PDA

View Full Version : Tự bươn chải để phát triển


myhanh
20-05-2007, 09:31 PM
Trung ương chưa có cơ chế chính sách cụ thể cho vùng kinh tế trọng điểm http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=196466 Ông Dương Quốc Xuân, chủ tịch UBND tỉnh Long AnTTCT - Long An (LA) là một trong tám tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) phía Nam (gồm LA, Bình Phước, Tây Ninh, Tiền Giang, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương).
Trong năm năm trở lại đây, LA đã cố gắng vận dụng các chính sách của T.Ư và khả năng của địa phương để phấn đấu phát triển kinh tế - công nghiệp nhưng vẫn không thể sánh vai cùng với TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam bộ. Ông Dương Quốc Xuân, chủ tịch UBND tỉnh Long An, nói:
- Đất đai ở LA chủ yếu là đất nông nghiệp. Dù đã có sự phấn đấu lớn, nhưng đến năm 2000 tỉ lệ cơ cấu kinh tế còn ở mức sản xuất nông nghiệp (SXNN) 46,5%, công nghiệp xây dựng (CNXD) 24,3%, thương mại dịch vụ (TMDV) 29,2%.
Trong năm năm trở lại đây, LA chủ trương tập trung phát triển công nghiệp. Đến cuối năm 2006, cơ cấu kinh tế của LA đã có sự thay đổi: SXNN chiếm tỉ lệ 36,8%, TMDV 30,4%, CNXD 31%. Năm năm qua, LA chọn các huyện giáp giới TP.HCM như Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc... để xây dựng vùng KTTĐ của tỉnh, huy động mọi nguồn lực có được để những địa phương này phát triển nhanh.
Toàn vùng có 26 khu cụm công nghiệp với diện tích hơn 8.600ha trong số 10.500ha đất công nghiệp toàn tỉnh được Chính phủ cho phép sử dụng đến năm 2010, còn lại thuộc các địa bàn như thị xã Tân An, Cần Đước, Châu Thành, Tân Trụ. Nhưng đến nay tỉnh giao đất cho các nhà đầu tư đã vượt hơn 10.500ha.
Chúng tôi đang nghiên cứu xem xét đề nghị Chính phủ điều chỉnh lại con số này bởi với diện tích tự nhiên 450.000ha toàn tỉnh mà chỉ có 10.500ha đất phát triển công nghiệp là quá ít. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng do trước đây LA không lường trước được xu thế phát triển công nghiệp quá nhanh như hiện nay nên công tác qui hoạch chưa phản ánh đúng sự vận động phát triển của tỉnh.
* Liệu Chính phủ có đồng ý cho LA gia tăng diện tích đất công nghiệp trong khi các dự án đầu tư vào LA đều là dự án vừa và nhỏ?
- Chúng tôi đang cố thuyết minh để Chính phủ chấp thuận và tôi nghĩ Chính phủ sẽ ủng hộ. Với các chính sách ưu đãi đầu tư trong năm năm gần đây, các doanh nghiệp (DN) trong nước và nước ngoài đến LA ngày càng nhiều. Hiện toàn tỉnh có gần 3.000 DN trong nước với vốn đầu tư gần 10.000 tỉ đồng, DN nước ngoài gồm 135 đơn vị với số vốn đầu tư lên đến 1,2 tỉ USD.
Nhưng đúng là hiện nay các DN trong nước và nước ngoài đầu tư vào LA chủ yếu chỉ là DN vừa và nhỏ, tập trung ở các lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng, may mặc, dệt nhuộm, giày da, chủ yếu là các DN sử dụng nhiều lao động, còn các DN có công nghệ sản xuất kỹ thuật cao chưa có. Hiện mới chỉ có một dự án lớn là nhà máy sản xuất bia công nghệ của Đức với số vốn hơn 70 triệu USD, tháng 6-2007 sẽ khởi công xây dựng và một năm nữa hoạt động.
Trong 135 dự án nước ngoài, các DN Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc chiếm số đông, các DN châu Âu còn rất khiêm tốn. Sở dĩ LA chấp nhận tình hình này là để giải quyết việc làm cho lao động và khai thác đất không thể sản xuất nông nghiệp.
* Thưa ông, LA là tỉnh thuộc vùng KTTĐ phía Nam và được xem là vệ tinh phát triển kinh tế - công nghiệp của TP.HCM. Sự hợp tác phát triển giữa LA và TP.HCM đã có từ lâu và hiệu quả ra sao?
