm là cuộc sống thiếu thốn nhiều thứ, thiếu tình thương yêu, thiếu tiền bạc, trí tuệ, trí thức, sức khỏe, tình cảm, môi trường tốt đẹp, khí hậu trong lành…Mà, thiếu cái gì thì thèm cái đó, thiếu tiền thì thèm tiền, thiếu quyền thì thèm quyền. Nếu không có quyền thế thì cố đầu tư thời gian, sức lực để xây dựng, thiết lập thần quyền như giả trừ được tà ma, giả kêu gọi thần linh, giả đoán biết chuyện tương lai…để chiêu mộ, dụ dỗ người khác. Khi con người không thỏa mãn được thì sinh ra thèm khát, ham muốn.

Có trường hợp, nhiều người đã có đủ thứ, nhiều tiền, nhà cửa, đất đai, vợ con…nhưng vẫn chưa biết đủ vì ham muốn như đã đề cập ở phần đầu là bắt nguồn từ đầu óc, và đầu óc thì luôn luôn phát triển trớ trêu không có kết thúc, luôn luôn phức tạp nên người ta không thể nào thỏa mãn, không bao giờ thấy đủ được, cứ luôn luôn thấy chưa thỏa mãn, chưa đủ. Hôm nay thèm cái này, tìm mọi cách giải quyết cơn thèm muốn ấy nhưng hôm sau lại thấy thèm thứ khác và ham muốn bắt đầu trỗi dậy, rồi lại tiếp tục tìm mọi cách thỏa mãn sự ham muốn đó.

Đó là hai nguồn gốc hay nguyên nhân chính tạo ra sức mạnh của ham muốn. Tất cả những kinh nghiệm tạo ra sức mạnh và thực phẩm nuôi dưỡng, bồi bổ những ý muốn tồn tại, phát triển mãi trong tâm hồn con người.

Do chưa nhận rõ được con người thật sự, con người lộng lẫy là Đạo Tâm, là khả năng nhìn thấy và nhận biết thuần túy, tinh khiết của tâm hồn, và chưa thấy, nhận ra được giá trị to lớn tựa tài sản vô tận vô biên mà không thể nào hưởng hết được, phước báu đó ban phát và cho đi vô lượng vô biên cũng không thể hết được nên chạy theo những kinh nghiệm hưởng thụ, thiếu thốn, không thỏa mãn, chưa biết đủ…để hình thành những ý nghĩ, ý tưởng, mưu mẹo... hòng thỏa mãn những ham muốn, rồi lại hình thành nên vô vàn sự ham muốn khác. Đời sống kinh nghiệm về tri thức, hưởng thụ về tinh thần, hưởng thụ về thể xác với cảm giác khoái lạc, (bao gồm cả khẩu vị) cứ hưởng thụ mãi thì kinh nghiệm hưởng thụ lại trở thành thói quen. Thói quen lâu ngày dồn lại tạo thành bản chất và số mệnh của con người. (Việc từ bỏ một thói quen xấu đã là vô cùng khó khăn chứ chưa cần khi chúng tạo thành bản chất và số mệnh.) Do đó, con người nhìn, suy nghĩ hay làm gì đều xuất phát từ kinh nghiệm rất nghèo nàn này nên số mệnh cũng nghèo nàn.

LeGiang
11-07-2007, 11:54 PM
Mục Thứ Tư: Động Cơ Hay Mục Đích Ham Muốn Là Gì?

Động cơ hay mục đích thứ nhất của ham muốn là nhằm thỏa mãn những tham vọng, những thèm thuồng điên cuồng mà con người không kìềm chế nổi. Động cơ thứ hai là muốn thỏa mãn sở thích hưởng thụ cả về mặt tinh thần lẫn thể xác. Thỏa mãn sở thích hưởng thụ về mặt tinh thần là khoe khoang, thích thú cảm giác thành công, những cảm giác hồi hộp, đợi chờ… Ví dụ, ham muốn đánh bạc, casino, chơi game…bỏ không được là muốn thỏa mãn sở thích hồi hộp chờ đợi, hi vọng bỏ ra một đồng để trúng trăm nghìn đồng. Thỏa mãn sở thích hưởng thụ về mặt thể xác là hưởng những cảm giác khoái lạc trong ái tình, cảm giác khoái khẩu trong ăn uống, ăn uống những thứ mà bản thân cảm thấy khoái khẩu như rượu, bia, hút thuốc…Thỏa mãn những sự đua tranh trong cuộc đời, thấy người khác có quần áo đẹp, nhà cửa, xe cộ lộng lẫy …thì mình cũng phải có những thứ ấy.

LeGiang
11-07-2007, 11:55 PM
Mục Thứ Năm: Sự Nguy Hiểm Hay Hậu Quả Của Ham Muốn Là Gì?

