PDA

View Full Version : Ai cho tôi sống trung thực?


YourFriend
07-08-2009, 09:21 AM
Albert Einstein đã cảnh báo rằng nếu không suy nghĩ độc lập thì người ta có thể trở thành một cái máy khả dụng, nhưng không thể trở thành một con người với đầy đủ phẩm giá. Thế nên, suy cho cùng, nếu sống trung thực thì ta sẽ được là …ta. Thế thôi, ta sẽ là một con người có tư duy độc lập với đầy đủ phẩm giá.
Thế nhưng bạn sẽ hỏi, làm sao để bạn biết suy nghĩ độc lập và biết sống trung thực?
Câu hỏi đó liên quan đến vai trò của giáo dục.
Vai trò của giáo dục ở đâu khi đối diện với những con số nhức nhói sau: 89% sinh viên từng sử dụng tài liệu trong phòng thi, 85% từng quay cóp, 42% sao chép luận văn, đồ án, 36% từng xin hoặc mua điểm (theo một khảo sát, điều tra của Bộ Giáo dục – Đào tạo trên 1.827 sinh viên ).
Giáo dục sai ở đâu?
Câu trả lời của tôi đối với câu hỏi trên là: Giáo dục sai ở chỗ đã giả thuyết rằng chỉ có một đáp án đúng cho mọi vấn đề.
Học sinh từ nhỏ thường được dạy là chỉ có một đáp án đúng, hoặc ở trong sách giáo khoa, hoặc do thầy nói thế thì phải thế. “Cãi thầy thì núi đè” vì thầy luôn luôn đúng.
Lớn lên khi đi thi đại học thì học sinh được đưa vào “lò luyện thi” để học nằm lòng cách giải toán hay cách làm văn theo mẫu.


Nhiều người đọc đến đây có lẽ sẽ than: Biết rồi khổ lắm nói mãi.
Tuy nhiên, mục đích của tôi không phải là tường trình hậu quả của cách giáo dục tư duy một chiều. Những con số điều tra nêu trên đã phần nào phản ánh hiện trạng tiêu cực trong giáo dục hiện nay. Bên cạnh đó có lẽ đã có nhiều bài viết về gian lận trong thi cử.
Bài viết này nhằm đặt lại vấn đề đối với giả thuyết ban đầu của cách giáo dục tư duy một chiều: chỉ có một đáp án đúng trong mọi vấn đề.
Liệu có luôn có một đáp án đúng chăng?
Nếu có thì có lẽ học sinh không cần phải suy nghĩ nhiều nữa. Họ chỉ cần học theo đáp án của sách giáo khoa, của giáo sư, v.v.
Nếu không thì học sinh Việt Nam đang bị “ép” phải suy nghĩ một chiều. Họ không có sự lựa chọn nào khác. Bất chợt tôi nhớ tới lời than của Chí Phèo: “Tôi muốn lương thiện, ai cho tôi lương thiện?”
Giả sử nếu có hai cách nghĩ về một vấn đề và cô học sinh A muốn chọn cách nghĩ B. Tuy nhiên đáp án của ngành giáo dục là A. Trong trường hợp đó, có lẽ cô học sinh ấy sẽ than, tôi muốn trung thực, ai cho tôi trung thực?


Trích Xuân Mỹ.

myhanh
07-08-2009, 09:53 AM
Đọc cái tựa đề tưởng đâu một vấn đề lớn tuy nhiên tư duy và cách lập luận của người viết lại nhỏ nên thấy sao sao? Hình như người viết cũng không đang trung thực với suy nghĩ của mình, người viết đang cố tình áp đặt "số 1", "duy nhất" và như một biện pháp hoán dụ xa xôi nên khá gượng gập....
Ví dụ đang nói chủ thể là "giáo dục" nhưng cái luận cứ:
Lớn lên khi đi thi đại học thì học sinh được đưa vào “lò luyện thi” để học nằm lòng cách giải toán hay cách làm văn theo mẫu.

thì lại trớt qướt. Vì chủ thể ở đây là học sinh chứ không phải là "giáo dục".
Vài dòng suy nghĩ khi đọc bài viết.

Lai Quoc Dat
07-08-2009, 11:39 AM
Có mấy vấn đề cần bàn về chuyện đáp án duy nhất ở đây:

1. Sách GK được hiểu là hệ thống quy chuẩn, định hướng cái chung nhất cho số đông người có thể có hiểu và thực hiện được. Do đó, đáp án của nó phải có và duy nhất trên nền tảng của của số đông đó. Dù năng lực biên soạn sách GK của VN có nhiều hạn chế, nhưng cần hiểu vai trò của SGK là như thế. Hiện nay, tai sao SGK của ta có nhiều biến động như thế? Vì cơ bản chúng ta vẫn chưa định hình cho 1 hệ thống giáo dục phù hợp cho nền văn hóa Việt Nam. Sự lúng túng này thể hiện rất rõ qua cách vận hành các chương trình đào tạo. Trong khi đó, trên thế giới, chúng ta thừa biết là có rất nhiều hệ thống giáo dục khác nhau và mỗi hệ thống có những đặc trưng riêng, ưu điểm riêng và quan trọng nhất là phải phù hợp với nền văn hóa của dân tộc đó. Còn tư duy độc lập, thực ra, chúng ta vẫn có những hệ thống riêng cho những tư duy đó (nếu ko có thì chắc cũng không có trường LQĐ đâu). Thử hinh dung xem, nếu đem cách dạy của các thầy cô dạy chúng ta mà áp dụng cho các trường mà trình độ học sinh có thể yếu hơn (hơi tế nhị), liệu có phù hợp không? Tôi nghĩ là không vì HS LQĐ có khả năng tự học và làm việc độc lập.

