PDA

View Full Version : Bài thi Văn đạt điểm 10 của một thí sinh


2SacHoaTG
09-08-2006, 09:25 PM
Ba tờ giấy thi gần kín, với nét chữ tròn đều tăm tắp, ý tứ mới lạ, sáng tạo, tư duy mạch lạc, chất văn bay bổng... Hoàng Thùy Nhi giành điểm 10 môn Văn đầu tiên trong “lịch sử” ĐH Đà Nẵng.

Chúng tôi giới thiệu với bạn đọc toàn văn bài thi này.

Đề:

Câu 1 (2 điểm): Anh (chị) hãy trình bày hoàn cảnh ra đời bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu. Nêu những đặc điểm nghệ thuật của tác phẩm đó (đoạn trích được học).

Câu 2 (5 điểm): Phân tích hình tượng sóng trong bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh. Anh (chị) cảm nhận được gì về vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu qua hình tượng này?

Câu 3.a. Theo chương trình THPT không phân ban (3 điểm): Phân tích hình tượng Cây xà nu trong truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành. Nhận xét ngắn gọn về nghệ thuật miêu tả cây xà nu của nhà văn.

2SacHoaTG
09-08-2006, 09:28 PM
Bài làm của thí sinh Hoàng Thùy Nhi

Câu 1. Hoàn cảnh ra đời của bài thơ “Việt Bắc” - Tố Hữu:

Cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc thắng lợi, hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết. Tháng 10 năm 1954 cơ quan Trung ương của Đảng và Chính phủ rời căn cứ Việt Bắc về thủ đô Hà Nội. Trong không khí buổi tiễn đưa mang tầm vóc lịch sử ấy, Tố Hữu đã xúc động viết bài thơ “Việt Bắc”.

“Việt Bắc” trở thành khúc hát ân tình thuỷ chung giữa người miền ngược với người miền xuôi, giữa nhân dân với Đảng, giữa cách mạng với Bác Hồ. “Việt Bắc” là bài thơ có giá trị, để viết nên một bài thơ hay như thế, Tố Hữu đã sử dụng những hình thức nghệ thuật:

- Sử dụng thể thơ dân tộc, thơ lục bát.

- Những hình ảnh so sánh ví von, gần với lời ăn tiếng nói của dân tộc.

- Giọng văn tâm tình, ngọt ngào, tha thiết.

- Ngôn ngữ giàu nhạc điệu như những câu hát giao duyên. Câu hỏi lời đáp giữa hai nhân vật Ta và Mình trong bài thơ thực chất chỉ là một. Đó là sự phân thân, hoá thân của tác giả để cảm xúc được thể hiện một cách tự nhiên, tha thiết.

2SacHoaTG
09-08-2006, 09:31 PM
Câu 2:

“Sóng” được in trong tập “Hoa dọc chiến hào”, xuất bản năm 1968 của nữ nhà thơ tình nổi tiếng Xuân Quỳnh. Bài thơ nói về tâm trạng, tình yêu mãnh liệt của người con gái khi yêu. Hãy đến với bài thơ bằng nhạc điệu, bài thơ là âm điệu của một cõi lòng bị sóng khuấy động, đang rung lên đồng điệu đồng nhịp với sóng biển. Rạo rực đến xôn xao, khát khao đến khắc khoải, có một hình tượng sóng được vẽ lên bằng âm điệu, một âm điệu dập dồn, chìm nổi, miên man như hơi thở chạy suốt cả bài.

Sắc điệu trữ tình của bài thơ được gợi lên từ hình tượng sóng. Cả bài thơ là những con sóng tâm tình xôn xao trong lòng người con gái đang yêu khi đứng trước biển ngắm nhìn những con sóng vô hồi, bất tận. Sóng là một hình tượng ẩn dụ, đó là sự hoá thân của cái tôi trữ tình của nữ sĩ, lúc thì hoà nhập, lúc sự phân thân của “em” - người con gái đang yêu một cách say đắm. Sóng đã khơi gợi một hồn thơ phong phú, hồn nhiên, sôi nổi. Thông qua hình tượng sóng, Xuân Quỳnh đã có một cách nói rất hay để diễn tả tâm trạng của người con gái.

Sóng biến hóa, sóng vỗ liên hồi, triền miên và bất tận:

“Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ”

Trạng thái của sóng cũng là tâm trạng khi yêu, là khát vọng to lớn, mạnh mẽ về một tình yêu chân thành. Hành trình của sóng từ sông ra đại dương:

“Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể”

Nơi mênh mông dạt dào, có đến nơi biển rộng trời cao sóng mới được vẫy vùng, mới thực sự tìm thấy mình trong sức sống mạnh mẽ với những khát khao to lớn. Sóng được làm biểu tượng của tình yêu. Miêu tả sóng biến hóa là cũng để nói lên cái phức tạp, đa dạng, khó hiểu của tình yêu. Cũng giống như sóng biển, tình yêu là một hiện tượng kỳ diệu của con người. Con sóng “ngày xưa” và con sóng “ngày sau” vẫn thế - triền miên, bất tận. Cũng như tình yêu mãi mãi là khát vọng của tuổi trẻ, của đôi lứa, cuả anh và em:

“Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ”

Con sóng tìm đến biển, đến đại dương là để tự hiểu mình. Cũng như em “khát” được đến bên anh, đến với một tình yêu đẹp để hiểu rõ hơn về tâm hồn em về con người đích thực của em. Người con gái hỏi sóng hay đang tự hỏi chính mình:

“Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau”

Cái giây phút giao duyên của đôi lứa. “Khi nào ta yêu nhau” tìm được một câu trả lời thật khó, bởi tình yêu là một hiện tượng, một thứ tình cảm khó có thể cắt nghĩa được. Bởi vậy trong bài thơ tình số 21 của thi hào Tagor đã viết rằng:

“Trái tim anh cũng ở gần em như chính đời em vậy
Nhưng chẳng bao giờ em biết trọn nó đâu”

Câu thơ “khi nào ta yêu nhau” đã diễn tả đúng nỗi niềm điển hình của những trai gái đang sống trong tình yêu đẹp. Sóng vỗ “dữ dội - dịu êm” , “ồn ào - lặng lẽ”, sóng “dưói lòng sâu” “sóng” trên mặt nước”, sóng nhớ bờ, đó là biểu hiện của tình yêu và nỗi nhớ. Yêu chân thành tha thiết, nhớ bồi hồi triền miên. Nỗi nhớ ấy day dứt, dày vò, choán đầy cả không gian, thấm trong chiều sâu, bề rộng, trải trong chiều dài thời gian:

“Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được”