- Trước khi LA gia nhập vùng KTTĐ phía Nam thì lãnh đạo tỉnh LA và TP.HCM đã có sự hợp tác đầu tư phát triển, khi đồng chí Sáu Phong (chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết) còn làm bí thư thành ủy. Lúc đó mỗi địa phương có một bộ phận (Sở KH-ĐT và một phó chủ tịch UBND tỉnh) trực tiếp theo dõi những vấn đề liên quan đến hợp tác.
Mấy năm nay dù chưa có tác động lớn nhưng sự hợp tác này cũng giải quyết được một số vấn đề. Do địa bàn giáp ranh nên chúng tôi có thể trao đổi bàn bạc thống nhất nhiều vấn đề, những qui hoạch đồng bộ, phối hợp giải quyết các vấn đề xã hội có hiệu quả. Gần đây nhất là việc LA và TP.HCM phối hợp giải quyết việc di dời các nhà máy trong nội thành TP.HCM về LA. Tỉnh LA chấp nhận tiếp nhận các nhà máy này do lâu nay tỉnh phát triển công nghiệp ít, lao động cần việc làm, kinh nghiệm quản lý công nghiệp của LA chưa có, nên việc tiếp nhận các nhà máy này cũng giải quyết được nhiều vấn đề.
Mặt khác, do yếu tố địa lý thổ nhưỡng của những vùng giáp ranh TP.HCM đều là bưng trũng với cỏ năn, cỏ lác, SXNN hiệu quả rất thấp, trồng bạch đàn còn không được nên đưa đất này vào phát triển công nghiệp cho các nhà máy di dời từ TP.HCM về là đúng. Một dự án tương đối lớn khác là LA và TP.HCM đã phối hợp xây dựng một khu công nghiệp xử lý rác ở xã Tân Lập, huyện Thủ Thừa (kênh Bo Bo) rộng 1.760ha.
Tuy nhiên, dự án này mới dừng lại ở mức kê biên, đền bù cho dân. Phải nói rằng trong thời gian hợp tác phát triển vừa qua LA đã được TP.HCM hỗ trợ rất nhiều trên các lĩnh vực trao đổi nhân lực, chuyên gia kinh tế, công nghệ, y tế; đặc biệt là trong lĩnh vực y tế, TP.HCM đã giúp Bệnh viện Đa khoa LA giải quyết nhiều ca bệnh khó bằng cách cử bác sĩ xuống trực tiếp hoặc thông qua mạng, đào tạo chuyên môn cho cán bộ y tế. Ngoài ra, TP.HCM còn ủng hộ LA 15 tỉ đồng giúp hoàn thành chương trình xây dựng nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách.
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=196467 Một góc Khu công nghiệp Đức Hòa* Có nhiều ý kiến cho rằng sự hợp tác giữa LA và TP.HCM cũng còn lắm vấn đề gút mắc cần tháo gỡ?
- Đúng như vậy. Ngoài những thành công thì mối quan hệ hợp tác phát triển giữa LA và TP.HCM vẫn còn nhiều điều phải bàn. Tôi chỉ nêu vài vấn đề cụ thể cần sớm giải quyết giữa hai tỉnh: thứ nhất là khu công nghiệp (KCN) xử lý rác triển khai quá chậm, từ năm 2002 đến nay nhưng chỉ mới xong phần bồi hoàn giải tỏa. Theo tôi biết, sở dĩ có sự chậm trễ này là do đến nay phía TP.HCM chưa có phương án kỹ thuật tối ưu để xử lý rác. Về phía LA, chúng tôi mong muốn đây là KCN xử lý rác hiện đại.
Một vấn đề khác còn vướng mắc lâu nay chưa giải quyết được: ở huyện Đức Hòa có ba tỉnh lộ 823 đi Củ Chi, 824 đi Hóc Môn, 825 đi Phú Lâm là những tuyến giao thông huyết mạch của các KCN Đức Hòa nối TP.HCM. Theo thỏa thuận của chương trình hợp tác, mỗi bên phải nâng cấp cầu đường đúng tải trọng để các DN có điều kiện vận chuyển hàng hóa thông suốt.
