PDA

View Full Version : Những lá thư chấn hưng nền giáo dục VN


Gem
30-06-2006, 07:02 PM
Bức thư 1 :(edunet) Em xin Bộ GD và ĐT hãy bỏ điểm thưởng .

Vinh, ngày 29 tháng 8 năm 2005

Thầy Bành Tiến Long kính quý!

Em là một thí sinh vừa thi đại học xong. Em cũng hơi buồn vì thiếu 1,5 điểm vào khoa sư phạm Anh của ĐH Vinh. Nhưng em có một số điều cần tâm sự với thầy. Đầu tiên em chúc thầy luôn vui vẻ, trẻ khỏe và có nhiều thành công hơn.



Thưa thầy!

Cùng với điểm 23,5 điểm như em, mà có một số bạn đang chuẩn bị lên đường đi học những trường lớn như ĐH Ngoại Ngữ - ĐH Quốc gia Hà Nội, khoa tiếng Anh. Thầy Long kính mến! Em thấy đôi chỗ Bộ Giáo dục vẫn chưa công minh. Hiện nay, do phong trào học sinh giỏi toàn diện thi tốt nghiệp loại giỏi sẽ được cộng từ 1 đến 2 điểm vào đại học. Nên ngay ở trường chúng em là Lê Viết Thuật xảy ra rất nhiều tiêu cực thầy ạ. Lớp em là lớp 12S khóa 26, hầu hết các bạn là con nhà giàu, mỗi dịp ngày Tết đến, cô giáo chủ nhiệm Võ Thị Ngọc Hoan nhận bao nhiêu tiền. Thậm chí con số tiền này lên tới vài chục triệu. Mục đích là để cô cho HS giỏi để cộng điểm đại học. Lớp em chủ yếu học theo khối D1, và C. Bản thân em là con nhà nghèo, bố mẹ em làm công nhân. Hai anh trai của em đã học đại học Thủy Lợi và Tài Chính, tuy khó khăn nhưng chúng em vẫn cố gắng học để cuộc sống sau này đỡ khổ. Do không khi nào đến nhà cô được, nên cô Hoan rất ghét em. Cũng trong tình cảnh đó có 2 bạn giống em. Bọn em thuộc dạng học khá trong lớp. Nhưng cô chìm ghét bọn em kịch liệt. Hai kỳ em tổng kết trên 8,2 nhưng cô không cho toàn diện lý do em có môn hóa được 6,4. Thầy ạ, 0,1 ly để em có cơ hội toàn diện có gì là khó vậy không thầy ? Trong khi, hầu hết những bạn được HS giỏi hầu như điểm kiểm tra, hỏi bài cũ chỉ toàn 1, 2 nhưng nhờ ăn hối lộ tiền nên cô Hoan đã không quản mưa gió, hạ thấp nhân cách của một người giáo viên đi xin các thầy cô bộ môn cho các bạn khác được toàn diện. Khi đó, em và 2 bạn kia rất tức tối. Lớp em toàn học xã hội thì làm sao học nổi các môn tự nhiên. Lẽ ra thấy thế cô phải giúp đỡ cho bọn em một tý có sao đâu.



Thầy Long yêu quý!

