PDA

View Full Version : Cái bánh phát triển của Trung Quốc?


nhk
01-01-1970, 07:00 AM
Trung Quốc (TQ), siêu cường xuất khẩu! Thế nhưng, kim ngạch xuất khẩu “siêu vượt” của TQ thật sự vào túi ai? Cái bánh của thành quả phát triển đã chia như thế nào cho cả 1,32 tỉ người dân?

Còn nữa các câu hỏi khác trong cả bài toán phát triển mà TQ đang ra sức tìm lời giải để tự điều chỉnh.

Không thể không hít hà trước thành tích 752,2 tỉ đôla trị giá hàng xuất khẩu năm 2005 của TQ. Thế nhưng, theo Xinhuanet (1-3-2006), 58,3% của số tiền đó, tức 438,5 tỉ đôla, thuộc về các xí nghiệp nước ngoài (FDI) tại TQ. Trị giá hàng xuất khẩu từ nội lực của TQ chỉ là 313,7 tỉ đôla!

http://vietnamnet.vn/dataimages/200603/original/images929371_TQ.jpg
Một bức tranh về sự phát triển của Trung Quốc


Xinhuanet 23-12-2005 trước đó cho biết trong ba quí đầu năm ngoái, sản lượng của các xí nghiệp FDI trị giá 180 tỉ USD, chiếm 29% tổng sản lượng công nghiệp của TQ. Nếu từ đó giả định trị giá sản lượng của các xí nghiệp FDI khoảng 250 tỉ đôla, trong khi trị giá xuất khẩu lên đến 438,5 tỉ USD, sẽ thấy đâu là lợi nhuận của các xí nghiệp FDI!

Đằng sau hào quang xuất khẩu

Không lấy làm lạ tại sao Bộ trưởng Thương mại TQ Bo Xilai thay vì than vãn khi vốn FDI vào TQ giảm 1,9% xuống còn 53,1 tỉ đôla trong 11 tháng đầu năm ngoái, lại phát biểu rằng đầu tư FDI vào TQ nay đã hợp lý hơn và rằng trong những năm tới FDI có giảm cũng sẽ là tự nhiên thôi (Xinhuanet 23-12-2005). Phải chăng TQ đã đến giai đoạn dè dặt trước FDI? Xinhuanet 16-1-2006 trích một ý kiến từ Học viện Ngoại thương TQ: “Hi vọng rằng đầu tư nước ngoài vào một số khu vực như chế biến, lắp ráp sẽ bớt hẳn đi”.

Tại sao lại nêu đích danh các khu vực chế biến lắp ráp? Xinhuanet 23-12-2005 giải thích: “Các công ty đa quốc gia ngày càng đổ vào TQ để khai thác nguồn lao động giá rẻ dồi dào của TQ, cốt để lắp ráp đồ phụ tùng nhập khẩu thành hàng xuất khẩu. Điều này phản ánh xu thế toàn cầu hóa sản xuất chứ không đơn giản do đây là hiện tượng “Made in China”. Nhận định trên cho thấy nay ở TQ đang xét lại vai trò của các FDI và xét lại cả hào quang hàng xuất khẩu “Made in China”.

Mặt sau của hào quang này như sau: “Made in China” thường có nghĩa là “sản xuất bởi một ai khác”, bởi lẽ các công ty đa quốc gia đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Hoa Kỳ, sử dụng TQ như là trạm lắp ráp cuối cùng trên dây chuyền sản xuất toàn cầu của mình. Chính vì thế, nhiều chuyên gia đề nghị sửa nhãn lại là “Lắp ráp tại TQ”. Ngay cả các quan chức TQ cũng nhìn nhận rằng các thống kê sai lệch này, khi cho thấy cán cân ngoại thương TQ thặng dư, dẫn đến những ngộ nhận về sự thịnh vượng của TQ” (New York Times 9-2-2006).

