PDA

View Full Version : Ai cũng có một câu chuyện...


foureyes
13-01-2007, 10:27 AM
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=175477Những học sinh lớp 203 đã trở nên hòa đồng sau khi chia sẻ những câu chuyện riêng của mình - Ảnh tư liệu
TT - Freedom writers (Những cây bút tự do) chính thức phát hành ở Mỹ vào ngày 12-1-2007, nhưng CTV Tuổi Trẻ đã được xem một buổi chiếu đặc biệt trước đó.
Email gửi về anh cho biết: “Lâu lâu mới được xem một phim thật hay như thế này. Hầu như khán giả ai cũng xúc động và cố kềm nước mắt bởi câu chuyện của phim”.
Các học sinh lớp 203
Freedom writers dựa theo câu chuyện có thật được góp nhặt từ những cuốn nhật ký của các học sinh lớp 203 ở Long Beach vào những năm cuối thế kỷ 20. Đó là giai đoạn bạo động ở Los Angeles diễn ra liên tục, màu da của mỗi người quyết định số phận của họ. Erin Gruwell (Hilary Swank) là một giáo viên mới ra trường, dạy Anh văn tại một trường trung học “đa thành phần”.
Ngay ngày đầu tiên đến lớp, Erin nhận thức rằng trong lớp học của mình, đám học trò Mỹ Latin, da đen, châu Á không hề ưa nhau và sẵn sàng lao vào đánh nhau vì bất kỳ lý do gì. Không lâu sau cô còn phát hiện chúng không chỉ ghét nhau mà còn ghét cô hơn ai hết vì cô là người da trắng. Cô cũng hiểu rằng bọn trẻ không biết gì về thế giới bên ngoài và cũng không hề hiểu gì về chính bạn bè của chúng... Thế là Erin quyết định hành động, hơn cả một giáo viên.
Cô lắng nghe, quan tâm đến học trò và mong muốn chia sẻ. Khi Erin bắt đầu trò chơi “Đứng trên đường thẳng” - cô dán một tấm băng đỏ xuống sàn tạo thành đường thẳng ngay giữa lớp và yêu cầu học trò bước lên đó khi trả lời câu hỏi của mình - khán giả bắt đầu rung động. “Đứng trên đường thẳng nếu em mất một người bạn vì nạn bạo hành băng đảng” - cả lớp bước tới đường thẳng. “Ở lại đường thẳng nếu em mất nhiều hơn một người bạn... hai người bạn... hơn bốn người bạn...”.
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=175479Poster phim
Website chính thức của bộ phim (www.freedomwriters.com (http://www.freedomwriters.com/)) giới thiệu về dự án phương pháp giảng dạy của cô giáo Erin Gruwell cùng cuốn nhật ký Freedom writers.
Website www.youtube.com/beheard (http://www.youtube.com/beheard) không chỉ giới thiệu những clip câu chuyện của những học sinh trong phim cũng như nghe cô giáo Erin thật tâm sự, mà còn là nơi để khán giả có thể chia sẻ câu chuyện của họ, bằng chữ viết hoặc bằng đoạn phim ngắn - bởi ai cũng có một câu chuyện muốn được lắng nghe, như những học sinh của lớp 203 năm nào...

Những đứa học trò khác biệt màu da, khác biệt tầng lớp xã hội bỗng chốc cùng nhận ra rằng chúng có quá nhiều điểm chung, từ những niềm vui, những nỗi buồn đến những nỗi đau mất mát.
Erin mang vào lớp những cuốn sổ trắng: “Cô muốn các em phải viết mỗi ngày vào cuốn sổ này, viết điều gì cũng được, về quá khứ, về hiện tại, về tương lai, với những suy nghĩ của các em. Cô sẽ không chấm điểm, vì ai lại đánh giá những suy nghĩ chân thật. Nhưng cô muốn các em phải viết mỗi ngày, như nhật ký, và đó là bài tập của các em. Nếu ai muốn cô đọc, hãy để sổ của mình vào ngăn tủ cuối phòng”...
Chia sẻ nhật ký
Những đứa học trò dần bỏ sự rụt rè. Chúng bắt đầu chia sẻ. Mỗi đứa trẻ có một câu chuyện, một hoàn cảnh... Đứa thì căm hận người da trắng vì cha của mình bị cảnh sát bắt vô cớ, chỉ vì ông là người Latin. Đứa thì mẹ không nhìn mặt. Đứa thì chứng kiến đám bạn mình chết từng người một vì những vụ ẩu đả trên đường phố...
Những câu chuyện của chúng được lắng nghe. Để có tiền mua sách cho học trò của mình, tổ chức cho các em đi dã ngoại, khám phá thế giới bên ngoài, Erin đi làm thêm vào buổi tối. Cô dắt bọn trẻ đến bảo tàng tội ác diệt chủng, cho chúng đọc Nhật ký Anne Frank, và bọn trẻ thật sự xúc động khi tìm thấy những tương đồng về số phận của mình với cô bé Do Thái 14 tuổi đã chết vì nạn diệt chủng.
Chúng cùng nhau gây quĩ để có tiền mời người phụ nữ đã che giấu Anne Frank bay từ châu Âu đến trường của mình. “Bà là người hùng của tụi em” - một cậu học trò “đầu gấu” đã xúc động lên tiếng. “Không, tôi không phải là người hùng. Tôi chỉ là một người bình thường như những người khác và làm những điều cần phải làm, vì đó là điều đúng” - người phụ nữ trả lời.
Bọn trẻ xem lớp học là nhà, gọi Erin là “mẹ”. Chúng bắt đầu viết những suy nghĩ về cuộc sống hiện tại, những ước mơ tương lai, mà mỗi câu chuyện được đọc lên lại khiến khán giả xem phim vỗ tay rồi ứa nước mắt. Chúng thay đổi trong suy nghĩ, trong cách sống, và có khi phải đối mặt với những thay đổi nghiệt ngã có thể ảnh hưởng đến mạng sống của chính mình. Như Eva, cô bé Latin, phải chọn lựa giữa việc bảo vệ người bạn cùng màu da của mình trong một vụ giết người, hay nói ra sự thật để trả lại công lý cho những người bạn khác chủng tộc... Những cuốn nhật ký của học sinh lớp 203 được thu thập lại và in thành sách...
Những cây bút tự do khiến khán giả có thể ứa nước mắt không chỉ một lần bởi diễn xuất của Hilary Swank (từng đoạt hai giải Oscar nữ diễn viên chính xuất sắc nhất) cùng dàn diễn viên phụ không tên tuổi, bởi âm nhạc tạo hiệu quả cảm xúc rất mạnh mẽ mà còn bởi chính những câu chuyện được trích ra từ những cuốn nhật ký. Không chỉ là thông điệp về sự phân biệt chủng tộc, về cách giáo dục học sinh, bộ phim còn mang lại cho người xem những suy nghĩ về giá trị bản thân của mỗi người, giá trị của lòng tự trọng và sự tôn trọng người khác.

PHAN XI NÊ
(theo tuoitreonline)