Điều này chắc quý thiện hữu đã biết nhiều rồi. Một trong những hậu quả tất nhiên của ham muốn là khổ đau triền miên vì những ham muốn ấy sẽ mãi mãi không bao giờ hài lòng, điều này đã quá rõ ràng bởi ham muốn không bao giờ có chỗ dừng. Vì vậy, không bao giờ việc thực hiện và đạt được kết quả của một ham muốn bất kì mà lại có thể làm cho người ham muốn dừng lại, không ham muốn nữa. Khi đã đạt được một ham muốn nào đó thì lập tức ham muốn khác phát triển ngay. Ham muốn đẻ ra ham muốn, một ham muốn ban đầu sinh ra hàng ngàn ham muốn khác tiếp sau. Ham muốn không có giới hạn, không có chỗ dừng. Kết quả của việc thực hiện lòng ham muốn cũng không có độ dừng. Do đó, chỉ đau khổ triền miên mà thôi.

Vấn đề tiếp là, ham muốn thường đem lại sự lo lắng vì ham muốn thì phải tính toán, phải ưu tư, mưu đồ…làm đủ thứ để thực hiện cho kì được ham muốn. Do vậy, ham muốn đi liền với sự lo lắng, sợ hãi. Sợ không làm được và sợ cả khi làm được việc gì đó rồi thì lại bị cạnh tranh, bị mất. Có những người vì ham muốn làm giầu mà lo chạy chọt để được quen biết, bám víu vào những người có thế lực chính trị. Từ đó, tạo mối quan hệ với ngân hàng rồi tìm mọi cách moi tiền ngân hàng và dùng tiền đó tạo áp lực với mọi thế lực để vơ vét tài sản hay độc quyền những cái mình có hòng thu vén quyền lợi cho cá nhân. Muốn được vậy thì phải lo lắng, suy nghĩ kế sách…rồi rình rập, gặp gỡ, móc ngoặc, hối lộ … người này người kia làm sao để thỏa mãn ham muốn của những người đó. Nghĩa là, để thực hiện ham muốn của mình thì phải tìm hiểu và thỏa mãn ham muốn của kẻ có quyền lực mà mình cần dựa vào. Phải tìm mọi cách để thỏa mãn những sự ham muốn của người ta thì họ mới cho dựa dẫm, thành ra y như một con rối tội nghiệp. Phải luồn cúi, nịnh hót, bợ đỡ, tìm kiếm, phục vụ những mục đích, kể cả trò chơi mà người ta thí và phải lo phục dịch hết, lấy tiền ngân hàng ra thì phải chia chác nhiều ít cho người ta và lỡ cảnh sát hoặc báo chí biết, rờ tới thì cũng phải lo xu nịnh và tiếp tục hối lộ tiền bạc hay quà cáp.

Tôi biết rõ và quý vị cũng biết rõ qua báo chí nói đến. Trong đời tôi, tôi biết rõ có ít nhất có sáu người “triệu phú” đã làm như vậy. Cuối cùng thì một hai người bị tử hình, hai người bị tù chung thân, một người âm thầm bằng lòng bàn giao tài sản cho nhà cầm quyền, người còn lại phải chuyển hướng công việc để lấy công chuộc tội. Cấp tiền, cấp gái mà cũng không thoát được tội nên tìm cách cầu thánh, cầu thần, lập chùa cúng tế. Nhưng rốt cuộc cả người có quyền và cả thánh thần, bồ tát cũng bó tay..Thật bi đát! Không biết, làm giàu như vậy để làm gì? Thật đau buồn! Nhiều vấn đề trong sự ham muốn kiểu này thật buồn cười, lố bịch, nhố nhăng, bẩn thỉu…không còn nhân cách con người nữa nhưng họ cứ muốn làm vì muốn thực hiện cho được ham muốn, muốn trở thành triệu, tỉ phú. Nếu là người tài giỏi thì cứ sáng tạo ra một điều gì đó mới mẻ, đáp ứng nhu cầu của nhiều người để từ đấy trở thành người giầu có mà không cần phải năn nỉ ai hết.

Nhưng, đa số người đều làm những chuyện mất nhân cách con người để thực hiện ham muốn. Nhiều hơn cả là ở những nơi còn nghèo nàn, lạc hậu thì người kinh doanh muốn giầu có, muốn thực hiện ham muốn thường phải làm những chuyện bẩn thỉu, bỉ ổi. Những kẻ mạnh thì ức hiếp, hãm hiếp người yếu để thỏa mãn ham muốn của mình. Ở những nơi nghèo thì người kinh doanh nhỏ lẻ, không có ham muốn, những việc làm chỉ để đáp ứng nhu cầu tự nhiên tối thiểu, chính đáng là tồn tại như nhu cầu của cơ thể cần phải ăn vào và thải ra, cần tránh mưa, tránh nắng… cũng phải đi qua những đoạn đường nịnh bợ, giao du bất chính, hối lộ, đút lót để được sống, để được yên thân. Không thể tưởng tượng nổi sự đau khổ, sỉ nhục nhân phẩm của con người bị chà đạp rất thậm tệ. Ở những nơi nghèo, hầu như người nào cũng thiếu thốn đủ thứ nên chụp được cơ hội nào là tận dụng bằng hết cơ hội đó để kiếm chác, trục lợi, vì thế, không ngần ngại chà đạp lên nhân phẩm của người khác. Tội nghiệp cho những con người có nhu cầu hết sức chính đáng cũng phải chấp nhận bán phẩm giá để có cơm ăn, áo mặc, nhà ở, yên thân…Hối lộ, móc ngoặc, nịnh bợ…là một trong các cách bán phẩm giá con người nhưng bắt buộc phải bán, không bán không được.