Tác giả phân tích: “Khi Bộ Thương mại Hoa Kỳ loan báo thâm thủng xuất nhập khẩu với TQ năm ngoái lên đến 200 tỉ đôla, có vẻ như TQ hưởng lợi, song thật ra chính người tiêu dùng Hoa Kỳ và các nước giàu khác mới hưởng lợi vô ngần. Chính các công ty đa quốc gia của Hoa Kỳ và của các nước có lợi từ những nhà máy của mình đang bơm hàng hóa rẻ mạt ra khỏi TQ. Trong khi các nước này hưởng lợi trọn vẹn miếng bánh toàn cầu hóa thì TQ chỉ hưởng lợi từ toàn cầu hóa có mỗi đồng lương”.

Thế nhưng, nếu như đồng lương “toàn cầu hóa” một dạo đã từng là “ước mơ” của những người thất nghiệp ở đô thị hay nông thôn và là một giải pháp cho xã hội đang bước vào công nghiệp hóa, thì nay lại là đầu mối của những “trục trặc” mới. China Daily 7-3-2006 đăng một bài với tựa đề rất ý nghĩa “Lao động rẻ chẳng là cái gì để khoe khoang cả”. Tác giả viết: “Tập trung vốn tư bản là cần thiết vào giai đoạn khởi sự công nghiệp hóa của một nền kinh tế kém phát triển.

Hậu quả là các lợi ích của phát triển trong giai đoạn đầu này thường bị một phần nhỏ dân số chiếm lấy. Sự phân bố của cải như thế này bắt buộc dẫn đến căng thẳng xã hội. Sự câu kết giữa các “lãnh chúa” trong các ngành công nghiệp khác nhau có thể làm kéo dài quá trình điều chỉnh kinh tế, từ đó khiến căng thẳng xã hội trở nên không thể gánh chịu được.

Hơn 20 năm cải cách kinh tế ở TQ đã đưa hàng trăm triệu người ra khỏi cảnh nghèo. Song sự bất quân bình trong phát triển giữa các khu vực, sự bất bình đẳng thu nhập ngày càng lớn giữa người nghèo và người giàu trong các thành phố không thể nào bị xem thường”.

Phải chăng TQ nay đã tỉnh táo hơn trong đánh giá thành quả và đánh giá là để giải bài toán hiện tại và tương lai chứ không chỉ để tự mãn?

Để miếng bánh được chia đồng đều hơn

Có một chi tiết khá lạ: trong khi ở nhiều nước khác, “Báo cáo phát triển con người” thường do các chuyên gia của các tổ chức LHQ đóng tại nước đó thực hiện, “Báo cáo phát triển con người” của TQ lại là công trình của các học giả TQ. Chính họ đã quan sát, phân tích, tổng hợp và đúc kết lại thành báo cáo mang danh nghĩa của UNDP.

Một trong nhiều nghiên cứu của các học giả TQ là thăm dò thị dân 12 tỉnh ở TQ về tình hình phân phối thu nhập. Kết quả: chỉ không đầy 1% ý kiến cho rằng phân phối thu nhập hiện nay là “rất công bằng”, 11% đánh giá là “công bằng”, trong khi 48% ý kiến đánh giá là “không công bằng” và 34% đánh giá là “rất không công bằng” (tr.25).

Khi trong một xã hội có đến trên 80% ý kiến cho rằng phân phối thu nhập không công bằng thì đó là mầm mống của những bất ổn tự thân. Các tác giả kết luận: “Bất bình đẳng lớn trong thu nhập dẫn đến một cảm nhận về bất công xã hội, càng bị trầm trọng hóa hơn bởi nạn thất nghiệp và tham nhũng. Cả ba yếu tố này làm cho ổn định xã hội lung lay” (tr.27).

Từ những nghiên cứu như thế, các nhà khoa học xã hội TQ đã tự soi rọi thực tế TQ và tự nhìn thấy đâu là thực trạng, để rồi chính họ đề xuất ra những điều chỉnh như “xã hội hài hòa”... Chính họ đã đề ra trong “Báo cáo phát triển” lý luận sau: “Khái niệm công bằng xã hội có thể được hướng đến trong hai chiều kích. Đầu tiên là bình đẳng trong các quyền cơ bản của các cá nhân và bình đẳng trong các cơ hội cho mọi người.

