PDA

View Full Version : Thi học sinh giỏi để làm gì


LeGiang
03-02-2007, 09:54 AM
Thi học sinh giỏi để làm gì

Lớp 11 không được thi học sinh giỏi (HSG) trong khi giải quốc gia không đuợc vào thẳng đại học (ĐH), liệu lớp 12 còn ai dám mạo hiểm tham gia trò chơi thi học sinh giỏi, một học sinh vừa phàn nàn với Bộ trưởng Bộ Giáo dục&Đào tạo (MOET).


“Tham gia thi học sinh giổi ở lớp 12, nếu thất bại, phải cố hoàn thành hai kỳ thi có ý nghĩa rất quan trọng là tốt nghiệp THPT và thi ĐH”, Thùy Trang (học sinh chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa) viết trong thư gửi Bộ trưởng MOET Nguyễn Thiện Nhân.

Thư với tiêu đề "Chúng cháu không muốn trở thành những con rối" được đăng trên diễn đàn EduNet (http://diendan.edu.net.vn/forums/thread/314908.aspx) và trong Blog (http://blog.360.yahoo.com/blog-UmP_uSIlc7Nd4scehm4c3Zr14X4fGh4-?cq=1&p=96) của Thùy Trang.

Tiêu cực là một điều không tốt. Sự hiện diện của nó dẫn đến tình trạng học bạ thì rất đẹp nhưng điểm thi thì xót xa. Cháu biết các bác đã phải đau đầu, nhức óc để cải cách làm sao cho giáo dục Việt Nam không còn những "con sâu làm rầu nồi canh" nữa. Nhưng việc cải cách quá nhanh dễ khiến chúng ta choáng váng, để rồi rất dễ dẫn đến những hậu quả không hay.

Những ngày sát đợt thi đội tuyển quốc gia, đọc báo trên mạng, cháu thấy đăng tin bỏ tuyển thẳng ĐH kỳ thi này để tránh bớt những chuyện tiêu cực, chạy theo thành tích.
Lập tức sau đó, cháu lại đọc được tin lớp 11 không được tham dự kỳ thi này. Thực sự cháu rất bất ngờ và thậm chí hụt hẫng nữa.

Lớp 11 không được thi, mà giải quốc gia lại không đuợc vào thẳng ĐH thì liệu lớp 12 còn dám mạo hiểm tham gia một trò chơi để rồi nếu thất bại lại phải cố hoàn thành nốt hai kỳ thi có ý nghĩa rất quan trọng là tốt nghiệp và thi ĐH không?

Đã thế, khóa bọn cháu lại là khóa cuối của chương trình cũ. Như vậy nếu trượt ĐH cũng đồng nghĩa với việc không bao giờ đuợc đặt chân vào cánh cổng đẹp đẽ đó nữa.

Chương trình mới khác lạ hoàn toàn, mọi thứ đều mới mẻ. Vậy nếu phải thi lại cũng đồng nghĩa với việc học lại toàn bộ từ chương trình lớp 10 cải cách sao? Đâu ai dám mạo hiểm như thế.

Sau quả bom trên báo chí, mọi việc lại trở về trạng thái bình thường của nó. Bọn cháu (lớp 11) vẫn thi đội tuyển, vẫn học và chờ đợi tuyên bố của bác nhưng tất cả vẫn chỉ là im lặng.

Chúng cháu đành chấp nhận, bác còn nhiều việc khác phải lo nên quên chúng cháu rồi. Cho đến thời điểm này bọn cháu mới chắc chắn vậy là mình vẫn được thi.

Nhưng rồi lại chỉ sau một thời gian ngắn sau đó, bác lại đưa ra một tuyên bố mới: bỏ thi ĐH mà xét tuyển qua điểm tốt nghiệp, và lại bắt đầu từ khóa cháu.

Thưa bác, cháu cũng ủng hộ bỏ kỳ thi ĐH, nhưng bù vào đó, kỳ thi tốt nghiệp phải theo một cách khác. Theo như chương trình mới của các lớp dưới bây giờ, thi tốt nghiệp tương lai là theo ban.

Như vậy, nếu bạn có năng khiếu ở lĩnh vực gì thì học sâu và chỉ phải thi tốt nghiệp ở lĩnh vực đó. Như thế là rất tốt, rất hay.

Đáng tiếc là khóa cháu bị xếp vào nhóm già phải học chương trình cũ nhưng đáng buồn hơn là lại phải vác trên mình gánh nặng của những cải cách mới thành ra đang học sâu vào ba môn thi ĐH, giờ phải cuống cuồng lo cho tận sáu môn mà còn chưa biết cụ thể là thi vào những môn nào.

Thi tốt nghiệp thì thi toàn cơ bản. Vậy những người tài năng ở một bộ môn đặc biệt nào đó làm sao có thể khẳng định được mình?

Và thi cơ bản những sáu môn thì biết giỏi ở khoản nào mà cho vào ĐH? Chẳng nhẽ một bạn trình độ chỉ thuộc loại cơ bản cũng được vào cùng lớp với một bạn có năng khiếu thực sự sao?

Vậy đưa học bạ ra để xét. Nhưng cả nước có cả trăm trường cấp ba, đâu có theo một chỉ tiêu chấm điểm chung để mà xét. Như vậy chẳng khác nào vẽ thêm đường cho tiêu cực mà thôi.