Kể cả các vị tu sĩ xuất thân từ những nơi nghèo thì cách sống, hành đạo cũng không thể nào tách khỏi ảnh hưởng của kinh nghiệm nghèo nàn, đau thương được, dù họ có nói thêu dệt, tô vẽ cho ra trò hay gì đi chăng nữa cũng không thể tách rời ảnh hưởng của quá khứ kinh nghiệm nghèo khổ từ nhiều đời trước để lại. Ngược lại, những người may mắn xuất thân từ dòng tộc làm quan lại, giầu có thì bị ảnh hưởng tư tưởng bóc lột, vơ vét, chà đạp lên nhân phẩm của người khác.

Có hai loại ảnh hưởng như vậy. Nếu ảnh hưởng từ kinh nghiệm nghèo thì trở thành người bán nhân cách bất đắc dĩ dưới nhiều hình thức, vỏ bọc khác nhau. Nếu trải qua kinh nghiệm giầu có, quyền lực thì lại ảnh hưởng tư tưởng ỷ vào thế lực bóc lột, chà đạp, hà hiếp…Những nơi nghèo khổ thường xảy ra những vấn nạn như thế. Báo chí có nêu, những em gái mới hơn mười tuổi ở vùng châu Phi phải trả tiền học phí bằng cách để cho thầy giáo lạm dụng tình dục. Có cả nhân viên của Liên-Hiệp-Quốc với trình độ tri thức và cuộc sống không phải kém cũng lợi dụng sự khó khăn, nghèo đói của các em để dụ dỗ, hãm hiếp rồi mới phát quà, hàng cứu trợ. Những người này được ăn học tử tế đàng hoàng, cũng có danh giá nhưng ham muốn về dục, sắc dục cũng vẫn rất mạnh mẽ và không thể kìềm chế được nên dụ dỗ, hãmhiếp cả các em, các cháu nhỏ nghèo khổ, rách rưới trước khi trao quà.

Hậu quả tiếp là tâm trí của người có quá nhiều ham muốn luôn luôn bị mờ mịt, mà đã mờ mịt thì dứt khoát sẽ thấy sai, nhìn sai, tập trung tư duy sai…cuối cùng, đương nhiên là sẽ phải làm rất nhiều việc sai. Rất nhiều nhà tù trên thế giới nhốt biết bao nhiêu con người ham muốn về tiền bạc, tình dục. Do ham muốn quá nên tâm trí mờ mịt và lấy tiền bạc của người ta, mà hãm hiếp trẻ em. Minh chứng tại Hoa Kì cho thấy, rất nhiều người, nhà tổ chức lãnh đạo của các tổ chức từ thiện phải vào tù vì họ dùng tiền bạc quyên góp được từ nhiều nơi khác nhau để thỏa mãn những ham muốn cá nhân, tiêu xài, thỏa mãn vô tội vạ số tiền ấy. Còn những người ham muốn quyền lực thì dùng quyền lực để tạo ra tài vật bất chính nên phải vào tù. Hầu như ở bất kì nơi nào trên trái đất đều có các vấn đề tương tự.

Thà làm ăn chân chính nhưng bị phá sản còn không sao, con cháu không bị xấu hổ nhưng vào tù vì kiếm tiền bất chính thì không biết con cháu có còn sĩ diện nữa không?. Đúng ra, con cháu còn trẻ, tâm hồn còn trong sạch thì nên duy trì, nuôi dưỡng sự trong sáng của tâm hồn để phát triển tâm hồn trong sáng đó. Cha mẹ làm ra đồng tiền từ những việc bất chính không thể nào giấu diếm được con, cháu và nếu chúng không được may mắn thì sẽ bắt chước, học theo thói xấu ấy. Cho nên, con người có quá nhiều ham muốn thì sẽ thực hiện ham muốn ấy bằng mọi cách, mà ham muốn chưa cần thực hiện, chỉ mới nổi lên thôi thì lập tức tâm đã tối sầm lại rồi và sẽ thấy biết, nghĩ suy, tư duy, hành động sai.

