PDA

View Full Version : Thế giới thì phẳng


myhanh
19-09-2006, 03:46 PM
Anh chị em nào muốn đọc tác phẩm "The world is flat" của nhà báo Thomas L. Friedman không? (Bản Tiếng Việt và Bản Tiếng Anh đều có).
Tác phẩm này là một tác phẩm nổi tiếng nhất hiện nay được các nhà doanh nhân và chính trị gia đánh giá rất cao. Trong tác phẩm tác giả dạy con gái mình cách để sống trong thế giới phẳng như hiện nay là phải không ngừng học tập để nâng cao kiến thức cho bản thân. Về nguyên nhân mà thế giới trở nên phẳng, ông nêu lên 10 nguyên nhân chính mà nguyên nhân nổi bật nhất là sự ra đời của trình duyệt Web Netscap. Chính nó đã làm cho thế giới này không còn biên giới trong lĩnh vực thông tin, thế giới này không còn phân giai cấp vì ai ai cũng có quyền ngang nhau để truy xuất vào cái kho tri thức của nhân loại.
Nếu như anh chị em nào thích thì giơ tay lên nha myhanh sẽ share cho.

HoaCucVang
21-09-2007, 07:36 PM
Vô tình mình đọc được quyển sách này, tò mò quá tại sao thế giới lại phẳng? cái tực đề làm mình tò mò, không biết đã ai đọc chưa, nếu rồi cùng chia sẽ với mình nhé và những ai tò mò chưa đọc thì hãy tìm đọc, đọc xong bảo đảm mắt không cận sẽ thành cận và mắt cận rồi sẽ tăng độ :biggrin:

Tr.Giang
22-09-2007, 10:23 AM
Mình đọc rồi nhưng phải nói là: phải cực kỳ kiên nhẫn mới có thể đọc hết được! Mình hông có cực kỳ kiên nhẫn............

DeMen
22-09-2007, 05:56 PM
Cuốn này tiếp theo sau cuốn "Chiếc Lexus và cây ô liu", bàn về đề tài toàn cầu hóa. Trong khi cuốn 1 khá bình dân (đọc 1 vèo hết luôn) thì cuốn 2 dành cho đối tượng độc giả cao câp hơn, nên nặng về lý luận, vô cùng nặng nề, bởi vậy anh Giang nói đúng: phải cực kỳ kiên nhẫn mới có thể đọc hết được.

Em cũng đang đọc nửa chừng thì nhỏ bạn qua nhà chơi, nhìn thấy, mượn về. Đồng ý luôn, và thế là bây giờ quên sạch ông Friedman nói những cái gì trong đó rồi. Hehe

Gem
22-09-2007, 06:50 PM
đúng là không thể nào để có thể đọc nổi cuốn sách rất dầy này của Thomas L.Friedman , Thành có thể xem bản tóm lượt vô cùng ngắn gọn của GS . Nguyễn Lân Dũng tại đây :

http://www.lqd-longan.com/forum/showthread.php?t=3923

cũng đường link trên thì Gem có pót vài bài nhận xét về Thế Giới Phẳng của các bạn trẻ .

Bài viết rất hay , khi ta đọc thì sẽ hiểu tại sao thế giới phẳng vì ngôn từ vô cùng giản dị , thông qua những câu chuyện rất đời thường - Tuấn ( người viết bài đó ) sẽ chứng mình thế giới dần phẳng như thế nào .

Một vài ví dụ mà Gem nhận xét :
1. "Quyên trà đá (http://www.lqd-longan.com/forum/showthread.php?t=1284)" mở tiệm Phát Thực Phẩm nhượng quyền lại từ KINH ĐÔ chẳng hạn - là công ty mua franchise đầu tiên của KINH ĐÔ nằm trên đường Trường Chinh
2. Phở 24 (http://www.lqd-longan.com/forum/showthread.php?t=2153) bắt đầu mở rộng hệ thống chuỗi cửa hàng franchise ( nhượng quyền ) có mặt khắp trên cả nước và khu vực Đông Nam Á .

...