Từ hồi vào lớp 12, cô đã lập một danh sách những bạn nào mà bố mẹ đã chạy nhờ cô giúp. Sau đó cô gửi cho 11 thầy cô bộ môn nhờ thêm điểm. Hầu hết 35 bạn ấy chỉ có 5 người học khá, toàn lại đều học trung bình. 35 bạn ấy ung dung dù điểm kém nhưng vẫn được toàn diện để cộng 2 điểm vào đại học. Biết trước ý đồ xấu xa của cô, bọn em cố gắng học rất nhiều, không dám tự hào với thầy, ở lớp em cũng học thuộc tốp 10 và dẫn đầu. Nhưng cô Hoan tìm mọi cách để em không được loại giỏi, kỳ I và kỳ II em đều bị môn Hóa 6,4. Em rất tức. Nhưng thầy ạ, đến ngày chia tay lớp, buổi học cuối cùng, cô gọi 3 đứa chúng em lại nói nhỏ. Cô bảo mỗi đứa đưa cho cô 300.000đ cô sẽ cho HS giỏi. Không còn cách nào khác vì sát cận kề ngày thi TN, nếu học khá mà thi giỏi cũng bằng thừa. Em và 2 bạn về nhà xin tiền bố mẹ, lúc đầu mẹ em không cho bởi không phải tiếc tiền mà vì cô Hoan không xứng đáng là một giáo viên. Nhưng thương bọn em, sợ lỡ sau thi thiếu 1 điểm mà có điểm thưởng thì hối hận, nên cắn răng chấp nhận. Chúng em đút lót cho cô 300.000đ để lấy danh hiệu HS giỏi mà ấm ức vô cùng. Cô chủ nhiệm gì mà suốt 3 năm dạy học, chưa bao giờ đến thăm nhà những học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Chỉ có những nhà giàu sang cô mới cất chân đến. Trong khi thầy Lam, mới, trẻ dạy lớp 12A1 chỉ 3 tháng thầy đã đến thăm hết. Lúc bọn em đau nghỉ học dài, cô Hoan cũng chả gọi điện hỏi gia đình. Em nghĩ, giáo viên như cô ấy cần sa thải sớm. Cô ấy cũng học trình độ cao đẳng rồi đi học tại chức thêm thôi chỉ dạy cấp 2 là cùng.



Thưa thầy!

Và ngày thi tốt nghiệp tới. Năm 2005, trường em bị coi môn sử khá chặt. Nên bọn em không giở tài liệu được. Em thi 6 môn được 50 điểm (môn sử 5 điểm) nên chỉ xếp loại khá, không được cộng điểm ĐH. Lớp em 12S năm 2005, loại cộng điểm ĐH được 10 bạn. Trớ trêu nhất là có 2 bạn con thầy Ngân và Xuân trong trường, được nhận đáp án từng môn. Trong đó cô Hoan chạy cho 4 bạn: Ly, Lê, Thanh, Trang hết khá nhiều tiền. Tóm lại, cả lớp những ai khóa này tốt nghiệp giỏi (+ 2 điểm ĐH) đều chạy trước rồi. 48 người còn lại phải tự lực gánh sinh. Khóa em có 4 lớp công lập, 12 lớp bán công. Lớp em là công lập, hồi vào năm lớp 10 toàn là những bạn học cũng được. Mùa thi ĐH vừa qua, lớp em thất bại nặng nề thầy ạ. Trong khi lớp 12Q công lập khác đậu gần 50 bạn toàn trường tốt như: Bách Khoa, Học Viện Tài Chính, KTQD, Xây Dựng, Ngân Hàng... Thì trong lớp em chỉ có 7 bạn đậu. Mà cả 7 bạn đó đều nhờ điểm cộng cô chạy cho. Có bạn được cộng tới 3,5 điểm như Ly - lớp trưởng. Cô thầy chất lượng chưa tốt để học sinh trật cả một lớp chọn của trường mà đào tạo chỉ đạt 14% trong khi lớp 12Q có cô Cẩm Thành trong sạch, khoan minh đậu gần 90%. Đúng là tư cách người giáo viên rất quan trọng phải không thầy. Em rất kính phục cô Cẩm Thành không hề ăn tiền của ai cả, ai giỏi xứng đáng ai dốt chấp nhận. Đồng tiền vô tội vạ vô cùng.Cuối cùng học sinh thì học dốt mà bề ngoài tưởng giỏi. Phụ huynh cứ nghĩ con mình học giỏi đến lúc kết quả thi ĐH mới thấy rõ. Thầy ạ, nếu như 7 người đó không có điểm thưởng cô chạy thì lớp em chỉ có 3 người đậu thôi. Quá ít ỏi để chấp nhận một lớp chọn đúng không thầy? Chắc cô giáo bẽ mặt vô cùng. Giờ các phụ huynh mới vỡ lẽ ra cô là ai? Cô Hoan nói suông mà không thực hiện được. Chỉ tiêu đậu 80% của cô sao tự nhiên xuống 14%, thế 66% đi đâu cả rồi ?