Hậu quả cuối cùng là hoang phí cả cuộc đời, chẳng đi đến đâu cả dù có thực hiện được một phần ham muốn trong cuộc đời. Kết cục lại, không hề thỏa mãn được gì hết, không còn gì hết. Ham muốn trở thành bóng ma lẩn quẩn trong tâm hổn để rồi dẫn dắt người ham muốn đến địa ngục không lối ra. Trong địa ngục ấy, người xây ngục, ngục tốt và cai ngục cùng từ một con người mà thôi. Ham muốn chỉ luôn luôn nghĩ tới và đòi hỏi sự hưởng thụ, mà hưởng thụ không được thành ra khổ đau nên cuối cùng, kết thúc cuộc đời chẳng được gì cả, không thành gì hết ngoài sự đau buồn, thất vọng, sợ hãi…Được cái này thì thất vọng cái khác. Thất vọng thì luôn luôn nhiều hơn được vì thất vọng ảnh hưởng mạnh hơn, kéo dài hơn sự thỏa mãn trong tâm hồn. Được tiền bạc nhưng thất vọng chuyện khác, và tiền bạc có được dù là bao nhiêu cũng không thể giải quyết sự thất vọng đang phải đối đầu. Thất vọng đang đối đầu cũng xuất phát từ sự ham muốn. Hậu quả to lớn của ham muốn là vậy. Quả thật, con người phải sống rất đau thương dù có học cao hiểu rộng, nhiều tiền của, quyền lực đến đâu đi chăng nữa thì rõ ràng vẫn là người đáng thương, thực sự đau khổ vì mải mê chạy theo thỏa mãn ham muốn và chưa thấy được con người thực sự đẹp, con người thực sự lộng lẫy tiềm ẩn trong tâm hồn. Đó là con người vô minh nhưng nói cho cùng thì cũng đáng thương, đáng được hộ trì, đáng được cứu rỗi. Thực sự đáng thương hơn đáng ghét dù người ta đã gây ra không biết bao nhiêu sự đau lòng cho người khác, bản thân người ta phải sống trong cảnh giới địa ngục bởi chính những ham muốn của họ và cũng khiến nhiều người khác phải sống chung trong cảnh giới đó.

LeGiang
12-07-2007, 12:04 AM
Mục Thứ Sáu: Có Thể Sống, Làm Việc Và Có Nhiều Thứ Mà Không Cần Phải Ham Muốn.

Điều này là có thật! Nếu nói tới những người giầu có hiện nay trên thế giới thì có nhà tỉ phú Bill Gatelà một trong hai người đồng sáng lập công ty Microsoft về phần mềm máy vi tính và được công nhận là người giầu có nhất thế giới. Ông ta chỉ có mỗi một ham muốn tích cực là sáng tạo ra phần mềm máy vi tính cho con người để loài người bước vào kỉ nguyên đời sống với máy vi tính và các phần mềm tối ưu cho con người chứ không ham muốn tiền tài, quyền lực…Ông ta rời bỏ trường đại học danh tiếng nhất của Hoa Kì, Harvard để cùng một người bạn thành lập công ty Microsoft, chuyên nghiên cứu và sản xuất phần mềmcho máy vi tính. Quả thực, với sự ra đời của máy vi tính và các phần mềm như hệ điều hành Windowtiện dụng đã tạo ra nhiều thay đổi đời sống rất lớn lao cho con người và đang tạo ra nhiều sự thay đổi khác nữa. Ví dụ như việc tìm kiếm thông tin ngày nay tiện lợi hơn nhiều so với ngày trước, không phải vào thư viện tìm đọc từng cuốn sách mà cũng vẫn không đủ. Bây giờ, việc tìm kiếm thật đơn giản, thuận tiện và hiệu quả. Muốn tìm ảnh phong cảnh của nước Việt Nam thì chỉ cần lên mạng vào mục tìm kiếm ảnh thì chưa đầy một phút đồng hồ đã hiện ra vô số ảnh phong cảnh đẹp. Có thể biết được rất nhiều thông tin trên thế giới chỉ trong vòng vài phút…hay thậm chí, mua bán, giao dịch nhiều thứ khác cũng chỉ cần ngồi ở nhà với chiếc máy vi tính có nối mạng là thực hiện được chứ không cần phải đi đâu cả.

Như vậy, ham muốn tích cực ấy là ham muốn rất được khuyến khích bởi nó không nằm trong ham muốn tiền tài, danh vọng, địa vị, quyền lực, tình ái sắc dục, chơi bời…tiêu cực, không nằm trong ham muốn mãnh liệt gây nguy hiểm cho cuộc đời như đã nêu. Một người giầu có nhất thế giới nhưng khởi nghiệp xuất phát điểm không phải vì ham tiền mà chỉ ham sáng tạo và ham làm những việc thay đổi thế giới và dĩ nhiên tiền đến như là một kết quả tất yếu. Đó là một gương cần học hỏi.