Thật tự nhiên và thơ mộng, con sóng nhớ bờ nên ngày đêm sóng vỗ, sóng thao thức với thời gian và đại dương. Cũng giống như bên đợi thuyền, thuyền nhớ bến, lúc nào lòng người con gái cũng bồi hồi nhớ thương:

“Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức”

“Còn thức” tức là lúc nào em cũng nhìn thấy rõ hình bóng anh, ánh mắt anh ... Một tình yêu cuồng nhiệt, say mê. Con sóng khao khát được đến bờ để được vỗ về, ve vuốt:

“Hôn thật khẽ thật êm
Hôn êm đềm mãi mãi”
(Xuân Diệu)

Cũng như “em” muốn được gần bên anh, được hòa nhịp vào trong tình yêu với anh. Tình yêu của người con gái thật mãnh liệt, nồng nàn. Sóng xa vời cách trở vẫn tìm được tới bờ, cũng như anh và em sẽ vượt qua mọi khó khăn để đến với nhau, để sống trong hạnh phúc trọn vẹn của lứa đôi.

“Ở ngoài kia đại dương
Trăm ngàn con sóng nhỏ
Con nào cũng tới bờ
Dù muôn vời cách trở”

Người con gái đã bày tỏ lòng mình một cách chân thành, say đắm, thắm thiết. Chân thật và thuỷ chung là đặc tính của tình yêu:

“Dẫu xuôi về phương Bắc ...
Hướng về anh một phương”

Sóng đã bày tỏ nỗi lòng của người con gái, khát vọng được sống hết mình trong một tình yêu đẹp, sắt son thuỷ chung. Người ta thường nói xuôi vào Nam, ngược ra Bắc; nhưng ở đây, trong nỗi nhớ chất đầy nhà thơ lại dùng ngược lại. Từ đó nhà thơ đã nói đến nỗi nhớ bất chấp vạn vật, khoảng cách, tình yêu là sự gặp gỡ giữa hai tâm hồn không có giới hạn.

Cuối cùng sóng đã nói hộ nhà thơ nỗi khát vọng được sống trọn vẹn trong tình yêu. Tình yêu lứa đôi đẹp đẽ, nồng nàn như trăm ngàn con sóng nhỏ giữa đại dương mênh mông, muốn được hoà nhịp vào biển lớn của tình yêu cộng đồng:

“Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ”

Cả bài thơ, nếu kể đến nhan đề, thì tác giả đã mười một lần nhắc đến từ “sóng”. Sóng vỗ như tâm tình xôn xao. Sóng cho ta nhiều ấn tượng về âm điệu của sóng, cũng như giọng điệu tâm tình, nhịp điệu của bài thơ. Thơ hồn nhiên, liền mạch về cảm xúc, trong sáng trong cách diễn đạt của tác giả. Sóng vỗ trên đại dương mênh mông cũng chính là sóng vỗ trong lòng người con gái.

Từ hình tượng “sóng” Xuân Quỳnh cho ta thấy rõ vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu. Với tình yêu chân thành, thắm thiết, người phụ nữ muốn sống hết mình, sống trọn vẹn trong tình yêu đẹp. Yêu là nhớ ngày mong đêm, người phụ nữ khát khao được hoà nhập gần gũi trong tình yêu ấy. Họ yêu thật nồng nàn, say đắm, thủy chung !

Xuân Quỳnh viết bài thơ này vào những năm 1967, khi cuộc kháng chiến của nhân dân miền Nam ở vào giai đoạn ác liệt, khi thanh niên trai gái ào ào ra trận “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, khi sân ga, bến nước, gốc đa, sân trường diễn ra những cuộc chia ly màu đỏ. Cho nên có đặt bài thơ vào trong hoàn cảnh ấy ta mới càng thấy rõ nỗi khát khao của người con gái trong tình yêu.

“Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được”

Đọc xong bài thơ “Sóng” ta càng ngưỡng mộ hơn những con người phụ nữ Việt Nam, những con người luôn thuỷ chung, luôn sống hết mình vì một tình yêu. Xuân Quỳnh xứng đáng là một nhà thơ nữ của tình yêu lứa đôi, bà đã làm phong phú hơn cho nền thơ nước nhà.

2SacHoaTG
09-08-2006, 09:33 PM
Câu 3. Phần tự chọn: a:

Nguyễn Trung Thành là nhà văn có duyên nợ gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên. Qua hai cuộc kháng chiến cùng vào sinh ra tử với những người dân nơi đây đã cung cấp cho Nguyễn Trung Thành một vốn hiểu biết vô cùng sâu rộng về mảnh đất âm vang rộn tiếng cồng chiêng trong mùa lễ hội, nơi có những người con trung dũng, kiên cường.

Nếu trong kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Trung Thành - bút danh Nguyên Ngọc nổi tiếng cùng “Đất nước đứng lên”; thì trong những năm kháng chiến chống Mỹ, đặc biệt là những năm 1965 khi cuộc kháng chiến của nhân dân miền Nam đang diễn ra gay go ác liệt thì Nguyễn Trung Thành cho ra mắt người đọc truyện ngắn “Rừng xà nu”.

Tác phẩm này đã là một bản hùng ca, ca ngợi cuộc sống và con người Tây Nguyên trong cuộc chiến tranh vĩ đại. Và nổi bật hơn cả trong tác phẩm chính là hình tượng cây xà nu.

Cây xà nu là một hình tượng nhân vật trung tâm trong truyện ngắn “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành. Xuyên suốt trong tác phẩm ta bắt gặp những cánh rừng xà nu nối tiếp nhau chạy đến chân trời. Cây xà nu là một loài cây quen thuộc, có mặt trong cuộc sống hàng ngày của người dân Tây Nguyên. “Củi xà nu cháy trong mỗi bếp lửa gia đình, khói xà nu nhuộm bảng đen cho con trẻ học chữ, đuốc xà nu rọi sáng sân nhà Ưng trong những đêm lễ hội...”.

Tất cả mọi hoạt động dù lớn dù nhỏ của người dân Tây Nguyên đều có sự góp mặt của cây xà nu. Sự sống của dân làng Xô Man đều gắn liền với những cánh rừng xà nu. Khi Nguyễn Trung Thành viết: “Làng ở trong tầm đại bác của đồn giặc, chúng nó bắn đã thành lệ, ngày hai lần, hoặc buổi sáng sớm và xế chiều, hoặc đứng bóng và xẩm tối, hoặc nửa đêm và trở gà gáy. Hầu hết đạn đại bác của đồn giặc đều rơi vào những ngọn đồi xà nu, cạnh con nước lớn”, nhà văn đã phản ảnh không khí căng thẳng của thời đại, gợi lên sự đối mặt quyết liệt giữa sự sống và cái chết.

