PDA

View Full Version : bằng cấp vn khi ra nước ngoài...


Tô Lan Phương
16-10-2010, 09:41 PM
thấy hữu ích nên copy lại cho mọi người cùng đọc.
Kính gửi quý báo và quý bạn đọc.
Tôi là một người thường xuyên đọc báo VNExpress, gần đây tôi có đọc một bài báo nói về bằng cấp của Việt nam ở Mỹ. Để mở rộng vấn đề này, tôi xin được viết bài này để giải thích làm thế nào để bằng cấp của Việt Nam chúng ta được công nhận ở các nước nói tiếng Anh.
Về cơ bản, bằng cấp của chúng ta đều được công nhận ở các nước nói tiếng Anh(Australia, Mỹ, Anh, Canada). Nhưng để bằng cấp của từng trường hợp cụ thể được công nhận thì phụ thuộc vào trình độ tiếng Anh, kinh nghiệm làm việc, và thành tích học tập của bạn. Nếu nói bằng cấp của Việt Nam được công nhận hay không được công nhận đều không khách quan, vì ngay cả bằng cấp của một người tốt nghiệp ở các nước nói tiếng Anh mà không được một hiệp hội chuyên môn của nước sở tại công nhận (Recognized/accredited qualifications) thì cái bằng đó cũng không được gọi là công nhận.
Như vậy nếu quý bạn muốn bằng cấp của mình được công nhận ở các nước như đã đề cập ở trên thì các bạn nên tìm kiếm các hiệp hội nghề nghiệp chuyên môn đề gửi bằng của mình đến để đánh giá. Nếu bằng cấp của bạn khi đã gửi đi mà chưa được công nhận thì các bạn cũng đừng có quá thất vọng, vì sau khi đánh giá bằng cấp của bạn xong, Chủ tịch của các hiệp hội đó sẽ có một lá thư cho bạn, nếu thành công thì họ sẽ chúc mừng còn nếu chưa thành công thì họ sẽ yêu cầu mình hoàn thiện về kiến thức để đạt yêu cầu của họ đề ra.
Với sự hiểu biết có giới hạn trong hai lĩnh vực là Kỹ thuật và Y khoa, tôi xin giới thiệu từng bước cơ bản nhất để các bạn được biết cách thức và thủ tục cho việc công nhận bằng cấp ở Việt Nam mình.
Về bằng cấp trong lĩnh vực kỹ thuật (Engineering qualifications) thì đầu tiên bạn dịch tất cả bảng điểm của bạn ra tiếng Anh thật chính xác (kể cả điểm thi đại học và các thành tích mà bạn tích luỹ được ở bậc đại học). Kế đến dịch tất cả giấy tờ liên quan đến kinh nghiệm làm việc (thường thì tối thiểu 3 năm làm việc kể từ khi bạn ra trường). Tiếng Anh (IELTS tối thiểu 6 điểm cho từng môn: nghe, nói, đọc viết hoặc TOEFL điểm phải trên 570 nếu xin được công bằng cấp ở Mỹ). Điều quan trọng nhất là tiếng Anh phải đạt theo yêu cầu của hiệp hội kỹ sư, nếu bạn thiếu tiếng Anh thì đừng nên nộp vội, vì chưa đạt một trong các tiêu chuẩn (criteria) của họ. Sau đó bạn vào các trang Web sau đây để tìm hiểu thủ tục của họ yêu cầu.
Trang web của Washington Accord: www.washingtonaccord.org (http://www.washingtonaccord.org). Đây là một tổ chức công nhận tất cả bằng cấp của các hiệp hội kỹ sư các nước được liệt kê sau đây: Canada (www.engineerscanada.ca), Anh (www.engc.org.uk), Mỹ (www.abet.org (http://www.abet.org)), Australia (www.engineersaustralia.org) và một số nước khác nữa như là Hong Kong SAR, Ireland, Nam Phi, Singapore, Hàn Quốc.
Như vậy, nếu bằng cấp của các bạn sau khi đã làm đúng trình tự theo như hướng dẫn của các hiệp hội kỹ sư kể trên và đạt yêu cầu của họ đề ra, thì coi như bạn được hành nghề và bằng cấp của bạn tương đương với bằng cấp của kỹ sư các nước đó. Và nên nhớ rằng dù bạn học ngành kỹ thuật ở các nước trên, nhưng mà trường đại học nơi bạn học chưa được công nhận bởi các hiệp hội kỹ sư thì coi như bằng cấp của bạn không được công nhận và không có tính cách pháp nhân để làm việc, hơn thế nữa họ chỉ công nhận bằng cấp của bạn ở bậc đại học, không phải là ở mức sau đại học như là thạc sĩ và tiến sĩ. Nếu bạn có bằng tiến sĩ mà muốn đi làm ở các công ty hay tổ chức của chính phủ thì bạn vẫn phải nộp cả bằng đại học và bằng tiến sĩ để họ đánh giá lại, trường hợp nếu bạn làm nghiên cứu hoặc giảng dạy thì không.
Ngoài ra, các bạn cũng có thể nộp hồ sơ bằng cấp cho hiệp hội kỹ sư APEC đánh giá và công nhận, điều kiện của hiệp hội yêu cầu là bằng cấp của bạn tốt nghiệp ở một trong các nước là thành viên của hiệp hội APEC (Việt Nam là một thành viên của tổ chức này). Thêm vào đó bạn phải có 7 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực chuyên môn, còn tiếng Anh thì quy định dễ hơn nhiều so với các hiệp hội kỹ sư thuộc Washington Accord; bạn chỉ đảm bảo đủ khả năng làm việc bằng tiếng Anh. Để biết thêm thông tin về công nhận bằng cấp của bạn, bạn cũng phải vào trang web của Washington Accord ở trên.