Thế giới phẳng - đó là 1 câu chuyện nhưng điều Gem quan tâm là có một thế hệ tuổi trẻ rất chịu đọc sách và có ý thức rất cao .
Có một bạn trẻ tự tin viết tiêu đề trên blog của mình là " Giao điểm Việt trên thế giới phẳng " .. khá hay phải hôn .

Thế giới là phẳng , tôi đã nói với bạn rồi đó nha !

HoaCucVang
25-09-2007, 08:37 AM
Nói thật mình mà đọc hết từng chữ chết liền. Mỗi ngày tranh thủ đọc 1 ít thui, đọc liên tục có ngày đi bệnh viện không vì mắt cũng vì kiệt sức mất. Đúng như anh Tr.Giang nói phải rất...rất kiên nhẫn...và HoaCucVang thường có tính kiên nhẫn trong khi học bài, làm bài, có thể ngồi thâu đêm suốt sáng chỉ để giải quyết một vấn đề nhỏ bài toán lập trình nhằm hoàn thiện bài hơn nhưng lại không có tính kiên nhẫn trong việc đọc sách. Cả tuần nay số lượng trang đọc vẫn còn .... y nguyên :biggrin:

phanphuong
25-09-2007, 07:50 PM
Quyển này rất nổi tiếng, hẳn là rất hay. Nhưng còn đang nhay cuốn Chiếc Lexus và Cây lúa nên chưa đọc. Tiếc quá. Phải có đọc là tán dóc được rồi! he he

myhanh
26-09-2007, 09:38 AM
Mình có đọc rồi nhưng cũng không có gì đáng ầm ĩ lắm đâu ...
Mình có cả bản Tiếng Anh và Tiếng Việt. Ai cần mình share cho

DeMen
26-09-2007, 04:02 PM
Một góc nhìn khác:

No, the world is not flat (http://hoangtq.wordpress.com/2007/06/03/no-the-world-is-still-round/)

June 3, 2007 at 2:43 am | In Kiến thức xã hội (http://wordpress.com/tag/ki%e1%ba%bfn-th%e1%bb%a9c-xa-h%e1%bb%99i/) |
Thế giới chẳng hề phẳng chút nào!

“The world is flat” là một cách chơi chữ của Thomas Friedman. Thông thường câu “The world is flat (http://en.wikipedia.org/wiki/Flat_Earth)” được sử dụng để diễn tả quan niệm thời xa xưa khi khoa học còn chưa phát triển và nhân loại còn tin rằng trái đất là một cái đĩa dẹp hay là một hình vuông bằng phẳng. Trong cuốn sách của Friedman, “The world is flat” được dùng đế ảm chỉ đến một “thế giới phẳng” trong đó các nền kinh tế bấy lâu nay vẫn bị gạt ra bên rìa của nền kinh tế thế giới như Trung Quốc và Ấn Độ có khả năng cạnh tranh ngang bằng với các cường quốc đã phát triển. Nói cách khác, “phẳng” ở đây ám chỉ đến điều kiện cạnh tranh kinh tế giữa các cá nhân hay các công ty trên thế giới là ngang bằng nhau, không ai có ưu thế hơn ai vì các hàng rào đã bị phá bỏ. Như Friedman lập luận trong sách của mình, thế giới đã trải qua 3 giai đoạn toàn cầu hóa 1.0, 2.0 và 3.0, và ở mỗi giai đoạn kích thước trái đất càng lúc càng “bị thu nhỏ” lại. Ứng với mỗi giai đoạn thu nhỏ kích thước trái đất lại là mức độ và phạm vi toàn cầu hóa càng lúc càng gia tăng – từ toàn cầu hóa quốc gia xuống toàn cầu hóa công ty và cuối cùng là toàn cầu hóa từng cá nhân.
Friedman trích dẫn cách giải thích của Bill Gates về ý tưởng này như sau: Cách đây 30 năm nếu phải chọn lựa giữa được sinh ra là một thiên tài tại Bombay hay Thượng Hải và sinh ra là một người bình thường ở Poughkeepsie (Mỹ), người ta sẽ chọn Poughkeepsie bởi vì khả năng được sống một cuộc sống sung túc ở Poughkeepsie là hơn hẳn ở 2 nơi kia. Nhưng trong thế giới phẳng của năm 2005, Bill Gates cho biết, ”Giờ đây, tôi sẽ chọn là một thiên tài ở Trung Quốc hơn là một người bình thường ở Poughkeepsie.” Lý do: hiện tại Microsoft và những công ty khác đang tìm kiếm những người có tài năng trên khắp thế giới và cho dù họ ở đâu, họ vẫn có cơ hội có được một công việc thích hợp và lương cao.