Trong thời gian qua, mặc dù LA rất khó khăn nhưng đã cố gắng đầu tư nâng cấp cầu đường phía LA. Nhưng phía TP.HCM chỉ mới nâng cấp được mặt đường từ cầu Thầy Cai ra Củ Chi, chiều rộng mặt đường vẫn theo đường cũ, rất hẹp. Do đó, hiện nay xe container của các DN từ Đức Hòa ra cảng TP.HCM rất khó khăn: các DN phải hạ tải trọng, nếu container 40 feet phải cho xe đi vòng ra Bến Lức để lên TP.HCM, đoạn đường xa hơn 40km nên rất tốn kém và không hợp lý.
Hồi trước cứ đi từ TP.HCM về Đức Hòa đang thiu thiu ngủ mà nghe xe dằn xóc rầm rầm là biết đã đến địa phận LA với tỉnh lộ đầy ổ voi ổ gà, bây giờ thì ngược lại. Dù hai bên đã nhiều lần họp bàn tháo gỡ nhưng thành phố làm quá chậm, hiện nay các DN kêu dữ lắm.
* Thưa ông, vì sao LA chỉ tiếp nhận được những dự án nhỏ?
- LA phải tự hiểu mình. Do điều kiện thổ nhưỡng LA khác TP.HCM và các tỉnh miền Đông nên vấn đề xây dựng hạ tầng rất khó khăn. Nếu như ở TP.HCM và miền Đông Nam bộ chỉ cần san mặt bằng là có thể lên đá cấp phối, láng nhựa để làm đường giao thông, ở LA phải phá bỏ một lớp hữu cơ ở trên mặt, mang đất đá từ xa đến để xử lý phần móng.
Do đó, với chi phí xây dựng 1km đường ở LA thì Đông Nam bộ có thể làm được 3km. Tôi nghĩ trong giai đoạn đầu tiên các nhà đầu tư ngại đến LA do suất đầu tư ở LA là lớn hơn so với miền Đông Nam bộ. Hiện nay chỉ riêng chuyện tìm nguồn vật liệu để san lấp mặt bằng của LA cũng rất khó khăn, nên các nhà đầu tư đến miền Đông Nam bộ là lẽ tự nhiên.
Để khắc phục, LA có nhiều chính sách tạo thuận lợi giúp nhà đầu tư, chủ yếu là thái độ phục vụ, cải cách hành chính, thái độ thân thiện... Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ở các tỉnh miền Đông Nam bộ, Đồng Nai, Bình Dương... lên đến gần chục tỉ USD trong khi LA bao năm nay chỉ mới có hơn 1 tỉ USD thì thấp thật.
* Trong chính sách ưu đãi đầu tư của mình LA hiện có lợi thế cạnh tranh nào?
- Tăng cường cải cách hành chính. Công việc T.Ư qui định 15 ngày thì LA cố gắng làm 10 ngày là xong. LA đã thành lập Trung tâm Xúc tiến đầu tư giải quyết mọi quan hệ với DN để đầu tư ở LA, do một phó chủ tịch tỉnh phụ trách. Tôi hi vọng với giải pháp này LA sẽ thu hút đầu tư nhiều hơn.
* Thưa ông, hiện nay LA đang gặp vấn đề gì trong đầu tư phát triển kinh tế - công nghiệp?
- Hiện nay để phát triển CN và tăng trưởng bền vững LA cần phải giải quyết các vấn đề thứ nhất là hạ tầng bên ngoài các KCN LA đang thiếu vốn xây dựng trầm trọng. Thời gian qua LA đã kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, sau đó ngân sách nhà nước sẽ khấu trừ dần nhưng rất ít DN tham gia. Thứ nhì là thiếu điện. Cho đến giờ này tôi chưa thể nói là thiếu bao nhiêu điện, nhưng với đà phát triển này sẽ thiếu nhiều. Thứ ba là nguồn nhân lực với tỉ lệ lao động qua đào tạo chỉ khoảng hơn 20% trong các KCN.
* Thưa ông, LA là tỉnh thuộc vùng KTTĐ phía Nam nhưng hình như nhiều năm qua LA phải tự bươn chải để thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp vì ít có sự hợp tác của các thành viên trong vùng và sự hỗ trợ của T.Ư?
- Từ khi LA và các tỉnh tham gia vùng KTTĐ phía Nam đến nay, T.Ư có nhiều chỉ đạo nhưng chưa có qui hoạch phát triển cấp vùng nào được T.Ư thông qua (trên từng lĩnh vực: giao thông vùng, công nghiệp vùng , TMDV, SXNN...). Đến nay những qui hoạch tổng thể vùng đều còn trong... nghiên cứu. Không có qui hoạch vùng nên lâu nay mỗi tỉnh tự làm qui hoạch, sự đấu nối sau này với qui hoạch chung rất phức tạp.