Nổi bật trên nền bối cảnh ấy, Nguyễn Trung Thành đã đi sâu miêu tả những đặc điểm nổi bật của câu xà nu. Cũng như bao loài cây khác, cây xà nu là một loài cây ham ánh sáng và khí trời “trong rừng ít có loài cây nào sinh sôi nảy nở khoẻ đến vậy... ít có loài cây nào ham ánh sáng đến thế” cũng có nghĩa là ham sống, khao khát muốn được vươn lên giữa bầu trời cao rộng.

Thế nhưng trong những năm tháng chiến tranh ác liệt ấy, cũng như bao cánh rừng khác của Việt Nam, rừng xà nu đã bị tàn phá rất dữ dội “Cả rừng xà nu hàng vạn cây không có cây nào là không bị thương. Có những cây bị chặt đứt ngang nửa thân mình đổ ào ào như một trận bão; ở chỗ vết thương nhựa ứa ra tràn trề, thơm ngào ngạt, long lanh nắng hè gay gắt rồi dần dần bầm lại đen và đặc quyện thành từng cục máu lớn”.

Tuy vậy, bất chấp mọi sự tàn phá huỷ diệt của chiến tranh, cây xà nu vẫn vươn lên với một sức sống mãnh liệt “cạnh cây mới ngã gục đã có bốn, năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời”. Tư thế vươn lên mạnh mẽ ấy của cây xà nu như để thách thức với bom đạn của chiến tranh “đố chúng nó giết được cây xà nu đất ta”.

Sức sống mãnh liệt đã giúp những cánh rừng xà nu vươn lên trong một màu xanh, hiện lên hiên ngang, kiêu dũng như một tráng sĩ “cứ thế hai ba năm sau, rừng xà nu ưỡn tấm ngực lớn của mình ra che chở cho dân làng Xô man”.

Bằng nghệ thuật so sánh, nhân hoá, ẩn dụ, Nguyễn Trung Thành đã dựng lên thật thành công và rõ nét, ấn tượng về hình tượng cây xà nu. Không dừng lại ở đó, Nguyễn Trung Thành còn đặt hình tượng cây xà nu vào trong quan hệ đối chiếu sóng đôi với con người mảnh đất Tây Nguyên. Nếu cây xà nu là một loại cây ham ánh sáng và khí trời, thì người dân Tây Nguyên yêu tự do, tin vào Đảng, đi theo bước chân cách mạng như muôn cây vẫn hướng vào ánh sáng mặt trời.

Nếu cây xà nu bị tàn phá, hủy diệt bởi đạn bom, khói lửa thì những người dân Tây Nguyên phải chịu bao đau thương mất mát do chính kẻ thù gây ra. Bao nhiêu người bị giặc giết chết như những cây xà nu bị chặt đứt ngang nửa thân mình, bao nhiêu người còn sống mà phải mang trong mình bao nỗi thương đau.

Bằng cách miêu tả hình ảnh cây và người trong quan hệ sóng đôi như thế, Nguyễn Trung Thành đã khắc sâu tội ác dã man của kẻ thù để qua đó tác giả giúp ta hình dung rõ hơn những thảm cảnh dân ta phải chịu do bọn giặc gây ra.

Cũng giống như những cánh rừng quê hương, như những con người Việt Nam vẫn ý thức được rằng:

“Gươm nào chia được dòng Bến Hải
Lửa nào thiêu được dãy Trường Sơn
Căm hờn lại giục căm hờn
Máu kêu trả máu đầu van trả đầu”

Các thế hệ nhân dân Tây Nguyên đã thay nhau tiếp nối đứng lên. ánh sáng của niềm tin “Đảng còn thì núi nước này còn” đã soi đường chỉ lối cho những bước chân đến với cách mạng. Thế hệ này ngã xuống, thế hệ sau tiếp nối đứng lên; anh Sút bà Nhan bị giặc giết, đi thay họ tiếp tế nuôi quân đã có T Nú và Mai.

Cứ như thế, các thế hệ người Tây Nguyên đã thay nhau giữ vững ngọn lửa truyền thống, thay nhau giữ vững ý chí đánh giặc kiên cường, để giữ làng, giữ nước của dân làng Xô man nói riêng và của người Tây Nguyên nói chung.

Dưới ngòi bút miêu tả của Nguyễn Trung Thành, cây xà nu hiện lên sừng sững, đồng hành với những bước đi, cuộc sống của dân làng Xô man. Gắn bó với cánh rừng anh dũng, kiêu hùng, những người dân Tây Nguyên như được tiếp thêm sức mạnh để đứng lên chiến đấu. Và gắn bó với con người Tây Nguyên ân tình, thuỷ chung, trung dũng như thế.

Cây xà nu cũng luôn luôn sánh bước cùng họ để họ có cuộc sống bình yên hơn; để “hầu hết đạn đại bác của đồn giặc đều rơi vào những ngọn đồi xà nu, cạnh con nước lớn” chứ không nhằm vào những người dân vô tội lầm than.

Cây xà nu là hình tượng mang đậm chất lý tưởng, tiêu biểu cho phẩm chất, số phận của người dân Tây Nguyên. Hình tượng cây xà nu trong tác phẩm mang đậm chất sử thi, tính hào hùng, nó làm rõ chủ đề tư tưởng của truyện ngắn “Rừng xà nu”. Để xây dựng một hình tượng xà nu như thế, Nguyễn Trung Thành đã sử dụng những câu văn miêu tả, những từ ngữ, hình ảnh chọn lọc đặc sắc, cùng nghệ thuật so sánh, nhân hoá, ẩn dụ, giọng văn miêu tả trong tác phẩm rất linh hoạt.

Có đọc “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành ta mới cảm nhận hết vẻ đẹp hình tượng cây xà nu. Hình tượng này đã góp phần tạo nên một “Rừng xà nu” trọn vẹn, mang đậm giá trị văn học. Nguyễn Trung Thành đã góp phần làm phong phú thêm cho nền văn học dân tộc.

2SacHoaTG
09-08-2006, 09:35 PM
Nhận xét về bài văn đạt điểm 10

Người chấm 1: ThS Lê An Vinh, giảng viên khoa Ngữ văn ĐH Sư phạm Đà Nẵng

“Bài làm hoàn chỉnh cả 3 câu, nếu áp với đáp án của Bộ thì vẫn còn thiếu một vài ý nhỏ. Nhưng bù vào đó, là sự cảm thụ văn học rất tốt, tư duy mạch lạc, chất văn bay bổng, cảm xúc dồi dào, đặc biệt giàu sáng tạo.