Có thật vậy không? Có thật là các công ty và cá nhân ở các nước thứ 3 có cơ hội cạnh tranh ngang bằng với các công ty và cá nhân ở các cường quốc công nghiệp phát triển? Tuần trước tôi đang ngồi học trong sân trường thì gặp một người sinh viên Ấn Độ đến mượn cây bút viết. Sau khi nói chuyện qua lại, nó hỏi tôi học xong sẽ ở lại hay về (cũng lại câu hỏi này (http://hoangtq.wordpress.com/2006/12/19/unhappy-happy-in-america/)!), tôi nói “Sẽ về” và hỏi ngược lại nó “Còn mày?”. Nó trả lời là nó sẽ ở lại Mỹ kiếm việc làm. Do vừa mới xem qua các lập luận “Thế giới phẳng” của Friedman, tôi bèn hỏi nó, “Vậy sao tao nghe nói cơ hội kiếm việc làm ở Ấn Độ bây giờ tốt lắm?” Nó trả lời, “Đúng vậy. Nhưng tiền lương ở Ấn Độ vẫn không bằng ở Mỹ. Những công việc phổ biến và dễ kiếm vẫn là những công việc lương thấp.” Mấy hôm sau, tôi gặp một sinh viên Ấn Độ khác trên xe bus và lần này câu trả lời “ở hay về” của anh ta cũng không khác gì với người người sinh viên trên. Hai người sinh viên Ấn Độ tôi đã gặp không phải là hai trường hợp ngoại lệ, tôi dám đoan chắc 99.9% sinh viên Ấn độ sẽ quyết định ở lại Mỹ kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp chứ không quay về nước. Vậy có gì không ổn trong lập luận của Friedman và Gates? Thế giới có thật sự phẳng như Gates và Friedman hào hứng tuyên bố?
Có lẽ Bill Gates đã dùng rất chính xác chữ “thiên tài” (genius) để giải thích ý tưởng của mình. Nếu bạn là một “thiên tài” thì cơ hội kinh doanh hay kiếm tiền của bạn ở Trung Quốc có thể còn cao hơn ở Mỹ, vì môi trường kinh doanh ở thị trường TQ còn rất nhiều “đất trống”, còn rất nhiều cơ hội để triển khai, thành lập các ngành kinh doanh, dịch vụ đáp ứng các nhu cầu ngày càng gia tăng của một nền kinh tế đang phát triển, ngược lại với tình trạng gần như bão hòa của thị trường Mỹ. Vấn đề ở đây là bao nhiêu phần trăm người dân ở TQ có thể là “thiên tài”, tức bao nhiêu phần trăm người dân Trung Quốc có khả năng xây dựng được một sản nghiệp lớn hơn một người dân trung lưu ở Mỹ? Một phần ngàn hay một phần trăm ngàn? Hay một phần triệu? Đó là ta chưa bàn tới việc những “thiên tài” này hoạt động trong lĩnh vực nghề nghiệp nào? Một thiên tài trong các lĩnh vực vi tính, kinh doanh, chứng khoán, quản lý, ngân hàng v.v. chắc chắn sẽ có cơ hội tìm được một công việc lương bổng hậu hĩ ở TQ hay ở VN. Nhưng nếu bạn là một “thiên tài” về thơ ca hay giả sử bạn là một tiến sĩ Việt Nam tốt nghiệp ngành Xã hội học ở Mỹ (có thể coi là một “thiên tài” học thuật của VN vì cho tới giờ hình như VN vẫn chưa có mấy người có bằng TS về lĩnh vực này), nếu quay về VN chưa chắn bạn có nhiều cơ hội để phát triển đời sống vật chất lẫn phát huy khả năng nghiên cứu của mình so với việc ở lại Mỹ và tìm được một chân giảng dạy tại một trường đại học nào đó. Nói cách khác, những cá nhân có khả năng được hưởng lợi từ quá trình toàn cầu hóa 3.0 là rất nhỏ và chỉ tồn tại trong một số lĩnh vực nhất định.