Năm nay, đề Anh khá khó với chúng em. Nhưng lớp chọn Anh chúng em điểm rất thấp. Điểm 6,5 có hai bạn. Còn lại là: 0,5; 1; 2; 3; 4; 5. Số điểm 3 môn đạt được lớp em chưa nhân đôi cao nhất là 21,5 điểm. Còn lại toàn 6; 12; 13; 15 điểm. Chỉ có 11 bạn đạt 19 điểm. Em thi ĐH Vinh, cả thảy 19 điểm (có cộng điểm khu vực 0,5). Nhưng do ĐH Vinh lấy 25 điểm chỉ tiêu 40 người nên em sẽ học NV2.



Thầy Long kính quý!

Các bạn trường chuyên hầu như đi thi ĐH đều được cộng 2 điểm ĐH. Em thấy rất bất công, vô lý quá. Họ đã được học thầy cô giỏi, học giảm tải có 3 môn thì làm sao là HS toàn diện được. Học sinh Toán không thể biết Sử và ngược lại. Đó là sự thật. Nếu em được 2 điểm ấy thì giờ em đang học ĐH rồi. Khi thi cử họ yên tâm có 2 điểm rồi. Em nghĩ rằng, đã gọi ĐH thì không nên ưu tiên bất kỳ điểm thường nào, rất bất công. Những trường lớn như Ngoại Thương, chẳng hạn toàn là các bạn lớp chuyên nên được cộng điểm. Do đó, điểm chuẩn các trường sẽ cao lên. Em chắc chắn khi không có chế độ cộng điểm tốt nghiệp, thì điểm chuẩn những trường đó sẽ khác đi nhiều.

Có những bạn lớp em chạy 2 điểm tốt nghiệp nhưng thi ĐH chỉ đạt 8 điểm/3 môn, như Khánh Chi - ĐH Đà Nẵng, Thanh Hoài - ĐH Vinh. Qua số liệu và câu chuyện em kể, chắc thầy hiểu rõ phần nào nỗi bức xúc của chúng em. Giá mà những ai thiếu 0,5 mà có điểm cộng thì tốt biết bao.



Thầy Long yêu quí và kính mến!

Xu thế giờ bệnh chạy thành tích đang diễn ra ở các trường. Cha mẹ lúc nào cũng muốn con mình học giỏi. Nhưng với cái cách đút lót tiền cho cô để có danh hiệu quả là đáng buồn. Em rất mong muốn một kỳ thi ĐH phải công minh, chính xác. Những ai đủ trình độ thì đậu vào trường ưng ý. Em muốn Bộ Giáo dục nên cắt bỏ chế độ cộng điểm thưởng ĐH. Vì sẽ xảy ra nhiều tiêu cực, nhức nhối đầu óc của bao bạn khác. Như tình huống của em là một ví dụ. Em mong Bộ hãy xem xét vấn đề này cho thật kỹ. Đã thi ĐH là không cộng điểm thưởng nữa. 0,5 điểm cũng làm đổi đời chúng em rồi. Đó là tất cả những gì em muốn tâm sự cùng thầy. Em chúc thầy những gì tốt đẹp nhất. Thầy là người em rất tôn trọng và mến mộ. Thầy ơi! mong thầy hãy nghĩ lại chuyện ấy nhé. Em xin chân thành cảm ơn thầy nhiều. Để năm sau tránh tình trạng vô lý này.



Em xin tự giới thiệu mình

Em chào thầy!



(Học sinh ghi rõ tên, địa chỉ và điện thoại)

Gem
30-06-2006, 07:03 PM
Lá thư thứ 2 :

Thư gửi tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT

Kính gửi tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân. Điều đầu tiên mà tôi muốn ngỏ với ông rằng tôi đã chờ đợi cái ngày này lâu lắm rồi. Ngày mà có một ai đó có đức và có tài thật sự được ngồi trên cái ghế ông mới vừa được tín nhiệm giao phó hiện nay.