Tại nhiều nước trên thế giới như Tây-Âu, Bắc Âu, Úc, Canada, Mỹ đời sống con người gần như được tiêu chuẩn hóa để sống căn bản tối thiểu mà không cần phải quá ham muốn vì nghèo đói thiếu thốn. Từ các vấn đề giáo dục, y tế bảo hiểm…đến trẻ em, người già…đều có từng chế độ cụ thể riêng biệt đâu ra đấy. Người khi không làm việc được nữa vẫn được hưởng các tiêu chuẩn đủ sống thoải mái, còn khi đang làm việc thì thực hiện nghĩa vụ đóng thuế thu nhập cá nhân rất cao nhưng rất thoải mái và sống cũng vẫn rất đầy đủ vì biết giá trị đồng tiền nộp thuế đó giúp cho hệ thống xã hội tốt đẹp, để trợ cấp cho những người đã mất khả năng lao động. Do đó, họ không cần phải ham muốn tiền bạc (đặc biệt là các nước như Norway, Holland, Denmark..) nhưng vẫn đầy đủ nhà cửa, tiện nghi, xe cộ, học hành, y-tế, …Cuộc sống không phải lo lắng về vật chất, cũng gần như thiên đường vậy nếu những người ở các xứ ấy đầu óc đừng nẩy sinh ra quá nhiều nhu cầu. Có điều, những người sống ở những nơi như thế nếu được thêm một sự may mắn nữa là có được minh sư, những bậc thầy có nhiều kinh nghiệm giỏi giúp nhận ra được con người thật của “Bản lai diện mục” hay Chân-Tâm hay Đạo-Tâm hay Phật-Tâm thì sẽ có nhiều điều kiện tốt hơn, chóng thành tựu hơn vì họ không còn ham muốn, nhu cầu nhiều về tiền, nhà ở… nữa. (Dĩ nhiên, vẫn còn một số người ham muốn tình ái, sắc dục, cờ bạc, chơi bời vô độ nhưng không đến nổi trầm trọng lắm..) Cho nên, nếu xét tới điều kiện để khám phá được Chân-Tâm, Đạo-Tâm, Phật-Tâm hay khám phá được con người chân thật lộng lẫy thì những người sống ở những nơi phát triển như trên có nhiều điều kiện đạt được kết quả tốt đẹp.

Vừa rồi tại Hoa Kì, tôi có gặp một số vị lớn tuổi về hưu, họ có nhà nhưng bán đi lấy 6 hoặc 7 trăm nghìn USD, rồi mua một căn hộ chừng 1 trăm nghìn USD ở khu nhà dành cho những người lớn tuổi (mobilehome) với những dịch vụ, phong cảnh thích hợp và không gian yên ắng, còn lại đem gửi ngân hàng lấy lãi hàng tháng để sống, không còn ham muốn nhiều, nhất là không còn ham muốn làm kinh tế, tình ái, sắc dục vì họ biết đã lớn tuổi nên không chạy theo sự thỏa mãn về vấn đề này nữa, dĩ nhiên, vẫn còn một số người chưa dứt được hẳn. Đối với những người như thế, nếu may mắn khám phá được con người thật của họ nữa thì sẽ trở thành con người bất tử, hoàn toàn thỏa mãn cuộc sống của họ.

Bên cạnh đó, rất nhiều người còn muốn giữ nhà to để khoe khoang, hàng tháng vẫn phải trả tiền nhà mặc dầu không nhiều hoặc không phải trả nợ nữa nhưng cuộc sống không được thoải mái, sung túc bằng những người biết, dám dừng ham muốn cạnh tranh, khoe khoang để thu gọn cuộc sống và sống nhẹ nhàng, thanh thản. Thực ra, những người thích sống khoe khoang là tại thói quen, bản tính ưa vậy chứ so với xã hội thì họ chưa là gì cả. Người ta có hàng tỉ USD còn chả muốn khoe khoang nữa là người có vài triệu, việc gì phải ôm giữ sự khoe khoang trong lòng cho mệt mỏi.

LeGiang
12-07-2007, 12:07 AM
Mục Thứ Bẩy: Tập Dừng Các Ham Muốn.

Muốn tập dừng các ham muốn, điểm đầu tiên là cần phải hiểu rõ toàn bộ quá trình có liên quan đến ham muốn như 6 mục vừa trình bày ở trên. Phải biết hết và biết rất rõ những vấn đề đó. Biết cái gì ham muốn, thân thể hay đầu óc? Biết những loại ham muốn nào phá hủy cuộc đời của con người và vẻ đẹp của xã hội. Biết nguyên nhân hay nguồn gốc của ham muốn từ đâu? Biết động cơ của ham muốn là gì? Biết sự nguy hiểm, hậu quả của ham muốn. Biết thực sự có một cuộc sống không cần ham muốn.

Điểm thứ hai là cần phải quan sát ham muốn và dùng ý chí dừng lại ngay. Vấn đề này khác một chút so với việc quan sát ý nghĩ để làm ý nghĩ dừng lại, tan biến và tạo kẽ hở cho Chân Tâm phát quang đã đề cập ở bài Bát Nhã Chiếu Soi ở chỗ, với ý nghĩ chỉ cần quan sát là dừng được nhưng ham muốn thì không vậy. Khi quan sát, biết được ham muốn đang diễn ra trong đầu óc thì còn phải cần dùng ý chí để dập tắt. Ví dụ đối với một người ham muốn uống bia, khi ham muốn này nổi lên mà quan sát được nó thì tự nhủ với lòng rằng, cái sự ham muốn uống bia đang nổi lên, mình cần phải vượt qua và tìm thứ khác thay thế sự ham muốn đó như uống một cốc nước lạnh, nước chanh hay chuyển hướng hoạt động sang một hướng tích cực, cụ thể khác để quên, vượt qua ham muốn uống bia.

