PDA

View Full Version : Nghệ thuật mua quà Noel!!!


An Nhiên
01-01-1970, 07:00 AM
Nghệ thuật mua quà Noel

Với người phương Tây tháng 12 là "thời gian tiêu dùng tình cảm", theo nhận xét của bà Martyne Perrot, nhà nhân chủng học người Pháp. Nhà phân tâm học Marcel Rufo thì nói rằng: "Xã hội hiện đại tự thưởng cho mình nhiều quà cáp, nhất là vào dịp Giáng sinh". Có nhiều người đồng ý với lời giải thích của nữ chuyên gia nghiên cứu xã hội học Sophie Chevalier: "Món quà chính là cách biểu lộ cụ thể tình cảm giữa người tặng và người nhận".

Chắc chắn sẽ còn nhiều người tán đồng nhận định của nữ chuyên gia Anne Montjaret khi bà viết trong cuốn Les cadeaux à quel prix? (Những món quà sẵn sàng mua đến giá nào?), rằng: "Hành động chọn mua quà là việc làm rất công phu, phức tạp, hao tốn nhiều sức lực, suy tính và tiền bạc. Vì khi chọn mua quà, chúng ta phải tính đến kinh phí, cá tính người nhận, quan hệ của người ấy với ta, dịp tặng quà, nặng ý nghĩa biểu tượng hay nặng giá trị vật chất...?".

Món quà quá xoàng hoặc chẳng mang ý nghĩa gì sẽ chẳng làm cho người nhận thích thú, nhưng ngược lại món quà quá đắt tiền có thể làm cho người nhận bị khủng hoảng vì họ không biết sẽ làm cách nào "đền đáp" cho xứng đáng. Có nghĩa là chúng ta phải vặn óc tìm cho ra món quà hoàn hảo cho từng người.
Theo L'express Magzine


Ngoài ý nghĩa và giá trị của món quà ra, đã gọi là quà thì còn phải hội đủ thêm một điều kiện nữa khá quan trọng. Đó là yếu tố bất ngờ. Người nhận quà phải thật bất ngờ khi nhận gói quà rồi lại thật thích thú khi mở nó ra. Cho nên bà Chevalier khẳng định rằng, để xác định đầy đủ giá trị thực sự của món quà còn cần phải cộng thêm thời gian và lượng chất xám đã tiêu thụ khi suy nghĩ, chọn và tìm mua đúng món quà.

Nhưng nói chung, ai ai cũng thích được quà. "Những ai nói mình không thích nhận quà là những người ích kỷ, giả dối với chình mình. Có thể họ ngại phải tiêu tiền mua quà tặng lại", bà Montjaret nhận xét. Kết quả một cuộc nghiên cứu cho biết chỉ có 3% các cặp vợ chồng Pháp không mua quà mà cũng chẳng tặng quà cho nhau trong thời gian từ 24.12 của năm cũ đến ngày 1.1 của năm mới.

Và nếu như có 7% số người trả lời thăm dò cho rằng mua quà Giáng sinh là một "sự cần thiết rất tốn kém miễn cưỡng phải thực hiện" thì có đến 57% nói rằng đây là hành động mang lại niềm vui cho người thân lẫn cho chính mình. Hoá ra nếu biết cách chọn mua quà và có kế hoạch chi tiêu cụ thể thì việc chọn mua quà cũng là một cội nguồn của niềm hạnh phúc cá nhân!

Theo ông Rufo, có loại quà "biểu cảm" luôn được người nhận mừng rỡ, là loại quà có thể là rẻ tiền nhưng nói lên lý do "tôi thích bạn, mến bạn, cảm tạ bạn". "Ở trường hợp này, quà không còn là món hàng vật chất bình thường nữa mà là một lời nhắn thắt chặt thêm quan hệ xã hội giữa người cho và người nhận".

Mua quà tặng cho người thân trong gia đình mình thì khá dễ. Cứ chịu khó lắng nghe trong những bữa cơm tối, những lần đi mua sắm, giải trí chung thì bạn đã nắm bắt được vợ (chồng), các con đang ao ước gì. Hãy ghi chúng vào miếng giấy để đến Giáng sinh, sinh nhật, lễ kỷ niệm... thì mua ngay. Mua quà cho sếp, hay đồng nghiệp, nhân viên khó hơn chút ít vì cơ hội để nắm sở thích của họ không nhiều.

Cho nên ở các nước phương Tây đã sinh ra đủ dịch vụ hỗ trợ chọn mua quà cho từng đối tượng riêng biệt. Đó có thể là những món quà gói sẵn theo từng cấp bậc giá trị từ thấp đến cao mà bạn chỉ cần ghé vào cửa hàng chi tiền ra là có ngay. Đó cũng có thể là những coupon mua quà theo ý thích riêng mà bạn gửi đến cho người bạn muốn tặng quà. Gần đây người Pháp lại có hình thức tặng nhau phiếu thưởng thức bữa tối với đủ món ăn và rượu trong các nhà hàng nổi tiếng mà rất khó đặt chỗ trước vì danh sách khách đăng ký rất dài.

Giáng sinh 2004 này, công ty Idéal Gourmet chào hàng những phiếu quà ăn nhà hàng (từ một sao đến 3 sao) ở 200 nhà hàng nổi tiếng trên khắp lãnh thổ Pháp. Trên phiếu quà này không ghi rõ giá nhưng người mua để tặng thì có thể đã phải chi tối thiểu là 40 euro và tối đa là 400 euro.

Mua quà là cả một nghệ thuật và nhận quà cũng là một nghệ thuật. Ngay từ năm 1925 nhà xã hội học Marcel Mauss đã viết rằng "ngay từ lần đầu trong đời nhận quà sinh nhật, đứa bé đã được bố mẹ truyền cho niềm vui nhận quà và học cách sau này cũng mang niềm vui ấy đến cho mọi người chung quanh". Ngày nay nữ giáo sư Régine Sirota nói thêm rằng từ nhỏ đứa bé đã được dạy cho biết cách thể hiện niềm vui nhận quà, che giấu sự bất mãn vì món quà không vừa ý, cách đón nhận món quà thật lễ phép...

Ở các nước phương Tây, người ta hớn hở mở quà trước mặt người thân. Ở Nhật, món quà phải được nhận bằng cả hai tay nâng niu kèm theo cái cúi đầu thật sâu và chỉ được mở sau khi người cho quà đã ra về. Nhưng nhận quà thì xem như đã "dọn chỗ trong nhà mình, tâm hồn mình để đón nhận một người khác", nữ chuyên gia xã hội học Sophie Chevalier nói.

Các nhà nghiên cứu kể rằng ở thế giới phương Tây, món quà đã bắt đầu xuất hiện nhiều dưới cây Noel kể từ giữa thế kỷ XIX mà thôi. Trước đó, quà chỉ được trao vào ngày đầu năm. Quà Giáng sinh chỉ rộ hẳn lên vào đầu thế kỷ XX khi đã bắt đầu xuất hiện các cửa hàng lớn (grand magasin) và sau đó là những cửa hàng bách hoá, đại siêu thị. Và rồi việc mua quà, tặng quà nhân dịp Giáng sinh đã nhanh chóng phổ biến rộng vào mọi tầng lớp xã hội kể từ sau năm 1945.