Joseph Stiglizt có nhận xét sau trong bài phê bình (http://www.nytimes.com/2005/04/30/books/30stig.html?ex=1272513600&en=37bc2747499274c7&ei=5088&partner=rssnyt&emc=rss)của ông về cuốn “The World is flat”,
Mặc dù cuối cùng tự do thương mại có thể giúp tất cả các quốc gia trở nên sung túc hơn, không phải tất cả các cá nhân đều trở nên sung túc hơn. Sẽ có người thắng cuộc và người thua cuộc; và mặc dù trên nguyên tắc người thắng cuộc sẽ bù đắp cho người thua cuộc nhưng điều này thường không xảy ra.
[…] Có thể là sân chơi đang trở nên ngày càng bằng phẳng hơn, nhưng điều đó không có nghĩa là ai cũng có khả năng tham gia như nhau. Trong chuyến đi thăm Ấn Độ của mình, tôi dành hơn ½ thời gian để tham quan vùng đất quê quanh thành phố Bangalore [trung tâm kinh tế lớn, có mức thu nhập bình quân đầu người cao nhất ở Ấn Độ], đi 10 dặm khỏi Bangalore giống như đi du hành ngược thời gian 2.000 năm. Những người nông dân vẫn làm ruộng như cách thức tổ tiên họ vẫn làm.[1] (http://hoangtq.wordpress.com/2007/06/03/no-the-world-is-still-round/#_ftn1)
Qua đó có thể thấy thành phần được hưởng lợi nhiều nhất từ quá trình toàn cầu hóa là những người có xuất phát điểm thuận lợi hơn đa số những thành phần khác trong nền kinh tế. Họ thường là những người có học vấn cao, có kỹ năng vi tính và sinh sống ở các thành phố lớn. Thế giới có thể là một con đường bằng phẳng đối với những con người mặc đồ tây, đi giày tây và đeo cà vạt này, nhưng đối với những người nhà quê, chân đất mắt toét, thì thế giới vẫn còn là một con đường khấp khểnh, gập ghềnh và đầy đá nhọn mà đôi chân trần của họ phải thận trọng, dò dẫm trong từng bước đi.
Một thiếu sót nghiêm trọng khác của Friedman được giáo sư Joseph Stiglizt chỉ ra là Friedman đã bỏ quên vai trò của chính phủ trong việc hỗ trợ các công trình nghiên cứu mũi nhọn để từ đó các doanh nghiệp tư nhân thu được những ứng dụng quan trọng trong công nghệ vi tính và thu lợi nhuận từ thị trường. Vì những nghiên cứu trong lĩnh vực internet thường tốn kém và đòi hỏi nhiều chi phí hỗ trợ, chính phủ một quốc gia càng lớn và giàu càng, việc hỗ trợ càng dễ dàng. Với khả năng tài chính khó khăn, việc các quốc gia nhỏ và nghèo gặp thiệt thòi là chuyện tất nhiên. Ngoài ra, khi “các quy tắc của cuộc chơi”, đặc biệt là các quy định về quyền sở hữu trí tuệ, là do các quốc gia đã phát triển đặt ra, đó lại là một yếu tố quan trọng khác khiến sân chơi không bằng phẳng và giúp những quốc gia đang dẫn đầu vẫn tiếp tục giữ vững vị thế dẫn đầu của mình.
Một số phê bình chính yếu khác về “Thế giới phẳng”