Đối với nhu cầu dục tính tự nhiên của cơ thể, nhất là những người còn trẻ trung thì năng lượng dục tính rất mạnh mẽ luôn trỗi dậy theo chu kì, nhưng ham muốn trỗi dậy hàng ngày, hàng giờ. Nhu cầu của cơ thể về mặt vật lí, theo tính tự nhiên của tạo hóa chỉ trỗi dậy theo chu kì trong một thời gian nhất định còn ham muốn của ý nghĩ thì thường xuyên mỗi ngày mỗi giờ và là điều đáng sợ nhất trong vấn đề này.Do đó phải dùng ý chí để vượt qua bằng cách thay đổi môi trường, kiếm việc khác làm hay đi gặp gỡ người khác nói chuyện để quên nó đi. Nghĩa là vừa thiền quán vừa dùng ý chí để thay đổi tình huống trong tâm. Đặc biệt, những vị tu sĩ trẻ vấp phải thử thách rất lớn của vấn đề này, cam go và mãnh liệt vì đã thọ giới thì không được quan hệ chăn gối với người khác, kể cả người đồng giới nên cần phải tinh tấn và dùng ý chí cương quyết, kiên định mới có thể vượt qua được.

Có một số vị tu sĩ trẻ tâm sự về kinh nghiệm vượt qua nhu cầu đó của cơ thể rằng, khi nhu cầu tính dục tự nhiên của cơ thể cao quá, không thể chịu nổi thì khống chế bằng cách nhảy vào thùng nước lạnh tắm hay ngồi thiền hoặc nhập thất nhưng vẫn có vị không chịu nổi vì đòi hỏi quá mạnh. Thậm chí, có vị buộc phải thủ dâm, chuyện này là rất thực tế và bình thường, không có gì đáng xấu hổ khi thổ lộ nó cả. Có vị khống chế được trong khi thức nhưng lúc ngủ vấn đề đó lại diễn ra trong giấc mơ.

Tôi còn nhớ trước đây, trong một lần nói chuyện vui với nhóm sinh viên, cụ cựu giáo sư Nguyễn Đăng Thục hỏi một vị tăng trẻ: “Ban ngày thầy thức, kiềm chế và kiểm soát được thì giữ được giới luật, không vi phạm vào vấn đề tình ái, tính dục…nhưng tôi hỏi thầy, có lần nào thầy nằm ngủ mà chiêm bao thấy mình có quan hệ chăn gối với người khác không?” Vị tu sĩ nọ cũng trả lời rất thẳng thắn: “Có”. Cụ Thục hỏi tiếp câu thứ hai: “Như vậy, lúc thức thầy giữ được giới luật nhưng khi ngủ mê vấn đề đó lại diễn ra thì cũng y như thật vậy thôi chứ có khác gì đâu? Một bên là thật trong khi thức và một bên là thật trong lúc mơ ngủ. Vậy, theo thầy, sự việc diễn ra trong giấc mơ như thế thì thầy có phạm giới luật hay không?” Vị tu sĩ trẻ không thể trả lời câu hỏi đó của giáo sư Nguyễn Đăng Thục. Đề cập đến câu chuyện này không phải để quý vị trả lời đúng hay sai mà là để thấy được sự đòi hỏi của cơ thể mang tính quy luật và có thể dùng ý chí vượt qua được dù khó khăn và thường thì phụ nữ dễ vượt qua hơn nam giới.

Cứ mỗi lần ham muốn nào nổi lên trong đầu óc thì tìm cách quan sát, nhận biết và dùng ý chí dập tắt, vượt qua ngay, kiên quyết không thỏa thuận, không thực hiện với nó. Nếu không kiên quyết dập tắt mà đồng ý thỏa hiệp hay “kiên quyết” nửa chừng lại thỏa thuận với nó thì chắc chắn thế nào cũng phải tìm cách thực hiện ham muốn đó thôi. Để dừng được ham muốn thì ý chí vô cùng quan trọng. Biết ham muốn đang khởi, quan sát thật rõ, thật kĩ và kiên quyết dùng ý chí dập tắt nó bằng nhiều cách, có thể tìm việc khác thay thế hay trực diện chống cự lại với nó bằng vai trò của một người đối đầu hoàn toàn khác kiên quyết không để nó sai khiến, không để nó biến thành nô lệ. Nghĩa là đóng vai trò một người bình yên có Phật Tâm Danh mà tôi đã tặng để kiên quyết phản đối, chống lại những kinh nghiệm của cuộc sống hoành hành mình.

Điểm thứ ba, cần phải biết về phương diện nhân cách trong các vấn đề đạo đức là để tạo thêm sức ép cho ham muốn dừng lại. Phải nhận thức rõ, tất cả các loại hình thức thực hiện những ham muốn nêu trên của bất kì ai, tự nó tố cáo sự nghèo nàn trong tâm hồn của chính người đó. Người nào thèm muốn người hầu hạ thì cuộc đời họ không ai hầu hạ nên phải kiếm người hầu hạ, chưa có ai ca ngợi nên bỏ tiền ra để thuê người khác ca ngợi, chưa được tôn vinh nên cố bày ra nhiều chuyện, làm nhiều thứ để được tôn vinh, tạo ra những hình thức tự coi bản thân như thánh, như vĩ nhân hay người vô cùng quan trọng để người khác tôn trọng, tâng bốc…hoặc ít ra, quyến thuộc cũng được tiếng thơm lây. Bất kì hình thức thỏa mãn sự ham muốn nào cũng đều tự tố cáo một chuỗi kinh nghiệm thiếu thốn của cuộc đời mỗi cá nhân, dòng họ, tổ tiên, thậm chí cả quê hương, dân tộc và đất nước. Thực sự tố cáo một tâm hồn nhỏ bé, nghèo nàn, tư tưởng hẹp hòi, ích kỉ…thuộc thế giới tầm thường, hạ đẳng luôn luôn thiếu thốn, chưa bao giờ thỏa mãn, chưa bao giờ biết đủ.