Người chấm 2: ThS Lương Vĩnh An, giảng viên khoa Ngữ văn ĐH Sư phạm Đà Nẵng

“So với đáp áp của Bộ, bài làm chưa đạt tuyệt đối 100%. Nhưng sự sáng tạo trong tư duy, ngôn ngữ, xúc cảm văn chương... thì thật đáng ngạc nhiên. Đọc câu một, nghĩ người làm học thuộc bài, nhưng càng đọc càng không tin đó là một bài làm của thí sinh trong thời hạn 180 phút! Chữ viết đẹp, câu cú rành mạch. Nếu có điểm 11, tôi sẽ là người cho bài viết điểm đó!”.

2SacHoaTG
09-08-2006, 09:37 PM
Bố làm công tác hành chính tại trường tiểu học, mẹ bị bệnh tim nặng, sức khỏe rất yếu, nhà có 4 anh em nhưng chỉ Nhi là gái, nên kể cả những ngày ôn thi cao điểm, em vẫn sắp xếp thời gian để giúp mẹ.

Cả nhà trông chờ vào đồng lương của bố và hơn sào đất cằn cỗi. Thi thoảng có buồng chuối chín, Thùy Nhi lại chở ra chợ, còn hầu hết các sáng, em vẫn cùng chiếc xe đạp đứng bên ngã ba đường làng, bán những mớ rau lang, rau cải do tự tay mình trồng...

“Cũng bởi đứng ngoài đường bán rau miết, hắn mới đen thui rứa đó!”, chị Nguyễn Thị Hiếu đang nằm trên giường, dáng vẻ mệt mỏi, đã bật dậy và òa khóc khi nghe tin con gái đạt điểm 10 môn Văn.

“Tui mừng quá, bé Nhi là niềm hy vọng của cả nhà...”, chị nói. Chưa từng thấy người nào gầy gò như chị, và chính chị cũng vui vẻ “xác nhận” với khách: “Tui đi thi gầy, chắc đoạt giải nhất!”. Cả nhà cùng cười...

Anh Hoàng Chất, bố của Thùy Nhi đang họp ở trường, nghe tin đã tức tốc bỏ họp chạy về nhà. “Có thiệt không cô? Thực ra thì khi đi thi về, hắn đã nói nắm chắc điểm 9, cùng lắm là 8 môn Văn, tui tin nhưng cũng lo lo. Chừ mới tin là thực. Tui hạnh phúc quá”...

Anh Chất cho biết năm lớp 9 Nhi bị bệnh nặng, kết quả học tập giảm sút không đủ tiêu chuẩn vào trường THPT công lập, em trở thành học sinh của khối văn hóa THPT, thuộc Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp và dạy nghề tỉnh Quảng Trị.

Tuy phải đi trên con đường ít người muốn, nhưng ý chí tiến thủ và lòng hiếu học của cô bé không hề suy giảm. Thậm chí, Nhi càng phấn đấu học giỏi “để chứng tỏ trong môi trường nào cũng có thể học tập tốt”, em tâm sự.

Thầy giáo Xuân Phùng, vừa nhắc tên Nhi đã nhớ ngay: “Hắn bí thư Đoàn lớp chớ mô, mấy năm liền lận. Hắn học giỏi, chăm ngoan và đặc biệt hát hay lắm!”.

Nhi gần như tự học, và cách học Văn của em rất khoa học. Em nói như một nhà triết lý “Cuốn sách nào cũng có cái hay của nó nếu chúng ta biết tìm kiếm và sàng lọc”. Với quan niệm đó, Nhi đọc rất nhiều. Đọc, nghiền ngẫm từng lời văn và những ý hay được em ghi chép lại rất cẩn thận.

Tập làm văn với Thùy Nhi gồm 2 công đoạn: Đọc sơ lược tác phẩm - tìm sườn ý - đọc lại tác phẩm - lập dàn bài và viết tự do theo cảm xúc và ý tưởng sẵn có trong đầu - xem lại sách và các tài liệu, bổ sung hoàn chỉnh các dẫn chứng- sắp xếp lại nội dung, trau chuốt ý tứ, câu chữ - viết hoàn chỉnh.

Tất cả các bài làm xong Nhi đều nhờ thầy cô xem giúp. Nếu có phần bị sửa chữa, em tự bắt mình xem xét thật kỹ, làm lại đến mức hoàn thiện.

“Thời gian Thùy Nhi dành cho môn văn như thế nào?”. “Những lúc thanh tịnh nhất, đầu óc tỉnh táo nhất, lúc bắt đầu vào ngày mới. Vừa trải qua giấc ngủ dài, tinh thần minh mẫn sẽ nhớ lâu và nghĩ ra nhiều ý tưởng mới lạ”.

PGS-TS Nguyễn Phong Nam, Chủ nhiệm khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), đã hết lời khen bài làm của Thùy Nhi đặc biệt xuất sắc ở phần bình thơ. Em đã có cách học đúng và kết quả hôm nay hoàn toàn xứng đáng với sự dày công đó.

2SacHoaTG
09-08-2006, 09:42 PM
Bố làm công tác hành chính tại trường tiểu học, mẹ bị bệnh tim nặng, sức khỏe rất yếu, nhà có 4 anh em nhưng chỉ Nhi là gái, nên kể cả những ngày ôn thi cao điểm, em vẫn sắp xếp thời gian để giúp mẹ.

Cả nhà trông chờ vào đồng lương của bố và hơn sào đất cằn cỗi. Thi thoảng có buồng chuối chín, Thùy Nhi lại chở ra chợ, còn hầu hết các sáng, em vẫn cùng chiếc xe đạp đứng bên ngã ba đường làng, bán những mớ rau lang, rau cải do tự tay mình trồng...

“Cũng bởi đứng ngoài đường bán rau miết, hắn mới đen thui rứa đó!”, chị Nguyễn Thị Hiếu đang nằm trên giường, dáng vẻ mệt mỏi, đã bật dậy và òa khóc khi nghe tin con gái đạt điểm 10 môn Văn.

“Tui mừng quá, bé Nhi là niềm hy vọng của cả nhà...”, chị nói. Chưa từng thấy người nào gầy gò như chị, và chính chị cũng vui vẻ “xác nhận” với khách: “Tui đi thi gầy, chắc đoạt giải nhất!”. Cả nhà cùng cười...