Các quyền cơ bản, mà hiến pháp Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã xác định, bao gồm các quyền chính trị như quyền tham gia việc công, quyền bỏ phiếu và được bầu, quyền tự do ngôn luận và tự do tín ngưỡng. Để thực hiện các quyền cơ bản đó, bình đẳng trong các cơ hội là không thể thiếu được. Điều đó có nghĩa là mỗi cá nhân phải cùng có những cơ hội như nhau để tham gia mọi hoạt động xã hội - kinh tế và việc công” (tr.28).

Chính họ đã đề ra mười khuyến cáo trong “Báo cáo phát triển”: 1/ cung cấp kinh phí cho việc phát triển con người - 2/ hợp nhất thị trường lao động (không phân biệt nguồn gốc sở hữu) và cổ xúy phát triển khu vực không công lập - 3/ cải thiện hạ tầng cơ sở nông thôn và môi sinh - 4/ đầu tư cho giáo dục công cộng - 5/ tăng cường y tế công cộng và chăm sóc y tế cơ bản - 6/ cải tiến chế độ an sinh xã hội - 7/ loại bỏ các hàng rào phân biệt, thúc đẩy xã hội hài hòa và tương trợ - 8/ cải thiện tính pháp quyền và tính minh bạch - 9/ cải cách chế độ thuế khóa nhằm phân phối công bằng hơn - 10/ thúc đẩy cải cách chính phủ và cải thiện năng lực điều hành nhà nước (tr.12).

Từ đó dẫn đến những chính sách cụ thể mà Xinhuanet 6-3-2006 nhân khai mạc khóa họp mới của Quốc hội TQ đã loan: 1/ Chăm lo đời sống ấm no của dân chúng là ưu tiên hàng đầu của chính phủ - 2/ Nông dân TQ sẽ được chăm sóc y tế tốt hơn.

Hai điều chỉnh này là tối quan trọng. “Chăm lo đời sống ấm no cho dân chúng”, nghe qua có vẻ như khẩu hiệu, song nếu đọc lại các bài báo “chê bai” FDI trong lĩnh vực lắp ráp, chế biến... thì có thể hiểu đây không chỉ là khẩu hiệu. Làm sao để giành lại các sản phẩm “Made in China”? Xinhuanet 8-3-2006 loan tin TQ sẽ tăng ngân sách dành cho kinh phí R&D lên đến 2,5% GDP vào năm 2020. Nếu đến lúc đó, GDP của TQ đạt 35.000 tỉ đôla thì kinh phí R&D sẽ là 875 tỉ đôla.

2,5% GDP cho R&D là rất lớn. Được biết, vào năm 1996, TQ mới chỉ dành 0,6% GDP cho R&D thì đến năm 2003 mới lên đến 1,3%, bằng phân nửa ngân sách R&D (bằng 2% GDP) của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp, Ý, Hàn Quốc vào năm 2001. Tăng R&D để làm gì?

Nếu như ở nơi này nơi khác R&D thường bị rút ngắn trong thực tế chỉ còn là nghiên cứu “suông”, thì đối với TQ nghiên cứu chính là để từ đây đến 2020 làm sao cho sản xuất công nghiệp bớt lệ thuộc vào công nghệ nước ngoài. Quả bom nguyên tử năm 1964 và hai con tàu không gian có người lái liên tiếp gần đây chính là những minh họa hùng hồn, cũng chính là phần nào xây dựng thương hiệu “Made in China” thật sự đồng thời giảm bớt những thua thiệt, nhất là cho người lao động.

Thế nhưng, nếu như người lao động TQ ngay cả khi làm việc trong các xí nghiệp FDI phải sống vất vả, thì người nông dân lại càng không được như thế. Đó là chưa kể đến 40-50 triệu nông dân bị thu hồi đất đai (tr.92, Báo cáo 2005). Trong khi chưa điều chỉnh được các điều kiện sản xuất thì ít nhất, để tái phân phối phúc lợi xã hội mà biện pháp dễ đi đến kết quả đại trà nhất là chăm sóc y tế cho nông dân bằng việc mở rộng bảo hiểm y tế cho họ.

