PDA

View Full Version : Con số đáng buồn


myhanh
01-01-1970, 07:00 AM
Việt Nam chỉ có 1 đơn đăng ký cấp bằng sáng chế trong cả năm 2005!”. Con số không mấy vui vẻ này vừa được Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới (WIPO) công bố trong bản thông cáo báo chí về tổng quan tình hình xin cấp bằng sáng chế toàn cầu năm 2005.

Điều đáng nói con số ít ỏi đơn xin cấp bằng sáng chế của Việt Nam không phải là tình trạng cá biệt. Thống kê các năm trước đó cho thấy, số đơn xin cấp bằng sáng chế từ Việt Nam trình lên WIPO Việt Nam cũng rất thấp. Lần lượt là 2, 7 và 2 vào các năm 2002, 2003 và 2004. Nếu như Đông Nam Á luôn được coi là một “vùng trũng” trong danh sách xin cấp bằng sáng chế của WIPO thì Việt Nam có thể được xem như là “chiếc rốn” của vùng trũng đáng buồn này. Xin dẫn ra đây thống kê số đơn xin cấp bằng sáng chế của một số nước Đông Nam Á trong năm 2005: Brunei là 13, Indonesia: 12, Malaysia: 33, Philippines: 34, Thái Lan: 10... Chỉ mỗi Singapore là một ngoại lệ với 438 đơn.

Vì sao mà một quốc gia có tới hơn 80 triệu dân, được nhìn nhận là thông minh và cần cù như Việt Nam lại chỉ có vỏn vẹn 1 chiếc đơn xin cấp bằng phát minh sáng chế trong cả một năm trời? Theo tiến sĩ Nguyễn Chánh Khê, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển khu công nghệ cao TPHCM-đơn vị duy nhất nộp đơn xin WIPO cấp bằng sáng chế năm 2005, số đơn ít ỏi của Việt Nam hoàn toàn không đồng nghĩa với việc chúng ta không có nhiều phát minh sáng chế mới. Trở ngại chính ở đây, theo tiến sĩ Khê, có 2 lý do: khả năng tiếng Anh và tiền đăng ký.

Tuy nhiên, nếu xét kỹ ra chưa hẳn đã phải vậy bởi các cá nhân và tổ chức có phát minh sáng chế mới muốn được WIPO công nhận có thể giải quyết cả 2 khó khăn trên với tổng kinh phí không quá tốn kém. Vấn đề chính có lẽ là do chúng ta chưa thực sự coi trọng tầm quan trọng của bảo hộ sở hữu trí tuệ cũng như chưa quen với một cách ứng xử trong một thế giới hội nhập đầy rẫy cạnh tranh hiện nay. Ngoài ra, chúng ta cũng chưa có ý thức cao trong việc thương mại hóa các phát minh sáng chế.

Trong một lần thay mặt cho WIPO trao giải thưởng cho một số công trình khoa học của Việt Nam, Đại diện thường trú Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) tại Việt Nam Jordan Ryan từng nhận định nếu được đầu tư, một số công trình khoa học của Việt Nam có thể xuất khẩu sang các nước đang phát triển, đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu. Nói cách khác, Việt Nam hoàn toàn có khả năng và tiềm năng trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Thế nhưng, việc cả nước chỉ có 1 đơn xin cấp bằng sáng chế quốc tế năm qua đã bộc lộ khả năng hội nhập đáng suy nghĩ của khoa học công nghệ trong thời buổi hội nhập hiện nay.
Phan Đăng
(Nguồn Báo người lao động)