PDA

View Full Version : Sốc khi làm dâu


LeGiang
01-03-2007, 04:01 PM
Sốc khi làm dâu

Những điều nhận thấy sau đám cưới nằm ngoài mong đợi, nằm ngoài cả những gì đã lường trước sẽ là nhân tố có thể gây sốc cho một cô dâu trẻ.

Tuy nhiên mức độ sốc sẽ khác nhau rất nhiều, tùy thuộc vào khả năng thích ứng của mỗi người cũng như những nhân tố gây sốc.
Những khác biệt khó vượt qua
Yêu và lấy Thành một đồng nghiệp người Miền Bắc chưa đầy hai tháng nhưng Minh Anh thấy thật ngột ngạt khi sống trong gia đình nhà chồng. Những bữa cơm sau ngày cưới như là sự tra tấn đối với cô.
Minh Anh không có thói quen ăn mì chính, nhưng tất cả các món ăn trong gia đình nhà chồng đều ngọt lợ, ai cũng ăn ngon lành, chỉ có cô nuốt không nổi.
Những ngày bình thường, Minh Anh đi làm về muộn, nên mẹ chồng luôn là người nấu nướng.
Ngày chủ nhật ở nhà, cô chủ động mua thức ăn để chế biến thử xem gia đình có hợp khẩu vị không.
Món cá nấu canh chua là món cô muốn làm trong chủ nhật tuần qua.
Nhưng mới nhìn cô làm, mẹ chồng đã không hài lòng: "Tại sao cô không cắt đuôi và dốc vào xoong để cho phần máu tươi của con cá được chảy vào đó cho ngon? Tại sao cô bỏ ruột ra trong khi con cá to thế?".
Mẹ nói con cá to chỉ cần bỏ mật thôi và mẹ nhận phần chế biến. Con cá hơn cân mẹ giã hơn một lạng nghệ cho vào.
Muối, mắm, mỡ, cà chua, mì chínhmẹ đổ nháo nhào vào nồi đun lẫn cá.
Cả nhà ai cũng khen mẹ nấu khéo, chỉ có cô ăn không vào vì mùi vị ngang nồng của nghệ và mùi tanh của cá nấu không rán.
Điều làm cô ngạc nhiên trong các bữa cơm đó là việc gia đình dùng bằng bát đĩa đã rất cổ, cái loại rất nặng ngày xưa, giờ đã có nhiều cái sứt mẻ.
Ngạc nhiên bởi ngày trước khi còn đang yêu, cô có đến ăn cơm một hai lần đâu có thấy sử dụng loại bát này.
Cô bày tỏ sự băn khoăn với chồng thì được giải thích đó là chục bát đĩa đẹp chỉ để có khách mới dùng và khi đó Minh Anh đang là khách.
Là một thanh niên thời hiện đại, cuộc sống sau ngày cưới cô mong đợi phải ít nhiều như lúc đang yêu.
Cô muốn như mọi người, có những tối vợ chồng đi uống café cùng nhau hay đi thăm bạn bè cho thay đổi không khí.
Nhưng, một lần vô tình nghe được câu chuyện của bố mẹ bình luận về Duyên, người con gái người đồng hương:
Mẹ: “Ai lại con gái gì mà học đòi, lấy chồng rồi mà nhiều tối cứ đi đến 10, 11h mới về!”.
Bố: “Tại thằng chồng nó có thói quen đấy”.
Mẹ: “Người phụ nữ rất quan trọng, không biết cách giữ chồng ở nhà là kém, lại còn theo chồng thì đúng là chẳng ra gì”.
Bố: “Ngày xưa con Duyên đâu có thế, có lẽ vào học đòi lối sống cởi mở của con gái trong này nên mới vậy”.
Mẹ: “Còn Mai Anh nhà mình nữa đấy, chưa biết nó thế nào”.
Cuộc trao đổi ấy làm cho cái mong đợi của cô không có cơ hội sống lại.
Những bất ngờ liên tiếp trong văn hóa lối sống của gia đình nhà chồng, làm cho Mai Anh cảm thấy mệt mỏi.
Cô chia sẻ cảm xúc của mình với chồng và bàn với anh về giải pháp ra ở riêng.
Nhưng, thái độ của Thành một lần nữa làm cô thất vọng. Thành giận và tỏ ra xa cách với cô. Điều này làm cô hoang mang. Phải chăng cô đã sai?
“Nào ai có ngờ”
Tuấn là con trai duy nhất của một gia đình giàu có. Mẹ là bác sĩ nghỉ hưu, bố làm giám đốc một công ty trách nhiệm hữu hạn.
Thủy quen Tuấn khi công ty của bố Tuấn đặt chi nhánh ở Sơn Tây và Tuấn làm phó giám đốc chi nhánh.
Vị phó giám đốc rất hay đến văn phòng, nơi hầu hết là nhân viên mới tuyển, trong đó có Thuỷ để trò chuyện.
Biết Tuấn quan tâm đến Thủy, ông Hải - bố Tuấn cũng chú ý đến cô gái này.
Nét hiền lành, mộc mạc, chân quê khiến ông có cảm tình ngay từ lần gặp đầu tiên. Thỉnh thoảng ông cũng đến hỏi han chân tình cởi mở.
Ngay cả mẹ Tuấn cũng rất ân cần khi gặp cô trong những buổi cùng nhau đi ăn tại nhà hàng.
Nhà Tuấn chỉ có ba người, cả ba người cô đều có cảm tình. Chẳng còn lý do gì để từ chối khi Tuấn đưa ra lời cầu hôn sau ba tháng quen nhau.
Mọi thủ tục đều được tiến hành nhanh chóng cho đám cưới, một tháng sau đám cưới được tiến hành.
Họ hàng làng xóm ai cũng mừng cho Thủy. Họ thấy cô thật may mắn.