Tôi, hay nói đúng hơn là các con tôi và có thể là nhiều ông bố bà mẹ, nhiều đứa trẻ khác đã quá ngao ngán, quá mệt mỏi với những chương trình cải cách giáo dục vừa qua.

Thử hỏi làm sao mà các phụ huynh chúng tôi có thể yên lòng với một nền giáo dục mà con cái chúng tôi mỗi khi thi môn văn đều phải học thuộc lòng ít nhất 10 bài văn mẫu? Làm sao yên lòng khi con tôi bé xíu, mới học lớp 1 mà phải mang vác trên lưng cháu một balô sách vở nặng trĩu đến 4,5kg?

Làm sao yên lòng khi tôi thường xuyên dạy con không được cóp bài bạn, không được sử dụng tài liệu trong thi cử nhưng đọc báo thấy chuyện gian lận trong thi cử ngày càng trắng trợn?

Làm sao yên lòng khi cháu tôi về kể lại rằng trước khi vào tiết thao giảng, cô giáo của cháu dặn tất cả học sinh đều phải giơ tay phát biểu khi cô hỏi, nhưng em nào biết thì đưa tay thẳng, em nào không biết thì đưa tay hơi cong cong để cô biết chừng (nói có trời đất, đây là chuyện hoàn toàn có thật, không phải chuyện tiếu lâm)? Làm sao, làm sao với tất cả những chuyện trái tai gai mắt trong ngành giáo dục mà ai cũng thấy rõ như ban ngày.

Theo thiển ý của tôi, chung qui cũng chỉ vì căn bệnh thành tích mà ra. Thế cho nên mới có chuyện học sinh lớp 5 mà chưa biết đọc. Làm thế nào VN có thể giàu lên, mạnh lên khi nền giáo dục cứ quanh quẩn như gà què ăn quẩn cối xay.

Làm thế nào để có người tài khi nền giáo dục VN sản sinh nhiều thế hệ học sinh chỉ biết học thuộc lòng và sao chép. Tôi chưa bao giờ được đặt chân ra nước ngoài nhưng xem phim, đọc báo cũng cảm thấy chạnh lòng khi so sánh nền giáo dục VN với các nước.

Nói thế này, tôi thành thật xin lỗi tất cả những thầy giáo và các vị quản lý rất tâm huyết với ngành giáo dục. Tôi biết trong ngành vẫn còn nhiều người rất đáng kính trọng nhưng tại sao giáo dục vẫn cứ ì ạch?

Vì vậy, nghe tin ông giữ cương vị bộ trưởng Bộ GD-ĐT, tôi vô cùng sung sướng, sung sướng vì tôi có quyền hi vọng chứ không chán chường, mặc kệ như lâu nay khi nghĩ về giáo dục nước nhà. Lâu nay đã biết đến những hoạt động của ông với cương vị là phó chủ tịch UBND TP.HCM, tôi cảm thấy kỳ vọng vào vị trí mới của ông hiện nay.

Một sự cải tổ cấp thời có thể là điều không tưởng trong tình hình giáo dục hiện nay, nhưng ít ra tôi và có thể là nhiều người dân VN vẫn có quyền hi vọng vào một tương lai xán lạn của giáo dục VN. Mọi sự hi vọng tôi xin gửi gắm nơi ông.

QUỲNH ANH
(một người dân ở Đà Nẵng)

Gem
30-06-2006, 07:07 PM
PHẢI LÀ ĐÀO TẠO, CHỨ KHÔNG PHẢI LÀ LOẠI THẢI!


Tôi vẫn còn là 1 học sinh, lại là 1 học sinh trường chuyên trong thành phố HCM, nên tôi hiểu khá rõ tình hình dạy và học trong những "chiến trường máu lửa" này.