Biết như vậy thì đừng bao giờ tự tạo hoặc để người khác tạo cho mình các hình thức khiến mọi người tôn vinh. Nếu đồng lõa, chấp nhận, thuận theo những hình thức đó thì rõ ràng đã tự tố cáo, tự lòi đuôi ra cho thiên hạ thấy sự thiếu thốn và nghèo nàn của mình. Thèm lân la với người có chức tước, quyền uy mà bình thường không thể làm được vì thiếu tiền tài, thiếu trí tuệ…thì dùng thần quyền.

Trước mặt thiên hạ thì ra vẻ ta đây nhưng khi đối mặt với chính mình thì lo sợ. Tôi nghe câu chuyện về một ông quan to đầu tỉnh ban ngày thì thị uy hà hiếp nhiều người, ra oai, hò hét, đe nẹt, hà hiếp những người hiền lành, yếu đuối…nhưng nửa đêm lén đến gõ cửa nhà một người bói quẻ. Khi vào thì rụt rè, hạ thấp tư cách con người xuống tận cùng để tỏ lòng tôn vinh, sùng bài người xem bói đoán quẻ về tương lai cho họ: thưa thầy nhờ thầy xem dùm em một quẻ sắp tới có rủi ro gì không?, đại loại như vậy. Mặt trước là ham muốn thực hiện quyền lực, còn mặt sau là sự thấp hèn tư cách.

Điểm thứ tư là đừng bao giờ chạy theo sự hơn thua, tranh đua trong cuộc sống. Có sao sống vậy, đừng để bị hình thức o ép phải thi đua, tranh giành với mọi người vì đua tranh cũng chẳng đi đến đâu cả. Đừng bao giờ cố gắng làm cái gì đó để mình thành ra một con người nào đó khác lạ. Nếu ai giữ được sự bình thường thì dễ phát sinh ra những trí tuệ làm thay đổi cả thế giới, ít ra cũng thay đổi được cuộc đời của mình tốt hơn, có ý nghĩa hơn. Con người nhiều khi không biết tranh đua để làm gì, thấy người khác tranh đua thì cũng tranh đua theo, thấy người khác khoe khoang thì cũng khoe khoang theo…nhưng mục đích để làm gì thì mù tịt. Có một đoạn thơ châm biếm rất buồn cười của tác giả nào đó về sự tranh đua mà người ta hay đọc:
“Thi đua ta quyết tiến lên
Tiến lên ta quyết tiến lên hàng đầu
Hàng đầu chẳng biết đi đâu
Đi đâu không biết cứ lên hàng đầu”
Nghĩ cũng nực cười vì chuyện này quá phổ biến.
Sự tranh đấu, đua giành trong cuộc đời cũng tương tự vậy, không biết sẽ đi đâu, thấy người khác đi thì cũng đi và cố gắng cho được đi hàng đầu.

Điểm thứ năm cũng rất cần thiết là, cố gắng tự vui, tự thỏa mãn, tự bằng lòng với tâm bình yên, với sự thanh tịnh của tâm hồn. Cố gắng khám phá niềm vui, hạnh phúc của tâm bình yên, của tâm hồn thanh tịnh. Cố gắng tìm thấy điều hay cái đẹp, thỏa mãn, hạnh phúc trong tâm bình yên.

Tôn giáo và tín đồ nào cũng vậy, khi cầu nguyện thì cầu nguyện sự bình yên, cụm từ “bình yên” và “an lạc” gần như là câu chúc cửa miệng của hầu hết các tín đồ của các tôn giáo, nhất là trong đạo Phật. Có điều, khám phá hạnh phúc, niềm vui, điều hay, tuyệt vời và giá trị của sự bình yên không biết là có ai dạy chưa nhưng hầu hết các tín đồ không chịu khám phá sự thật ấy ở ngay trong tâm hồn mỗi con người. Dù ít hay nhiều, bất kì người nào cũng có thời kì, phút giây bình yên của tâm hồn trong cuộc sống. Do đó, ai cũng vốn có sẵn sự bình yên này và cũng đã từng trãi nghiệm một cách vô tình nhưng lại không chịu khám phá điều hay và giá trị đó. Chưa trải nghiệm thực sự, chưa thấm thía được sự bình yên thì cầu bình yên để làm gì? Nhưng, người ta cứ nói, cần bình yên.