1. Sự lạc quan quá mức của Friedman về quá trình toàn cầu hóa và tự do thương mại thế giới “thể hiện một sự thiếu hiểu biết không thể tưởng nỗi về lịch sử kinh tế và chính trị Mỹ khi ông cho rằng nước Mỹ từ trước đến nay vẫn luôn tuân thủ các nguyên tắc tự do ngoại thương cơ bản. Sự thật là nước Mỹ là một quốc gia áp dụng các chính sách bảo hộ mậu dịch trong suốt một thời gian dài trong lịch sử nước Mỹ mãi cho đến thời kỳ New Deal (http://en.wikipedia.org/wiki/New_Deal).[2] (http://hoangtq.wordpress.com/2007/06/03/no-the-world-is-still-round/#_ftn2) Theo một nhà phê bình khác, lý do Mỹ bãi bỏ các chính sách bảo hộ mậu dịch là vì cuộc Chiến tranh Thế giới thứ 2 đã làm suy yếu nền kinh tế của các đối thủ cạnh tranh với Mỹ và Mỹ trở thành một quốc gia được hưởng lợi từ việc cổ vũ cho tự do ngoại thương.[3] (http://hoangtq.wordpress.com/2007/06/03/no-the-world-is-still-round/#_ftn3)
2. Friedman đã đơn giản hóa các vấn đề phức tạp trên thế giới như tôn giáp, chính trị, chiến tranh v.v. và xem nguồn gốc của chúng là do sự kém phát triển về kinh tế gây nên mà bỏ qua các yếu tố như lòng tự hào dân tộc, ý thức hệ, văn hóa. Để giải quyết những vấn đề này theo Friedman chỉ cần hai quốc gia tham gia vào nền kinh tế toàn cầu và trao đổi thương mại với nhau là những xung đột quân sự có thể tránh khỏi. Friedman đưa ra lý thuyết ngăn ngừa xung đột Dell: không có hai quốc gia nào thuộc cùng một dây chuyền cung cấp sản phẩm trên toàn cầu, như dây chuyền cung ứng sản phẩm của Dell, lại gây chiến với nhau. Đây là một sai lầm cơ bản về kiến thức lịch sử. Friedman không biết rằng mãi cho đến khi Chiến Tranh Thế giới lần thứ nhất sắp nổ ra các học giả Anh vẫn còn dám bảo đảm rằng Anh và Đức sẽ không gây chiến với nhau vì sự trao đổi ngoại thương giữa 2 nước là quá quan trọng. Khuynh hướng xem xét mọi vấn đề thông qua lăng kính kinh tế học của Friedman khiến Firedman quan niệm toàn bộ cuộc sống con người là do các yếu tố kinh tế chi phối và thúc đẩy, một quan niệm không khác xa bao nhiêu so với quan niệm hạ tầng kiến trúc kinh tế quyết định thượng tầng kiến trúc xã hội của Marx.[4] (http://hoangtq.wordpress.com/2007/06/03/no-the-world-is-still-round/#_ftn4)
3. Friedman trình bày lịch sử thế giới cứ như thể lịch sử chỉ mới bắt đầu khi Friedman được sinh ra và quan điểm lịch sử của Friedman là quan điểm “dĩ Âu vi trung” (http://en.wikipedia.org/wiki/Eurocentrism), lấy châu Âu làm cái rốn của thế giới và xem tất cả những gì thuộc về châu Âu là bao quát toàn thế giới. Friedman cho rằng toàn cầu hóa 1.0 bắt đầu từ khi Columbus khám phá ra châu Mỹ mà hoàn toàn không hề biết rằng đã có nhiều học giả tranh luận rằng đã có nhiều giai đoạn toàn cầu hóa khác nhau xảy ra trong lịch sử thế giới trước khi Colombus vượt biển Đại tây dương. Chẳng hạn như người Phê-ni-xi (Phoenician) đã giong buồm vượt biển đến châu Phi, Anh, và thậm chí châu Mỹ vào thế kỷ thứ 1 TCN (http://phoenicia.org/america.html). Và nếu không có sự kiện nước Mông Cổ chinh phục một phần lớn đáng kể lãnh thổ vùng Âu-Á và tạo ra một kỷ nguyên Thái bình Mông Cổ (http://www.silk-road.com/artl/paxmongolica.shtml), khiến cho các nền văn minh châu Âu ý thức được sự hiện diện của các nền văn minh đông Á và thúc đẩy sự tò mò của châu Âu muốn tìm hiểu nhiều hơn về các nền văn minh Á đông này thì chưa chắc đã có một Colombus tham vọng tìm một con vòng đi qua thế giới Hồi giáo để đến Trung Quốc. Cái mà Friedman gọi là toàn cầu hóa 1.0 thật ra nên gọi một cách chính xác hơn là kỷ nguyên đầu tiên của toàn cầu hóa tư bản chủ nghĩa.[5] (http://hoangtq.wordpress.com/2007/06/03/no-the-world-is-still-round/#_ftn5)
Tất cả những phê bình trên không có nghĩa là ta phủ nhận toàn bộ giá trị cuốn “Thế giới phẳng” của Friedman. Cần hiểu rằng không có tác phẩm nào là hoàn hảo và các nhà học giả “kiếm cơm” bằng hoạt động trí óc. Họ thích phê bình và chỉ ra điểm sai của nhau, một phần là để được tiếng và quan trọng hơn là để những người đi sau tránh được các sai lầm tương tự để các công trình nghiên cứu về sau càng lúc càng hoàn thiện hơn.