Thêm vào đó, bác nói rằng có camera chống quay cóp trong thi tốt nghiệp. Nhưng thử hỏi ở các huyện miền núi, người ta miếng cơm manh áo còn khốn đốn mới kiếm được thì camera có xa xỉ quá không?

Thi tốt nghiệp để xét vào ĐH thành ra lợi thế cho những nơi kỹ thuật không phát triển sao? Năm nay logo của giáo dục Việt Nam là "nói không với tiêu cực" nhưng thực tế khó mà có thể chấm dứt được hết tiêu cực chỉ trong vỏn vẹn một năm như thế này.

Liệu áp dụng ngay kỳ thi tốt nghiệp, một kỳ thi cực kỳ tai tiếng từ xưa đến nay, ngay cho khóa bọn cháu có vội vàng quá không bác?

http://home.netnam.vn/live/digitalAssets/55215_Trang.jpg
Blog của Thùy Trang


Theo cháu, thi tốt nghiệp để xét vào ĐH có cái lợi ở chỗ học sinh học đều hơn, không chuyên sâu vào chỉ một vài môn. Nhưng để có hiệu quả hơn, cuộc thi này nên thi ở cấp độ là cái nền, tức là cho thật dễ.

Những trường ĐH được đánh giá ở cấp thấp, hoặc cao đẳng (CĐ), trung cấp có thể dựa vào đó mà tuyển sinh. Nhưng đối với những ĐH cấp cao (như Ngoại thương, Bách khoa, Xây dựng, ...) nên có những kỳ thi thêm. Và có thêm yêu cầu, phải đậu được kỳ thi tốt nghiệp kia rồi mới được thi tiếp vòng trong.

Như vậy, lượng thí sinh dự thi cũng giảm đi, mà cũng chỉ một vài trường phải tổ chức thi chứ không tốn ngân sách cho thi đồng loạt như bây giờ. Hoặc không thì cũng phải tuyển ở hình thức phỏng vấn (mặc dù phần này nghe còn hơi xa vời vợi với tình hình nước mình).

Cái chính của việc thi cử này là phải đảm bảo kỳ thi tốt nghiệp phải chất lượng thực sự. Nếu như thi tốt nghiệp dễ thì đỡ được áp lực cho học sinh chứ nếu phải lao vào ôn thi cật lực những sáu môn, e rằng như thế thì stress lắm bác ạ.

Tuy nhiên, Việt Nam vào WTO, có nghĩa là phải hội nhập. Chính vì thế hình thức thi ĐH kiểu cũ không còn được chấp nhận nữa. Nhưng thực sự bây giờ chưa thể dùng tốt nghiệp để xét tuyển ĐH được.

Cháu có thể lấy dẫn chứng (qua lời một người bạn cháu ở bên Nga), ở bên đó, đúng là người ta thi tốt nghiệp để vào thẳng ĐH đấy nhưng học và thi năm môn, ba môn bắt buộc viết và hai môn tự chọn vấn đáp. Nếu xác định muốn thi vào một trường ĐH nào đó, ôn thi những môn mà trường đó yêu cầu. Rất có lợi.

Thậm chí học sinh có thể được thi sớm nếu có khả năng trước một đến hai năm. Nghĩa là vừa học ĐH vừa học phổ thông và cả hai nơi đều tạo điều kiện học sinh có thể theo học tốt.

Tuy rằng Việt Nam giờ chưa làm được như thế nhưng cháu rất ủng hộ việc học chuyên ban. Như thế mình chỉ phải thi tốt nghiệp những môn mình có năng khiếu và thêm tự tin hơn rất nhiều.

Đây chỉ là một vài ý kiến nho nhỏ của cháu về những cải cách giáo dục được công bố trên báo chí thời gian qua. Cháu cũng rất mong rằng, khi MOET đã suy nghĩ kĩ càng và thông suốt mọi mặt, lúc đó hãy đưa lên báo chí.

Chúng cháu thực sự cần những lời giải thích rõ ràng cho từng sự thay đổi chứ không phải chỉ là những quyết định được đăng tải lên báo chí rồi lại chìm đi vì dư luận. Hãy hiểu được đời sống học tập đang diễn ra hàng ngày của bọn cháu chứ đừng xét đoán rồi đưa ra những tuyên bố khi mới nhìn qua một vài sự việc cỏn con.

Không tuyển thẳng HSG quốc gia vào ĐH

MOET vừa ban hành quy chế thi chọn HSG. Theo đó, các thí sinh đạt giải nhất, nhì, ba và khuyến khích trong kỳ thi HSG quốc gia lớp 12 không được tuyển thẳng vào ĐH.

Nếu những thí sinh này tham dự thi ĐH, CĐ 2007 theo đề thi chung, đạt điểm sàn trở lên, không môn nào bị điểm 0 sẽ được các trường ưu tiên xét tuyển. Riêng những học sinh đoạt giải trong các kỳ thi olympic quốc tế vẫn được giữ chế độ tuyển thẳng và cộng điểm thưởng.

Những học sinh lớp 11 đoạt giải trong kỳ thi quốc gia năm 2006 vẫn được bảo lưu kết quả cho mùa tuyển sinh năm 2007.
Thùy Trang (Học sinh chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa)

nguồn: http://home.netnam.vn/live/FrontPage06/Giao-duc/News-page?contentId=22271