Về bằng cấp trong lĩnh vực Y khoa. Nếu bạn là bác sĩ ở Việt Nam, khi muốn đựợc công nhận bằng cấp ở Mỹ, Australia, Canada hay Anh, bạn phải thi để đựơc công nhận bằng cấp. Quy trình này khó hơn rất nhiều so với quy trình công nhận bằng kỹ sư. Đầu tiên bạn phải có điểm tiếng Anh IELTS tối thiểu 7 cho Academic module (không một môn nào dưới 7 điểm) nếu bạn muốn thi ở Canada, Australia, Anh. Còn nếu bạn thi ở Mỹ thì tiếng Anh của bạn thấp nhất 580 điểm của TOEFL (điểm TOEFL cũng được công nhận ở Canada). Sau đó bạn nộp bằng cấp của bạn cho hội đồng Y khoa quốc gia để họ cho bạn thi. Bạn vào các địa chỉ sau đây để xem các thủ tục chi tiết cho các kỳ thi.
Mỹ: Educational commission for foreign medical graduates : www.ecfmg.org (http://www.ecfmg.org),
Australia medical council: www.amc.org.au (http://www.amc.org.au),
UK: www.gmc-uk.org (http://www.gmc-uk.org),
Canada : www.mcc.ca (http://www.mcc.ca).
Cần nói thêm ở đây, nếu bạn muốn thi bằng bác sĩ Mỹ, bạn phải qua ba kỳ thi (Kiến thức tổng quát Y khoa, lý thuyết chuyên sâu và kỳ thi thực hành). Còn nếu bạn thi ở Canada hay Australia thì chỉ cần qua hai kỳ thi lý thuyết bằng hình thức trắc nghiệm (Multiple choice questions), và thực hành (Clinical).
Còn nếu bạn có bằng điều dưỡng bạn nên tìm kiếm trang web của từng hiệp hội chuyên ngành của các nước trên để họ đánh giá. Còn bằng tiến sỹ Y khoa (PhD in Medicine) ở các nước này không được công nhận là bác sĩ (Medical Doctor), những người học về tiến sỹ Y khoa là những người đi làm nghiên cứu chứ không phải là những người được phép đi điều trị bệnh nhân của họ. Nếu bạn có bằng bác sĩ ở Việt Nam và đi học tiến sĩ Y khoa ở các nước này, sau khi ra trường và có bằng tiến sĩ Y khoa mà bạn đi làm nghiên cứu thì thôi, nhưng nếu muốn làm việc như là bác sĩ thì bạn vẫn phải quay trở lại nộp hồ sơ để xin dự các kỳ thi như trên.
Và các bạn nên biết rằng trong trường hợp bạn được nhận đi đào tạo ngắn hạn ở các nước trên theo khuôn khổ hợp tác, bạn chỉ được đào tạo về lý thuyết, còn về thực hành ở bệnh viện tuyệt đối bạn không được đụng đến bệnh nhân của họ, bạn chỉ có thể được làm người quan sát (observer) trong bệnh viện mà thôi.
Qua sự hiểu biết hạn hẹp của người viết, tôi dám đưa ra một kết luận rằng bằng cấp của chúng ta vẫn được công nhận ở M ỹ, Australia, Anh và Canada. Nhưng rào cản chính vẫn là tiếng Anh, điều đó rất dễ hiểu vì bạn không thể đi làm ở các nước đó vói trình độ chuyên nghiệp mà lại không dùng tiếng Anh thành thạo. Còn việc chúng ta nộp đơn để xin đi học ở các nước trên bị khước từ không có nghĩa họ không công nhận bằng của chúng ta. Còn việc đi làm, lương bổng của bạn như thế nào khi bạn có bằng từ Việt Nam thì tuỳ vào khả năng của bạn, các tổ chức sử dụng bạn sẽ trả lương tương ứng với khả năng của bạn và không có sự phân biệt đối xử. Cũng cần nói thêm, mức lương của bạn thì chỉ có bạn biết, không ai có thể biết được, vì đó là bí mật của mỗi cá nhân.
Sẵn đây người viết cũng mong muốn rằng khi những người có bằng cấp từ nước ngoài về làm việc ở Việt Nam ta (kể cả người Việt đi du học về), chúng ta cũng nên đánh giá lại bằng cấp của họ cũng như trình độ tiếng Việt (cho người nước ngoài), như vậy mới có sự công bằng về bằng cấp. Vì bằng cấp ở những nước nói tiếng Anh cũng thượng vàng hạ cám. Không như ở Việt Nam mình, để vào học đại học chính qui ở Việt Nam chúng ta phải vượt qua một kỳ thi cực kỳ khó khăn, còn bên các nước này thì họ chỉ ghi danh vào học (tất nhiên có xét qua hồ sơ hồi học ở phổ thông và thi tốt nghiệp nhưng rất dễ, ngoại trừ học bác sĩ thì rất khó).
Một lần nữa mong rằng những ai có hiểu biết thêm về lĩnh vực của mình thông tin đến bạn đọc trong nước một cách khách quan, không nên đưa thông tin lệch lạc nhằm thổi phồng quá mức bằng cấp ở nước ngoài.
Thân ái.
http://vnexpress.net/GL/The-gioi/Nguoi-Viet-5-chau/2010/10/3BA21AF4/