2. Xu hướng chung của Giáo dục VN vẫn khuyến khích sự sáng tạo. Lỗi ở đây ko nằm ở hệ thống GD, mà phần lớn nằm ở người tham gia vào hệ thống giáo dục đó. Khi khuyến khích sự sáng tạo thì rất nhiều cá nhân từ người học, người dạy và cả người quản lý lợi dụng những vấn đề đó vì quyền lợi cá nhân.

3. Sự trung thực của 1 cá thể phần lớn do xã hội đó quyết định. Khi sống dưới 1 áp lực càng lớn thì sự trung thực có nguy cơ bị giảm đi càng nhiều. Nhìn lại thực trang trình độ phát triển xã hội Việt Nam trong lịch sử so với các dân tộc lớn khác trên thế giới, chúng ta có thể tự hào về quá trình chiến đấu giữ gìn độc lập dân tộc, nhưng về khoa học kỹ thuật, về văn hóa, có lẽ chúng ta cần đánh giá 1 cách thật trung thực, là chúng ta không bằng được các nền văn minh trên thế giới, những nền văn minh mà chúng ta dùng làm chuẩn để so sánh. 1 trong những nguyên nhân có phải là do xã hội VN thường đánh giá trọng hình thức hơn nội dung? Ngày xưa thì ko biết, nhưng bây giờ thì thấy có vẻ đúng. Sự trọng hình thức đó dẫn đến 1 việc là chúng ta coi trọng bằng cấp và xem bằng cấp như 1 chứng chỉ cho địa vị xã hội. Đó là lý do tại sao người học chịu áp lực và người dạy chịu áp lực, cả nhà quản lý cũng thế. Chúng ta thường cứ cho là Giáo Sư là nhà bác học, BS luôn được đánh giá cao tuyệt đối trước 1 y tá. Nhưng nếu đánh giá trung thực, đó cũng chỉ là nghề nghiệp, 1 cái nghề như bao cái nghề khác trong xã hội. Vì cách nhìn của xã hội, làm cho mỗi cá nhân phải cố gắng có bằng cấp, và khi năng lực không tương xứng với bằng cấp, tất sẽ có tiêu cực. Hãy thử xem tai sao ở VN mọi người đều muốn vào ĐH là vì sao? Tại sao cơ cấu nhân lực của chúng ta mất cân đối: thừa thầy thiếu thợ. Phải chăng đó là do cách đánh giá của xã hội về 1 con người thông qua bằng cấp chứ không bằng năng lực tương ứng với người đó? Điều đó gây ra ngộ nhận khi mỗi người thực hiện định hướng nghề nghiệp cho mình???

4. Chúng ta thường đổ lỗi quá nhiều cho giáo dục. Đồng ý là giáo dục là 1 trong các nền tảng để phát triển xã hội. Nhưng giáo dục là sự tham gia của nhiều thành phần. Trong đó, trường học chỉ là 1 thành phần mà thôi. Về phần giáo dục tính cách, gia đình mới là quan trọng nhất. Các bài giảng trên lớp chỉ là lý thuyết suông, học sinh sẽ tìm những ví dụ thực tiễn ngay trong chính gia đình. Nhà trường dạy 1 đứa bé đi đúng luật giao thông trong khi đó, mỗi sáng chúng đến trường trên những chiếc xe chạy sai luật giao thông. Ở trường chúng được dạy vứt rác đúng chỗ nhưng ở nhà người lớn cứ vứt rác ra đường. Ở trường dạy chúng không chửi thề nhưng ở nhà người lớn lại có thể chửi thề v.v... Đó chỉ là những chuyện nhỏ nhưng nó cũng góp phần rất quan trọng tạo nên tính cách của 1 con người. Dần dần, những đứa bé như thế sẽ nghi ngờ những gì nó được học ở trường. Và kết quả là giáo dục phản tác dụng trong 1 giới hạn nào đó.


5. Đồng ý với myhanh về ý kiến nhận xét trên. Đọc bài viết xong, viết vài ý để trao đổi với mọi người. Nhưng thực ra, thấy cái tựa và nội dung bài viết trên không tương thích với nhau.

6. Xã hội hóa giáo dục, được hiểu là ngoài nhà trường, mọi thành phần trong xã hội phải tham gia vào quá trình đào tạo con người cho tương lai của đất nước bằng những việc cụ thể, nhỏ nhất, bình thường nhất. Chứ xã hội hóa giáo dục mà được hiểu theo nghĩa là chung vốn mở trường thì xem ra, chưa đúng lắm.