PDA

View Full Version : Mỗi chúng ta


poppy
25-03-2006, 06:02 PM
Giọng nói


TTO - Khi tôi còn rất nhỏ, gia đình tôi có được chiếc điện thoại đầu tiên từ người hàng xóm của chúng tôi. Tôi còn nhớ rõ ràng nó là một chiếc hộp màu đen, cũ kỹ nhưng vẫn còn bóng, được gắn lên tường. Ống nghe treo bên ngoài cái hộp. Tôi quá bé để với tới cái điện thoại, nhưng đã bao lần tôi như bị thôi miên khi nghe mẹ tôi dùng nó để nói chuyện.

Sau đó tôi khám phá ra một nhân vật rất thú vị – tên cô ấy là “Xin vui lòng cho biết”. Không có gì mà cô ấy không biết. “Xin vui lòng cho biết” có thể cung cấp số điện thoại của mọi người và thời gian chính xác.

Và một lần nọ, khi mẹ tôi đi thăm người hàng xóm, tôi đã có một kỷ niệm không thể quên…

Trong lúc đang ở tầng hầm, tôi bất ngờ đánh mạnh chiếc búa gỗ vào ngón tay mình. Tôi đau điếng, nhưng không thể khóc bởi chẳng còn ai ở nhà để dỗ dành tôi cả. Ngậm ngón tay đau, tôi cứ đi vòng quanh trong nhà và rồi dừng lại ở chân cầu thang. “Điện thoại”, tôi chợt nghĩ ra.

Tôi vội vàng chạy đến chiếc ghế để chân trong phòng khách và kéo nó lại chỗ cái điện thoại. Sau khi trèo lên chiếc ghế, tôi nhấc ống nghe lên và đặt nó vào tai. “Xin vui lòng cho biết”, tôi nói vào chiếc ống nói vừa quá đầu mình.

Một hay hai tiếng lách cách và giọng nói nhỏ nhẹ, rõ ràng vang lên trong tai tôi “Quý khách cần biết gì ạ?”.

“Em bị đau tay…”, tôi than vãn vào chiếc điện thoại. Những giọt nước mắt sẵn sàng chảy ra bởi bây giờ tôi đã có một người biết mình bị đau tay.

“Không có mẹ em ở nhà sao?”.

“Không có ai ngoài em cả”, tôi bắt đầu khóc bù lu bù loa.

“Em có bị chảy máu không?”.

“Không ạ, em đập cái búa gỗ vào ngón tay và nó bị đau”.

“Em có thể mở tủ lạnh?”. Cô ấy hỏi và tôi trả lời là có.

“Sau đó em lấy một miếng đá nhỏ và giữ nó với ngón tay đau của em”, cô ấy tiếp tục nói.

Thời gian sau, tôi tiếp tục gọi “Xin vui lòng cho biết”. Tôi đề nghị cô ấy giúp tôi học môn địa lý và cô ấy chỉ cho tôi biết Philadelphia ở đâu. Cô ấy bảo con sóc chuột mà tôi nhặt trước đó vài ngày ở công viên có thể ăn trái cây và quả hạch.

Một ngày kia, con chim hoàng yến Petey của tôi bị chết. Tôi gọi cho “Xin vui lòng cho biết” để kể cho cô ấy nghe câu chuỵên buồn ấy. Cô ấy nghe, rồi nói những điều mà những người lớn khác đã nói để xoa dịu một đứa trẻ.

Nhưng tôi không cảm thấy được an ủi. Tôi hỏi cô ấy “Tại sao con chim ấy hót quá hay và đem lại niềm vui cho mọi gia đình, mà giờ đây phải kết thúc chỉ còn là đống lông vũ nằm bẹp trong lồng?”. Dường như cô ấy cảm thấy hết nỗi buồn của tôi, cô ấy trả lời một cách trầm giọng “Paul, em phải luôn nhớ rằng có những thế giới khác để ca hát”. Tôi cảm thấy tốt hơn.

Lần nọ, tôi nói vào điện thoại “Xin vui lòng cho biết”.

