PDA

View Full Version : Cơn bão Miền Trung! Hậu quả nặng nề.


fantomas_la
03-10-2006, 07:32 PM
Tổng hợp mới nhất của Ban chỉ đạo PCLB TƯ, đến sáng nay (3-10), đã có 31 người bị chết và mất tích do bão số 6. Trong đó, tâm bão Đà Nẵng có số người thiệt mạng nhiều nhất, lên tới 26 người.

Theo VietNamNet, các tỉnh còn lại có người bị chết do bão số 6 như sau: Quảng Trị có 2 người, thêm một trường hợp là em Nguyễn Thị Nga 16 tuổi đi chăn vịt bị lũ cuốn trôi ngày 2-10, Quảng Nam 1 người và Quảng Bình 1 người. Trường hợp bị mất tích là cháu Hồ Văn Lân, 11 tuổi bị lũ cuốn trôi ở huyện Hướng Hoá (Quảng Trị).

Tổng số người bị thương đến thời điểm này là 269 người, trong đó Quảng Bình 7 người, Quảng Trị 23 người, Thừa Thiên - Huế 73 người, Đà Nẵng 61 người, Quảng Nam 94 người, Quảng Ngãi 9 người và Hà Tĩnh 2 người. Như vậy, số người bị thương đã tăng thêm 75 người so với báo cáo tổng hợp của Ban chỉ đạo PCLB TƯ hôm qua.



Bà cụ Lưu Thị Minh tìm di ảnh người thân trong căn nhà đổ nát. Sự tàn phá khủng khiếp của cơn bão đã để lại nhiều “vết thương” trên từng con đường, góc phố, từng mái nhà, từng con người - Ảnh: Bảo Trung

Các tỉnh miền Trung còn phải hứng chịu hậu quả nặng nề về vật chất. Ít nhất đã có 6.256 căn nhà bị sập, gần 221.000 ngôi nhà bị tốc mái, hư hại, gần 41.000 nhà khác bị ngập trong nước lũ. Người dân các tỉnh, thành Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế... bị mất nhà nhiều nhất. Ngoài ra, đã có 786 tàu thuyền bị chìm và hư hại.

Như vậy, tổng thiệt hại vật chất sơ bộ mà cơn bão số 6 đã tàn phá các tỉnh miền Trung ước tính lên tới 4.937 tỷ đồng. Trong đó, Đà Nẵng 3.223 tỷ đồng, Quảng Nam 1.598 tỷ đồng, Quảng Bình 35,5 tỷ đồng, Quảng Ngãi 34 tỷ đồng, Quảng Trị 30 tỷ đồng, Kon Tum 15 tỷ đồng, Bình Định 500 triệu đồng.


Theo Reuters, đã có 42 người thiệt mạng trong cơn bão số 6

Sách vở được đem phơi trước một căn nhà đổ nát ở Đà Nẵng - Ảnh: Reuters

* Sẽ đề nghị Hiệp hội Chữ thập đỏ quốc tế cứu trợ

Hàng nghìn ngôi nhà tại huyện Điện Bàn và Hội An bị sập và tốc mái - Ảnh: Hoài Nhân
Ông Nguyễn Chí Tuyển - Phó tổng thư ký Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) VN cho biết, ngày 3-10, đoàn công tác của Hội mang theo tiền mặt và 600 thùng hàng hoá thiết yếu (tổng trị giá 260 triệu) đã vào bốn tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam cứu trợ các gia đình nghèo, tàn tật, người già cô đơn… bị thiệt hại trong cơn bão số 6.

Đoàn sẽ thống kê mức độ thiệt hại, các yêu cầu cần hỗ trợ để chậm nhất vào cuối ngày 4-10, Hội CTĐ VN gửi thông tin đó tới Hiệp hội CTĐ quốc tế (IFRC) và đề nghị ra lời kêu gọi quốc tế viện trợ cho VN.

Ông Tuyển cho rằng, lo ngại nhất hiện nay là số lượng nhà ở bị hư hỏng khá lớn và lũ vẫn đang lên. Nếu được quốc tế viện trợ, Hội sẽ lập phương án giúp đỡ những gia đình khó khăn sửa chữa nhà cửa và sinh kế lâu dài (đào tạo nghề để chuyển đổi sản xuất, cấp vốn mua cây - con giống…).

Sau cơn bão số 7 năm 2005, Hội CTĐ VN đã đề nghị IFRC ra lời kêu gọi quốc tế và nhận được hơn 11 tỷ đồng.

* Thừa Thiên - Huế: Hàng ngàn nhà dân vẫn còn trong nước

Theo ghi nhận của TTO vào chiều 2-10 tại huyện Phong Điền thì gần cả trăm hộ dân của huyện vẫn còn trú ngụ ở những trụ sở công vụ, trường học do nước vẫn còn ngập cả nửa nhà.

Đặc biệt tại thôn Ma Nê, xã Phong Chương; 47 hộ dân, 232 khẩu vẫn còn ở trên tầng hai ngôi trường tiểu học của thôn (tầng một nước vẫn còn ngập) cùng với gia súc gia cầm. Cũng như vậy, 17 hộ dân ở xóm vạn đò Vân Trình, xã Phong Bình vẫn chưa thể trở về.