Anh Hoàng Chất, bố của Thùy Nhi đang họp ở trường, nghe tin đã tức tốc bỏ họp chạy về nhà. “Có thiệt không cô? Thực ra thì khi đi thi về, hắn đã nói nắm chắc điểm 9, cùng lắm là 8 môn Văn, tui tin nhưng cũng lo lo. Chừ mới tin là thực. Tui hạnh phúc quá”...

Anh Chất cho biết năm lớp 9 Nhi bị bệnh nặng, kết quả học tập giảm sút không đủ tiêu chuẩn vào trường THPT công lập, em trở thành học sinh của khối văn hóa THPT, thuộc Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp và dạy nghề tỉnh Quảng Trị.

Tuy phải đi trên con đường ít người muốn, nhưng ý chí tiến thủ và lòng hiếu học của cô bé không hề suy giảm. Thậm chí, Nhi càng phấn đấu học giỏi “để chứng tỏ trong môi trường nào cũng có thể học tập tốt”, em tâm sự.

Thầy giáo Xuân Phùng, vừa nhắc tên Nhi đã nhớ ngay: “Hắn bí thư Đoàn lớp chớ mô, mấy năm liền lận. Hắn học giỏi, chăm ngoan và đặc biệt hát hay lắm!”.

Nhi gần như tự học, và cách học Văn của em rất khoa học. Em nói như một nhà triết lý “Cuốn sách nào cũng có cái hay của nó nếu chúng ta biết tìm kiếm và sàng lọc”. Với quan niệm đó, Nhi đọc rất nhiều. Đọc, nghiền ngẫm từng lời văn và những ý hay được em ghi chép lại rất cẩn thận.

Tập làm văn với Thùy Nhi gồm 2 công đoạn: Đọc sơ lược tác phẩm - tìm sườn ý - đọc lại tác phẩm - lập dàn bài và viết tự do theo cảm xúc và ý tưởng sẵn có trong đầu - xem lại sách và các tài liệu, bổ sung hoàn chỉnh các dẫn chứng- sắp xếp lại nội dung, trau chuốt ý tứ, câu chữ - viết hoàn chỉnh.

Tất cả các bài làm xong Nhi đều nhờ thầy cô xem giúp. Nếu có phần bị sửa chữa, em tự bắt mình xem xét thật kỹ, làm lại đến mức hoàn thiện.

“Thời gian Thùy Nhi dành cho môn văn như thế nào?”. “Những lúc thanh tịnh nhất, đầu óc tỉnh táo nhất, lúc bắt đầu vào ngày mới. Vừa trải qua giấc ngủ dài, tinh thần minh mẫn sẽ nhớ lâu và nghĩ ra nhiều ý tưởng mới lạ”.

PGS-TS Nguyễn Phong Nam, Chủ nhiệm khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), đã hết lời khen bài làm của Thùy Nhi đặc biệt xuất sắc ở phần bình thơ. Em đã có cách học đúng và kết quả hôm nay hoàn toàn xứng đáng với sự dày công đó.

Gem
12-08-2006, 05:41 AM
mình vừa đọc báo Tuổi Trẻ và hiểu vì sao bài văn này đạt điểm 10 !!!!

Xem tại đây nhé các bạn !!!!

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.as...80&ChannelID=13 (http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=155280&ChannelID=13)

Bài văn điểm 10, đề thi điểm mấy?

magicboy
12-08-2006, 08:51 AM
ừ thì tại dạy như thế, học như thế ra đề như thế làm bài thi nhứ thế là đùng ý đồ rồi còn gì....
tội nghiệp em nó,... học như người lớn chỉ bảo vậy mà đến khi bị điểm cao vẫn còn bị xầm xì lời ra tiếng vaào... nếu nói học điểm 10 dễ thế sao chỉ có 1 mình em nó thôi,.... mấy đứa khác thích sáng tạo hay là... chỉ có nhiều đó học cũng không xong thì đòi sáng tạo nỗi gì ... còn tùy theo nhà báo thích viết cách nào các bạn nhỉ .....
tự dưng nhớ thầy uyển quá,... ngày xưa học thầy chẳng bao giờ thầy ra đề đong sách cả, ngay cả thi cũng vậy, thầy toàn là bắt phải sáng tạo thành ra mình cứ phải tố tối về nhà tạo sẵn một bài khác để nộp cho thầy tại chắc chắn thế nào thầy cũng bắt làm lại cho mà xem hehehehe
mình thì ủng hộ em nó hết mình, nói học văn không học thuộc lòng thế toàn lý hoá sinh sử địa thì được học thuộc lòng à, sao bất công thế,... em nó giỏi thật đó, có giỏi như mình cũng không thể làm 10 điểm như em nó được,... nếu biết email thế nào tui cũng mail chúc mưng cho xem

các bạn phải thươbng em nó với nhé

2SacHoaTG
19-08-2006, 10:47 AM
- Văn đi liền với nhân. Văn là biểu hiện của tình cảm của con người. Viết văn cần có cảm xúc riêng của người viết (cho dù cảm xúc đó là ướt át hay khô khan, ngắn gọn, xúc tích hay dài dòng; dào dạt, bay bổng hay cục mịch, hững hờ...).

- Vậy thì theo tôi đề thi cũng cần dành "đất" cho người viết được bộc lộ cảm xúc riêng, cũng như dành "đất" cho người chấm được quyền cảm nhận cái hay, cái đẹp trong bút pháp của người viết bằng chính cảm xúc của người chấm chứ. Nếu đề thi có barem (có lời giải sẵn) cụ thể đến tận 10 điểm, thì theo tôi, nếu bài thi của em Hoàng Thuỳ Nhi đáp ứng trọn vẹn barem đó, em xứng đáng được 10 chứ.

- Ngay cả khi thực sự bài văn của em coppy nguyên văn bài văn mẫu. Vấn đề là ở chỗ em đã học thuộc và đủ những nội dung cần thiết để trả lời đúng yêu cầu của câu hỏi. Trong trường hợp này, chúng ta cần đặt trong tình huống giống như em thi những môn khác như môn sử chẳng hạn. Và nếu như vậy thì lời nhận xét cũng như điểm chấm của hai thầy giáo chấm bài là hoàn toàn đúng.

- Nói hơi quá, trong thời tiết nóng nực như vậy, trong tình huống phải đọc và chấm bài của hàng trăm, hàng nghìn thí sinh, có những người thậm chí không viết nổi một câu ra hồn và cho đúng chính tả, thì một bài viết đủ ý, có những cảm xúc nhất định (cho dù là sao chép) và đặc biệt là có lối văn phong rõ ràng, mạch lạc và chữ đẹp nữa thì tại sao thầy không cho điểm tối đa được chứ.