Dù ngắn hay dài, bất kì người nào cũng có những giây phút bình yên trong suốt cả cuộc đời, có thể chỉ một giây, một phút hay lâu hơn chút nữa. Như vậy, ngay bây giờ, ngay lúc này hãy chịu khó suy tư, tìm lại xem có gì hay, thú vị trong sự bình yên đã từng diễn ra hoặc đang diễn ra trong tâm hồn mà không cần phải cầu, xin, nguyện, phải đổ công sức tu hành, đọc không biết bao nhiêu kinh sách, đốt không biết bao nhiêu cây nhang, tốn không biết bao nhiêu tiền tài, sức lực, thời gian… để quỳ lạy cầu xin sự bình yên. Tại sao lại vậy? Và, tại sao bất kì ai cũng có sự bình yên rồi nhưng lại cứ phải tốn kém đủ thứ, kể cả cuộc đời để cầu xin như thế? Đi cầu xin cái mình đang có! Do vậy, những người đã từng trải nghiệm sự bình yên thì cố nhớ lại, tìm lại điều tuyệt vời trong đó.

Còn người nào có khả năng thì cứ ngồi im một chỗ quan sát sự bình yên của bản thân thay vì đi cầu cúng, xin xỏ, lễ lạy, trì tụng kinh sách, ngồi thiền…làm đủ thứ chuyện trong suốt cuộc đời gây tốn kém tiền tài, thời gian, bỏ bê nhà cửa, gia đình…để cầu sự bình yên, cầu cái mình đang cất giữ trong người. Tắm rửa sạch sẽ, quần áo đàng hoàng, ăn uống đầy đủ, xong kiếm một chỗ yên tĩnh và quan sát sự bình yên đang có, đang diễn ra trong tâm hồn, mà hễ quan sát sẽ thấy liền. Bất kì người nào cũng đang có sự bình yên. Thầy tốn rất nhiều công sức để chỉ hết, chỉ thật rõ như vậy vì thấy con người đau khổ quá. Có rất nhiều người không được phước báu để nghe hay đọc bài thuyết này dù muốn nghe, đọc. Những người đã, đang nghe, đọc bài thuyết này tức là có được phước báu vô lượng. Thầy đã tạo mọi công đức cho quý vị nên quý vị phải biết trân trọng. Biết bao nhiêu người chẳng đổ công, sức giúp mọi người nhưng lại cứ đến đó đổ tiền tài vào để lạy lục, xin xỏ, cầu đạo…giống như kẻ nô lệ, ăn mày ăn xin. Người cố trả cho mình sự làm chủ thì mình vô tình với họ, còn người cố biến mình thành kẻ nô-lệ, kẻ bị mất linh hồn thì lại quỳ lạy họ, cung phụng cho họ, ca ngợi họ, tôn thờ họ. Quả thật Phật không sai khi nói con người quá vô minh nên tự đánh mất mình trong khổ đau.

Quả thật là những ai may mắn lắm, phước báu lắm mới học đạo được với thầy, nói cách khác là những đệ tử của thầy, không phải nô lệ, quỳ lạy, xin xỏ, sợ sệt… ai hết, không phải tốn tiền tài gì cả mà lại thấy được những vấn đề tất thảy con người mong muốn, cầu được thấy, người ta tốn không biết bao nhiêu tiền tài, thời gian, sức lực cả một đời…mà vẫn không được. Như vậy, quý vị là những người phước báu vô cùng, hưởng được phước báu này thì nhớ đền ơn Chư Phật bằng cách giúp đỡ lại người khác, tạo nhiều cơ hội, điều kiện, nhân duyên cho những người khác đến với quý vị hoặc quý vị đến với họ để họ được tiếp xúc, học, thực hành những bài pháp như thế này. Đấy là đền ơn Chư Phật, đền ơn thầy, tổ…tất nhiên, chẳng ai muốn hay cần sự đền ơn cả nhưng coi như một sự tự nguyện trả ơn vì được hưởng sự hạnh phúc mà thôi. Cũng như có một số vị nói với thầy rằng: “Cha mẹ con sinh con ra lần thứ nhất bằng da bằng thịt, còn thầy thì sinh ra linh hồn của con nên cũng là người cha sinh ra con lần thứ hai vì từ ngày gặp thầy tới giờ, tâm hồn con hoàn toàn thay đổi, cuộc sống được thoải mái, không còn đau khổ, khó chịu như trước đây nữa.” Những vị ấy đền ơn Chư Phật bằng cách đóng góp vào việc hoằng pháp, chia sẻ kinh nghiệm cho người khác.

Trong quá trình phát hiện, quan sát, dừng ham muốn sẽ phát hiện được con người kinh nghiệm, từ sự phát hiện này lật ngược vấn đề lại để nhận biết, thấy một con người thật là con người trong suốt, tinh khiết, không hề ô nhiễm bất cứ kinh nghiệm gì trong cuộc sống.

Bài pháp thực hành Tập Dừng Ham Muốn giúp quý vị vừa an lạc nội tâm vừa khám phá con người biến hoá, con người kinh nghiệm để từ đấy khám phá con người chân thật, con người Chân Tâm, khám phá Đạo Tâm của quý vị.

Bài này tới đây là xong.

Tôi thành tâm cầu nguyện cho tất cả quý thiện hữu hiểu sâu sắc và dùng ý chí thực hành thành công bài pháp này, đạt kết quả an lạc nội tâm và từ sự an lạc đó khám phá con người Chân Như, Đạo Tâm của quý vị!