Phải mất gần 30 năm “hiện đại hóa” và nhất là bốn năm gia nhập WTO để TQ nay hiểu ra rằng phát triển không chỉ là tăng trưởng một con số hay hai con số mà chính là phát triển con người, và giờ đây ở “đại sảnh đường nhân dân”, họ bàn bạc với nhau về những gì cụ thể.

Theo Hữu Nghị (Tuổi trẻ)

duonghoanghiep
01-01-1970, 07:00 AM
Cảm ơn anh Khánh đã giới thiệu một bài viết hay về nền kinh tế Trung Quốc. Trong những năm gần đây cả thế giới tốn rất nhiều giấy mực ca ngợi sự thần kỳ của Trung Quốc nhưng khi xem xét kỹ lại vấn đề phát triển quá nóng của Trung Quốc quả là có nhiều vấn đề. Theo như bài báo thì nguồn gốc sự tăng trưởng của Trung Quốc không hoàn toàn nào ở nội lực mà phần lớn dựa vào nguồn vốn FDI bên ngoài. Trong chuỗi giá trị toàn cầu thì khâu lắp ráp không mang giá trị nhiều bằng các khâu khác nhưng giải quyết được một lượng lớn lao động. Câu chuyện phát triển của Trung Quốc cũng mang lại đôi điều suy nghĩ. Cảm ơn anh Khánh và mong anh tiếp tục giới thiệu những bài viết hay.

;)

MarsNIIT
12-09-2008, 01:32 PM
"Cả thế giới choáng váng trước thông tin sức mạnh của nền kinh tế Trung Quốc đã bị thổi phồng 40%. Trên thực tế đây không phải là thông tin đáng quan tâm nhất..."
http://longdinh.com.vn/images/upload/news/Tin%20tuc/nen%20kinh%20te%20trung%20quoc%20lam%20thay%20doi% 20the%20gioi.jpg


Bài viết của tác giả Eswar Prasad, giám đốc phụ trách nghiên cứu về Trung Quốc tại Quỹ Tiền Tệ Thế Giới (IMF), đăng trên International Herald Tribune.

Ngân hàng Thế giới đã làm cả thế giới choáng váng sau khi thông báo rằng cách tính toán trước đây đã làm nền kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ đã bị phóng đại tới 40% so với thực tế.

Vậy tại sao điều này lại xảy ra đối với những nền kinh tế lớn như vậy, sau chỉ một đêm, những con hổ hùng mạnh đã biến thành những chú mèo nhỏ hiền lành? Điều này có ý nghĩa gì với người dân hai nước này và thế giới nói chung.

Điều này phụ thuộc vào việc bạn muốn tin vào sự thật hay những điều đã được công bố trước đây.

Mấu chốt là ở cách tính cân bằng sức mua (PPP).

Lôgic của vấn đề như sau: khi so sánh thu nhập tại các nơi khác nhau trên thế giới, điều quan trọng là chất lượng cuộc sống do thu nhập đó mang lại.

Điều này phụ thuộc vào giá cả tại địa phương. Ở Mỹ, thu nhập hàng năm 100 nghìn USD có thể mang lại một cuộc sống tốt đẹp tại bang Iowa thế nhưng điều này là không thể tại New York. Tương tự như vậy với các nước khác.

Một cách để so sánh thu nhập giữa các quốc gia là sử dụng một tỷ giá trao đổi nhất định để thể hiện thu nhập của người dân một nước trên một loại ngoại tệ thống nhất là USD.

Tuy nhiên tỷ giá trao đổi bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố và không thể hiện được sức mua thực tế. Lý tưởng nhất là tính giá của một số loại mặt hàng nhất định trong nhiều quốc gia khác nhau, gọi đó là sức mua quốc tế của đồng USD và sau đó điều chỉnh thu nhập theo mức giá cả này.

Rõ ràng đây là một phép tính phức tạp. Người nghiên cứu cần phải tìm hiểu thông tin về một số mặt hàng tại nhiều nước khác nhau, tính toán đến một số sự khác biệt nhất định, điều chỉnh chênh lệch giá. Đây có lẽ là lý do tại sao chỉ số BigMac của The Economist là một chỉ số dùng được, BigMac là một sản phẩm đã được chuẩn hóa trên toàn cầu vì thế mức giá của mặt hàng này phù hợp để so sánh giá cả giữa các quốc gia.