[1] Joseph E. Stiglitz, “Global Playing Field: More Level, but It Still Has Bumps”, The New York Times, April 30, 2005.
[2] Dwight D. Murpey, mục phê bình sách, Journal of Social, Political and economic Studies, Vol. 13, N. 1, Spring 2006
[3] Jeff Faux, “Flat note from the Pied Piper of Globalization,” Dissent, Fall 2005
[4] David Hazony, mục phê bình sách, Policy Review, số August & September 2005
[5] Kenneth R. Gray, mục phê bình sách, International Journal of World Peace, Vol xxii, No. 3, Sep 2005

DeMen
26-09-2007, 04:12 PM
Có lẽ Bill Gates đã dùng rất chính xác chữ “thiên tài” (genius) để giải thích ý tưởng của mình. Nếu bạn là một “thiên tài” thì cơ hội kinh doanh hay kiếm tiền của bạn ở Trung Quốc có thể còn cao hơn ở Mỹ, vì môi trường kinh doanh ở thị trường TQ còn rất nhiều “đất trống”, còn rất nhiều cơ hội để triển khai, thành lập các ngành kinh doanh, dịch vụ đáp ứng các nhu cầu ngày càng gia tăng của một nền kinh tế đang phát triển, ngược lại với tình trạng gần như bão hòa của thị trường Mỹ. Vấn đề ở đây là bao nhiêu phần trăm người dân ở TQ có thể là “thiên tài”, tức bao nhiêu phần trăm người dân Trung Quốc có khả năng xây dựng được một sản nghiệp lớn hơn một người dân trung lưu ở Mỹ?

Một lý luận quen thuộc, hic

myhanh
26-09-2007, 05:57 PM
Mình vẫn thích cách nhìn của Thomas Friedman!
"Công nghệ thông tin hay nói gần hơn là Net đã phá vỡ bức tường ngăn cách đưa mọi người đến gần nhau hơn và mang lại cơ hội tiếp cận thông tin bằng nhau cho mọi người trên thế giới"

Gem
26-09-2007, 09:36 PM
bài viết No, the world is not flat (http://hoangtq.wordpress.com/2007/06/03/no-the-world-is-still-round/) khá hay, và Gem khâm phục nguồn kiến thức của chủ nhân blog này.

Gem nghĩ rằng sở dĩ Thomas L.Friedman bỏ qua nhũng điều chính trị thì cũng có nguyên do, bản thân chính trị đã không thật sự phẳng rồi và rất nhiều người không muốn nói về nó ( nếu không nói là khôn ngoan ). Quyển sách Thế Giới Là Phẳng đề cập nhiều hơn về vấn đề kinh tế thì rất đúng theo quan điểm của nó, và có lẽ chủ nhân nó muốn người đọc hướng về vấn đề này nhiều hơn.

Bản thân Gem khi đọc 1 bài viết về các điều mới hay lạ, chia sẽ, thì rất thích, đặc biệt là những câu chuyện về người thành đạt chẳng hạn.

Dế có thể tìm giúp thêm nhiều ý kiến về đề tài này được hôn, tự nhiên hỗm rày thích...thế giới phẳng ...hihi:-P