Tôi có kiến nghị là T.Ư cần sớm xác định và công bố qui hoạch vùng để các thành viên vùng KTTĐ dựa vào đó điều chỉnh qui hoạch phù hợp với qui hoạch tổng thể. Hiện nay, chúng tôi tự làm qui hoạch mà không biết qui hoạch vùng, sau này nếu Chính phủ công bố qui hoạch tổng thể thì chắc chắn chúng tôi sẽ rất khó khăn, phải điều chỉnh qui hoạch cũ hoặc bỏ toàn bộ. Tôi chỉ nêu một vấn đề trước mắt: nếu có qui hoạch vùng thì các tỉnh sẽ biết T.Ư đồng ý cho mình phát triển trên lĩnh vực nào, ngành nghề nào.
Đằng này hiện nay mạnh ai nấy lo nên nơi nào cũng có cảng, nhà máy đường... Điều thứ hai là để vùng KTTĐ phát triển nhanh nhằm thúc đẩy và gánh vác các vùng kinh tế khác thì T.Ư phải có cơ chế chính sách cụ thể cho các tỉnh trong vùng. Có một thực tế là hiện nay các tỉnh chỉ có cái tiếng nằm trong vùng KTTĐ nhưng tới giờ phút này cơ chế chính sách cụ thể chưa có, tỉnh trong vùng KTTĐ và tỉnh ngoài vùng KTTĐ chẳng có gì khác nhau.
Tôi chỉ nói một chuyện: LA trong vùng KTTĐ nhưng tỉnh xin vay vài ngàn tỉ đồng trả chậm trong vòng 10 năm, 20 năm để đầu tư phát triển hạ tầng, mời gọi đầu tư nhưng... không được. Vào vùng KTTĐ mà cũng như... chưa vào. Nhưng khổ nỗi là hằng năm cơ cấu thu ngân sách tài chính đều phải tăng vì “anh là tỉnh trong vùng KTTĐ”. T.Ư nói vậy nhưng không đầu tư gì để tỉnh có nguồn thu cao hơn. LA giáp TP.HCM nhưng vẫn là tỉnh ĐBSCL, kinh tế nông nghiệp, cần đầu tư rất lớn trong xây dựng hạ tầng nhưng không được hỗ trợ gì cả.
Ở LA sau 32 năm giải phóng nhưng huyện Đức Huệ không có một cây số đường nhựa nào. LA không yêu cầu điều gì to tát nhưng chỉ muốn nói ít ra thì T.Ư cũng phải có một chính sách đặc thù cho những địa phương trong vùng KTTĐ. Tôi nhớ khi Thủ tướng Phan Văn Khải còn đương nhiệm, ông đã yêu cầu đến tháng 6-2005 phải làm xong qui hoạch công nghiệp của vùng KTTĐ phía Nam nhưng đến nay... không xong, các địa phương vẫn cứ tự bươn chải qui hoạch, thân ai nấy lo.
* Xin cảm ơn ông.
HÙNG ANH thực hiện
4 cửa ngõ TP.HCM - Long An
UBND tỉnh Long An vừa có chủ trương đồng ý cho Tập đoàn Tân Tạo đầu tư xây dựng đường cao tốc từ Hóc Môn (TP.HCM) qua các huyện Đức Hòa, Bến Lức, Thủ Thừa đến đường tránh quốc lộ 1A thị xã Tân An (Long An).
Theo dự kiến tập đoàn này sẽ đầu tư khoảng 4.000 tỉ đồng để xây dựng con đường, rút ngắn khoảng cách từ miền Tây đi Tân Sơn Nhất so với đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương (đang xây dựng) và hai tuyến đường hiện hữu là quốc lộ 1A, quốc lộ 50 (từ đường Nguyễn Văn Linh qua huyện Cần Đước, tỉnh Long An, đến Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang).
Đường cao tốc mới này sẽ không thu phí! Ngoài ra, Tập đoàn Tân Tạo cũng đầu tư làm một con đường dài 15km phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa từ cảng Long An (chuẩn bị xây dựng ở huyện Cần Giuộc) đi cảng Hiệp Phước (TP.HCM).
V.TR.
Nguồn:Báo Tuổi trẻ online

MinhTien
21-05-2007, 09:43 AM
Đáng buồn cho tỉnh Long An! Đáng trách cho CP Việt nam!..............