Tuy nhiên chỉ số này vẫn chưa phải là hoàn thiện, BigMac là một mặt hàng thông dụng tại Mỹ thế nhưng lại được coi là xa xỉ tại những nước nghèo. Trong bất kỳ trường hợp nào, chỉ số đó khó có thể theo kịp thay đổi trên thị trường.

Ngân hàng Thế Giới đã hết sức cố gắng xây dựng một hệ thống giá cả quốc tế với độ chính xác tương đối. Tuy nhiên ngay cả hệ thống này cũng có vấn đề. Ví dụ số liệu cho Trung Quốc dựa trên cuộc khảo sát tại khoảng 11 thành phố. Giá cả tại khu vực nông thôn, nơi 60% dân số Trung Quốc sinh sống lại chỉ là phép suy ra từ kết quả của cuộc khảo sát trên.

Thế nhưng trước khi coi đây là công việc của một sự suy đoán trước hết chúng ta hãy xem xét lại những nhà nghiên cứu đã khó khăn như thế nào để tìm hiểu được giá cả của 1000 loại mặt hàng tại 146 quốc gia. Ít ra kết quả đó cũng xác thực hơn các kết quả đã được đưa vào nhiều phép tính toán trước đó.

Nhiều người suy nghĩ về khả năng liệu Trung Quốc có cố tình giữ tỷ giá trao đổi để hạ giá đồng Nhân dân tệ và làm cho hàng xuất khẩu của Trung Quốc trên toàn thế giới rẻ. Số liệu mới này cho thấy Trung Quốc không định giá thấp đồng Nhân dân tệ như nhiều chuyên gia vẫn tưởng.

Các số liệu quan trọng như vậy cần phải được xem xét và chỉnh sửa thường xuyên. Ngày cả Mỹ cũng xem xét lại sản lượng và dữ liệu giá cả hàng năm. Hai năm trước đây, Trung Quốc đã xem xét lại GDP tại mức 17% dựa trên ước tính về sản phẩm của lĩnh vực dịch vụ
Thu thập số liệu quốc gia là một công việc khó khăn, và ngay cả những số liệu này ngay khi được thu thập cẩn thận nhất vẫn không thể tránh khỏi lỗi, thậm chí tại các quốc gia phát triển. Sự cập nhật mới thường xuyên về mặt số liệu là cần thiết. Tuy nhiên sự chỉnh sửa này không có nghĩa là ngay lập tức tạo ra một sự thay đổi lớn tầm thế giới.

Và ngay cả khi xem xét số liệu này một cách cẩn thận, không có nghĩa là ngay lập tức nó tạo ra một sự thay đổi. Hai nước này vẫn đang phát triển nhanh chóng, tiêu thụ nhiều năng lượng và vẫn gây ra ô nhiễm nhiều như trước.

Năm 2007, Trung Quốc vẫn có thặng dư thương mại lớn, giá trị xuất khẩu cao hơn khoảng 250 tỷ USD hàng hóa so với giá trị hàng hóa nhập khẩu. Trung Quốc và Ấn Độ hiện nay đang giữ khoảng 2 nghìn tỷ USD dự trữ ngoại tệ.

Chỉ có một điều thay đổi đó là Trung Quốc sẽ sớm đứng đầu thế giới nếu giữ được tốc độ tăng trưởng 10%/năm. Và Trung Quốc và Ấn Độ vẫn sẽ là hai quốc gia đẩy kinh tế thế giới phát triển trong khi kinh tế Mỹ ngày càng gặp nhiều khó khăn. Chỉ những ai quá tin vào số liệu đã bị thổi phồng trước đây mới bị choáng bởi con số mới được công bố này.

Kết luận, dù kết quả tính toán thay đổi, sự thật Trung Quốc và Ấn Độ vẫn là hai nền kinh tế rất mạnh và đóng vai trò hết sức quan trọng đẩy kinh tế toàn cầu phát triển.

http://cafef.channelvn.net/displaycontent.aspx?TabRef=news&NewsId=2008191198214