Trước tiên, đối với bất cứ học sinh nào, điều đầu tiên họ cần nghĩ đến trong năm học cuối cấp, không phải là mình sẽ theo nghề gì, ngành nào, mình yêu thích và phù hợp với lĩnh vực nào...mà là học sao cho đậu đại học. Với 1 học sinh, nhất là học sinh trường chuyên, rớt đại học và phải đi nghĩa vụ là 1 sự "bôi tro trát trấu", là "nhục nhã khôn cùng", là làm xấu hổ mẹ cha. Khi tôi hỏi mấy đứa bạn cùng lớp, mấy đứa bạn cùng khối về việc sẽ chọn ngành nào, thích làm gì... hầu hết đều trả lời: "Chưa biết nữa...Cứ lo học thêm cho hết chương trình cái đã..."

Và đại học đối với chúng tôi, chưa hẳn là 1 nơi để thực hiện ước mơ, để theo đuổi nghiệp học cũng như nghề nghiệp mà mình chọn...mà đại học là một "chiến trường", chỉ chấp nhận những ai thuộc bài nhiều nhất, cẩn thận và ít phạm sai lầm nhất.

Học sinh trường chuyên hay trường thường, nếu gia đình có điều kiện, đều mong muốn được ra nước ngoài du học. Họ muốn chạy trốn khỏi môi trường học tập này, nơi mà họ phải học những gì mà họ không thích, bị ép trở thành 1 người "giỏi toàn diện". Thử so sánh cách thức thi tuyển của các nước như Singapore, Mỹ, Nga và các nước phương Tây, ta sẽ hiểu tại sao mà học sinh Việt Nam lại thích "chạy trốn" ra nước ngoài đến vậy:

+Ở nước ngoài, lịch học tập và làm việc không qúa căng thẳng, đủ để sinh viên học sinh tự nghiên cứu ở nhà.

Bên mình có trường bắt học sinh học 2 buổi. mỗi buổi 5 tiết ! Tổng cộng mỗi tuần phải học từ 50 ->55 tiết Crying [:'(]

+ Ở nước ngoài, các môn học cũng như lượng kiến thức phổ thông vừa đủ, không quá lan man, có bắt buộc luyện tập thề thao nhiều tăng cường sức khỏe và các trường rất thích nhận cấp học bổng cho những học sinh năng nổ, hăng hái tham gia công tác xã hội và học giỏi.

Bên mình trong 5 chục tiết / tuần thì có nhiều nhất là 2 buổi thể dục, 1 buổi công dân; có 11 môn học phổ thông ở cấp 3, lan man không đi vào thực tế từng vùng, từng ban. (Ở trường tôi, lớp chuyên văn phải học số tiết toán chỉ kém lớp ban A 2 tiết...) tham gia công tác xã hội "được" phụ huynh và học sinh xem là "không chú tâm học tập làm ảnh hưởng đến kết quả thi cử".

+ Ở nước ngoài, thầy cô trẻ hay lớn tuổi đều có cách giảng dạy rất sinh động, khơi gợi sự đam mê tìm tòi nơi học sinh sinh viên. Việc học tập, nghiên cứu là do người học chủ động dưới sự dẫn dắt của thầy cô. Thi cử và kiểm tra rất thưa, chủ yếu là giữa kỳ và cuối kỳ học, mục đích để nhà trường và học sinh cùng nhau xem lại lượng kiến thức mà sinh viên, học sinh đã thu thập được. Hình thức kiểm tra đa dạng, phong phú, từ trắc nghiệm, viết luận cho đến làm đề án, thực hiện công trình nghiên cứu...