Cưới xong, không thấy Tuấn đi làm, Thủy giục anh vì nghĩ anh nghỉ sau cưới tới nửa tháng là quá lâu. Tuấn tuyên bố thẳng thừng không đi làm nữa.
Nửa tháng ở nhà, hai vợ chồng có dịp gần nhau nhiều hơn, Thủy thấy Tuấn như lột xác thành một con người khác.
Không còn một phó giám đốc trẻ lịch thiệp hào hoa, chỉ còn lại một công tử con nhà giàu với hai thứ biết và làm nhiều nhất là ngủ và chơi.
Khi Thủy bắt đầu đi làm trở lại, cô và Tuấn như mặt trăng với mặt trời, ít có thời gian dành cho nhau.
Những ngày đầu tiên, Thủy kiên nhẫn đợi chồng về ăn cơm. “Sự kiên nhẫn của người vợ bên mâm cơm có thể là sợi dây vô hình kéo người đàn ông trở lại với gia đình như mong đợi của người phụ nữ”, ai đó đã tư vấn cho Thủy như thế.
Nhìn vợ một hai lần đầu chờ cơm Tuấn cũng thấy tội tội, nhưng trong con mắt của một người say, Tuấn chỉ thấy đó là điều đáng buồn cười.
Vài lần sau thấy ghét, Tuấn mắng vợ. Những lời mắng chửi của chồng cô khác nhiều quá với những lời nói lịch thiệp của vị phó giám đốc ngày nào.
Gia đình Thủy không giàu có, nhưng cô được nuôi dậy trong một nếp nhà gia giáo.
Các thành viên trong gia đình yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Văn hóa, nếp sống gia đình ấy đã làm nên một cô gái dịu hiền, nền nã như Thủy.
Đó cũng là lý do Thủy lọt vào “mắt xanh” của Tuấn và gia đình Tuấn. Nhưng, sự khác biệt trong văn hóa lối sống ấy làm cho Thủy ngỡ ngàng trước thái độ ứng xử của chồng và những lời mắng chửi của anh làm cô thực sự bị tổn thương.
Chống "sốc"
Trở lại câu chuyện đầu tiên. Thái độ của Thành khiến Minh Anh băn khoăn.
Cô nhớ lại thời điểm hai người còn yêu nhau, Thành cũng trăn trở rất nhiều về hoàn cảnh gia đình và về văn hóa, lối sống.
Minh Anh nghĩ điều quan trọng là cô yêu Thành và sống với Thành, những vấn đề khác thực sự không phải là trở ngại.
Nhưng khi trải nghiệm cuộc sống làm dâu cô mới thấy mình cần phải suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề này.
Tại sao Thành giận cô? Sự bình tĩnh giúp cô nhận ra rằng, Thành đã có cảm giác như cô coi thường gia đình mình, không tôn trọng bố mẹ anh.
Còn bố mẹ anh, bản chất là chắt chiu tiết kiệm, tôn trọng quá khứ và những giá trị truyền thống.
Bởi thế, ông bà vẫn muốn ăn bằng bộ bát đĩa từ ngày mới di cư vào Nam để không quên những ngày khó khăn, muốn một cô dâu hiền thục biết dành thời gian để lo toan chăm sóc chồng con.
Đó chỉ là những khác biệt về văn hóa, tư tưởng còn thực chất, bố mẹ chồng rất mộc mạc và yêu quý cô thật lòng.
Cô quyết định trao đổi với chồng, nhưng lần này là những chia sẻ về suy nghĩ và cảm xúc của cô trong những ngày về làm dâu, cũng như những điều cô đã nhận ra.
Minh Anh quyết định học cách thích nghi và dần dần vợ chồng cô sẽ có những thay đổi phù hợp nhưng vẫn làm bố mẹ vui lòng.
Còn Thủy đã cân nhắc rất nhiều, buồn và thất vọng, trước lối sống và cách ứng xử của chồng.
Cô đã muốn trở lại với gia đình của mình và buông xuôi tất cả. Nhưng, những đôi mắt hiền hậu, chứa đựng ánh bất lực của bố mẹ chồng như một sợi dây níu cô trở lại.
Cô hiểu chính tình yêu thương và sự hiền hậu là điểm yếu trong cách giáo dục con của bố mẹ chồng cô, bởi điều này đã làm cho họ nuôi dưỡng con trong sự nuông chiều thái quá.
Và cô như niềm hi vọng của bố mẹ có thể giúp Tuấn thay đổi. Cô quyết định sẽ không làm bố mẹ chồng mất đi niềm hi vọng cuối cùng.
Biết là khó, nhưng cô sẽ cố gắng giúp chồng trở thành con người cô đã từng gặp - vị phó giám đốc lịch thiệp (cho dù đó là cái vỏ để anh thu hút cô lúc đó).
Cô tin là có thể bởi bản chất Tuấn không phải là con người thô tục và Tuấn cũng có ý thức để không bị sa ngã vào nghiện ngập.
Mỗi người đều có quyết định cho riêng mình, thật khó để cho rằng đâu là quyết định đúng, điều quan trọng là người trong cuộc cân nhắc và xác định đó là quyết định phù hợp.
Nhân vật chính trong cả hai trường hợp trên đều đã có quyết định cho riêng mình.
Niềm tin và sự quyết tâm chính là những nhân tố giúp họ thành công trong việc thực hiện quyết định của mình!
Theo Tâm sự bạn trẻ



http://thoibaoviet.com/live/FrontPage06/Giao-duc/News-page?contentId=24925