Tối qua, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, tính đến 19g thì toàn huyện còn đến 2.334 nhà, trong đó có các xã bị ngập số lượng lớn như Phong Thu (550 nhà), Phong Hòa (500 nhà), Phong Sơn (220 nhà), Phong Chương (126 nhà)...

Đáng nói là công việc cứu trợ cứu hộ nơi đây gặp nhiều khó khăn bởi tuyến đường QL49B đi về các xã vùng Phong Hòa, tuyến đường về các xã vùng Ngũ Điền vẫn còn chia cắt do nước rút chậm.


Lăng mộ và nhà cửa tại huyện Phong Điền chiều ngày 2-10 Gia súc và người trên tầng hai Trường Tiểu học MaNê, Phong Chương, huyện Phong Điền - Ảnh: Đình Toàn


Người dân thôn Vân Trình, xã Phong Bình, huyện Phong Điền đi lại bằng đò Người dân đội 8 ngư nghiệp, thôn Vân Trình, xã Phong Bình, huyện Phong Điền chuẩn bị đón đợt hàng cứu trợ đầu tiên từ Hội Chữ thập đỏ Thừa Thiên - Huế - Ảnh: Đình Toàn

THÀNH MINH - ĐÌNH TOÀN

Hà Tĩnh: Thêm hai người chết đuối

Chiều ngày 3/10/2006, tại Hà Tĩnh do ảnh hưởng của bão số 6 nên nước ở các dòng sông, khe suối dâng cao đã làm thêm 2 người bị thiệt mạng.

Nạn nhân đầu tiên là chị Nguyễn Thị Hiền 24 tuổi quê ở Thôn Trung Hoà xã Đức Hoà huyện Đức Thọ trong lúc chèo thuyền đã bị sóng làm lật thuyền. Nạn nhân thứ 2 là ông Lê Xuân Hồng 51 tuổi trú tại xã Đức Lạng, huyện Vũ Quang do lội qua suối bị nước cuốn trôi. Hiện hai nạn nhân trên vẫn chưa tìm thấy thi thể. Như vậy, đến nay Hà Tĩnh đã có 4 người chết và 2 người mất tích do hậu quả của bão số 6. Hàng trăm héc ta lúa mùa và cây vụ đông cùng với hàng ngàn hộ dân ở các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang và Đức Thọ đang bị ngập trong nước.
(Thông tin tổng hợp từ Báo Tuổi Trẻ)

fantomas_la
04-10-2006, 09:29 AM
Theo thống kê cho đến thời diểm hiện nay thì con số đã lên tới 54 người chết, thiệt hại về tài sản đã là 7000 tỷ đồng.

cobemongmo
04-10-2006, 12:03 PM
http://tuoitre.com.vn/Tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=156878Ba cha con anh Phước bên ngôi nhà sụp đổ đã chôn vùi người vợ - Ảnh: V.HÙNGTT - Cơn bão dữ đến chỉ một ngày, hai ngày nhưng những gì nó để lại đã làm nhiều phận người đau đến suốt một đời...

Ghi bên bờ sông Hàn

Suốt mấy ngày qua, nhiều ngư dân trú trên sông Hàn đoạn chảy qua khu vực Hòa Cường (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đã âm thầm lội giữa dòng nước đục tìm kiếm thi thể người thân.
Sáng 3-10, có mặt tại khu vực nói trên, chúng tôi quá bất ngờ khi thấy tại đây hàng vài chục xác thuyền bị đánh vỡ tan tành, phía trên bờ những bàn thờ khói hương nghi ngút. Những nén hương dành cho những ngư dân xấu số mất tích chưa tìm thấy thi thể. Đứng bên bàn thờ, ông Đặng Hùng có cha là Đặng Em mất tích chặm nước mắt kể: “Sợ gió đánh vỡ thuyền nên cha tôi đã chặt neo chạy băng qua phía bên kia sông. Nhưng chạy được nửa đường thì bão đánh chìm. Cả thuyền lẫn người giờ vẫn chưa tìm thấy...”.
Đi dọc bờ sông dài hàng trăm mét, xác những con tàu vỡ vụn nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Tiếc của, nhiều ngư dân tìm cách lặn trục vớt xác tàu, tìm kiếm những vật dụng còn sót lại. “Nhờ lặn vậy mà tối qua anh em mới vớt được xác thằng bé Tý, con ông Kỳ bên Nại Hiên Đông”, một ngư dân cho biết. Đêm 30-9, Tý theo cha dong thuyền lên Hòa Cường trú bão. Cầm cự từ đêm đến khoảng 9g ngày 1-10 thì bão đánh vỡ thuyền. Tý chết, còn ông Kỳ bị thương nặng phải nhập viện.
Tiếp tục đi dọc bờ sông, chúng tôi lại gặp một người đàn ông đang úp mặt xuống đất nức nở, kêu gào: “Anh ơi, anh đợi em làm chi mà giờ chết mất xác. Sông, biển mênh mông biết đường mô mà tìm anh đây”. Người đàn ông ấy tên Đỗ Ba kể lại: “Khi bão chuyển hướng, tui bảo anh hai tui (ông Đỗ Hột) chặt neo mà chạy. Vậy mà ông cứ chần chừ đợi tui. Dứt đợt gió đổ dồn, quay nhìn lại thì không thấy thuyền ảnh đâu nữa…”.
Theo số liệu ước tính của những ngư dân sống sót thì có không dưới 50 con thuyền đang neo đậu tại khu vực nói trên bị bão đánh vỡ, chìm, kéo theo nhiều chủ tàu bị mất tích.
Đến sáng 3-10, nhiều chủ tàu đang tìm cách trục vớt xác tàu mình lên bờ với giá thuê trục vớt vô cùng đắt đỏ.