Bên mình thì thầy trẻ hay lớn tuổi đều có chung 1 cách dạy cũ kỹ: thầy đọc, trò chép. Chép không cần suy nghĩ, chép cho đầy vở, kiến thức dư thừa không cần thiết gì cũng chép tất vào vở. Phương pháp truyền đạt của thầy cô gây...buồn ngủ cho học sinh hơn là gợi niềm đam mê. Thi cử và kiểm tra thì dày đặc (bởi có đến 11 môn học), và thầy cô phải chạy tiết đến hụt cả hơi. Hình thức thi thì chủ yếu tập trung vào khả năng ghi nhớ là chính, trắc nghiệm thì có chút ít tạm bợ, lại làm không chuyên nghiệp, chủ yếu là tự luận. Điểm số được xem là "mạng sống của học sinh". (Trong trường tôi còn có 1 số hình thức như "Kiện điểm", "xin cộng điểm", "xin nâng điểm"..vv..vv..)

+ Ở nước ngoài, lương giáo viên thuộc loại cao nhất trong các nghề. Giáo viên có điều kiện thoải mái để nghiên cứu các phương pháp giảng dạy mới cho học sinh.

Bên mình thì lương giáo viên thuộc hàng "vừa đủ sống". Thầy cô phải bươn chải, dạy thêm để tăng thu nhập. (Mới rồi trên báo Tuổi Trẻ Cười còn đưa 1 thức tại khiến tôi bàng hoàng: Cứ 3 người làm giáo dục ở nước mình thì có 1 người làm công tác quản lý hành chính!...Không đâu xa, trong trường tôi, cái thư viện thì bé xíu, học sinh lại ít khi lên đọc vì thời gian không cho phép mà có đến 3 người thủ thư, làm việc rất nhàn nhã...)Như vậy thì thầy cô lấy đâu ra sức mà đem tâm huyết để giảng dạy?

...và còn rất, rất nhiều sự khác biệt khác để học sinh chúng tôi "chạy" khỏi môi trường này. Tôi cũng muốn góp thêm câu trả lời cho những vấn đề mà tôi vừa nêu, nhưng thời gian không cho phép, tôi phải lo học thi nữa. Hẹn gặp tháng sau vậy...

Gem
30-06-2006, 07:12 PM
Thư gửi các thầy cô dạy Sử và người biên soạn sách giáo khoa Sử:</span>

Gửi thầy và cô

Em viết bức thư này để nói lên suy nghĩ của mình cũng như của rất nhiều người bạn đồng trang lứa, về môn học quan trọng và bổ ích này…

Bản thân em, em rất yêu thích được tìm tòi, học hỏi những sự kiện lịch sử Việt Nam và trên thế giới. Từ nhỏ, em đã ngồi say mê bên ti-vi, xem những chương trình thiếu nhi về lịch sử thế giới. Em đặc biệt hứng thú với những bộ phim tài liệu về lịch sử đất nước ta, về cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ hào hùng của dân tộc…và niềm tự hào là người Việt Nam trong em cũng lớn dần qua những bộ phim như vậy. Khi lớn lên, em thường đọc những tài liệu lịch sử về chiến tranh thế giới, về các nạn đói, các dân tộc và đế chế…Lịch sử quả là lý thú! Nó cho em những góc nhìn phong phú về quá khứ, về những gì mà loài người đã làm, từ đó liên hệ đến chính cuộc sống hiện tại của mình.

Nhưng thật tình, em cũng không nghĩ là có một ngày em lại sợ hãi thứ mà em đã từng say mê đến như vậy! Những con số, số liệu khô khan và biết bao ngày tháng phải nhớ…từ việc Nga mất bao nhiêu thành phố, xí nghiệp, làng mạc trong thế chiến thứ 2 đến nội chiến Trung Quốc chết bao nhiêu người…rồi tên của các vị quốc vương Campuchia, lãnh tụ Lào, ngày quốc khánh của các nước Đông Nam Á…tất cả, tất cả đều bị nhồi nhét và bắt lưu giữ trong bộ nhớ của em, nhiều đến nỗi bao nhiêu sự kiện lịch sử của nước nhà, của dân tộc mình, em đều quên hết! Thầy cô bảo rằng bao nhiêu đó có đáng là bao, chỉ mất có vài tiếng trong 1 tuần là nhớ thôi…Nhưng thầy cô ơi, học sinh nước ta phải học đến 11 môn chứ đâu chỉ riêng môn sử ?...Chưa kể đầu óc của chúng em thật không thể nào cứ học rồi quên, quên rồi học hoài như vậy được…Thầy cô biết đấy, đã có rất nhiều cuộc nghiên cứu chỉ ra rằng bộ não con người chỉ có thể nhớ tới một lượng nào đó mà thôi. Nếu cố gắng tăng khả năng ghi nhớ quá sức thì cũng chẳng được nhiều hơn là bao, mà còn giảm khả năng tư duy, giảm khả năng sáng tạo và độ nhạy bén của não bộ nữa. Nói cách khác, thầy cô đang góp phần vào việc “đốt cháy” sự sáng tạo của cả một thế hệ, tạo ra những con người thụ động của xã hội từ lúc nào không hay…