Một giọng nói quen thuộc “Quý khách cần biết gì ạ?”.

“Làm sao chị có thể nói lần nào cũng như lần nào vậy?”.

Năm tôi lên 9 tuổi, chúng tôi chuyển đến một làng quê ở Boston. Tôi nhớ người bạn của tôi rất nhiều. “Xin vui lòng cho biết” đã thuộc về chiếc hộp gỗ cũ kỹ ở ngôi nhà cũ, và tôi cũng chưa từng nghĩ đến một chiếc điện thoại mới, cao và sáng bóng sẽ có mặt trên bức tường nhà mình.

Khi tôi đến tuổi thiếu niên, tôi vẫn chưa quên những kỷ niệm về những cuộc nói chuyện thời thơ ấu đó. Những lúc bối rối hay nghi ngại, tôi muốn có được những cảm giác an tâm và nhẹ nhàng mà tôi đã từng có. Tôi thầm cảm ơn sự kiên nhẫn, hiểu biết và lòng tốt chia sẻ thời gian mà cô ấy đã dành cho một cậu bé như tôi.

Vài năm sau, trong một chuyến đi về miền Tây, máy bay của tôi hạ cánh xuống Seatle. Trong 30 phút nghỉ giữa chuyến, tôi dành 15 phút gọi điện thoại cho chị tôi đang sống gần đó. Sau đó, không suy nghĩ, tôi thử quay số gọi tổng đài thị trấn của tôi ngày trước và nói “Xin vui lòng cho biết”.

Kỳ kạ thay, tôi nghe một giọng nói nhỏ nhẹ, rõ ràng mà tôi đã quen thuộc “Quý khách cần biết gì ạ?”. Tôi không đang bay, nhưng tôi nghe chính mình đang nói “Làm sao chị có thể nói lần nào cũng như lần nào vậy?”.

Sau một hồi im lặng, một giọng nói dịu êm vang lên “Tôi từng giúp ngón tay của cậu được chữa lành”. Tôi phá lên cười. “Thật sự là chị đấy ư! Tôi không biết chị có hiểu rằng chị có ý nghĩa như thế nào với tôi trong thời gian đó”.

“Tôi biết. Và không biết cậu có hiểu rằng những cú điện thoại của cậu có ý nghĩa như thế nào với tôi lúc ấy. Tôi chưa từng có một đứa trẻ nào khác, và tôi đã chờ đợi những cú điện thoại của cậu”.
Tôi kể cho cô ấy nghe tôi đã nghĩ về cô ấy thường xuyên như thế nào trong những năm qua và tôi hỏi có thể gọi lại cho cô ấy lần nữa khi tôi trở lại thăm chị tôi hay không.

“Vâng, cậu cứ gọi và hỏi cho gặp Sally”.

3 tháng sau tôi mới quay lại Seatle. Một giọng nói khác trả lời “Quý khách cần biết gì ạ?”. Tôi hỏi Sally.

“Cậu là một người bạn của cô ấy?”, người trực tổng đài hỏi.

“Vâng, tôi là một người bạn đã quen cô ấy từ rất lâu”. Tôi trả lời.

“Tôi rất buồn phải nói cho cậu biết điều này. Sally làm việc bán thời gian ở đây được mấy năm bởi vì cô ấy bị bệnh. Cách đây vài tuần, cô ấy đã qua đời”.

Trước khi tôi cúp máy, cô ấy bỗng nói “Chờ một chút. Có phải cậu nói cậu tên là Paul?”.

“Vâng”

“Sally có để lại cho cậu một mẩu giấy. Cô ấy đã viết nó trong trường hợp cậu gọi đến. Để tôi đọc nó cho cậu nghe. Sally đã viết: Hãy bảo cho cậu ấy rằng tôi vẫn luôn nói có những thế giới khác để ca hát. Cậu ấy sẽ hiểu.”

Tôi cảm ơn cô ấy và cúp điện thoại. Tôi hiểu Sally muốn nói gì…