2SacHoaTG
19-08-2006, 10:54 AM
- Thứ nhất:Theo tôi, tất cả ý kiến của chúng ta đều chỉ là ý kiến,tựu trung lại là xoay quanh nền Giáo dục của chúng ta trong thời gian gần đây (Theo tôi là cực kỳ xuống cấp).Quan trọng là những nơi, những người trực tiếp liên quan đến vấn đề này có nhận được, có hướng xử lý được hay không?

- Thứ hai: Bài văn, hay bất kỳ bài thi môn nào đó, nếu làm đúng theo barem, vẫn xứng đáng nhận được điểm số tương ứng.Vấn đề đáng nói là công đoạn bài giảng-ra đề-barem-chấm điểm. Tôi không đồng ý, đặc biệt không hiểu ai đó khi gọi bài thi đó là ĐẠO VĂN thì thực ra họ có hiểu ĐẠO VĂN là gì không?

- Thứ ba:Không được động đến, nhắc đến một cách tiêu cực đối với thí sinh làm bài thi đó. Hãy động viên, khuyến khích tương lai của đất nước một cách tích cực hơn nữa.

2SacHoaTG
19-08-2006, 10:56 AM
- Tôi hoàn toàn đồng ý với điểm 10 của em Nhi. Tôi thực sự bất bình với một số ý kiến của độc giả và đặc biệt là của tác giả một số bài báo. Chúng ta thử đặt hoàn cảnh chúng ta là em Nhi mà xem - hoàn cảnh của một thí sinh đi thi đại học. Liệu chúng ta có làm được như vậy không.

- Theo tôi em Nhi làm được bài văn như vậy là quá xuất sắc, kể cả nội dung bài làm có gần trùng lặp với nội dung của một bài văn mẫu vì em Nhi đã thuộc bài!

- Tôi nghĩ rằng tất cả những ai đã từng đi thi đại học thì cũng đã từng học môn Văn học, đặc biệt là các nhà báo chắc chắn đã từng thi môn Văn học trong kỳ thi vào đại học thế mà lại có những bài viết, những nhận xét thiếu tính hiểu biết thực tế và thiện cảm về bài thi của em Nhi.

- Tôi muốn nhấn mạnh rằng mỗi chúng ta nói điều gì, làm điều gì cũng phải có cái tâm, phải có suy xét cho đúng, hợp lý và đặc biết là phải có trách nhiệm.

2SacHoaTG
19-08-2006, 11:00 AM
-Tôi xin có thêm vài ý kiến nhỏ về bài văn của em Nhi và việc dạy, học văn: Thứ nhất, tôi đánh giá cao khả năng của em Nhi và nếu em làm bài đúng đáp án thì điểm 10 là hoàn toàn xứng đáng.

-Xin nhớ rằng đây là một kì thi tuyển sinh Đại học, để kiểm tra kiến thức các em đã được học ở phổ thông, và để đánh giá, so sánh hàng vạn thí sinh theo một thang chung nên xin đừng lạc đề sang các lĩnh vực khác. Để hiểu về một tác phẩm văn học cho trọn vẹn đã là một việc rất khó, nó đòi hỏi sự trải nghiệm và tri thức tổng hợp.

- Vậy nên, ở một góc độ nhất định, tôi thấy nếu các em học sinh mà chịu khó 'học thuộc' được những gì những người đi trước đã tích luỹ và tổng kết thì đã là quí lắm rồi, các em đâu chỉ được dạy vài ba tác phẩm mà học thuộc.

- Xin có một câu hỏi: Nếu không có một sự yêu thích nhất định thì liệu chúng ta có đủ kiên nhẫn để học thuộc không? Đây không phải là một tác phẩm nên không thể qui kết tội 'đạo văn' cho em Nhi được.

- Thứ hai, đành rằng ai cũng đòi hỏi, hô hào sáng tạo, có cái mới, độc đáo, sợ nếu chỉ biết rập khuôn thì sẽ xáo mòn... nhưng xin hỏi: Không bỏ công sức trèo lên để "Đứng trên vai người khổng lồ" (như Newton đã nói) thì sáng tạo cái gì, nhìn rộng ra được cái gì, hay lại quay lại 'sáng tạo' những thứ mà người ta đã làm ra từ hàng vài thế kỉ trước? Xin hãy tập đứng và đi cho vững trước khi bàn đến chuyện chạy nhảy.

- Về mặt 'kĩ thuật' cán bộ ra đề chỉ được phép hỏi sao cho với vốn kiến thức phổ thông, thí sinh có thể hoàn thành bài thi trong vòng 3 giờ đồng hồ. Giả thiết rằng có đề thi yêu cầu thí sinh tự sáng tạo tối đa, vậy với những môn giàu tính xã hội- nhân văn như môn Văn, chúng ta sẽ dùng qui chuẩn gì để so sánh, đánh giá đây?

- Tôi lại xin hỏi thêm một câu: Liệu một luận án Tiến sĩ Văn học giả sử không tham khảo bất kì một tài liệu nào (điều này hơi phi lí) thì bàn được bao nhiêu phần về ba tác phẩm này? Vậy nên hãy làm thế nào để cán bộ 'dám ra đề' và thí sinh 'dám đi thi' với vốn kiến thức phổ thông.

- Thứ ba, xin đề nghị một giải pháp nhỏ: Đề thi văn nên bố cục 6 điểm cho phần 'cứng', nghĩa là nếu thí sinh mà 'thuộc' được những gì đã được viết ra, tổng kết và thừa nhận chính thống thì sẽ đạt mức trung bình (5-6 điểm); 4 điểm còn lại dành cho phần 'linh hoạt, sáng tạo'. Trong 4 điểm đó, thí sinh có quyền tự chọn: 0-4 điểm cho khả năng nhận định, bình luận một vấn đề xã hội, một tác phẩm hiện thời (nên để một chuyện ngắn ngắn, một ý twởng, hoặc một nhận định hiện tại về thực trạng xã hội về cuộc sống, về trào lưu) hay 0-4 điểm cho khả năng sáng tác theo chủ đề...

- Đến đây thì xin nhường cái khó trong việc dạy, ra đề và chấm bài cho các thầy cô, việc học thế nào cho hiệu quả của các em học sinh. Xin trân trọng cảm ơn!

Vinh Loc 90A
29-08-2006, 04:00 PM
Cái vụ này thì đã rõ như ban ngày rồi! Công tác dạy văn quả thật đang có vấn đề,... Mà không chỉ môn văn không, tôi thấy người ta phàn nàn nhiều về môn lịch sử hơn. Dân ta mà chẳng biết sử ta, chỉ biết rành sử bên Tàu??? Tại sao? Cái này các nhà khoa học đang bàn còn các em học sinh đang khổ!