Những người đi mãi mãi

Từ 2g, anh Võ Lê, khối trưởng phòng chống bão lụt khối Mân Lập Tây (phường Mân Thái, Q. Sơn Trà, TP Đà Nẵng), rời nhà đi chống bão dữ. Người thân và bè bạn không ai nghĩ anh ra đi và mãi mãi không về. Ông Phan Văn Hùng, phó Ban phòng chống lụt bão phường Mân Thái, người cùng đi chống bão với anh Lê hôm đó, nghẹn ngào: “Mấy anh em đi suốt đêm dưới trời mưa bão, sáng ra gió mạnh quá và mọi người cùng về... Tưởng chừng anh Lê về nhà tới cửa an toàn, ai ngờ...”.
Ai ngờ bão quá mạnh, anh vòng ra sau nhà để mở cửa hông. Ngay lúc đó một tấm tôn khá lớn mang theo cây xà gỗ dài phóng thẳng vào anh. Rồi tới tấp hàng chục tấm tôn bay đến... Nón bảo hộ trên đầu dập nát, bay đi. Anh Lê ngã xuống bất tỉnh, trên vũng máu...
Ông Phạm Văn Tự, bí thư chi bộ đường phố Mân Lập Tây, xúc động: “Nhiều trận bão những năm qua không lúc nào anh vắng mặt. Anh có kể gì nguy hiểm đâu, cứ lao vào giúp người này người khác...”.
Về thôn An Tân, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, Quảng Nam, chúng tôi nghe bé Thạnh nức nở kể lại phút cuối của người mẹ vì cứu em mà tử nạn... “Mẹ chỉ kịp đẩy hai chị em con xuống gầm giường thì hai tảng tường gạch đổ ụp lên người mẹ...”.
...Thấy gió mưa đột nhiên rú rít trên đầu, vợ chồng anh Hà Phước và chị Lê Thị Thu Hà tức tốc đưa các con đi lánh nạn. Chưa kịp chạy ra thì ba bức tường cùng xà nhà, bàn ghế... ngã đổ chôn vùi chị Hà và các con. Bất chấp hiểm nguy, người chồng quay vào kịp kéo được hai đứa con...
Ông thôn trưởng Nguyễn Hanh Tuấn kể hai vợ chồng anh Phước rất chí thú làm ăn, dành dụm được 5 triệu đồng, vay thêm 3 triệu để làm căn nhà tường, mái tôn mới xong hồi tháng năm vừa rồi. Vui chưa dứt tiếng cười thì nhà đã sập và người cũng chết theo nhà. Quan tài chị Hà phải đặt nhờ ở trường học để bà con làng xóm đến thắp nhang vĩnh biệt.
Đến giờ, anh Nguyễn Ngọc Kỳ, ở tổ 33 phường Nại Hiên Đông, Sơn Trà, Đà Nẵng vẫn như còn nghe vọng tiếng gọi: “Ba ơi, chết con rồi” của đứa con trai mới 12 tuổi. Đó là tiếng gọi của con trước khi con sóng khổng lồ lôi tuột Nam khỏi tay anh nhấn chìm xuống đáy sông Hàn. Anh Kỳ bàng hoàng kể khi bão đến, hai cha con cho nổ máy tàu vào nơi trú bão. Nhưng gió lớn đã đánh gãy con thuyền chìm xuống sông. Anh cố sức ôm cứu con bám vào ghềnh đá gần bờ nhưng một cây gỗ đập mạnh xuống, đứa con tuột khỏi tay anh. Anh bất lực, tuyệt vọng gào thét nhìn con chới với trước khi chìm mất hút giữa cơn sóng dữ. Mãi đến trưa 2-10, xác con anh mới được lực lượng cứu hộ trên sông đưa lên bờ... Khi nhìn thấy con, người mẹ, chị Trần Thị Nhớ, như điên dại gào lên rồi ngất đi. Nhiều bà con sống trong khu nhà liền kề phường Nại Hiên Đông người ít kẻ nhiều giúp gia đình lo tang cho cháu bé...
Hàng chục ngôi nhà tại Đà Nẵng, TT-Huế, Quảng Nam trong những ngày này đã cùng mang chung nỗi đau xé lòng vì mất người thân trong cơn bão dữ.

Theo nguồn tin Tuổi Trẻ