Thầy cô có thấy chăng học sinh của mình phải ngồi lê la trên nền đất, trên bàn học…vẻ mặt phờ phạc, mệt mỏi vì phải ghi nhớ quá nhiều, miệng vẫn liên hồi lẩm nhẩm tụng bài như tụng kinh? Thầy cô có biết chăng học sinh càng ngày càng hờ hững với môn sử? Trước thực trạng thi ban C vừa qua, với kết quả môn sử bết bát như vậy, thầy cô thực hiện biện pháp tăng tiết dạy, thúc ép học trò thuộc lòng nhiều hơn nữa…<span style=\'color:red\'>chỉ làm học sinh thêm chán ngán và học đối phó với bộ môn này nhiều hơn mà thôi. Thầy cô có biết vì sao không? Vì chính cách dạy và giáo trình của thầy cô đó ! Một giáo trình đào tạo học sinh chứ có phải là báo cáo khoa học đâu mà cần nhiều số liệu, nhiều ngày tháng đến như vậy? Một bài giảng sử là để học sinh hiểu rõ quá khứ dân tộc và thế giới, đam mê tìm hiểu thêm chứ có phải là đọc chép và khảo bài xem học sinh thuộc lòng được bao nhiêu đâu?
Nếu thầy cô còn nhiệt tâm với nghề giáo, mong thầy cô hãy lắng nghe học sinh, thấu hiểu tâm tư của chúng em hơn mà thay đổi cách dạy và giáo trình giáo khoa môn sử. Có thể đối với chúng em, những học sinh năm cuối cấp, những thay đổi đó cũng chẳng cần thiết nữa; nhưng với thế hệ học sinh sau chúng em, một cuộc cách mạng ở riêng môn sử thôi cũng là rất cần thiết. Trong môn sử, thầy cô đã nêu lên và ca ngợi không biết bao nhiêu là cuộc cách mạng, đổi mới…thì tại sao bây giờ, thầy cô không cùng nhau “làm cách mạng”, đổi mới trong việc giảng dạy? “Nhân” là gốc rễ của xã hội. Con người được giáo dục để không hờ hững với lịch sử là tiền đề cho một xã hội theo định hướng XHCN mà đất nước ta đang tiến đến. Con đường chông gai còn rất dài…nhưng em tin là một ngày nào đó thầy cô sẽ có thể hiểu học sinh chúng em hơn và làm cho học sinh chúng em thêm yêu thích môn sử, ghi nhớ quá khứ hào hùng của dân tộc để phấn đấu cho hiện tại và mai sau.

Gem
30-06-2006, 07:16 PM
Giáo dục bất ổn, người dân bất an:
Một vài bài viết tham khảo:


SO SÁNH CHƯONGTRÌNH GDĐH MỸ - VN (http://hoithao.viet-studies.org/VQViet_SoSanhChuongTrinh.pdf)

Đổi mới giáo dục tại Việt Nam: Một vài nhận định từ quan điểm chính sách kinh tế (http://hoithao.viet-studies.org/2005_TNBinh.pdf)

Một số vấn đề khoa học và giáo dục: Góc nhìn trong cuộc (http://hoithao.viet-studies.org/2005_HTuy.pdf)