Biết rồi khổ lắm nói mãi!

Vinh Loc 90A
08-11-2006, 04:58 PM
Cái vụ này thì đã rõ như ban ngày rồi! Công tác dạy văn quả thật đang có vấn đề,... Mà không chỉ môn văn không, tôi thấy người ta phàn nàn nhiều về môn lịch sử hơn. Dân ta mà chẳng biết sử ta, chỉ biết rành sử bên Tàu??? Tại sao? Cái này các nhà khoa học đang bàn còn các em học sinh đang khổ!

Biết rồi khổ lắm nói mãi!

Nay thì ta đi những con đường chính ở Sài Gòn đã thấy người ta "dạy" sử ta rồi! Cũng đáng mừng!

Hôm nay tình cờ lướt web tôi lại phát hiện một bài văn của một em học lớp 10 ở thành phố Vinh. Các bạn hãy đọc thử xem sao nhé!

Nguồn: http://www.vnexpress.net/Vietnam/Xa-hoi/2006/11/3B9F02A2/ (http://www.vnexpress.net/Vietnam/Xa-hoi/2006/11/3B9F02A2/)

Thứ tư, 8/11/2006, 15:36 GMT+7http://www.vnexpress.net/Images/ic-print.gif (http://www.lqd-longan.com/forum/)http://www.vnexpress.net/Images/ic-email.gif (http://www.lqd-longan.com/forum/)Bài văn 9,5 điểm gây xôn xao thành phố Vinh
http://www.vnexpress.net/Vietnam/Xa-hoi/2006/11/3B9F02A2/2.jpgBài Văn 9,5 điểm của em Nguyễn Thị Hậu.Trong buổi lễ chào cờ đầu tuần (6/11), thày Lê Trần Bân, Hiệu phó THPT Huỳnh Thúc Kháng (thành phố Vinh, Nghệ An) đã đọc bài văn viết về bố của học sinh Nguyễn Thị Hậu. Thày ngân ngấn nước mắt, cả sân trường xúc động lặng im. Sau hôm đó, người dân thành phố Vinh photo bài văn, chuyền tay nhau đọc.
Nguyễn Thị Hậu - học sinh chuyên Toán lớp 10A2 THPT Huỳnh Thúc Kháng, thành phố Vinh, Nghệ An - chỉ có 45 phút ngồi trên lớp học để viết lên bài văn này. Bài văn với gần 1.500 từ trên 4 trang giấy kiểm tra ướt nhoè nước mắt của Hậu khi làm bài.
Bóng dáng người bố yêu thương hiện lên trang văn, người đọc đường như thấy một chút bóng dáng người bố thân yêu của mình và thôi thúc nuôi dưỡng ước mơ và thúc giục sống tốt hơn. Bài làm văn của em đã viết lên cảm nghĩ chân thực về người cha thân yêu làm nghề xe lai (xe đạp ôm), nhưng bị căn bệnh quật ngã ra đi.
"Thày Bân đọc được nửa bài văn quá xúc động nghẹn lời, ngân ngấn nước mắt. Chúng tôi đều rưng rưng, mến phục thương em Hậu và thôi thúc chúng tôi sống và giảng dạy tốt hơn. Từ nay vào các buổi lễ chào cờ đầu tuần chúng tôi chọn lọc những đề văn và bài làm hay đọc dưới cờ để nhân lên sự yêu thích văn chương của học sinh" - thày Võ Tuấn Thiện, hiệu trưởng THPT Huỳnh Thúc Kháng, cho biết.
Ngay sau đó từ học sinh, giáo viên các trường trên địa bàn thành phố Vinh cho đến bà bán nước bác xe ôm đã photo bài văn, chuyền tay nhau đọc. Cứ thế bài văn nhân thêm nhiều bản, và chuyền về tận các huyện...
Đề bài: “Em hãy phát biểu cảm nghĩ về một người thân yêu nhất”
Bài làm:
Trong cuộc sống hàng ngày, có biết bao nhiêu người đáng để chúng ta thương yêu và dành nhiều tình cảm. Nhưng đã bao giờ bạn nghĩ rằng, người thân yêu nhất của bạn là ai chưa? Với mọi người câu trả lời ấy có thể là ông bà, là mẹ, là anh chị hoặc cũng có thể là bạn bè chẳng hạn. Còn riêng tôi, hình ảnh người bố sẽ mãi mãi là ngọn lửa thiêng liêng, sưởi ấm tâm hồn tôi mãi tận sau này.
Bố tôi không may mắn như những người đàn ông khác. Trong suốt cuộc đời bố có lẽ không bao giờ được sống trong sự sung sướng, vui vẻ. Bốn mươi tuổi khi chưa đi được nửa chặng đời người, bố đã phải sống chung với bao nhiêu bệnh tật: Đầu tiên đó chỉ là những cơn đau dạ dày, rồi tiếp đến lại xuất hiện thêm nhiều biến chứng. Trước đây, khi còn khỏe mạnh, bao giờ bố cũng rất phong độ.
Thế nhưng bây giờ, vẻ đẹp ấy dường như đã dần đổi thay: Thay vì những cánh tay cuồn cuộn bắp, giờ đây chỉ còn là một dáng người gầy gầy, teo teo. Đôi mắt sâu dưới hàng lông mày rậm, hai gò má cao cao lại dần nổi lên trên khuôn mặt sạm đen vì sương gió. Tuy vậy, bệnh tật không thể làm mất đi tính cách bên trong của bố, bố luôn là một người đầy nghị lực, giàu tự tin và hết lòng thương yêu gia đình.
Gia đình tôi không khá giả, mọi chi tiêu trong gia đình đều phụ thuộc vào đồng tiền bố mẹ kiếm được hàng ngày. Dù bệnh tật, ốm đau nhưng bố chưa bao giờ chịu đầu hàng số mệnh. Bố cố gắng vượt lên những cơn đau quằn quại để làm yên lòng mọi người trong gia đình, cố gắng kiếm tiền bằng sức lao động của mình từ nghề xe lai.
Hàng ngày, bố phải đi làm từ khi sáng sớm cho tới lúc mặt trời đã ngã bóng từ lâu. Mái tóc bố đã dần bạc đi trong sương sớm. Công việc ấy rất dễ dàng với những người bình thường nhưng với bố nó rất khó khăn và gian khổ. Bây giờ có những lúc phải chở khách đi đường xa, đường sốc thì những cơn đau dạ dạy của bố lại tái phát.
Và cả những ngày thời tiết thay đổi, có những trưa hè nắng to nhiệt độ tới 38-48 độ C, hay những ngày mưa ngâu rả rích cả tháng 7, tháng 8, rồi cả những tối mùa đông lạnh giá, bố vẫn cố gắng đứng dưới những bóng cây kia mong khách qua đường. Tôi luôn tự hào và hãnh diện với mọi người khi có được một người bố giàu đức hy sinh, chịu thương, chịu khó như vậy.
Nhưng có phải đâu như vậy là xong. Mỗi ngày bố đứng như vậy thì khi trở về những cơn đau quằn quại lại hành hạ bố. Nhìn khuôn mặt bố nhăn nhó lại, những cơn đau vật vã mà bố phải chịu đựng, tôi chỉ biết òa lên mà khóc. Nhìn thấy bố như vậy, lòng tôi như quặn đau hơn gấp trăm ngàn lần. Bố ơi, giá như con có thể mang những cơn đau đó vào mình thay cho bố, giá như con có thể giúp bố kiếm tiền thì hay biết mấy? Nếu làm được gì cho bố vào lúc này để bố được vui hơn, con sẽ làm tất cả, bố hãy nói cho con được không?
Những lúc ấy, tôi chỉ biết ôm bố, xoa dầu cho bố, tôi chỉ muốn với bố đừng đi làm nữa, tôi có thể nghỉ học, như vậy sẽ tiết kiệm được chi tiêu cho gia đình, tôi có thể kiếm được tiền và chữa bệnh cho bố. Nhưng nếu nhắc đến điều đó chắc chắn là bố sẽ buồn và thất vọng ở tôi nhiều lắm.
Bố luôn nói rằng bố sẽ luôn chiến đấu. Chiến đấu cho tới những chút sức lực cuối cùng để có thể nuôi chúng tôi ăn học thành người. Bố rất quan tâm đến việc học của chúng tôi. Ngày xưa bố học rất giỏi nhưng nhà nghèo bố phải nghỉ học. Vào mỗi tối, khi còn cố gắng đi lại được, bố luôn bày dạy cho mấy chị em học bài.
Trong những bữa cơm bố thường nhắc chúng tôi cách sống, cách làm người sao cho phải đạo. Tôi phục bố lắm, bố thuộc hàng mấy nghìn câu Kiều, hàng trăm câu châm ngôn, danh ngôn nổi tiếng…
Chính vì vậy, tôi luôn cố gắng tự giác học tập. Tôi sẽ làm một bác sĩ và sẽ chữa bệnh cho bố, sẽ kiếm tiền để phụng dưỡng bố và đi tiếp những bước đường dở dang trong tuổi trẻ của bố. Tôi luôn biết ơn bố rất nhiều, bố đã dành cho tôi một con đường sáng ngời, bởi đó là con đường của học vấn, chứ không phải là con đường đen tối của tiền bạc. Tôi sẽ luôn lấy những lời bố dạy để sống, lấy bố là gương sáng để noi theo.
Và tôi khâm phục không chỉ bởi bố là một người giỏi giang, là một người cao cả, đứng đắn, lòng kiên trì chịu khó mà còn bởi cách sống lạc quan, vô tư của bố. Mặc dù những thời gian rảnh rỗi của bố còn lại rất ít nhưng bố vẫn trồng và chăm sóc khu vườn trước nhà để cho nó bao giờ cũng xanh tươi.
Những giỏ phong lan có bao giờ bố quên cho uống nước vào mỗi buổi sáng; những cây thiết ngọc lan có bao giờ mang trên mình một cái lá héo nào? Những cây hoa lan, hoa nhài có bao giờ không tỏa hương thơm ngát đâu? Bởi đằng sau nó luôn có một bàn tay ấm áp chở che, chăm sóc, không những yêu hoa mà bố còn rất thích nuôi động vật.
Tuy nhà tôi bao giờ cũng có hai chú chó con và một chú mèo và có lúc bố còn mang về những chiếc lồng chim đẹp nữa. Và hơn thế, trong suốt hơn năm năm trời chung sống với bệnh tật, tôi chưa bao giờ nghe bố nhắc đến cái chết, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc trốn tránh sự thật, bố luôn đối mặt với “tử thần”, bố luôn dành thời gian để có thể làm được tất cả mọi việc khi chưa quá muộn.
Nhưng cuộc đời bố bao giờ cũng đầy đau khổ, khi mà cả gia đình đã dần khá lên, khi các chị tôi đã có thể kiếm tiền, thì bố lại bỏ chị em tôi, bỏ mẹ, bỏ gia đình này để ra đi về thế giới bên kia. Bố đi về một nơi rất xa mà không bao giờ được gặp lại. Giờ đây khi tôi vấp ngã, tôi sẽ phải tự đứng dậy và đi tiếp bằng đôi chân của mình, bởi bố đi xa, sẽ không còn ai nâng đỡ, che chở, động viên tôi nữa.
Bố có biết chăng nơi đây con cô đơn buồn tủi một mình không? Tại sao nỡ bỏ con ở lại mà đi hả bố? Nhưng con cũng cảm ơn bố, bố đã cho con thêm một bài học nữa, đó chính là trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta hãy trân trọng những gì đang có, hãy yêu thương những người xung quanh mình hơn, và đặc biệt hãy quan tâm, chăm sóc cho bố của mình, tha thứ cho bố, khi bố nóng giận và nỡ mắng mình bởi bố luôn là người yêu thương nhất của chúng ta.
Bố ra đi, đi đến một thế giới khác, ở nơi đó bố sẽ không còn bệnh tật, sẽ thoát khỏi cuộc sống thương đau này. Và bố hãy yên tâm, con sẽ luôn nhớ những lời dạy của bố, sẽ luôn thương yêu, kính trọng biết ơn bố, sẽ sống theo gương sáng mà bố đã rọi đường cho con đi. Hình ảnh của bố sẽ luôn ấp ủ trong lòng con. Những kỷ niệm, những tình cảm bố dành cho con, con sẽ ôm ấp, trân trọng, nó như chính linh hồn của mình.
NGUYỄN THỊ HẬU
(Lớp 10A2, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, TP Vinh, Nghệ An
Lời phê của cô giáo Phan Thị Thanh Vân:
“Em là một người con ngoan, bài viết của em đã làm cho cô rất xúc động.
Điều đáng quý nhất của em là tình cảm chân thực và em có một trái tim nhân hậu, em đã cho cô một bài học làm người.
Mong rằng đây không chỉ là trang văn mà còn là sự hành xử của em trong cuộc đời”.
(Theo Tuổi Trẻ)
Ý kiến của bạn? (http://www.vnexpress.net/ContactUs/?d=xahoi@vnexpress.net)